Truyện thánh Phanxicô _ lên đường đến Rôma

CHƯƠNG VII
TRƯỚC GIÁO TRIỀU RÔMA
LÊN ĐƯỜNG
Năm 1210. Mùa xuân mới về.
Gió hiền hòa tung tia nắng đẹp giữa không gian. Mười hai anh em từ giã Porziuncôla, lên đường đi Rôma. Lúc ra đi, Phanxicô đề nghị:
-              Anh em hãy chọn một người trong đoàn làm người dân đường. Mọi người phải vâng lòi anh ấy như vâng lời Chúa. Anh chỉ ngã nào, ta theo ngã ấy. Anh bảo trọ lại đâu, ta trọ lại đấy.
Anh Bernađô đắc cử.
Và cuộc hành trình thật là may mắn. Ngày mùa xuân dài, anh em đi được nhiều đường đất. Tối đến anh em thường gặp những người từ tâm cho tạm trú. Riêng Phanixicô, chuyến đi này, ngài đầy niềm tin tưởng. Thế nào lúc đọc bản luật Nghèo, do Phanxicô vắn tắt soạn thảo, và đệ trình lên bản luật Dòng, Đức Giáo Hoàng Innôcentiô III cũng châu phê không ngần ngại. Ở trần gian này Đức Nghèo chính là bạn trăm năm của Chúa Cứu Thế. Đức Giáo Hoàng là đại diện Chúa Cứu Thế, dễ thường ngài lại không nhận ra?
Phanxicô mơ rằng trên đường đi, ngài gặp một cây cổ thụ, vừa to vừa cao, cành lá vươn dài che kín cả một vùng. Phanxicô bỡ ngỡ dừng chân. Bỗng một sức mạnh linh thiêng thổi Phanxicô cùng cao lên, ngang ngọn cây cổ thụ. Thế rồi, không phải cố gắng gì, Phanxicô chỉ thoáng đưa tay một cái, toàn thân vĩ đại kia đổ xuống nằm dài trên mặt đất.
Phanxicô cho đó là điềm lành Chúa báo. Anh em tin rằng với ơn Chúa, Đức Innôcentiô, vị Giáo Hoàng vĩ đại và đanh thép kia, sẽ chiếu cố đến đoàn người hèn mọn, phê nhận bản luật Nghèo. Công việc sẽ chẳng khó khăn gì. Là những tâm hồn nồng nhiệt, đoàn người đơn giản này cứ tưởng, ở trên trời cũng như ở dưới đất, tất cả mọi người đều hướng về một việc là hoàn thành sứ mệnh của Bà Chúa Nghèo mà anh em đang phụng sự.
Xuống khỏi thung lũng Spoleta, băng qua cao nguyên Riêti, hôm nay anh em đến giữa Rôma. Từng đôi mắt sáng ngời nhìn lên cung điện nguy nga của Đô Thành Bất Diệt. Từng đôi chân bước vui vui, không chút ngại ngùng e lệ.
ĐỨC GIÁO HOÀNG INNÔCENTIÔ.
Vào thời ấy, nhất là dưới triều Đức Innôcentiô, Rôma đã có tính cách quan trọng đánh mạnh vào trí tưởng tượng của các tầng lớp nhân dân và của các dân tộc. Đối với những ai cho thế kỷ XIII là “Thế kỷ Hoàng kim Công giáo” và thời đại Phanxicô là “ một thời đại văn minh điển hình”, thì Đức Innôcentiô III cũng hiện lên như “Một vị Giáo Hoàng hiển hách nhất của lịch sử” – Kể những vị Giáo hoàng chủ trương thuyết lưỡng quyền, thì vị áp dụng hiệu quả nhất là ngài.
Ở Ý, ngài phế quyền hoàng đế và đuổi hết quan chức của Hoàng đế ra ngoài lãnh thổ Giáo hoàng. Ở Sicilia, bà quốc mẫu suy tôn ngài làm giám hộ của hoàng thái tử sau này sẽ kế nghiệp lên ngôi Hoàng đế. Ở Đức, ngài phế vua Frédéric Suabe, lập Othon Brunswick, sau lại ra vạ tuyệt thông Brunswick, lập Fréderic II thế vị. Ở Anh, vua Jean sans Terre mất lãnh thổ, thành chư hầu ngài. Các vua nước Hung, nước Aragon và nước Castille cũng thế. Chỉ có nước Pháp và vua Philippe- Auguste là đang tính việc phản đối ngài.
