CHƯƠNG III.
ĐI TÌM LÝ TƯỞNG
ĐỔI MỘT HƯỚNG ĐỜI.
ĐI TÌM LÝ TƯỞNG
ĐỔI MỘT HƯỚNG ĐỜI.
Về Assisi, Phanxicô lại trở lại cuộc đời cũ. Nhưng không bao lâu chàng
ngã bệnh. Có lẽ đó là hậu quả của hơn một năm trời tù ngục. Cơn bệnh đã giữ
chàng liệt giường đến hàng tuần và qua những ngày thụ bệnh, tâm tư của chàng
thanh niên ấy đã bắt đầu đổi hướng.
Vừa tạm gọi là bình phục, chàng lần bước ra cánh đồng, dạo chơi và ngắm
cảnh thiên nhiên tươi đẹp. Nhưng chàng đã thất vọng. Cảnh vật xưa kia đã đem
cho chàng vui tươi, nay trở nên vô vị lạ thường. Có lẽ lần này là lần đầu tiên
con người vui vẻ trẻ trung kia mới cảm thấy cái rồ dại của những ai để lòng lân
la những vật mà một sớm một chiều đã mất hết sức quyến rũ. Chàng bỡ ngỡ hoang
mang, lui gót trở về, lòng mang nặng một nỗi buồn vô căn cứ.
Nhưng đó chỉ là ấn tượng thoáng qua, có lẽ chỉ là một phút tâm hồn xao
xuyến vì cơ thể mới thoát khỏi một cơn bệnh nặng. Rồi khi sức khoẻ đã hoàn toàn
trở lại, mộng công danh sự nghiệp cũng trở lại theo.
Một cơ hội rất thuận tiện đã đến với Phanxicô. Hầu tước Gentili, một nhà
quý tộc thành Assisi, đang chuẩn bị quân trang hành quân lên miền Pouilla, nơi
chiến tranh đang kịch liệt giữa hai phe quý tộc về việc tôn lập người giám hộ
cho vị ấu chúa, con hoàng đế Henri IV vừa mới băng hà. Một bên là quân cần
vương, cùng với hoàng hậu, nhất định suy tôn Đức Giáo Hoàng Innôcentiô III làm
giám hộ. Một bên là quân của giai cấp quý tộc nước Đức chỉ muốn suy tôn
Markward, một võ tướng người Đức. Phe thứ hai này chỉ sợ ảnh hưởng của Giáo
triều Rôma quá mạnh.
Cuộc chiến tranh bùng nổ từ năm 1198. Ban đầu quân của ấu chúa Frédéricô
II và quân của Giáo triều Rôma ở vào thế yếu. Nhưng từ năm 1202, chiến cuộc đổi
chiều, khi một võ tướng xứ Normandie, tên là Gauthier de Brienne, đứng vào hàng
ngũ quân cần vương. Nhân dân miền Nam nước Pháp và toàn cõi nước Ý
rầm rộ kéo đến xin tòng quân để ủng hộ vị Hoàng đế đã được Giáo triều Rôma bảo
trợ. Phanxicô lần này nhất định theo chân vị hầu tước Gentili, gia nhập quân
đội của Giáo triều. Chàng chắc chắn sẽ lập được nhiều chiến công và sẽ được tuyên
dương cùng tấn phong vào hàng hiệp sĩ chính thức trước mặt ba quân ngay ở ngoài
chiến địa.
Chàng vội vàng chuẩn bị quân trang, lòng náo nức một niềm vui vô hạn,
với thói phung phí của chàng, với lòng háo danh của thân phụ, ai cũng có thể
đoán được bộ quân phục của cậu Bernađônê sang trọng đến ngần nào! Trong lúc ấy
có nhiều hiệp sĩ chính thức đành phải đứng ngoài hàng ngũ vì không đủ phương
tiện sắm sửa quân trang. Phanxicô đã gặp một hiệp sĩ trong tình trạng ấy. Động
lòng trắc ẩn và nghĩ mình chỉ là một kẻ thương gia, một người lính thường mà
dám trang phục oai vệ hơn những con nhà tướng môn chính thức. Phanxicô đã không
ngần ngại biếu người hiệp sĩ ấy nguyên cả bộ võ phục vừa mới sắm.
Cử chỉ ấy đã đem lại cho Phanxicô một phần thưởng. Đêm sau, trong khi
ngủ, một giấc mộng kỳ lạ đã đến với chàng. Chàng thấy nhà cha mẹ biến thành một
lâu đài, chứa đầy quân trang vũ khí. Những cuộn hàng nhung lụa đã biến đi
nhường chỗ cho những bộ yên cương lộng lẫy, những tấm thuẫn chói vàng, và đao
kiếm sáng quắc. Ở một gian phòng trong lâu đài ấy, một người hôn mê đẹp đẽ dịu
dàng đang chờ đợi tân lang.
