Truyện thánh Phanxicô _ thời hoàng kim (tt)

Chương IX. PORZIUNCÔLA
THỜI ĐẠI HOÀNG KIM
ĂN MÀY.
Đối với kẻ tập tu, việc khó nhất không phải là giúp người phong, mà là đi ăn mày. Phanxicô lấy việc chịu nhục nhã đi xin ăn làm một dấu có ơn Chúa gọi.
Có một tu sĩ trẻ tuổi, đọc kinh thì làm chiếu lệ, công việc thì không ưa, bảo đi xin thì nhất quyết không chịu mà đến bữa lại ăn khỏe nhất nhà. Một bữa, Phanxicô gọi anh lại bảo:
-         Về đi thôi, anh ruồi ạ! Không chịu động tay động chân giúp vào việc nhà Chúa, còn ngồi hưởng công mồ hôi nước mắt của kẻ khác, thế mà không biết thẹn. Anh không khác gì con ong sắt vô tích sự, đã không làm việc cho bầy, anh lại xơi mật của những con ong cần mẫn.
Nói rồi ngài cho anh về.
Nhờ kinh nghiệm buổi đầu, ngài hiểu rõ tất cả ngượng ngùng của kẻ tập tu. Cho nên ngài chỉ giải quyết thẳng với những “anh ruồi” nhất định chối không chịu đi xin, cho là việc xấu hổ.
Suy về đức Nghèo của Chúa Giêu, Phanxicô tin rằng: đi ăn xin từng nhà là một đặc ân, là được dự vào bàn tiệc của Chúa. Nhận của người ta tự động cho là khiêm hạ, nhưng đi xin ăn từng nhà lại là một việc suy tôn đức nghèo, bởi vì người xin phải tự hạ hơn.
Để khích lệ anh em, Phanxicô thường nói về đức Nghèo của Chúa. Ngài nói:
-         Chúa sang trọng hơn bất cứ anh em nào ở đây. Thế mà ra đời, Chúa đã tự hạ làm kẻ nghèo. Ta đã chọn con đường nghèo vì yêu mến Chúa. Thế sao lại bảo đi ăn xin là xấu hổ? Nhận biên lai, giấy tờ làm bằng chứng để hưởng gia tài trên trời, mà lại thẹn? Rồi đây, vô số người sang trọng thông thái sẽ đến họp đoàn với ta. Họ sẽ cho đi xin ăn là một vinh dự. Anh em là những người dẫn đầu, anh em hãy làm cái việc mà rồi đây anh em sẽ truyền lại cho các thánh đến sau.
Riêng các anh em tập tu cũng cho việc đi xin là một thử thách chứng tỏ ơn Chúa gọi. Có một anh tập tu vào hạng nhát thẹn và hay mắc cỡ nhất, một buổi sáng ra đi xin, đã phải cố gắng lấy hết can đảm mới bước đi được. Đến chiều về, được nặng bị, anh hát vang ngoài đường. Nghe tiếng hát, Phanxicô chạy ra đón, Ngài đỡ lấy bị, ôm anh vào lòng, hôn lên chỗ vai mang bị rồi nói to:
-         Phước cho anh nào vâng lời ra đi nhanh chân, khiêm hạ ngửa tay xin, rồi trở về vui vẻ!
Chính ngài, ngài vẫn đi xin, để làm gương cho anh em. Gương lành và lời nói thay đổi được tình trạng, và dần dần anh em cũng quen việc hành khất.
TIỀN BẠC
Đi xin nhưng không bao giờ anh em được nhận tiền bạc, dầu khi người taa tự ý cho. Điểm này, anh em tuyệt đối phải giữ.
Hữu hạn lắm, nhà có anh em đau ốm, không liệu thế nào hơn được, bất đắc dĩ Phanxicô mới cho nhận ít đồng bạc để mua thuốc.
Phanxicô cấm nhận tiền bạc, bởi lẽ tiền bạc tượng trưng cho một thế giới mua bán duy lợi, thường gây ra tham vọng lừa dối lẫn nhau. Chế độ ấy đức Nghèo đã giải phóng cho anh em rồi. Tiền bạc lại là một dấu tư hữu. Quyền tư hữu, Phanxicô nhận cho người khác, không nhận cho anh em. Vả nữa, đức tin, đức cậy và tác phong tông đồ được Phanxicô kể là ba lý do buộc anh em phải xa lánh tiền bạc. Thái độ sinh hoạt tùy thuộc lòng hảo tâm của người cho, còn là một lời nhắc nhở người giàu làm nhiệm vụ đối với người nghèo. Phanxicô thường bảo anh em:
-         Anh em cứ đi xin. Lúc này là lúc Chúa để Anh Em Hèn Mọn đặt điều kiện cho kẻ lành làm những việc được quan tòa chí công khen tặng lời này: “Việc chúng con làm cho các anh em nhỏ bé nhất của Cha là việc chúng con đã làm cho Cha”.
Vả chăng, theo hiện tình kinh tế thời ấy, tiền bạc là một thứ xa xỉ thặng dư, là phương tiện vạn xấu của một xã hội xa hoa. Vì thế Phanxicô kể tiền bạc như cạm bẫy ma quỷ. Đối với anh em lỗi về tiền bạc, thái độ của ngài thật là nghiêm khắc.
Bữa kia, anh giữ nhà thờ thấy một đồng vàng, người hảo tâm nào đó dâng để trên bàn thờ. Anh đem đồng vàng gác lên ngưỡng cửa sổ. Không chủ tâm phản lệnh cấm, anh chỉ nghĩ: Cứ cất vào đấy, sau có cần mua gì thì đem ra mua. Biết hành động này, Phanxicô bất mãn lắm. Anh giữ nhà thờ đến quỳ trước mặt ngài xin nhận lỗi. Phanxicô bắt anh cắn đồng vàng trên miệng, tha ra ngoài hàng rào tu viện, nhả vào đống phân.
Ở Porziuncôla, anh em xin nhập dòng ngày càng đông. “Anh mẹ” là Phêrô Catanê, lo lắng, không biết liệu cách nào để sắm cái ăn cái mặc.

MỤC LỤC