Cả thế giới Công giáo đều ở dưới con mắt kiểm soát chu đáo của ngài. Trực tiếp hay gián tiếp, các vấn đề chung toàn đế quốc hay riêng từng dân tộc, các vấn đề trí thức tinh thần hay các vấn đề thuần túy Công giáo, tất cả ngài đều từng trải hết. Nhưng Giáo triều luôn luôn vẫn là trọng tâm hoạt động của ngài. Hoạt động chính trị chỉ là một hình thái trong tư cách của ngài thôi. Ngài lại là một tu sĩ khắc khổ trong đời sống tư và có một đức độ cao cả rất đáng khâm phục.
Nguyện vọng duy nhất của ngài là làm cho thế giới nên toàn thiện. Đối với ngài, việc phát huy uy quyền giáo hoàng trong địa hạt chính trị văn hóa chẳng qua là một phương tiện để đạt tới sự thánh hóa trần gian. Chủ trương này sai hay đúng, ta không bàn cãi - Duy có một điều ta quyết là vị giáo hoàng này chỉ muốn thiết lập thế quyền trên các dân tộc Công giáo, để nhờ đó dễ thực hiện việc thấm nhuần Phúc âm khắp mọi giai cấp và mọi tầng lớp người ở trần gian.
GIÁO PHÁI.
Vương quyền đế nghiệp đã ở dưới quyền điều khiển của Đức Innôcentiô thì các lạc giáo cũng đã vì ngài mà thất điên bát đảo.
Công cuộc cải cách của ngài đã phải đụng đầu với hàng giáo sĩ lệch lạc, với lớp tiên tri giả, với các giáo phái rối đạo và một số đông Công giáo bất mãn.
Không kể các vua chúa có đạo, vì tư lợi, đứng lên trực tiếp phản đối lưỡng quyền, coi thường vạ tuyệt thông, đem vũ lực trả lời Đức Giáo hoàng và lôi cuốn dân khinh mạn quyền thiêng liêng của Giáo hội, ta vẫn phải thừa nhận điểm này: một phố giáo sĩ đã diễn ra một cảnh rất đáng buồn. Sống giữa chế độ địa chủ, các vị này quá chú trọng việc đời, bỏ phế hẳn nhiệm vụ giáo sĩ, giảng dạy ít, không học hành gì, mua bán của thánh, sinh hoạt tự do và biếng lười. Sở dĩ có tình trạng ấy là vì một số giáo sĩ thời đó là dòng dõi quý tộc, ra tranh giữ địa vị giáo sĩ để hưởng quyền lợi và bổng lộc, có điều kiện căn bản là đức độ tu hành thì các vị rất thiếu. Tình trạng ấy rất trầm trọng và phổ biến đến chính Đức Innôcentiô, trong sắc chỉ “Quamvis” ra ngày 8-6-1218 đã nói: “Phải có sắt với lửa mới mong chữa lành được”. Đó là lý do làm cho ngài đau lòng. Tuy nhiên ngài vẫn kiên nhẫn trước thử thách. Ngài đã chọn một số Hồng y đồng quan điểm với ngài về những vấn đề cải cách cấp thiết và mảnh dẻ này.
Đâu đâu người ta cũng bàn đến công cuộc cải cách. Tuy đã có những vị thánh, như Thánh nữ Elisabeth de Schonau, Thánh nữ Reldegarde, Thánh nữ Ludgarde, được Chúa phái đến đánh thức những người chăn chiên chỗi dậy giữa đêm trường mù mịt, hoặc để báo trước phép công thẳng Chúa sắp thực hiện, đánh xuống trên ngai hoàng đế và trên ngai giáo hoàng bất xứng và chuẩn bị cho Chúa Thánh Thần tu dưỡng một lớp dân mới, nhưng cũng có rất nhiều nhà tiên tri giả đến quấy rối trật tự Giáo hội và náo động lòng người.
Tai hại nhất thì có Joachim de Flore (1145-1202). Lối giải thích và tính toán của ông đưa đến một chủ trương rất ngây ngô. Ông cho rằng: sinh hoạt của nhân loại diễn tiến theo ba thời kỳ điều khiển bởi Ba Ngôi: Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần. Thời kỳ thứ nhất là thời kỳ áp dụng luật Maisen, con người vâng lời mù quáng và sợ hãi. Thời ký thứ hai là thời kỳ ơn nghĩa, vâng lời người con thảo vì đức tin. Thời kỳ này không được hoàn hảo và đã kết liễu không khả quan gì, nên một thời kỳ thứ ba sẽ đến tiếp tục, kể từ năm 1260, khai mạc thời kỳ ngự trị của Chúa Thánh Thần. Tự do và tình thương sẽ kéo dài đến tận thế.
