Hiển thị các bài đăng có nhãn >400. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn >400. Hiển thị tất cả bài đăng

Suy tư tháng 11 _ mong manh phận người!

Mong Manh Phận Người!
Còn lại gì? Còn lại chăng là những vết tích tôi đã làm khi còn sống, có người nhớ tôi vì tôi đã từng đi chung với họ trên quãng đường cuộc đời, có người ghi dấu ấn nụ cười tươi khi tôi trao ban, người lưu lại những điều tốt tôi đã từng làm.  
Tiểu Hổ

Suy tư phục sinh _ hiện tượng nhục thân bất hoại


Quyền năng siêu nhiên
HIỆN TƯỢNG XÁC CÁC THÁNH
KHÔNG HƯ NÁT
Có những thi thể không bị rữa nát qua thời gian dù không trải qua bất cứ sự can thiệp kỹ thuật nào. Hiện tượng có vẻ đi ngược với quy luật tự nhiên này được gọi là nhục thân bất hoại (incorruptible body).  
(sưu tầm)

GLCG - thảo kính cha mẹ

Bài 16. THẢO KÍNH CHA MẸ
ĐIỀU RĂN THỨ TƯ
113.      Điều răn thứ tư dạy ta những gì?
Ngay sau ba điều răn đầu trong bia đá thứ nhất dạy ta phải kính mến Thiên Chúa, bia đá thứ hai bắt đầu với điều răn thứ tư dạy ta phải thảo hiếu với cha mẹ. “Thiên Chúa muốn rằng, sau Ngài, chúng ta phải tôn kính cha mẹ, là những vị chúng ta phải chịu ơn về sự sống, và là những vị đã lưu truyền cho chúng ta sự nhận biết Thiên Chúa. Chúng ta cũng buộc phải tôn kính tất cả những người được Thiên Chúa trao ban quyền bính của Ngài để mưu ích cho chúng ta”. [1] 
Điều răn thứ tư dạy ta sống đúng chức phận của mình trong đời sống gia đình, Giáo Hội và xã hội, mà trước hết là thảo kính cha mẹ cho tròn chữ hiếu.
Điều răn này còn mở rộng tới các mối tương quan: giữa thầy - trò, chủ - thợ, trên - dưới, giữa công dân với tổ quốc và những người điều hành, cai trị đất nước [2]
114.          Điều răn thứ tư được lập ra với mục đích gì?
Điều răn này nhằm bảo vệ thể chế các cộng đoàn trong xã hội, như gia đình, làng xóm, công xưởng, nhà nước. . . “Điều răn này được trình bày dưới hình thức tích cực, ấn định những bổn phận phải chu toàn, và chuẩn bị cho những điều răn tiếp theo, đòi buộc con người phải tôn trọng sự sống, hôn nhân, của cải trần thế và lời nói. Đấy là một trong những nền tảng của học thuyết xã hội của Hội Thánh”. [3]
Vì thế, việc tuân giữ điều răn này sẽ đem lại lợi ích lớn lao cho mọi người đang sống trong “một xã hội”, vì nó gìn giữ, kiện cường, và làm nẩy sinh hoa trái là sự an hòa, thịnh vượng ở đời này; cũng như phần thưởng cho cuộc sống thiêng liêng đời sau: “Hãy tôn kính cha mẹ ngươi để ngươi được sống lâu trên phần đất mà Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi” (Đnl 5,16). Trái lại những ai không tuân thủ giới luật này, và cả cái xã hội mà họ sống trong đó, sẽ chịu thiệt hại lớn lao về nhiều phương diện.
115.          Tại sao con cái phải thảo kính cha mẹ?
Con cái phải thảo kính cha mẹ, vì:
a. Cha mẹ là người thay quyền Chúa  mà nuôi nấng, dưỡng dục ta. “Lòng tôn kính của con cái, còn nhỏ hay đã trưởng thành, đối với cha và mẹ mình được nuôi dưỡng bằng tình cảm tự nhiên xuất phát từ mối dây kết hợp họ.
"Lòng tôn kính đó được đòi buộc bởi một điều răn của Thiên Chúa” [4] vì những gì cha mẹ làm để nuôi dưỡng, dậy dỗ con cái là làm công việc Thiên Chúa; ngược lại, những gì con cái cư xử với cha mẹ mình cũng có thể xem là cư xử với Thiên Chúa: Trong Cựu Ước, chữ trọng kính (Kabbod) được dùng chung cho Thiên Chúa, đền thờ, sách thánh và cha mẹ; con cái phạm tội bất hiếu với cha mẹ cũng phải chịu cùng một hình phạt với tội nguyền rủa Thiên Chúa:
“Bởi chưng người nào, bất cứ ai, mà rủa cha mẹ mình, tất phải chết” (Lv 20,9),
“Bất cứ ai, nguyền rủa Thiên Chúa của nó. . . , tất phải chết” (Lv 24,15-16).
b. Sau Thiên Chúa, cha mẹ là những đại ân nhân của con cái: “Lòng tôn kính cha mẹ dựa trên sự biết ơn đối với những người, bằng việc trao ban sự sống, bằng tình yêu và công lao của mình, đã sinh ra các con cái mình, giúp chúng có khả năng lớn lên, về sự khôn ngoan và ân sủng”. [5]
Tục ngữ có câu: “Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ” để diễn tả những nỗi vất vả, cực khổ, thức khuya dậy sớm của cha mẹ để chăm sóc cho con cái được miếng ăn ngon, được giấc ngủ yên, được học hành, được vui chơi. . . Tình thương yêu của cha mẹ dành cho con cái thật vô cùng lớn lao, đúng như câu ca dao: “Công cha như núi Thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.
Con cái phải kính mến cha mẹ bao nhiêu cho đủ được!
“Hãy hết lòng tôn kính cha con, và đừng quên ơn mẹ đã mang nặng đẻ đau. Hãy luôn nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành, công ơn ấy con lấy chi đáp đền cho cân xứng” (Hc 7, 27-28).
116.          Con cái có những bổn phận nào đối với cha mẹ?
Con cái phải thảo kính cha mẹ, nghĩa là phải kính mến, vâng lời, và giúp đỡ cha mẹ, khi còn sống cũng như khi đã qua đời.
117.          Ta phải kính mến cha mẹ như thế nào?
Sự kính mến cha mẹ trước hết là ở trong lòng: Chúng ta phải quí mến cha mẹ trên hết mọi sự ở đời. Dù cha mẹ có già yếu, nghèo hèn, tật nguyền, thô lỗ. . . kẻ làm con vẫn phải một niềm kính mến những người thay mặt Chúa, cũng là những đại ân nhân của mình.
“Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già, bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung túc mà khinh dể người” (Hc 3,12-13).
Lòng kính mến đó lại phải được tỏ ra bên ngoài qua những lời nói lễ độ, hành vi nhũn nhặn thảo kính. Tránh xa lời nói, hành vi tỏ ra bất kính với cha mẹ, như ăn nói thô lỗ, ngạo mạn với cha mẹ, khinh miệt lời dạy bảo của cha mẹ, không dám nhìn nhận cha mẹ vì cha mẹ nghèo hèn, chế nhạo các khuyết điểm của cha mẹ, chửi mắng, nguyền rủa, đánh đập cha mẹ, bỏ nhà ra đi làm ô danh gia đình, hay cầu cho cha mẹ chết sớm để hưởng gia tài …
