Truyện thánh Phanxicô _ buổi chầu đầu tiên


BUỔI CHẦU ĐẦU TIÊN
Theo Mattheu Paris, một nhà sử học đồng thời với thánh Phanxicô, kể thì tính vốn chất phác, cho nên khi tới đền Latran, Phanxicô tự tiện đi thẳng vào, vô tư như đi vào nhà một người quen thuộc. Trong hành lang đền Latran, Đức Innôcentiô đang đi bách bộ. Đầu hơi cúi, có lẽ ngài đang suy nghĩ những dự định lớn lao. Một tâm hồn như Phanxicô bước thẳng đến trước mặt ngài và trình bày ngay nguyện vọng. Nhìn từ bộ áo thô nghèo đến mái tóc thiếu trật tự, Đức Innôcentiô tưởng Phanxicô là một người chăn heo đâu đó đã phát điên. Ngài gắt:
-              Luật Dòng cái gì? Đi ra mà lo chăn heo của con. Muốn giảng thì giảng cho heo!
Không để Đức Giáo hoàng nói lần nữa, Phanxicô vội vã đi ra một chuồng heo, bôi bẩn lên người, rồi trở vào quỳ thưa:
-              Lạy Đức Thánh Cha, con đã làm xong việc Đức Thánh Cha truyền. Cúi xin Đức Thánh Cha rộng lượng ban điều con xin.
Đức Innôcentiô tự bảo, đây không phải là bộ dạng của một vị lãnh tụ giáo phái muốn nổi loạn. Ngài nghĩ lại, phàn nàn đã xử tệ với Phanxicô, và sau khi bảo Phanxicô đi tắm rửa, ngài hứa cho Phanxicô một buổi chầu.
Chuyện Mattheu Paris kể có thể là giai thoại. Nhưng cứ xét bản tính khiêm hạ của Phanxicô và lối phát biểu nhiều khi quá cứng cỏi nặng lời của Đức Innôcentiô, thì tưởng giai thoại này không xa sự thật là bao nhiêu. Sự thật là lần đầu tiên Phanxicô vào bệ kiến Đức Giáo hoàng, vì quá đường đột nên bị ngài ngộ nhận điên. Ngài đuổi ra.
GIÁO TRIỀU PHÊ NHẬN LUẬT DÒNG.
Đáng lẽ trước khi kể nốt truyện Đức Giáo hoàng quyết định phê nhận luật Dòng, ta hãy xem lại nét đại cương của luật sơ thảo ấy. Nhưng nguyên bản chính thức luật này không còn truyền đến tay ta nữa. Ngày nay chỉ có bản xây dựng lại, không làm căn cứ được. Cêlanô và Truyện Ba Người Bạn Đồng Hành cũng chỉ nói rằng: Bản luật này rất ngắn, gồm những câu trích trong Phúc âm và ít nhiều chỉ thị đại cương chú trọng vào Đức Nghèo và Đức Khiêm hạ để khuôn đúng anh em vào một đường lối chung.
Bản luật ấy, kể về chi tiết, thì như thế nào chưa đủ ai rành rõi để có thể làm chính cương cho một Hội Dòn.
Phanxicô bơ vơ chưa biết làm thế nào để xin Đức Giáo hoàng phê nhận luật Dòng, thì may mắn làm sao! Trong dịp này lại có Đức Giám mục thành Assisi về Giáo triều bái mạng. Bất ngờ gặp anh em ở đây Giám mục Guiđô tưởng anh em đã từ giã hẳn Assisi rồi. Ngài rất lấy làm tiếc. Anh em định làm vui lòng ngài và trình bày chủ định sang Rôma chuyến này. Để giúp anh em một cách đắc lực, Đức Giám mục liền giới thiệu Phanxicô với Đức Hồng Y Gioan Phaolô. Đức Hồng y nhận lời cho anh em trọ trong dinh thự ngài.