Những người chủ trương cải tạo như Joachim de Flore này đều muốn quay về với Phúc âm. Nhưng khốn nỗi, đa số muốn Công Giáo hơn Giáo Hoàng. Họ muốn dạy đạo cho Giáo Hội, nên họ đã rơi vào đạo rối.
Chẳng hạn như đoàn Vaudois ở Lyon, do Phêrô Valdez chủ trương. Đoàn này lúc mới thành lập đã được Đức Giáo Hoàng Alexandre III khen ngợi và tạm cho phép giảng luân lý. Nhưng rồi họ vượt quá giới hạn, lệch lạc giải thích Thánh Kinh và tín lý, vượt luôn cả quyền giám mục địa phương. Một số lập thành giáo phái Vaudois, đặt Thánh Kinh trên quyền tài phán của Giáo hoàng. Họ quyết rằng: Xưng tội với giáo hữu đạo đức hơn xưng tội với linh mục thiếu tư cách. Họ chối luyện ngục, chối ân xá và việc tôn kính các thánh, viện lẽ hàng giáo sĩ lợi dụng để làm tiền. Một số khác, ít hơn, biết hối cải, năm 1208, đến suy phục Đức Innôcentiô III xin thành lập nhóm “Người Công Giáo nghèo”.
Rồi đến một đoàn khác, gọi là “ những kẻ khiêm hạ”, xuất phát từ Lombardia. Đoàn này gồm ba dòng: Dòng các Anh, Dòng các Chị và Dòng Ba. Tất cả là những phần tử có cảm tình với các giáo phái Vaudois và Patarins. Mãi đến năm 1201 đại đa số mới thoát khỏi tình trạng hoài nghi và được Đức Innôcentiô III phê chuẩn sinh hoạt.
Trong số người bất mãn thời ấy, thật ra, vẫn có những tâm hồn thánh thiện, chỉ cầu mong theo dõi gương lành Chúa Kitô và các thánh Tông Đồ. Nhưng cũng có một số rất đông toàn là những người ngụy biện điêu ngoa, không ai có thể chịu được. Tệ hơn hết là những người mượn danh nghĩa cải cách để lôi cuốn thế giới vào tình trạng hỗn loạn. Những người ấy là phái Cathares. Ở Ý, phái này có tên là Patarins. Ở Pháp gọi là Albigeois. Ở Đông Âu là Bogomiles. Ở Bắc Âu là Bulgares.
Nhập cảng có lẽ từ Balkans,, những người Cathares chủ trương thuyết Nhị nguyên: nguyên tác lành là Thiên Chúa, nguyên tắc dữ là Satan. Loài người là tác phẩm công cộng của hai nguyên tắc. Chúa Giêsu nhập thể có mục đích khuyến khích ta ba việc: phản đối Satan, khởi ngụy với Giáo hội Rôma là tay sai của Satan ở trần gian và gia nhập giáo hội Cathares. Giáo hội Cathares có đủ điều kiện hướng dẫn loài người lên Thiên đàng.
Lý do gây nên bất mãn tiềm tàng kéo dài nuôi sống những thuyết rối đạo và những tổ chức giáo phái kia chính là một thứ Công giáo hình thức hẹp hòi.
Người giáo hữu, trong một buổi chờ mong phục hưng tôn giáo, đã trực giác được rằng: môt vị tiên tri chân chính sắp xuất hiện trên trần gian mang lại cho linh hồn họ tự do vui vẻ. Vị tiên tri ấy phải là một tâm hồn giản đơn và thẳng thắn, có thể bóc hẳn cái vỏ tập quán để trình bày Chân lý huy hoàng sống động, giới thiệu Chân lý ấy với người giáo hữu và người đạo rối như một đứa con đẻ hợp pháp của Đức tin Công giáo. Nhưng vị tiên tri ấy xuất hiện từ đâu và như thế nào? Không ai biết được và cũng không ai ngờ rằng một bình minh đã bắt đầu chiếu sáng. Đức Innôcentiô III, vị Giáo hoàng thiên tài và đạo hạnh xuất chúng hẳn là phải có một ý chí phán đoán siêu quần và một trực giác vượt hẳn thời gian. Nhưng lúc đến giờ phải chân nhận con người đang chờ đợi thì ngài lại không hiểu con người ấy. Cho nên, lần đầu tiên gặp Đức Giáo hoàng, Phanxicô đã thất bại.

MỤC LỤC