Truyện thánh Phanxicô _ kinh nghiệm buổi đầu

CHƯƠNG VI
KINH NGHIỆM BUỔI ĐẦU
NHỮNG NGÀY THỬ SỨC
Giờ đây nhà tu hành trẻ của chúng ta đã đứng đầu một nhóm chiến sĩ Phúc âm can đảm, sẵn sàng theo lệnh của đức Nghèo.
Từ buổi đoàn có vỏn vẹn có bốn người, các chiến sĩ đã lên đường thử sức. Bốn người chia thành hai toán đi giảng đạo. Phanxicô đi cùng Êgiđiô đến Marchia Ancônê, là một tỉnh láng giềng với Ombria. Còn Bernađô và Phêrô đi về hướng nào không ghi rõ.
Lúc đầu dân chúng không nô nức, Phanxicô đành ca hát để hấp dẫn. Ngài hát những bài tán tụng lòng nhân lành Thiên Chúa bằng thổ ngữ Provence. Ngài còn tùy hứng hát những bài vui diễn tả lòng mộ mến Đức Nghèo. Qua thôn, qua xóm, hễ gặp ai là ngài đứng lại gợi chuyện. Nói chuyện thôi, lần đi giảng này chưa phải là đi giảng. Khi dừng lại ở một công trường hay một ngã ba, xen vào bài hát tùy hứng, Phanxicô chỉ nói vài lời, nhắc nhở mọi người kính sợ Chúa và lo ăn năn hoán cải. Còn Êgiđiô không quen đến chỗ đông người, thường chỉ im lặng, đứng vào một góc công trường. Khi Phanxicô dứt lời, anh ngại ngùng nói tiếp:
-              Anh chị em ạ! Cứ làm đúng như lời người anh em thiêng liêng của tôi nói đây – Anh tôi nói rất đúng. Không ai nói hơn anh tôi được.
Truyện Thánh Phanxicô do Ba Người Bạn Đồng Hành thuật, kể rằng chuyến đi đầu tiên này, các vị thừa sai mới không thu được kết quả nào đáng kể. Gặp lắm nơi, dân chúng không buồn nghe, vì nghe giảng vốn là chuyện phiền, mà lối ăn bận lạ lùng kia lại càng tai hại cho uy tính người giảng. Họ hỏi nhau rằng:
-              Bọn người đi chân đất, mặc áo thô, huyên thuyên này muốn gì? Chúng nó dở hơi hay là điên?
Một số ít hỏi như thế, còn số đông lắc đầu chán nản. Họ cho đó là điềm chơi không hay. Đàn bà yếu bóng vía và trẻ con nhát đảm cứ gặp anh em là hú hồn bỏ chạy. Vài kẻ khôn ngoan không rõ đây là thánh hay điên đành im lặng.
Riêng Phanxicô, ngài không chú trọng đến kết quả. Đức tin thúc đẩy đi thì đi. Thành công là việc Chúa Quan Phòng, đến sớm hay muộn, bao giờ cũng được. Ngài thấy lòng luôn luôn sáng bừng hy vọng và như sắp được đứng đầu một đạo binh đông đúc. Quân binh toàn là hiệp sĩ tuyển lựa của bà Chúa Nghèo, cùng nhau đi truyền đạt khắp thế gian sứ mệnh hoán cải, thương yêu và hòa bình.
Trên đường về Porziuncôl, Phanxicô tâm sự với Êgiđiô:
-              Em ạ, dòng ta như một người đánh cá, thả lưới xuống nước, kéo lên đủ thứ cá. Cá nhỏ thì loại đi, chỉ lấy nguyên cá lớn. Chúng ta chỉ chọn lọc và chỉ giữ lại những phần tự tốt thôi.
Thấy Phanxicô nhận thêm đồng bạn, người Assisi lại càng thắc mắc. Họ hỏi nhau:
-              Anh chàng này sẽ đi tới đâu? Chừng nào anh ta mới dừng lại?
Khả nẳng phản ứng và chí thông minh dè dặt truyền thống của người dân thành Assisi trước những sự kiện mới lạ, giờ đây đã chỗi dậy. Trong nhà ngoài đường dân thành bảo nhau chán nản:
-              Bọn Phanxicô quấy rối trật tự. Chúng đã gieo vào những ý nghĩ mới giữa nề nếp thành nhà. Tương quan gia đình bằng hữu không còn nữa rồi. Chúng dám can thiệp vào việc riêng nhà người ta. Có người đang ăn chơi đình đám bỗng vì chúng bỏ bạn bè ra đi. Có người đang chuẩn bị báo thù nhà và lo rửa nhục cho gia tộc, bỗng vì chúng tra gươm vào vỏ, thôi không nói chuyện giết chóc đổ máu nữa. Có phải vì chúng mà sinh ra rụt rè do dự thế này thì còn làm ăn gì được nữa!