Đức Hồng Y Gioan Phaolô là tai mắt ở Giáo triều. Tài đức của ngài lại vượt hẳn thành phần Hội đồng Hồng Y. Đức Giám mục Assisi lấy tình bạn nài xin rồi lấy tình bạn mà cam đoan rằng: Những “Người Đền tội thành Assisi” này quả có lòng thành kính đối với anh em, Đức Hồng Y cũng xác nhận rằng: Anh em quả có lòng đạo hạnh và khiêm hạ. Tuy nhiên, cứ theo tinh thần bảo thủ của nhà cầm quyền, ngài không thấy cần thiết phải lập một dòng mới. Ngài cố khuyên Phanxicô đừng chủ trương lập một dòng mới lạ, chỉ nên cùng anh em gia nhập một trong những dòng hiện hữu.
Phanxicô không để Đức Hồng y ủy dụ dễ dàng. Ngài nghĩ rằng biện hộ cho bản Luật Dòng ngài là một bổn phận thiêng liêng và vẫn khiêm nhường, Phanxicô thưa lên:
-              Kính thưa Đức Ông, Chúa không gọi chúng con sống trong một ẩn viện hay sống trong cánh rừng hoang vắng, nhưng là sống một đời sống mới, trên nền tảng Phúc âm.
Thái độ khiêm hạ của Phanxicô đã chinh phục được Đức Hồng y theo quan điểm của anh em. Thành tâm và chu đáo như một vị giám hộ, Đức Hồng y đem việc trình lên Đức Giáo hoàng. Kết quả là người sáng lập Dòng được một buổi chầu đặc biệt, để trình bày dự định trước Giáo triều.
Buổi chầu đến, Phanxicô và anh em quỳ xuống dưới chân Đức Innôcentiô. Ngài vẫn giữ một thái độ nghiêm khắc nhưng đã sẵn lòng nghe Phanxicô trình bày. Cải cách Giáo hội là việc ngài chú trọng nhất, nhưng bất cứ trường hợp nào ngài cũng xử sự khôn ngoan.
Vừa nghe xong chương trình sinh hoạt mới của Phanxicô, các Đức Hồng y đều phản đối. Có vị cho rằng: Đây là một tên thủ lãnh giáo phái nghèo, kiểu “ Phái nghèo ở Lyon” hôm nay đến xin phê chuẩn bản luật có cái mã ngoài Phúc âm, để ngày mai lại đi tập hợp nhân dân khởi ngụy chống các Đức Ông. Nhiều vị khác cho rằng: một đoàn tu sĩ không thể tồn tại được, nếu không có tài sản hay bổng lộc. Và tất cả đồng thanh cho rằng: lối sinh hoạt đúng nghĩa đen Phúc âm như thế là ngoài sức con người. Chính Đức Giáo hoàng cũng ngại ngùng, ngài nói:
-              Này các con yêu dấu, lòng nhiệt thành của các con làm cho ta yên tâm rằng các con có thể theo lối sinh hoạt này được rồi. Nhưng còn những kẻ theo gót các con, chắc họ sẽ nhận thấy lối sinh hoạt này là quá khắc khổ, không thể theo được.
Đức Hồng y Gioan Phaolô vội vàng thưa lên:
-              Kính lạy Đức Cha, kính thưa các Đức Ông, tôi thiết tưởng nếu chúng ta phi lời xin của người nghèo này vì những lý lẽ viện ra lúc này, thì chẳng phải chúng ta đã quyết hẳn rằng Phúc âm không thể thực hành được. Quyết như thế là thóa mạ Chúa Kitô, tác giả Phúc âm.
Lý luận đanh thép này đã ấn tượng sâu xa trên cử tọa. Đức Innôcentiô trầm ngâm đôi lát rồi quay lại bảo Phanxicô:
-              Con hãy đi cầu nguyện xin Chúa cho Giáo triều biết rõ thánh ý ngài. Khi biết rõ thánh ý Chúa rồi, ta mới có thể trả lời dứt khoát với con được.
Giáo triều ngại ngùng về bản Luật. Thái độ ấy có lý do. Vì bản Luật không khỏi có vài điểm tương đồng với chương trình hoạt động của các nhà cải cách thời ấy đã đi quá đã. Ai chẳng nghe tiếng Phêrô Valdez? Ai chưa từng gặp những người đạo rối Cathares len lỏi gieo rắc bất mãn và phá rối khắp nơi?
