PHẦN
THỨ NHẤT
THÂN THẾ VÀ ƠN GỌI
THÂN THẾ VÀ ƠN GỌI
CHƯƠNG
1.
KHUNG CẢNH RA ĐỜI
KHUNG CẢNH RA ĐỜI
Ngày nay du khách đi tham quan các giá
trị kiến trúc của những nền văn minh cổ, cũng
như những người mộ đạo trẩy lễ viếng các nhà thờ linh thiêng, lúc đặt
chân lên đất nước Ý, thường không quên ghé đến một thành phố nhỏ, vắt vẻo trên
một ngọn đồi xinh, là thành phố Assisi.
Từ xa nhìn lên, nơi đây, in bóng giữa
nền trời xanh lơ, một ngôi thánh đường nguy nga đồ sộ, kiến trúc theo nghệ
thuật của thế kỷ XIII. Ngôi thánh đường này là một trong bảy ngôi Đại Thánh Đường
của thế giới Công giáo và đã được xây lên để kính vị thánh Nghèo.
Nếu đi sâu vào thành phố, qua những con
đường lát đá quanh co, dốc và hẹp, khách có cảm giác như lạc vào một thế giới
huyền diệu của thời Trung cổ. Bóng dáng con người đã tự nguyện sống một đời
nghèo, mặc manh áo vá màu nâu, như còn phảng phất đâu đây.
Con người ấy tên là Phanxicô.
Phanxicô sinh năm 1182.
Lúc Phanxicô sinh ra, xã hội nước Ý đang
sống trong tình trạng đặc biệt của thời Trung cổ. các nhà thần học, triết gia chưa
hợp thành trường phái. Người Công giáo cũng chưa biết xây những ngôi nhà thờ
cẩm thạch thanh thoát nhẹ nhàng vươn thẳng lên trời cao. Dante, nhà đại thi hào
nước Ý cũng chưa xuất hiện. Có thể nói rằng: Triết học, Kiến trúc, Văn chương
nước Ý chưa vào mùa.
Các giá trị mới chưa thành hình. Các giá
trị cũ đã bắt đầu sụp đổ. Chế độ Phong kiến chuyển dần sang chế độ Công xã. Đế
quốc sắp bị cắt xén thành nhiều quốc gia nhỏ. Tiếng La tinh chết dần, nhường
chỗ cho tiếng thông thường của từng dân tộc. Cuộc đời đạo hạnh đã có phần nới
rộng.
CHÍNH
TRỊ
Về chính trị, ngoài Châu Âu và Bắc Phi,
người Tây phương lúc bấy giờ chỉ biết có miền Cận Đông, là nơi họ đến buôn bán
trên một thế kỷ, và là nơi đoàn quân Thánh Gía đến giao tranh với người Hồi
giáo. Đế quốc La mã Nhật nhĩ man đang cai trị các nước Đức, Áo, Thuỵ sĩ, Bôem,
một phần lớn nước Pháp và toàn cõi nước Ý, trừ lãnh thổ Giáo hoàng. Trên bán
đảo nước Ý, thường xảy ra nhiều cuộc nội loạn phản lại Đế quốc. Kể đã lắm gian
lao mà các Hoàng đế vẫn không dẹp yên được. Để giữ vững chủ quyền, Hoàng đế
phải nhờ đến bàn tay quí tộc. Giai cấp này nhận đất đai làm thái ấp rồi nhân
danh Hoàng đế mà cai trị nhân dân. Nhưng cả một chế độ phong kiến này vẫn không
chống đỡ nổi tình trạng sụp đổ của ngai vàng. Tình trạng này càng ngày càng lâm
nguy, vì các cuộc .xưng bá xưng vương của các chư hầu liên miên từ Đức qua Ý.
XÃ
HỘI
Về xã hội, chế độ phong kiến chia dân
thành hai giai cấp: giai cấp phẩm hàm và giai cấp dân đen.
Giai cấp phẩm hàm gầm những người quý
tộc, vương giả và hiệp sĩ, chuyên giữ việc cai trị và đối phó với loạn lạc cướp
bóc. Họ sinh ra là có chức công hầu bá tước, có thái ấp lâu đài. Họ phải thế
trung thành và xả thân vì Hoàng đế. Nhờ những kẻ quân phiệt này, người dân đen
cũng được che chở, một phần nào, khỏi nơm nớp giặc giã cướp bóc. Những ơn che
chở ấy thường người dân đen phải trả thật đắt giá. Ngoài sưu thế tạp dịch là
chuyện thường xuyên, có lúc họ còn phải trả bằng cả tự do cá nhân nữa.
