CHƯƠNG VIII
RIVÔ – TORTÔ- VƯỜN NHÂN ĐỨC
RIVÔ – TORTÔ- VƯỜN NHÂN ĐỨC
Chuyến này trở
lại thành nhà, anh em không về Porziuncôla nữa. Một đàng, vì mười hai người
không thể ở hết trong lều Phanxicô đã cất; đáng khác, rút kinh nghiệm cánh rừng
cám dỗ ở Ortô, Phanxicô không dám ở hẳn một chỗ nào nhất định nữa. Anh em đành
hạ trại ở Rivô - Tortô, từ cuối hè đến hết mùa đông.
Rivô - Tortô
nghĩa là “Dòng suối quanh co”, cách Porziuncôla hai dặm. Địa hình bây giờ khó
nhận định, vì dòng suối đã cạn từ bao giờ.
Cảnh Ombria đã
đẹp lại càng đẹp thêm. Gió hài hòa. Nắng dịu và ấm. Bầu trời trong suốt như
thủy tinh. Những lúc mặt trời đã khuất sau rặng núi, ngước trông lên, như một
tấm thảm muôn màu. Và đêm đến, ngàn sao lấp lánh, sáng ngời.
Trước vẻ đẹp
phong phú thiên nhiên, lòng Phanxicô như lắng xuống, ngài say sưa thưởng thức
như buổi thiếu thời đã từng say sưa cái vẻ huy hoàng rực rỡ của những tổ chúc
đình đám ăn chơi. Ngài mở rộng tâm tư và những vẻ đẹp thiên nhiên kia bây giờ
là những cái đà mới cho lời tán tụng.
Ngài thông cảm
ấn tượng ấy cho anh em. Ngài bảo: Vũ trụ là một quyển sách khổng lồ, trong đó
tên Chúa đã âm thầm ghi lên từng trang từng chữ. Tâm hồn muốn tìm Chúa, chỉ cần
lưu ý một chút cỏn con, là thấy Chúa dễ dàng và có thể phụng thờ yêu mến Chúa
qua bao nhiêu kỳ công sáng tác của Ngài.
Nhưng Rivô -
Tortô chưa hẳn là một thắng cảnh chỉ gợi toàn tư tưởng đẹp. Rivô - Tortô còn là
một mùa xuân nhân đức nở hoa. Những thứ hoa đặc biệt là: đức khôn ngoan đi đôi
với lòng đơn giản, đức khó nghèo với lòng khiêm hạ, đức bác ái với đức vâng
lời. Nhưng kể ra, đức nghèo vẫn là đức được đặt làm căn bản độc đáo cho cả
dòng.
ĐỨC NGHÈO
Người khác có
thể sống một cuộc đời nghèo vì lý do triết lý, đạo đức hay hy sinh, bác ái.
Phanxicô và anh em muốn nghèo vì tình yêu Chúa Kitô. Thấy Chúa xưa nghèo thiếu,
Phanxicô đem lòng thương mến và muốn được như ngài. Phanxicô coi đức nghèo như
người bạn tâm giao đã không bao giờ rời xa Chúa từ hang đá Bethléem đến đỉnh núi
Sọ. Nhưng từ ngày Chúa ngự về trời, đã hai mươi thế kỷ, bà Chúa nghèo ở lại, bị
mọi người ruồng rẫy coi khinh, bơ vơ không nơi nương tựa.
Đọc sách “Giao ước linh thiêng của thánh Phanxicô và Bà Chúa Nghèo” kể lại cuộc gặp gỡ
lần đầu tiên giữa đoàn Hiệp sĩ Chúa Kitô và Bà Chúa Nghèo, ta thấy tuy Đức
Nghèo được đề cao nhưng lại có nhiều đòi hỏi khắc khe.
Hai đoạn chính
của sách kể chuyện nhà thơ rong Thiên Chúa cùng mấy người bạn đồng hành, không
bị không gậy, hai tay không, phiêu lưu mạo hiểm khắp bốn phương trời, cố tìm
cho được Bà Chúa Nghèo xinh đẹp, đã bị phụ tình. Sau khi đã lên thác xuống
ghềnh, vượt qua bao nhiêu gian hiểm, anh em gặp Bà trên đỉnh núi cao.