Dẫu sao, những ngại ngùng của Giáo triều cũng tan biến trước lòng đơn giản và chân thành của Phanxicô.
Các nhà viết truyện kể lại rằng: Khi Phanxicô đang cầu nguyện xin Chúa soi sáng cho Giáo triều thì Chúa đã báo mộng cho Đức Giáo Hoàng, Chúa lại khiển hứng cho Phanxicô một chuyện ngụ ngôn. Trong buổi chầu thứ ba tiếp đến, Phanxicô đem chuyện ngụ ngôn ra kể:
“Lạy Đức Thánh Cha, ngày xưa ở một khu rừng hoang vắng, có một người đàn bà rất nghèo nhưng rất đẹp. Có ông vua kia gặp nàng đem lòng yêu. Người đàn bà sinh mấy đứa con. Đàn con lớn lên, mẹ gọi lại bảo rằng: “Các con đừng vì nghèo mà thẹn. Các con là con vua”. Nàng lại bảo mấy đứa con lớn hơn rằng: “ Các con cứ về triều mà tìm cha các con. Thế nào cha các con cũng nhận được mặt và niềm nở đón các con”. Biết điều bí mật, biết rõ dòng dõi hoàng tộc, đàn con tin tưởng hăng hái đi về triều. Vua nhìn đàn trẻ đẹp quá, nhận được chúng giống nét mặt mình. Vua hỏi:
-              Mẹ các con là ai?
-              Tâu đức vua, là người đàn bà nghèo ở khu rừng hoang vắng.
Nghe trả lời đúng sự thật, vua vui mừng ôm sát đàn con vào lòng rồi bảo:
-              Các con đừng sợ nữa. Ta đây thật là cha các con. Các con là những kẻ thừa nghiệp cha. Thường ngày cha tiếp bao nhiêu là người lạ ngồi ăn đồng bàn với cha thì nhất thiết cha phải nuôi dưỡng các con. Bao nhiêu bạc vàng châu báu xưa nay cha thu tích là có ý để dành cho các con.
Nói xong vua truyền đi xin bà mẹ cho tất cả các con khác về triều để vua nuôi dưỡng trong cung điện.”
Nhìn đôi mắt đăm chiêu của vị Giáo hoàng, Phanxicô thản nhiên nói tiếp:
-              Lạy Đức Thánh Cha: Khu rừng hoang vu là thế gian này, ít nhân đức tươi tốt. Người đàn bà nghèo được vua sủng ái và sinh nhiều con là chính tôi mọn đang chầu trước Đức Thánh Cha đây. Chúa Kitô đã ban cho tôi mọn này nhiều con cái, nhằm mục đích thể hiện lại những nét chính của cha bằng cách tập theo đức nghèo của ngài. Những đứa con ngồi ăn đồng bàn với vua là anh em tôi mọn này, không bao giờ Chúa để túng thiếu. Chúa là Đấng rộng rãi nuôi dưỡng hết vạn vật kể cả những người tội lỗi.
Cả Giáo triều vừa bỡ ngỡ vừa cảm phục. Mọi người vừa nghe nhà thơ rong, bận đồ rách rưới mà lòng say sưa ca hát hạnh phúc sống cuộc đời nghèo. Ngờ vực đã tan trước ánh sáng sự thật, Phanxicô quả quyết không phải là một nhà cải cách nguy hiểm hoặc một người đạo rối Cathares nguyền rủa Thiên Chúa ác nghiệt đã bắt sống kiếp làm người. Phanxicô cũng không phải là một người kiêu ngạo lầm tưởng được ơn Chúa soi rồi căn cứ vào một số nhân đức hẹp hòi của mình, muốn bắt mọi người phải toàn thiện toàn mỹ và nói xấu mọi người. Dưới mắt xác nhận của Giáo triều, Phanxicô chỉ là một đứa con khiêm hạ của Thiên Chúa, không lên án giáo sĩ cũng không lên án giáo dân. Người con ấy chỉ nuôi một hy vọng là thông niềm vui của tâm hồn mình với bất cứ ai mong muốn.