118.          Ta phải vâng lời cha mẹ như thế nào?
“Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa” (Cl 3,20).
“Bao lâu còn chung sống với cha mẹ, con cái phải tuân giữ mọi điều cha mẹ dạy liên quan đến lợi ích bản thân hoặc của gia đình”, [6] nhất là khi còn ở dưới tuổi thành niên.
“Khi trưởng thành, con cái vẫn phải tôn kính cha mẹ, phải biết đón trước điều cha mẹ mong muốn, sẵn sàng hỏi ý kiến và đón nhận những lời khuyên bảo chính đáng của cha mẹ. Không còn vâng lời đối với cha mẹ như khi còn sống chung với cha mẹ nữa, nhưng lòng tôn kính thì không như thế, mà phải tồn tại mãi mãi”. [7]
Đối với người giám hộ, chúng ta cũng phải vâng lời như là đối với cha mẹ vậy: “Con cái cũng phải theo những lời dạy bảo hữu lý của những người giáo dục chúng, và của những người cha mẹ đã giao phó chúng cho họ chăm sóc. Nhưng nếu người con theo lương tâm, thấy vâng theo một lệnh truyền nào đó là làm điều xấu về mặt luân lý, thì không được vâng lời”. [8]
119.          Con cái phải giúp đỡ cha mẹ như thế nào?
Con cái có trách nhiệm giúp đỡ cha mẹ trong những nhu cầu của thân xác và linh hồn, nhất là trong những lúc nghèo khó, ốm đau, già yếu. . .
Về phần xác, người con hiếu thảo phải tuỳ khả năng của mình mà lo  liệu cơm nước, thuốc men, cho cha mẹ trong lúc tuổi già sức yếu;
Về phần hồn, con cái phải thăm viếng, an ủi khi cha mẹ già yếu, đau bệnh; nếu cha mẹ khô khan việc đạo, phải cầu nguyện và khuyên can cha mẹ với lòng tôn kính.
Khi cha mẹ đau nặng thì con cái phải lo giúp cho các ngài được lãnh nhận các bí tích cần thiết, khi qua đời thì lo chôn cất, cầu nguyện, xin lễ cho các ngài, và có bổn phận thực hiện những gì cha mẹ đã di chúc lại.
“Như người lộng ngôn, kẻ bỏ bê cha, kẻ khinh rẻ mẹ, chọc giận Đấng tạo thành ra nó” (Hc 3,16).
120.          Ích lợi của sự thảo hiếu với cha mẹ là gì?
Người con biết kính mến, vâng lời, và giúp đỡ cha mẹ sẽ làm đẹp lòng Chúa và mua lấy cho mình những phước lành của Thiên Chúa, như lời Ngài đã phán: “Hãy kính trọng cha mẹ ngươi, ngõ hầu ngày đời ngươi được kéo dài trên thửa đất Yavê Thiên Chúa của ngươi sắp ban cho ngươi” (Xh 20,12), “Ai tôn kính cha mẹ mình sẽ được hưởng niềm vui nơi con cái của bản thân mình, và trong ngày nó cầu, nó sẽ được nhận lời” (Hc 3,2-6).
Hơn nữa, sự tôn kính cha mẹ là nguồn mạch cho sự hòa hợp, an vui, trong gia đình; vì làm sao có thể có bất hòa nghiêm trọng giữa những người con thảo hiếu của cùng một cha mẹ? “Triều thiên của người già là đàn con cháu, vinh dự của con cái chính là người cha” (Cn 17,6).
Trái lại, những kẻ bất hiếu sẽ lãnh lấy hoa trái cay đắng mà chính tay nó đã gieo hạt, vì “kẻ rủa cha rủa mẹ, sẽ thấy đèn mình tắt lụi giữa tối tăm” (Cn 20,20).