Bỡ ngỡ, Phanxicô đang tìm hiểu, thì tiếng vọng huyền bí đang cho chàng
biết rằng bao nhiêu vũ khí trưng bày đó là để trang bị cho quân đội chàng, còn
người đẹp là để dành riêng cho chàng đẹp lứa vừa đôi.
Tỉnh giấc, lòng Phanxicô bỗng rộn rã tưng bừng. Mộng đẹp hẳn là báo
trước con đường công danh rộng mở từ đây. Nhưng không hiểu sao, sau giây phút
tưng bừng hy vọng ấy, lòng người chiến sĩ lại thấy ngấm ngầm một nỗi buồn sâu
xa thấm thía. Rồi tần ngần và lưỡng lự, chàng phải cố gắng lắm mới có thể quyết
chí lên đường.
Và Phanxicô đã yên ngựa lên đường. Cừng với người mã phu, chàng vượt qua
đỉnh núi Soubasiô, theo nẻo Folignô, tiến về Spoleta, và định sẽ theo đường
Flaminô, qua giáo đô Rôma, tiến xuống mặt trận Nam Ý. Nhưng người chiến sĩ
không bao giờ được theo chân tướng Gauthier de Brienne để tung hoành ngoài
chiến địa, một sứ mệnh khác đang đón chờ chàng. Một chủ tướng khác sẽ gọi chàng.
Đêm hôm ấy, trong quán trọ ở Spoleta, tiếng vọng huyền bí lại hỏi
Phanxicô trong một giấc mộng thứ hai:
-
Phanxicô con đi đâu thế?
-
Thưa, con đi dự chiến ở Pouilla.
-
Thế à! Nhưng con hãy trả lời ta. Con chờ mong ơn huệ ở ai
hơn? Ở một người làm chủ tất cả hay ở một kẻ chỉ vào hàng tôi tớ?
-
Thưa, dĩ nhiên là ở người làm chủ.
-
Vậy sao con lại đành theo chân kẻ làm tôi tớ chứ không
theo chân người chủ mà trăm nghìn tôi tớ phải suy phục:
-
Lạy Chúa, con phải làm gì, xin Chúa truyền lệnh.
-
Phải làm gì? Thì con hãy trở về quê hương sẽ rõ. Cứ trở
về đi, con sẽ hiểu được ý nghĩa cuộc ứng mộng đêm nay.
Bừng tỉnh giấc, Phanxicô không tài nào nhắm mắt được nữa. Suốt đêm ấy
chàng suy nghĩ miên man, và hôm sau, khi trời vừa sáng, chàng bỏ hẳn ý định
tham dự chiến tranh, rồi cùng mã phu quay ngựa trở về Assisi.
Hăng hái ra đi để rồi nửa đường trở lại, lẽ ra là một cái nhục. Thế nào
cũng có người mỉa mai: “Thế mà cũng xênh
xang gươm giáo!”. Nhưng mọi người đều ngạc nhiên trước thái độ của Phanxicô.
Hình như chàng chẳng chú ý đến lời dị nghị mà còn thêm hãnh diện vì đã nửa
đường quay lại.
-
Ồ, dự chiến! Đi hay về, nào có gì là quan trọng. Tôi
không vì thế mà sau này không trở nên một vị vương hầu.
Đó là câu Phanxicô đã trả lời những kẻ nhắc nhở đến cuộc dự chiến hụt
của chàng. Đó có thể là một câu nói gàn để chữa thẹn, nhưng cũng có thể là cả
một quyết định đang thành hình trong tâm trí con người kỳ khôi ấy. Mà có lẽ
không chỉ là một câu nói gàn, vì Phanxicô đã thay đổi hẳn. Các bạn chàng cũng
đều nhận thấy như thế.
Trong các cuộc liên hoan, vì nể bạn, Phanxicô đành đến dự, nhưng rõ ràng
tâm trí cậu đang để ở đâu đâu. Một ý định gì đang ám ảnh chàng hay bóng dáng ai
đang hiển hiện trước mắt chàng. Ngày đêm Phanxicô như không còn va chạm gì với
thế giới bên ngoài nữa. Chàng như chìm vào một cuộc tưởng niệm thẳm sâu. Chàng
chỉ muốn ẩn dật trong khuất tịch của núi đồi để lẩn tránh một cái gì. Các bạn
cũ đã cảm thấy rằng con người hào hoa phong nhã ấy đã khác hẳn xưa rồi. Một cái
gì đã đến trong đời chàng huyền bí và sâu xa, nào ai biết được! Phanxicô chỉ
riêng giữ bên lòng nỗi niềm tâm sự của mình.
-
Bỏ mộng công danh, rồi trở về với dáng điệu của kẻ bị thu
hồn, thì chắc hẳn chàng đã vướng nợ ái tình!