Gặp bà, nhà
thơ rong cất lời ca tụng duyên dáng cao quý của bà và tha thiết xin bà đưa
đường chỉ lối tìm đến Chúa Kitô.
Gặp anh em, Bà
Chúa Nghèo cũng vui mừng hớn hở. Bà kể lại cho nghe cuộc đời lưu lạc bơ vơ, bị
trần gian bạc đãi của bà, giọng đượm buồn và ngụ ý trách móc. Anh em cảm động ứa
nước mắt, thề quyết thủy chung với bà. Rồi thỉnh bà về thăm tu viện anh em ở.
Sau đây là
đoạn trích trong Giao Ứơc Linh Thiêng, kể lại bữa tiệc anh em tổ chức mừng Bà
Chúa Nghèo đến thăm tu viện.
“Thức ăn đã
dọn, anh em mời Bà Chúa Nghèo dùng bữa. Bà Chúa truyền:
Trước bữa ăn,
yêu cầu anh em hướng dẫn tôi tham quan nhà nguyện, phòng tu nghị, nội viện,
phòng ăn, phòng ngủ, chuồng nuôi gia súc gia cầm, bàn ghế chạm trổ bóng nhoáng và
tòa ngang dãy dọc của anh em. Các cơ sở ấy ở đâu, tôi chỉ thấy anh em bình thản
vui vẻ, như đã được thỏa mãn, nên tôi được an ủi và tràn đầy vui mừng.
Anh em thưa
lên: “Tâu lệnh Bà, tâu Hoàng hậu, các tôi tớ của bà đi đoạn đường xa, đã thấm
mệt, và hẳn lệnh Bà đi với chúng tôi cũng mệt. Xin lệnh Bà vui lòng, chúng tôi
cùng ăn uống lấy lại sức, sau đó chúng tôi xin thi hành theo ý lệnh Bà.
Bà Chúa nói:
“Ý kiến hay ! Vậy anh em hãy đi lấy nước để chúng ta rửa tay, nhớ lấy thêm cái
khăn để lau tay”. Anh em vội đi tìm một cái bình đựng được nhiều nước, nhưng
tìm không có, đành đưa ra một cái chậu sành nhỏ, đựng được ít nước. Anh em dội
nước lên tay bà, vừa nhìn chung quanh như tìm cái khăn. Nhà không có khăn, một
anh em đành đưa vạt áo để Bà Chúa lau tay. Bà Chúa nói lời cảm ơn, nhưng lòng
bà ngợi khen Chúa đã ban cho Bà những người bạn đồng hành như thế.
Anh em mời Bà
Chúa đến chỗ đặt bàn ăn, trên bàn thức ăn đã dọn sẵn. Bà Chúa đưa mắt thoáng
nhìn, chẳng thấy gì ngoài bốn năm ổ bánh lúa mạch thứ thường, đặt trên mấy nắm
cỏ. Bà rất ngạc nhiên và tự nghĩ: “Ai đã từng thấy như vậy chưa, từ xưa tới
nay. Ngợi khen chúc tụng Chúa, là Thiên Chúa, Chúa đã quan tâm đến hết mọi
người! Chúa có thể những gì Chúa muốn. Chúa dạy dân Chúa biết làm những gì đẹp
lòng Chúa. Và Bà Chúa cùng anh em ngồi xuống, đồng thời dâng lời cảm tạ Chúa,
vì Chúa đã ban mọi ơn lành.
Bà Chúa truyền
bưng các đĩa đựng món ăn ra. Anh em đem đặt giữa bàn một cái tô sành đựng nước
lã, để mọi người chấm bánh khô cho mềm, dễ ăn, nhà không có các món nấu nướng
chiên xào.
