Truyện thánh Phanxi cô _ khiêm hạ - lao động và giảng dạy



CHƯƠNG VIII
RIVÔ TORTÔ - VƯỜN NHÂN ĐỨC

LÒNG KHIÊM HẠ
Một hôm nghe đọc bản Luật Dòng đến câu: “Anh em phải tự coi mình là kẻ nhỏ mọn hèn hạ, sau hết mọi người”. bỗng Phanxicô có ý kiến lấy hai chữ “Hèn mọn” đặt tên cho anh em. Ngài bảo nghỉ đọc rồi tuyên bố: Đó chính là đường lối của anh em, từ nay về sau phải gọi là “Anh em Hèn mọn”.
Cái tên ngài đặt đây đã nói rõ được địa vị của anh em trong xã hội cũng như trong Giáo hội. Địa vị sau hết. Đối với Phanxicô, đức Khiêm hạ cũng phải như đức Nghèo. Đã san sẻ cảnh nghèo đói của Chúa xưa thì cũng phải san sẻ những nỗi nhục nhã của ngài. Phanxicô nói: “Bỏ hết của cải vật chất mà còn giữ lại một thứ của là lòng tự ái, thì nói bỏ hết thế nào được”.
Theo Cêlanô, thì tư cách anh em ở Rivô - Tortô rất phù hợp với tên “Hèn mọn”: Anh em sống như những người bạch đinh, những người thường dân, những thành phần thấp nhất trong xã hội, mai danh ẩn tích, không muốn phô trương và thường lại tìm cơ hội để rước lấy điều nhục nhã. Nếu không có cơ hội, thì anh em lại tạo ra cơ hội. Chẳng hạn như Giuniphêrô sau này cởi áo đóng gói thành gói, đội lên đầu rối cứ như thế mà đi khắp thành Assisi, cho mọi người chế nhạo.
LAO ĐỘNG VÀ GIẢNG DẠY
Đi đôi với việc huấn luyện anh em, Phanxicô cũng chú trọng đến việc chân tay và việc giảng dạy giáo dân. Sống đời nghèo không phải là sống lười biếng. Ở Rivô - Tortô, anh em vẫn hiểu và vẫn giữ đúng định luật cao cả của sự làm việc.
Anh em mỗi người một việc và thường lao động như đi làm thuê làm mướn cho đồng bào, trong nhà ngoài đồng. Thường anh em cũng rao giảng lời Chúa cho khách qua đường hay dân nghèo, những khi anh em làm công cho họ.
Riêng Phanxicô, ngoài những giờ lao động, ngài đi giảng ở các công trường hay trong các nhà thờ. Đức Giám mục Guiđô quên thế nào được đứa con yêu dấu bao lần ngài ủng hộ. Nói đến chuyện vừa giảng bằng lời nói, vừa giảng bằng việc làm, thì còn ai hơn được Phanxicô? Ngày nay khách du lịch đến viếng nhà thờ chính tòa thành Assisi, còn được thấy một phòng nhỏ bên cạnh. Nơi đây Phanxicô thường đến trú đêm, dọn bài giảng, để ngày mai giảng lễ sớm.
Nói đến giảng và nghe giảng, thì công chúng thông cảm rất nhanh, Cười dễ mà khóc cũng dễ, hoan nghênh ngay và cũng phản đối ngay. Thuyết phục quần chúng ấy là phải để lòng nói với lòng. Họ ưa điệu nói của kịch lý, kèm theo cử chỉ lớn với động tác mạnh, Phanxicô từ tư cách đến điệu bộ lại thích hợp với thính giả, ngài đã nói bằng thân thể lẫn tâm hồn. Không cố gắng gì mà tự nhiên lời nói rung động theo nhịp lòng. Rồi tay chân, thân thể cử động hòa nhịp với lời nói.
Cái tài làm cảm động người nghe, Phanxicô có thừa: tiếng nói dồi dào, êm dịu, trong và rõ, dễ dàng uốn theo ý nghĩa của từng câu từng phần. Chỉ có một điểm đáng tiếc là Phanxicô dáng người thấp bé, thân thể gầy guộc, không lôi cuốn ai. Bao nhiêu đường nếp tự nhiên, thanh lịch lại bị lấp đi dưới bộ áo thô nghèo. Thế nhưng khi ngài nói thính giả lại quên ngay dáng người xấu xí, chỉ còn biết cảm thông ngọn lửa nồng nhiệt đang đốt cháy tâm hồn kẻ tông đồ. Những lúc ấy, đối với thính giả, Phanxicô là con người của thế giới khác. Tâm hồn hướng về trời, đôi mắt cũng đăm chiêu về phía ấy, con người này đem hết sức thiêng lôi cuốn mọi người cùng lên cao với mình.
Lẽ thống hối, lẽ hòa bình và bác ái, đó là ba đề tài chuyên giảng của Phanxicô và anh em. Ngài mạnh tay lột trần những căm thù ghen ghét đang sôi sục giữa các đảng phái trong châu thành. Ngài nhắm thẳng vào kiều vọng của lớp quý tộc và thị dân vì họ quá tham lam quyền hành gây nên thù oán với lớp dân đen. Giữa những cuộc giao tranh huynh đệ tương tàn, dưới mọi hình thức, Phanxicô đã hô to tiếng gọi hòa bình, át cả lời hô báo oán, tiếng gọi hòa bình đã lọt tai mọi người, những mối thù truyền nghiệp, truyền họ, truyền nhà, những mối thù giai cấp dần dần long rễ, đứt chân và nếu không ngã hẳn thì cũng ít có điều kiện nảy nở lan tràn thêm.
Lịch sử nội trị Assisi còn ghi một bản thỏa hiệp ký kết cuối mùa đông 1210 - 1211, ngày mồng 9 tháng 12. Nhân danh bản thỏa hiệp này, hai giai cấp lớn nhỏ trong thành cùng long trọng ký kết, đồng tâm cộng tác làm cho thành Assisi giàu mạnh. Hai bên hứa không liên kết với Đức Giáo hoàng hay Hoàng đế, với một quốc vương hay với bất cứ một châu thành nào, khi không có sự thỏa thuận chung của toàn dân. Ngoài ra hai bên còn ký kết tôn trọng quyền lợi riêng của nhau và từ đây sống hoàn toàn hòa hảo. Những tù chính trị và những kẻ lưu vong được gọi về. Toàn thể dân chúng thuộc lãnh thổ Assisi đều được hưởng quyền lợi như dân thị xã. Chữ ký đôi bên đều có danh dự bảo đảm. Các thứ thuế má đều được quy định hẳn hoi.
Đứng trước kỷ nguyên hòa bình đang mở cửa này, không ai dám từ chối ảnh hưởng của Phanxicô. Những bài giảng ở công trường và ở nhà thờ chính tòa lại được đời sống của anh em ở Rivô - Tortô phụ họa vào, để cấu thành ảnh hưởng sâu xa giữa ý thức dân thành.

MỤC LỤC