[1] GLCG 2197
[2] X. GLCG 2199
[3] GLCG 2198
[4] GLCG 2214
[5] GLCG 2215
[6] GLCG 2217
[7] GLCG 2217

GLCG - thánh hóa ngày chúa nhật

Bài 15. THÁNH HÓA NGÀY CHÚA NHẬT
ĐIỀU RĂN THỨ BA
105.      Điều răn thứ ba dạy những gì?
Điều răn thứ ba dạy chúng ta thánh hóa ngày Chúa Nhật; nghĩa là dành riêng ngày đó để thờ phượng Chúa:
Trong ngày Chúa Nhật, mọi người sẽ nghỉ ngơi để bồi dưỡng tinh thần, chăm sóc đến đời sống đạo đức và chu toàn bổn phận thờ phượng Thiên Chúa.
106.      Mục đích của điều răn thứ ba là gì?
Luật thánh hóa ngày Chúa Nhật có nguồn gốc từ ngày Sabat trong Cựu Ước: “Ngươi hãy nhớ ngày Sabat để thánh hoá ngày đó. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm công việc của ngươi. Nhưng ngày thứ bảy là ngày Sabat dành cho Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ngươi sẽ không làm công việc gì trong ngày đó” (Xh 20, 8-10).
Như Sách Thánh đã viết, ngày Sabat được lập ra là để dành cho Chúa; nhưng Chúa Giêsu còn cho chúng ta thấy được ngày Sabat còn có khía cạnh nhân bản của nó nữa: “Ngày Sabat được tạo nên cho con người(Mc 2,27).
a Ngày dành cho Chúa:
Ngày Sabat nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta thuộc về Chúa. Chúng ta phải thờ phượng Ngài, vì Ngài là Thiên Chúa chúng ta, và là mục đích sau cùng của chúng ta.
Con người là một sinh vật có xã hội tính. Vì thế, việc thờ phượng cũng phải mang tính xã hội nữa. Việc dành riêng một ngày trong tuần để cùng nhau thờ phượng Chúa là điều hợp với luật tự nhiên đã ghi tạc trong lòng con người. Con người phải “dâng lên Chúa một sự phụng thờ bên ngoài, dễ thấy, công cộngđều đặn, để tỏ ra sự nhận biết ân huệ phổ quát của Thiên Chúa dành cho mình”. [1]
b. Ngày dành cho con người:
- Con người là hồn và xác. Không thể quá lo cho các nhu cầu của thân xác mà quên đi các nhu cầu của tâm hồn: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh” (Mt 4,4) mà còn nhờ đến Lời Chúa, đến ân sủng cho đời sống siêu nhiên; hơn nữa, người ta cũng cần đến có thời gian cho giải trí, sách báo, giao tiếp. . . cho đời sống văn hóa tinh thần.
- Vả lại, thân xác cũng cần được nghỉ ngơi. Thiên Chúa đã nghỉ ngày thứ bảy, thì con người cũng phải nghỉ, phải “thôi làm việc” (Xh 31,17) để "mọi người có đủ thời gian nghỉ ngơi và nhàn rỗi mà vun trồng đời sống gia đình, văn hoá, xã hội và tôn giáo". [2]
Về phương diện này, luật nghỉ ngày Sabat là một cách bảo vệ người lao động khỏi bị bóc lột quá đáng. "Đây là ngày phản kháng lại khía cạnh nô lệ của việc lao động và sự sùng kính tiền bạc". [3] 
- Ngày của gia đình: Ngày Chúa Nhật giải thoát mọi người khỏi những vướng bận của công việc và đem mọi người lại gần nhau, tạo môi trường thuận tiện cho tình gia đình được nuôi dưỡng và tăng trưởng ngày càng đầm ấm.
- Ngày của xứ đạo, là ngày các tín hữu cùng họp nhau trong một hành vi thờ phượng chung và các sinh hoạt tôn giáo chung. Nó tạo nên sự khích lệ lẫn nhau sống niềm tin, cậy, và yêu mến trong tình liên đới với nhau và với toàn Giáo Hội.