Dân đen gồm hai dạng: dân tự do và dân
nô lệ. Nô lệ bí thân vào giai cấp quý tộc. Đối với chủ, họ là một món hàng, có
thể đem ra chợ bán. Còn dân tự do thì cày ruộng ở thôn quê, làm thợ hoặc đi
buôn ở thành phố. Tuy được sở hữu và quyền xe dịch, nhưng đối với quý tộc vẫn
phải lệ thuộc sưu thuế tạp dịch.
Thời kỳ này là thời kỳ viễn chinh Thánh
Giá. Nhiều nước Công Giáo Châu Âu liên minh với nhau, đem quân đi đánh người
Hồi giáo để chiếm lại Thánh Địa quê hương Chúa Cứu Thế. Đi viễn chinh, người
Châu Âu gặp những con đường mới, những thương cảng mới, những dân tộc mới. Sau
đó nhờ giao dịch buôn bán, một số đông bỗng trở thành giàu có. Tiền bạc đến
giải phóng họ khỏi sưu thế tạp dịch và cho họ quyền ăn nói. Dần dà các vương
giả đạo đời thấy rằng phải nhượng bộ cho lớp người mới này ít nhiều đặc quyền
kinh tế và hành chánh. Ở Ý từ đó chế độ Công xã ra đời.
Công xã là tập đoàn các người lao động
sản xuất, kinh doanh và giao dịch. Mục đích chính của Công xã là tự trị và giải
phóng người dân khỏi mọi tầng lớp thống trị phong kiến lớn nhỏ, đạo cũng như
đời. Với mục tiêu ấy, Công xã thường gây nên nhiều cuộc chiến tranh hao tổn
xương máu. Liên miên các cuộc đồng bào giết hại lẫn nhau diễn ra, khắp nước.
Thành phố Assisi,
quê hương Thánh Phanxicô, vào thời này, cũng không ở ngoài tình trạng ấy.
TÔN GIÁO
Nói đến tình trạng Công giáo thời này,
nhiều nhà viết truyện Thánh Phanxicô đã quá bi quan. Họ thấy vị Thánh Nghèo đã
sinh ra trong một thời bi đát.
Tuy nhiên, buổi ấy, nói chung, Công giáo
vẫn là đạo duy nhất trong Đế quốc và trong khắp thế giới tiến bộ Châu Âu. Giáo
lý vẫn được đề cao giữa giới trí thức. Với chương trình cải cách rộng rãi của
Đức Giáo Hoàng Grêgôriô VII, Giáo hội đã bước lên đi thẳng vào trường kỷ
luật và thánh thiện. Các vị lãnh đạo như Đức Giáo Hoàng Innôcentiô III là những
vị có đức độ tông đồ rất cao, lão luyện chính sự và tinh thông luật học. Nhưng
để có được kết quả ấy, Giáo hội đã phải đấu tranh quyết liệt và dai dẳng trên
mấy thế kỷ. Tuy nhiên, một phần nào, thần quyền còn bị vua chúa lợi dụng và
Giáo hội cũng chưa làm thoả mãn được nhiều nhu cầu mới của nhiều tầng lớp giáo
dân. Tệ hơn nữa các tà thuyết rối đạo lại nẩy mầm trong dân chúng và đang theo
đà tâm lý mà bành trướng như ôn dịch thần khí.
Kể ra thời ấy, đã có nhiều đan viện,
nhiều nhà thương. Bóng giáo đường kế tục dâng lên như một mùa tháp trắng. Giáo
hữu đua nhau trẩy lễ xa, hành hương các nơi đất thánh, và gia nhập đạo binh
Thánh Giá. Các hiệp sĩ hăm hở xả thân bênh vực các cô nhi quả phụ. Tuy nhiên
xây nhà thương, xây đan viện, xây nhà thờ thường chỉ là một cách lập công đền
tội của những tay gian ác vừa quay về chính lộ, giữa lúc nhiều người khác thấy
chưa cần thống hối, vẫn sa đà, hà hiếp và bóc lột dân đen, gây nên nhiều hỗn
loạn, bất công trong xã hội và giữa giáo dân.
Tình trạng chính trị, xã hội và tôn giáo
nói trên đặt những người Công giáo có ý thức thời đó trước hai câu hỏi: Một là
phải làm thế nào để cho đời sống mới phù hợp với tôn chỉ Phúc Âm? Hai là phải
làm thế nào để Công giáo hoá những hoạt động của nền văn minh mới?