Vị giáo hoàng lão luyện chính trị đã hiểu rõ: điều mà thế giới đang cần để cải thiện, chính là có được cái não trạng của nhà thơ rong này. Ngài sực nhớ đến giấc mộng ngài đã thấy cách đây mấy hôm. Ngài thấy đại Thánh đượng Latran, đầu và mẹ các thánh đường, đang nghiêng về một bên sắp đổ. Giữa lúc nguy nan ấy, bỗng từ đâu chạy đến một tu sĩ nghèo. Tu sĩ nhẹ đưa vai đỡ bên mái đổ. Toàn bộ đại thánh đượng đứng thẳng lên, giữ lại thế quân bình.
Giờ đây, ngài chắc chắn người tu sĩ nghèo, đang đứng trước mặt ngài đây, có thể đưa vai nâng đỡ Giáo hội.
Tuy không ban chiếu chỉ, ngài cũng đã dùng lời nói long trọng chấp nhận bản Luật của Phanxicô trước Hội đồng Hồng Y. Và sau một vài huấn từ cần thiết chân tình, ngài truyền cho Phanxicô chịu trách nhiệm hướng dẫn anh em. Còn Phanxicô tuyên hứa phục tùng Đức Giáo hoàng.
Bữa ấy, Phanxicô lãnh chức phó tế. Những anh em chưa có giáo phẩm đều lãnh phép cắt tóc. Và tất cả mười hai anh em đều được phép giảng lễ thống hối, nghĩa là nói với giáo dân những lời khuyên luân lý.
Thế là Dòng Phanxicô đã trực thuộc với giáo hội Rôma. Trong lúc chờ đợi một sắc chỉ phê chuẩn vĩnh viễn, Giáo hội đã nhận cho anh em bắt đầu thời kỳ thứ nhất. Tan buổi chầu, lúc cho anh em lui, Đức Innôcentiô còn thân ái dặn dò:
Các con về. Ta chúc bằng an cho các con. Xin Chúa ở cùng các con. Nếu Chúa cho oàn các con phát triển mạnh thì các con trở lại trình cho ta hay. Ta xét nếu cần, ta sẽ ban cho các con nhiều đặc ân và ký thác cho các con nhiều nhiệm vụ  quan trọng.

Vốn không vụ hình thức, Phanxicô được lời nói của Giáo Hoàng đã cho là đủ. Lòng mãn nguyện, Phanxicô cảm tạ Chúa, đưa anh em đến viếng mộ hai Thánh Tông đồ, rồi lên đường ra khỏi giáo đô.
ORTÔ, NƠI TẠM TRÚ.
Trên con đường đất bột, dưới ánh mặt trời, anh em ngược theo bờ sông Tibrô, định qua Ortô để về Spolêta.
Gần tới Ortô, đoàn người dừng lại giữa một đám rừng hoang vắng. Suốt hai tuần lễ ở đây, anh em sung sướng hưởng cảnh nghèo thực sự. Say sưa với Đức Nghèo, anh em cương quyết không bao giờ rời bỏ nhân đức dịu dàng êm ái này nữa. Tình trạng nghèo thiếu ở đây thật là hết độ. Giữa cảnh hoang vu, không còn ai đến quấy rối thời gian cầu nguyện lâu dài của anh em. Chia phiên nhau, vài anh em lên thành thì xin ít nhiều của ăn, đang khi anh em khác ở nhà cầu nguyện. Đến bữa, anh em cùng nhau chia mẫu bánh, chút đồ ăn và chút nước lã. Của ăn thừa lại, không tìm ra người để cho, thì cất vào một góc để ăn ngày khác.
Anh em ai cũng mến cảnh hoang vu này. Có anh đâm ra sợ vì quá tha thiết chốn này mà sao lãng nhiệm vụ Chúa ủy thác cho chăng. Đàng khác, có anh nghiêng hẳn về lối sống ẩn dật không thiết quay về sống giữa loài người nữa. Phanxicô phải nhắc lại cho anh em biết nên noi gương Chúa Kitô nói rồi ngài đưa anh em lên đường về Assisi.

MỤC LỤC