Dân thành còn kết tội anh em:
-              Bọn Phanxicô chỉ được cái ăn bám. Nếu chúng biết giữ lại chút ít của cải thì đâu phải lê những tấm thân khỏe mạnh như thế đến cửa người ta mà ăn xin.
Và từ đây, đi hành khất, anh em được bố thí thì ít mà chịu sỉ nhục thì nhiều. Cả một dư luận phản đối. Tình trạng có thể đi đến đụng chạm. Đức Giám mục Guiđô phải can thiệp vào. Ngài muốn Phanxicô chặn đứng lại một thác nước vừa mới khai thác. Năm ngoái khích lệ Phanxicô ở tòa án, vị Giám mục Assisi có ngờ đâu rằng người thanh niên ấy muốn lập đoàn lập hội. Lần này ngài bảo thẳng Phanxicô:
-              Cơm ăn nhà ở là sự cần thiết cho bất cứ một nhóm người nào. Nay xét tình trạng các con không cơm ăn nhà ở, xét nhân tình lại xáo động vì các con, cha thấy rằng lối sống của các con quá cực khổ. Liệu rồi có kham nổi mãi không?
Thoáng hiểu ý Đức Cha muốn gì, Phanxicô đành xếp lại lòng vị nể ân nhân, thưa lên:
-              Kính lạy Đức Cha, nếu có tài sản, chúng con lại phải dùng khí giới để bảo vệ. Đức Cha cũng đã thấy của riêng thường gây nên tranh dành kiện cáo nhau, tổ hại lòng mến Chúa yêu người. Vì thế chúng con chẳng dám co của riêng ở thế gian này.
Tình trạng không ổn trong thành vì tranh giành tài sản cũng làm chứng cho lời Phanxicô nói. Vị Giám mục chẳng biết nói gì hơn. Để ngài an tâm, Phanxicô trình bày với ngài rằng anh em không lười biếng và lúc nào cũng cần mẫn kiếm việc làm nuôi thân. Trường hợp tối cần mới phải đi ăn xin từng nhà.
Những tháng tiếp sau, tình trạng đã ổn, Đức Giám mục lại giúp thêm điều kiện sống chung. Nhưng anh em vẫn cố gắng theo ơn gọi. Ai cũng khuôn mình theo đòi hỏi của bà Chúa Nghèo. Nhà cửa không có. Porziuncôla chỉ là nơi tạm trú, để gọi là nơi tập hợp mà thôi. Mười hai anh em mà chỉ vỏn vẹn có túp lều tranh chật hẹp, trước đây vốn chứa không đủ bốn anh em. Thời giờ thì dốc vào việc giúp ích đồng bào. Những ngày không đi giảng để làm chứng Phúc âm thì mỗi người đi làm một việc. Có người đi làm công cho các đan viện hay các nhà tư. Có người cày thuê cuốc mướn ngoài đồng. Có người lại chăm sóc bệnh nhân trong các trại phong lân cận. Như thế lại còn đến ngửa tay xin ăn từng nhà là cũng vì có những người tàn tật, những người phong phải nuôi dưỡng, nhất là đi làm công thì Phanxicô nhất định không cho nhận tiền bạc, không cho lo lắng đến ngày mai.
Đi ăn mày thì anh em vẫn ngại lắm. Buổi đầu thì Phanxicô cố tránh cái nhục ấy cho anh em. Truyện Thánh Phanxicô do Ba Người Bạn Đồng Hành thuật kể rằng hằng ngày sẵn thân hình yếu đuối và sức khỏe kém, Phanxicô vẫn ngửa tay xin từng nhà.
Đến những ngày sức quá yếu mà không ai dám tình nguyện đi thay, ngài mới bảo anh em:
-              Anh em yêu dấu, rồi anh em cũng phải can đảm đi xin. Vì theo gương Chúa chúng ta và Mẹ Thánh Người, anh em đã chọn đời nghèo trần trụi. Đừng tưởng đây là việc nhục nhã khó làm. Anh em chỉ nói nguyên lời này: “Xin anh chị em bố thí cho tôi vì lòng yêu mến Chúa”. Các ân nhân của anh em sẽ được đền ơn lại và sẽ được nhận một ơn lành vô giá là tình yêu Chúa. Như thế là anh em lại đứng vào thế kẻ đổi trăm phần lấy một. Thôi, đừng thẹn thùng mắc cỡ nữa. Cố can đảm mà đi.