107.      Chúa Nhật có liên hệ thế nào với ngày Sabát?
a. Ngày Sabat kỷ niệm công việc sáng tạo vũ trụ, và việc giải thoát Dân Chúa: “Thiên Chúa ban cho Israel ngày Sabat, để họ tuân giữ như một dấu chỉ giao ước vững bền. Ngày Sabat được hiến dâng cho Thiên Chúa, là ngày thánh dành để chúc tụng Thiên Chúa, ca ngợi công trình sáng tạo và những kỳ công Người thực hiện để cứu Israel". [4]
b. Chúa Nhật là sự hoàn tất ngày Sabat: Chúa Nhật được gọi như thế vì nó nhắc ta nhớ đến cuộc sáng tạo mới được bắt đầu bởi sự phục sinh của Đức Kitô, và là ngày giải phóng chúng ta khỏi ách nô lệ tội lỗi.
108.      Ta phải làm gì để thánh hoá ngày Chúa Nhật?
Chúng ta thánh hoá ngày Chúa Nhật bằng cách tham dự thánh lễ, nghỉ việc xác. Cũng nên làm thêm những việc lành, như dự giờ kinh chung, làm việc bác ái, việc tông đồ.
"Vào ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc khác, tín hữu buộc phải tham dự thánh lễ; và hơn nữa, kiêng việc làm những công việc hay hoạt động làm ngăn trở sự thờ phượng Thiên Chúa, sự hưởng niềm vui riêng của ngày của Chúa, hoặc sự nghỉ ngơi cần thiết cho tâm trí và thân xác". [5] 
- Dự thánh lễ:
Giữ ngày Chúa Nhật và cử hành Thánh Thể là trung tâm đời sống của Hội Thánh: “Theo truyền thống các tông đồ, ngày Chúa Nhật, ngày cử hành mầu nhiệm vượt qua, phải được giữ trong toàn thể Hội Thánh như ngày lễ buộc". [6]
"Vào ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc khác, tín hữu buộc phải tham dự thánh lễ". [7]  Nếu vì lý do khẩn trọng mà không thể tham dự thánh lễ được, thì nên tham dự cử hành phụng vụ Lời Chúa, hoặc dành một thời gian thích hợp để cầu nguyện cá nhân hay cùng với cả gia đình, hoặc cùng một nhóm gia đình. [8] 
Dự bất cứ thánh lễ gì (lễ cưới, an táng …) vào chiều áp lễ buộc được coi là đã giữ luật: "Ai tham dự thánh lễ theo nghi thức Công giáo vào chính ngày lễ hoặc chiều hôm trước, là chu toàn luật buộc dự lễ". [9]
- Nghỉ việc xác:
“Cũng như Thiên Chúa “khi làm xong mọi công việc của Ngài, ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi” (St 2,2), cuộc sống của con người cũng theo nhịp độ của sự làm việc và sự nghỉ ngơi. Ngày của Chúa được đặt ra góp phần vào việc giúp cho mọi người được nghỉ ngơi và rảng rang để vun trồng đời sống gia đình, sinh hoạt văn hóa, xã hội và tôn giáo”. [10]
Vì thế, trong ngày Chúa Nhật và các ngày lễ buộc, các tín hữu sẽ "kiêng làm những công việc hay hoạt động làm ngăn trở:
- sự thờ phượng Thiên Chúa,
- sự hưởng niềm vui riêng của ngày của Chúa,
- hoặc sự nghỉ ngơi cần thiết cho tâm trí và thân xác" [11]  
109.      Ta phải dự thánh lễ Chúa Nhật như thế nào?
Chúng ta có nghĩa vụ phải tham dự thánh lễ Chúa Nhật một cách tích cực, trọn vẹn, và có sự hiện diện cách luân lý.
- Tích cực: Là tham dự một cách ý thức, linh động và hữu hiệu các nghi lễ trong thánh lễ. Ai cố tình chia trí trong một phần quan trọng của thánh lễ được kể là chưa dự lễ nên.