Đó là lời ước đoán của các bạn chăng. Thái độ khó hiểu của Phanxicô lại
càng kích thích tính tò mò của lũ bạn trẻ. Chắc hẳn họ đã ngờ vực Phanxicô ích
kỷ muốn chiếm một đoá hoa trời nào đó mà không báo tin cho anh em biết. Hễ vắng
bóng chàng đâu là họ chia nhau tìm cho kỳ được để lôi kéo vào những cuộc vui,
mà dĩ nhiên Phanxicô sẽ là người xuất túi trả tiền. Nhưng rồi đây cuộc đời vui
của chàng phong lưu công tử ấy sẽ đến ngày chấm dứt.
Chiều hôm ấy, sau khi tìm được Phanxicô, các bạn ồ ạt lôi kéo chàng, suy
tôn làm “Vua bạn trẻ” và mười người như một đều đồng thanh sách nhiễu:
-
Thiết yến đi! Hoàng tử!
Lịch thiệp và giàu tình bạn bè, Phanxicô đã thiết đãi một bữa tiệc linh
đình hơn bao giờ hết. Một lần cuối cùng, Phanxicô đã sống hết cho tất cả nghi
vệ và tài năng của một Ông Hoàng Tuổi Trẻ. Tiệc tan, bọn trẻ say xưa kéo nhau
rông khắp các nẻo đường thành Assisi.
Tiếng cười đùa, tiếng hát kéo dài tận trong đêm khuya. Riêng Phanxicô, chàng
say một cơn say khác hẳn. Dáng điệu đàng hoàng, tay cầm phủ việt tượng trưng
chức vị Ông Hoàng Tuổi Trẻ mà các bạn trao cho, Phanxicô đi lùi lại cuối đoàn,
không hát, không ngâm thơ, để hồn lâng lâng trong một cuộc suy niệm hay một ý
nguyện cầu.
Êm hiền như nghĩa mẹ, ơn Chúa xuống giữa lòng con người đã bấy lâu tìm
kiếm đợi chờ.
Trong phút chốc, chàng thấy rõ tất cả cái hư vô của các thứ quyến rũ
phàm trần và đồng thời chân nhận được những sự thực siêu hình xưa nay còn xa
lạ. Tâm hồn chàng chìm sâu trong một suối tình thương, êm dịu chan hoà.
Phanxicô dừng lại, mắt thôi nhìn, tai thôi nghe, và toàn thân thôi cử động.
Các bạn đã cách một quãng xa, không thấy Phanxicô đâu, cùng nhau quay
lại tìm. Đến gần, họ bỗng ngập ngừng. Người đứng trước mặt họ đâu còn nữa là kẻ
mà họ vừa suy tôn là “Vua Bạn Trẻ”. Một thế giới đã phân cách họ với người bạn
của những ngày vui tưng bừng náo nhiệt. Nhưng chẳng lẽ làm thinh, vài cậu cũng
phải gượng đùa:
-
Hoàng tử của chúng tôi oai vệ quá! Sao ngài lại ngừng
bước một mình ở đây? Lại tưởng đến nàng rồi hẳn? Bao giờ thì cử hành hôn lễ
đấy, quân vương? Chẳng biết công chúa thần tiên diễm lệ đến ngần nào mà khiến
Hoàng tử chúng tôi ngẩn ngơ đế thế?
Phanxicô mỉm cười khó hiểu trả lời:
-
Các bạn nói đúng! Tôi đang nghĩ miên man đến ngày hôn lễ.
Bạn đời của tôi là một giai nhân sắc tài đức hạnh vẹn toàn, các bạn chưa ai
từng gặp một người như thế.
Người đẹp của chàng trai ấy là ai? Chính Phanxicô cũng chưa rõ. Chàng
chỉ tiên cảm và ra công tìm kiếm, đang vững dạ chờ mong. Mãi sau chàng mới rõ
dung nhan người ước mơ ấy.
Những cuộc vui trên là bước cuối cùng của đoạn đời vui vẻ trẻ trung. Từ
đó, Phanxicô không cùng chúng bạn tổ chức những ngày lễ lạc hân hoan như thế
nữa. Chàng chỉ biết trung thành với người đẹp trong lòng.
Một tâm hồn biến đổi, một cuộc đời chuyển hướng vì đã đón nghe một tiếng
gọi xa xăm. Đó là việc làm của ơn Chúa. Người ngoài cuộc chỉ biết thế thôi, chứ
không mong gì phân tách diễn tả được tác động của ơn Chúa trong linh hồn ấy. Từ
đây Phanxicô theo ơn Chúa gọi, tiến tới không ngừng, vượt hẳn ra ngoài khuôn
khổ người thường. Hành động của chàng bị cho là điên cuồng rồ dại đối với những
kẻ khôn ngoan, cái khôn ngoan trần thế.
Tuy nhiên trong cuộc đời mới, Phanxicô đã mang theo tất cả những bản sắc
riêng của tâm hồn. Hào hoa phong nhã, khí phách hiên ngang, cốt cách người hiệp
sĩ, phong thái thi nhân, Phanxicô sẽ vận dụng tất cả những vốn liếng tự nhiên
ấy để phụng sự lý tưởng mới của chàng.