Buổi ấy anh em chưa đông để đi đôi cho có bạn. Mỗi người đi riêng một lối. Nhiều bữa đi về thỏa mãn lắm. Có anh còn cao hứng so đo kết quả hơn thua. Dĩ nhiên là anh đầy bị hài lòng, được cha thánh ban lời khen. Từ đó anh em hiểu rõ giá trị lối ăn xin khiêm nhường này. Ai nấy điều cho đó là một hân hạnh, một ơn riêng, và tranh nhau đi. Nhưng để hạn chế bớt lòng nhiệt thành và tránh lạm dụng, ai muốn đi phải có phép riêng.
Về thời biểu hằng ngày của anh em thì ngày đi làm việc, tối về thức khuya cầu nguyện. Mỗi đêm anh em chỉ ngủ vài giờ rồi dậy sớm đọc kinh ngợi khen Chúa.
Từ đầu hè đến cuối thu năm 1209, sống bên cạnh nhà thờ Đức Bà Thiên Thần, Phanxicô chú trọng đến việc huấn luyện anh em, bần cùng hóa anh em và tạo cho anh em một hoàn cảnh chỉ còn biết bám chặt vào Chúa Quan Phòng. Phanxicô thấy phải lo lắng cho các môn đệ biết sống đời sống thiêng liêng, hướng dẫn họ trên đường lý tưởng, giáo dục, ủi an và dạy họ cách suy gẫm cầu nguyện. Ngài tập cho họ biết khiêm nhường thống hối, và khuyến khích họ tiến bước vững vàng trên con đường hoàn thiện. Như một họa sư dạy các họa sĩ trẻ tuổi nghiên cứu một bức danh họa, Phanxicô cũng dạy anh em hiểu biết thân thế Chúa Giêsu. Dư âm những bài học này còn vang vọng lại trong Di Chúc: “Khi Chúa ban cho tôi có anh, không ai bảo tôi phải theo một lối giáo dục nào hết. Chỉ có Chúa Cao Cả dạy tôi thể thức huấn luyện anh em mà thôi”. Như thế là vị Thánh Tổ sáng lập dòng mới này không nợ nần gì các nhà lập luật và các vị tu hành xưa. Ngài không theo đường lối có sẵn và không bắt chước ai.
Riêng anh em, càng hiểu Lời Chúa cao siêu càng nhận thấy vô số nhược điểm trong đời sống thiêng liêng. Bernađô run sợ về ơn bền đỗ. Phêrô bị lẽ khôn ngoan người đời làm cho rụt rè do dự, muốn rẽ đường. Êgiđiô siêu nhiên là thế mà cũng đâm ra hoa mắt trước hào nhoáng của thế trần. Nỗi ưu tư trong tâm hồn riêng ai cũng có, nhưng anh em âm thầm chịu đựng, họa hoằn lắm mới có người để lộ cuộc chiến đấu nội tâm ra ngoài.
Chung một lòng yêu mến Đức Nghèo, chung một mục đích thể hiện lý tưởng Phúc âm, cảnh sống ấy đoán kết anh em thành một khối và thêm sức mạnh cho mỗi người. Sau mỗi chuyến đi giảng về, anh em gặp lại nhau, ai cũng hân hoan vui sướng. Bao nhiêu gian khổ tan biến hết.
Đối với anh em, Phanxicô là một vị thiên thần hộ mệnh. Được săn sóc anh em ngài cho là một hạnh phúc. Còn anh em đối với Phanxicô thì thực lòng tin cậy, đem tâm sự kể rõ cho ngài nghe, từ một cơn cám dỗ cho đến một ý nghĩ thầm kín trong lòng, không ngại ngùng em lệ. Nhiều lúc không cần phải nói ra, vì Chúa cho ngài thấy rõ chuyện lòng anh em như đọc trên một trang sách mở ra trước mắt.
Lúc đi công tác tông đồ, anh em vẫn giữ nguyên mức sống như ở Porziuncôla. Ngày thì tận tụy lo việc giảng dạy hoặc lo giúp đỡ anh em phong và dân nghèo. Đêm đến thì nằm nhờ ở xó bếp góc lều, hoặc những nơi dành riêng cho tôi tớ nhà giàu sang, cùng lắm thì có hè phố và cửa nhà thờ. Khi bị ai tàn nhẫn gạt công thì anh em chạy đến bàn ăn Chúa, nghĩa là đi ăn mày từng nhà. Bị ai sỉ nhục thì anh em nhớ đến lời dạy của Phanxicô, tập kiên nhẫn và suy về sự khó Chúa Giêsu.
Nhờ lối tu dưỡng của vị Thánh Nghèo, đời anh em chỉ còn là một đời khách lữ hành theo gót Thầy Chí Thánh, thể hiện Phúc âm. Đó là nguồn vui bất diệt của anh em trong cuộc đời khắc khổ này.

MỤC LỤC