Truyện thánh Phanxicô _ thời đại hoàng kim

Chương IX - PORZIUNCÔLA
THỜI ĐẠI HOÀNG KIM - NƠI PHÁT TÍCH.
Bỏ Rivô- Tortô ra đi, anh em buồn rầu hỏi nhau:
-         Chúng ta đi đâu bây giờ?
Phanxicô vội làm an lòng anh em:
-         Anh em yêu dấu, hình như Chúa muốn cho số anh em ta thêm lên. Ta hãy đi, kiếm một ngôi nhà nguyện nhỏ, làm chỗ đọc kinh nhật tụng và táng xác anh em ta chung quanh. Với lại cũng phải có một túp lều làm chỗ cho anh em hội họp.
Mọi người đều đồng ý. Theo lối xử sự đặc biệt của Phanxicô, ngài tìm đến vị Giám mục Assisi như đứa con tận tình phó thác. Chẳng may, Đức Giám mục không đủ điều kiện để ủng hộ anh em. Đến gõ cửa các vị giáo sĩ ở nhà thờ thánh Rufinô, kết quả cũng chẳng may mắn hơn. Cuối cùng vị viện phụ Biển Đức ở núi Soubasiô đã làm thỏa nguyện anh em. Đức ông viện phụ giao cho anh em nhà nguyện Đức Bà Thiên Thần và khu đất nhỏ bên cạnh gọi là Poorziuncola. Ngài chỉ đặt điều kiện là dòng Phanxicô có mở rộng đến đâu đi nữa, thì nhà nguyện Porziuncôla vẫn được kể là nơi phát tích muôn đời ghi nhớ. Phanxicô đồng ý ngay. Ngài cho như thế là đặt dòng làm chư hầu mãn kiếp của Đức Mẹ Chúa Trời.
Nhưng ngài không đồng ý nhận nhà nguyện và khu đất làm của riêng. Để tránh mọi ngộ nhận của anh em về sau và để đánh dấu rằng: đây chỉ là đất và nhà cho mượn tạm hằng năm, gọi là tiền thuế, ngài bảo anh em phải nộp cho Đan Viện Biển Đức núi Soubasiô một rổ cá. Cá ấy anh em bắt ở sông ở gần nhà. Lệ nộp cá lưu hành mãi cho đến lúc Đan Viện núi Soubasiô không còn. Mỗi khi anh em lên nộp cá, vị Viện phụ vẫn gửi lại một chai dầu làm biên lai nhận cá.
Ai kể được nỗi vui mừng của Phanxicô lúc đưa anh em về Porziuncôla. Ngài quyến luyến nơi này, một đàng vì đây là nơi Chúa Giêsu và Đức Mẹ ưa riêng; đàng khác, đây là nơi Phanxicô đã chứng kiến sự thể hiện mộng Phúc âm. Giữa bốn bức tường nhà nguyện này về sau các Thiên Thần đã vì Phanxicô mà ca hát và trên trời đã mặc khải cho ngài nhiều bí nhiệm riêng.
Giữa khu rừng ấy, Porziuncôla gồm nhà nguyện Đức Bà Thiên Thần, một nếp chòi tranh khá rộng làm chỗ hội họp chung và một số lều cá nhân cho mỗi anh em. Chòi tranh thường bằng cây trét đất sét, lều cá nhân chỉ gài bằng củi khô. Bao quanh tất cả những túp lều kia là một hàng rào cây sống.
SINH HOẠT.
Trong khu vực này, liên tục ngày đêm, anh em thay phiên nhau cầu nguyện. Chưa có đủ sách kinh để đọc theo đúng giờ giáo luật, thay vào đó anh em dành đcọ kinh Lạy Cha. Lối đọc kinh Lạy Cha ấy còn truyền đến bây giờ. Ngày nay trong các dòng Anh Em Không linh mục (Frères Convers) vẫn còn giữ.
Nếp sinh hoạt bên trong được luôn luôn khuôn theo đúng tinh thần đoàn thể. Giup1 đỡ lẫn nhau, thi hành bác ái với nhau, đó là căn bản của Luật sơ thảo. Ở đây tình bằng hữu đã nở hoa và anh em đã thể hiện được luật yêu mến nhau hơn mẹ yêu con. Đúng như luật dạy: “Một người mẹ yêu con về phần xác như thế nào thì anh em tinh thần cũng phải yêu mến nhau như thế ấy”.
Bữa kia, có đàn trẻ chơi ác lượm đá ném hai anh, nhưng không anh nào nghĩ đến việc tránh cho mình. Anh này dành anh khác đứng trước đỡ đá cho nhau.
