CHƯƠNG V
NHỮNG NGƯỜI TỰ NGUYỆN
BÌNH AN
Mấy ngày sau buổi đọc. Phúc
âm ấy, một đà sức mạnh từ Chúa truyền xuống thúc đẩy Phanxicô vươn lên đỉnh
trọn lành và mở ngay một mùa rao giảng việc đền tội.
Phanxicô trở về Assisi.
Trên đường về, gặp những
người đang cần cù làm các công việc thường ngày, Phanxicô dừng bước, chào hỏi
niềm nở:
Rồi tiếp đó, Phanxicô lân
la nói về ăn năn thống hối. Dáng người thanh niên ăn chơi kia không ai thấy
nữa. Giờ đây, tâm hồn đã hướng cả về trời, Phanxicô như đang bừng lửa sốt mến
và rạng ánh vuit tươi. Người nghe phấn khởi theo những lời đơn sơ phát ra từ
một tâm hồn đã siêu thoát khỏi trần gian. Mỗi câu nói là một tia lửa hồng bắn
vào thâm tâm người nghe, như có sức mạnh Chúa Thánh Thần ban xuống. Lúc đầu họ
còn bỡ ngỡ, nhưng về sau họ cũng thán phục.
Về Assisi, lần giảng chính
thức của Phanxicô đầu tiên là ở nhà thờ Thánh Georgiô. Đây là nơi Phanxicô đã
học đọc, học viết.
Thành Assisi lúc này đang
sống trong tình trạng hỗn loạn, nên trước khi nói lời Thiên Chúa, bao giờ
Phanxicô cũng mở đầu bằng câu: “Xin Chúa ban bình an cho anh chị em”. Chính
Thiên Chúa đã dạy Phanxicô lời chào bình an ấy. Và Phanxicô luôn dùng lời chúc
ấy. Bao giờ ngài cũng tin rằng cứ chúc rồi sẽ có hiệu quả. Ngài chúc cho các
ông các bà, người già người trẻ, cho tất cả những ai gặp ngài lâu hay chỉ mới
thoáng qua đường. Nhờ ơn Chúa, nhiều khi lời chúc ấy đã kêu gọi được kẻ lạc xa
hòa bình biết thành tâm quay lại. Rồi họ lại tự nguyện làm con cái và chiến sĩ
hòa bình.
Truyện Thánh Phanxicô do
Ba Người Bạn Đồng Hành kể ghi rằng trước lúc Phanxicô trở lại, ở Assisi cũng đã có người
dùng lời chúc ấy. Người này thường rảo khắp các nẻo phố, nói mãi một lời: “Hòa
bình và hạnh phúc ! Hòa bình và hạnh phúc”. Rồi khi Phanxicô ra giảng, chẳng
còn ai thấy bóng “ông Gioan Tiền Hô” báo trước công vụ tông đồ của Phanxicô này
nữa.
Phanxicô không phải là
người thứ nhất đã mang sứ mệnh hòa bình đến Assisi. Xưa nay đã có nhiều tu sĩ giảng rong
và đông Khâm sai Tòa Thánh đến giảng. Nhưng hòa bình chưa thực hiện được. Vì
các vị đến giảng đây thường không đứng vào cương vị, quên giữ hoà khí với người
ngang quyền. Lắm khi các ngài nhúng tay vào những cuộc tương tranh giữa các
giai cấp hay giữa các gia tộc. Hoặc giả các ngài có trung thành với mục tiêu đi
giảng nữa, thì các đảng phái hay gia nhân lại lợi dụng danh vị các ngài, nhờ
ảnh hưởng các ngài cho mạnh cuộc tương tranh – Trái lại, lời Phanxicô đã làm
động lòng người nghe, vì lời Phanxicô nói chứng tỏ ngài có nhân đức thánh
thiện, khác hẳn những người tới giảng trước. Phanxicô không xếp một hạng người
nào làm đối phương hết. Ngài không chỉ trích, không thóa mạ, không kết án và
không khai trừ người tội lỗi. Lời ngài nói không bao giờ lộ vẻ khinh khi những
nhược điểm yếu đuối của con người. Ngài chỉ thương hại và chỉ giảng như một
người được Chúa mặc khải mà thôi. Cho nên lúc này hơn bao giờ hết, dân thành Assisi mới thấy rõ mình
đắc tội với hòa bình. Họ ao ước được gặp con người của Chúa có lời nói đơn sơ
và cách làm thánh thiện kiểu bình dân ấy. Có mặt ngài, họ cảm thấy hạnh phúc và
chính Phanxicô cũng cảm thấy sung sướng vì được đi truyền đạt sứ mệnh Chúa.
Tất cả những điểm phi
thường ấy đã hấp dẫn nhân dân và qua những lời đơn giản, con người mới này đã
truyền đạt cho thế gian một phương pháp mới tìm lại hòa bình, là đặt tình yêu
Chúa Giêsu làm mục tiêu cho đời sống như Phúc âm dạy.
Từ đây tiếng nhạo cười đã
hết. Người nghệ sĩ nghèo ca hát tình thương Thiên Chúa càng ngày càng thêm rõ
mặt.
Phanxicô đến với dân chúng
như một vị tiên tri. Người tội lỗi được nghe truyền ơn cứu chuộc và những tâm
hồn đau khổ biết tìm lại nguồn vui. Phanxicô chỉ làm cái việc nhắc lại Phúc âm
đã trở lại sức tác dụng và ý vị trước mắt buổi đầu. Người môn đệ đã làm sống
lại vị Thầy Chí Thánh xưa và nhân đức người giảng đã thêm uy tín cho sứ mệnh.
Đã ba năm nay, người người đều tai nghe mắt thấy Phanxicô sống như một ẩn sĩ
nghèo và tận hiến giúp đỡ người phong.
Riêng những người có thiện
tâm chờ đợi thì đang cùng Phanxicô cảm thông và cầu xin ơn soi sáng. Gặp
Phanxicô, họ đã gặp một lời khuyến khích và thấy trước con đường phải tìm đi.
Nếp áo Phanxicô mặc bỗng thành một lá cờ lý tưởng phất cao. Nhiều kẻ nhận thấy
rằng đây là một hình thức sinh hoạt tôn giáo, một dòng tu mới đã ra đời.