Bà Chúa truyền
thôi thì đem món rau sống ra cũng được. Nhưng anh em không có vườn để trồng
rau. Anh em vội chạy vào ven rừng hái một ít rau dại đem về dâng lên cho bà. Bà
bào: “Xin cho ít muối, vì rau đắng khó ăn”. Anh em thưa: “Xin lệnh bà chờ cho
một lát, để anh em có đủ thời giờ về xin ở thành phố, và cũng còn tùy nếu có
người cho”- “Vậy xin cho con dao, để cắt bỏ các lá rau đã vàng và cắt bánh đã
khô và cứng”.
“Thưa trong
anh em không ai làm nghề thợ rèn. Sau này chúng tôi sẽ tìm cho bà một con dao,
tạm thời xin bà dùng răng để cắn bánh”- “ Nhà có rượu không ?” Anh em thưa:
“Tâu lệnh bà, chúng tôi không có rượu, vì nguyên sơ con người chỉ sống bằng
bánh và nước. Hơn nữa bà là bạn trăm năm của Đức Kitô, uống rượu không tốt,
rượu là chất độc hại. Sau khi đã dùng bữa, anh em cảm thấy vui hơn, vì đã được
sống trong cảnh nghèo vinh quang, còn hơn cảnh giàu có sung túc gấp bội. Anh em
dâng lời chúc tụng Chúa đã ban cho ơn trọng đại như thế và anh em mời Bà Chúa
Nghèo đi nghỉ. Bà cũng cảm thấy mệt. Bà phải nằm giữa đất, không chăn không
chiếu. Bà truyền lấy gối để kê đầu. Anh em bê hòn đá đặt dưới đầu bà.
Sau giấc ngủ
ngắn và ngon, bà yêu cầu anh em hướng dẫn bà đi tham quan tu viện. Anh em đưa
bà lên một ngọn đồi cao, rồi vun tay chỉ bốn phương trời. – “Tâu lệnh bà đó là
tu viện của chúng tôi”.
Bà cảm động.
Bà còn nói thêm ít lời huấn dụ khuyến khích nữa rồi từ giã anh em.
Đức Nghèo có
những đời hỏi khắt khe, nên đời sống của anh em ở Rivô - Tortô quả thật là khắc
khổ.
Túp lều anh em
tạm trú cũng chẳng rộng đủ dung nạp con số mười hai người. Túp lều ấy bỏ hoang
làm nơi ẩn cho khách lỡ đường tránh mưa gió. Bé và thấp, không đủ chỗ, nhưng
Phanxicô vẫn từng nhắc lại: Đường lên trời bắt đầu từ lều tranh hẳn ngắn hơn từ
cung điện. Ngài lấy phấn trắng ghi lên xà tên mỗi anh em để khi tới giờ cầu
nguyện hay nằm ngủ, ai nấy đều có chỗ riêng, khỏi mất trật tự và làm ồn ào.
Khổ về chỗ ở,
anh em lại thiếu thốn cả cái ăn. Các nhà dưỡng phong hay các thôn xóm anh em
tới làm công, có lẽ cũng nghèo, cũng ít việc làm, nên thường thường anh em phải
nuôi thân với cũng của thừa, ăn mày từng cửa. Bữa ăn sơ sài kham khổ, bụng đã
quen rồi, mà lắm khi vẫn không có. Anh em đành lượm củ cải rơi rớt ngoài đồng
hay trên các ngã đường, đem về luộc.
Sự thiếu thốn
làm khổ tâm anh em hơn hết là không có lấy một ngôi nhà nguyện nhỏ, cho dẫu
bằng tranh. Nhà nguyện của anh em chỉ là một cây Thánh giá to bằng gỗ, cắm giữa
trời, có lẽ dưới bóng một cây cổ thụ. Sách đọc là đó. Sách kinh là đó.
Bàn thờ cũng
là đó nữa. Có khi lẻ tẻ từng người, có khi tất cả mười hai anh em, quỳ gối
chung quanh, lặng lẽ suy về cuộc tử nạn của Chúa Cứu Thế, suy cho đến độ lòng
thổn thức và nước mắt chảy ròng ròng mới thôi.