Ở đây anh em không chỉ biết quên mình, bỏ ý riêng để phục vụ hết mọi người và mọi người chỉ có một lý tưởng chung, sống theo một tinh thần chung, cho nên, thứ uy quyền thường phải có trong một hội đoàn, kể ra ở đây cũng không cần thiết lắm. Tuy nhiên người đứng đầu vẫn là Phanxicô.
Đối với Phanxicô, thi hành uy quyền chỉ có nghĩa là làm sao anh em đi thẳng lối hẹp của ơn Chúa gọi, làm sao để mình có thể săn sóc phục vụ anh em như người hầu hạ. Ngài đem hết tài đức làm cho anh em thấm nhuần lối dùng quyền như thế. Trong mực sống thường ngày, thứ uy quyền Tòa Thánh đã ban cho ngài, họa hoằn lắm ngài mới đem ra thi thố. Ngài ủy một phần quyền ấy cho một anh em; ủy quyền ấy được anh em gọi là “mẹ.” Anh “mẹ” này phải đảm nhiệm vai trò đối ngoại và sinh hoạt vật chất. Các anh em khác được rảnh rang tha hồ cầu nguyện và chiêm ngưỡng lẽ trên trời. Luân phiên nhau, hết nhiệm kỳ, con lại làm mẹ, mẹ trở lại làm con.
Mỗi người trong nhà đều được phân công. Ai cũng có một quãng thời gian dành riêng cho linh hồn. Ngoài ra anh em đều làm việc lao động. Ai cũng có một nghề cầm tay. Chính Phanxicô làm nghề thợ mộc, thường ngài đục bát đĩa gỗ dùng trong nhà. Về sau, ngài đúc bánh lễ. Ở Grecciô còn giữ được cái khuôn bánh ngài dùng xưa. Anh Êgiđiô thì có tài đan giỏ. Anh Giunphêrô có cả một gian hàng chứa giày dép hư.
Để kiếm ăn, anh em vẫn ra làm thuê làm mướn cho mọi người như ngày còn ở Rivô- Tortô. Công việc làm thì giữ đúng Luật, chỉ nhận những việc hèn hạ. Cũng có nhiều bữa không tìm ra việc làm. Nhiều bữa gặp phải ông chủ bất nhân, quỵt công, không có gì ăn, phải đi ăn mày từng cửa.
Mức sống hằng ngày như thế, Porziuncôla quả là một chỗ ở xứng đáng với Bà Chúa Nghèo. Từ nơi đây, Đức Nghèo đã đóng dấu sâu đậm vào tinh thần anh em cũng như tinh thần dòng vào ngày mai. Nơi đây, các tập tu đều phải thụ giáo những bài học đầu tiên để chuẩn bị đời sống tập thể. Bữa ấy thời tập tu chưa hạn định. Khi xét đủ tư cách và có ơn Chúa gọi thì Phanxicô cho mặc ó dòng rồi cho khấn. Một điều kẻ xin vào tu nhất thiết phải làm, là đem phân phát của cải cho dân nghèo. Trừ khi gia đình túng bẩn quá thì thôi. Còn dành lại cho gia đình cũng không được. Vì anh em có nhiệm vụ phải làm sáng rõ cái đẹp của lòng thảo và lòng thương đối với mọi người. Phanxicô cho rằng: theo luật bác ái của Chúa Kitô, thì dân nghèo được quyền ưu tiên đến nhận của cải anh em từ bỏ.
Có một kia xin vào tu, cũng từ bỏ gia tài, nhưng lại đem của ấy cho bà con. Lúc nghe kẻ ấy trình lại, Phanxicô cười bảo:
-         Anh chưa bỏ hẳn nhà cửa bà con. Anh đem của cải cho bà con. Như thế là anh truất phần của người nghèo. Anh không đáng vào số những người những người nghèo vì Chúa. Thôi anh về.
Trong những việc từ thiện anh em làm, Phanxicô đặt lên hàng đầu việc săn sóc người bệnh phong. Vì bác ái ngài gọi những người xấu số ấy là “các anh Kitô.” Theo gương ngài, anh em cũng yêu mến họ chí tình. Tình trạng bị bỏ rơi và đói khổ của nạn nhân càng kích thích lòng nghĩa hiệp của anh em.