- Trọn vẹn: Là tham dự thánh lễ từ đầu cho đến hết. Không kể là đã dự lễ, nếu chúng ta xem hai phần lễ từ hai lễ khác nhau, hoặc bỏ một phần quan trọng, như đến muộn mất phần phụng vụ Lời Chúa.
- Hiện diện cách luân lý: nghĩa là phải đích thân có mặt và liên kết với cộng đoàn dự lễ. Như thế, chúng ta không thể xem lễ qua tivi, hoặc đứng tách biệt khỏi cộng đoàn.
110.      Khi nào được miễn giữ luật ngày Chúa Nhật?
a. Chúng ta được miễn dự thánh lễ ngày Chúa Nhật khi có những lý do quan trọng như:
- Bệnh tật, không thể đến nhà thờ được.
- Phải ở nhà chăm sóc trẻ sơ sinh, người bệnh, không thể đi lễ được; hoặc ở quá xa nhà thờ, hoặc vì thời tiết quá xấu, hoặc vì kế sinh nhai . . .
Trong những trường hợp không rõ, nên hỏi cha Sở để biết mà giữ cho đúng; còn trong những trường hợp khác, thì có thể xin cha Sở cho phép tha dự lễ, từng lần một. [12]
b. Chúng ta được phép làm việc trong ngày Chúa Nhật khi “có trách nhiệm gia đình hay nghĩa vụ xã hội quan trọng”, như:
- Đó là việc khẩn cấp, như gặt lúa khi đến ngày gặt, 
- Vì lợi ích chung của xã hội.
Tuy thế, chúng ta cũng phải cẩn thận “đừng để những miễn chuẩn này dẫn đến thói quen thờ ơ với việc thờ phượng, với cuộc sống gia đình hay sức khoẻ của mình”. [13] 
111.      Các lễ nào cũng buộc giữ như Chúa Nhật?
Chúng ta phải dự lễ và nghỉ ngơi vào mười ngày lễ khác, quen gọi là lễ buộc. Đó là các lễ: Giáng sinh, Hiển linh, Thăng Thiên, Mình Máu Thánh Chúa Giêsu, Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội, Đức Mẹ hồn xác lên trời, lễ thánh Giuse, lễ hai thánh Phêrô và Phaolô, và lễ Các Thánh. [14]
Tuy nhiên, với sự phê chuẩn của Toà Thánh, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã chuyển một số lễ buộc trên qua ngày Chúa Nhật, bỏ bớt một vài lễ buộc, để chỉ còn buộc các tín hữu ở miền Nam một ngày lễ buộc là lễ Giáng Sinh (tổng giáo phận Sàigòn và Huế); các tín hữu miền Bắc còn bốn lễ buộc là Giáng Sinh, Thăng Thiên, Đức Mẹ hồn xác lên trời, và lễ Các Thánh (tổng giáo phận Hà Nội).
112.      Có buộc tham dự các lễ trọng không?
Giáo Hội buộc chúng ta tham dự các lễ buộc theo luật như trên; còn các lễ trọng khác, như lễ Truyền Tin, lễ Sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả ... đều không buộc. Trong thực tế, nhiều lễ buộc và lễ trọng được dời vào ngày Chúa Nhật để tiện cho mọi người có thể tham dự.


[1] Thánh Tôma Aquinô, S th 2-2, 122,4
[2] Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 67
[3] GLCG 2172
[4] GLCG 2171
[5] Giáo luật 1247
[6] Giáo luật 1246, §1
[7] Giáo luật 1247
[8] x. GLCG 2183
[9] Giáo luật 1248, §1
[10] GLCG 2184
[11] Giáo luật 1247
[12] x. Giáo luật 1245
[13] GLCG 2185
[14] Giáo luật 1246, § 1
Câu 105   106   107   108   109   110   111   112

5 phút cho Chúa _ dám từ bỏ để được nước trời

28/07/10 THỨ TƯ TUẦN 17 TN
Mt 13,44-46
DÁM TỪ BỎ ĐỂ ĐƯỢC NƯỚC TRỜI
“Nước Trời giống như chuyện kho báu
chôn giấu trong ruộng…”
(Mt 13,44)