Có khi anh em bước quá cả giới hạn cần khôn ngoan. Chẳng hạn như anh Giacôbê. Anh được cử đến săn sóc một bệnh nhân ở vào giai đoạn cuối cùng của kịch bệnh. Bệnh nhân thành thối tha ghê gớm quá. Đã có lệnh không được ra khỏi giảng đường. Anh phàn nàn tình trạng bị nghiêm cấm ấy của người bệnh. Một bữa, thương quá, anh cho bệnh nhân ra ngoài rồi đưa về chơi với anh em ở Porziuncôla. Phanxicô đi giảng về, thấy bệnh nhân trong nhà. Ngài nghĩ đến sức khỏe của anh em, nói ngay rằng:
-         Anh Giacôbê, anh dẫn anh phong của chúng ta ra ngoài như thế, tôi tưởng vừa không tiện cho chúng ta, lại không tiện cho anh ấy.
Nói dứt lời, ngài bỗng động lòng thương và tự trách mình, vì anh phong cũng đã nghe ngài nói. Ngài liền sấp mặt trước anh Phêrô, hiện làm “mẹ gia đình”, thú tội thất lễ với anh phong rồi ngài xin việc đền tội. Mẹ Phêrô trả lời:
-         Anh muốn đền tội thế nào, thì anh cứ làm.
Ngài nói ngay:
-         Đây là việc tôi sẽ làm để đền tội tôi: Tôi sẽ cùng ăn một đĩa với “anh Kitô” của tôi.
Tới bữa ăn, Phanxicô ngồi cạnh anh phong. Hai người ăn chung một đĩa.
Sách “Những Bông Hoa Nhỏ” còn nhắc hai chuyện chung quanh vấn đề các “anh Kitô” này.
Chuyện thứ nhất là chuyện anh Bentivôgliô. Anh này thương các anh phong đến không muốn rời nửa bước. Đang thời kỳ anh săn sóc một bệnh nhân, thì có việc phải đi đến một địa điểm khác. Anh không ngại cõng anh phong ấy đi mười dặm đường suốt một đêm.
Chuyện thứ hai là chuyện một anh phong khó tính: Có một anh phong khó tính và ngạo mạn quá chừng. Ai cũng nghĩ anh bị quỷ ám. Anh em đến săn sóc đều bị anh đánh đập chửi mắng. Tệ hơn hết là anh báng bổ và nói phạm thượng đến Chúa và Đức Mẹ. Không ai có thể và muốn giúp anh nữa. Cố gắng nhịn nhục, chịu anh mắng chửi tàn tệ để thêm phần công phúc thì được. Nhưng nghe mãi những lời tục tĩu anh chửi Chúa và Đức Mẹ, thì ai cũng ngán và định bỏ anh.
Nghe kể như thế, Phanxicô liền đến thăm. Ngài chào hỏi anh phong thân mật:
-         Anh thân mến của tôi ơi! Xin Chúa ban bằng an cho anh!
Anh phong cau có mắng liền:
-         Bằng an? Bằng an gì? Chúa cướp hết hạnh phúc của tôi. Chúa cướp hết bằng an của tôi. Chúa để thân tôi tan rã thối tha thế này. Còn bằng an gì mà chúc nữa.
-         Anh ạ, nên nhẫn nại một chút. Bệnh tật Chúa ban cho chịu đời này có mục đích cho ta rỗi đời sau. Nếu ta vui lòng chịu ta sẽ được nhiều công nghiệp.
-         Bảo tôi nhẫn nại thế nào nữa? Suốt ngày thân tôi đau như xé. Mấy anh cha bảo đến giúp tôi lại làm cực tôi thêm nữa.
Biết người bệnh bị quỷ ám, Phanxicô vội đi cầu nguyện rồi trở lại thăm lần nữa. Ngài nói:
-         Anh ạ, các anh em khác không làm vừa lòng anh. Thôi để tôi giúp anh.
-         Cha thì giúp tôi được gì hơn những người khác?
-         Anh muốn gì là tôi làm vừa lòng anh ngay.
-         Tôi muốn tắm. Người tôi thối quá, chịu không nổi!
Phanxicô vội chạy ra vườn hái ít nắm lá thơm về nấu một nồi nước ấm rồi tự tay tắm rửa kỳ cọ cho anh phong, thật là nhẹ nhàng chu đáo. Với ơn Chúa, Phanxicô rửa đến đâu, bệnh phong tan biến đến đấy, da thịt lành hẳn. Anh phong cảm động, hối hận tội lỗi và khóc nức nở xin tha thứ. Mười lăm ngày sau, anh phong từ trần. Khi linh hồn anh bay về Thiên đàng, có ghé qua cảm ơn Phanxicô.

MỤC LỤC