Bài 15. THÁNH HÓA NGÀY CHÚA NHẬT
(ĐIỀU RĂN THỨ III)
106. Mục đích của điều răn thứ ba là gì?
Luật thánh hóa ngày Chúa Nhật có nguồn gốc từ ngày Sabat trong Cựu Ước: “Ngươi hãy nhớ ngày Sabat để thánh hoá ngày đó. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm công việc của ngươi. Nhưng ngày thứ bảy là ngày Sabat dành cho Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ngươi sẽ không làm công việc gì trong ngày đó” (Xh 20, 8-10).
Như Sách Thánh đã viết, ngày Sabat được lập ra là để dành cho Chúa; nhưng Chúa Giêsu còn cho chúng ta thấy được ngày Sabat còn có khía cạnh nhân bản của nó nữa: “Ngày Sabat được tạo nên cho con người” (Mc 2,27).
a Ngày dành cho Chúa:
Ngày Sabat nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta thuộc về Chúa. Chúng ta phải thờ phượng Ngài, vì Ngài là Thiên Chúa chúng ta, và là mục đích sau cùng của chúng ta.
Con người là một sinh vật có xã hội tính. Vì thế, việc thờ phượng cũng phải mang tính xã hội nữa. Việc dành riêng một ngày trong tuần để cùng nhau thờ phượng Chúa là điều hợp với luật tự nhiên đã ghi tạc trong lòng con người. Con người phải “dâng lên Chúa một sự phụng thờ bên ngoài, dễ thấy, công cộng và đều đặn, để tỏ ra sự nhận biết ân huệ phổ quát của Thiên Chúa dành cho mình”. [1]
b. Ngày dành cho con người:
- Con người là hồn và xác. Không thể quá lo cho các nhu cầu của thân xác mà quên đi các nhu cầu của tâm hồn: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh” (Mt 4,4) mà còn nhờ đến Lời Chúa, đến ân sủng cho đời sống siêu nhiên; hơn nữa, người ta cũng cần đến có thời gian cho giải trí, sách báo, giao tiếp... cho đời sống văn hóa tinh thần.
- Vả lại, thân xác cũng cần được nghỉ ngơi. Thiên Chúa đã nghỉ ngày thứ bảy, thì con người cũng phải nghỉ, phải “thôi làm việc” (Xh 31,17) để "mọi người có đủ thời gian nghỉ ngơi và nhàn rỗi mà vun trồng đời sống gia đình, văn hoá, xã hội và tôn giáo". [2]
Về phương diện này, luật nghỉ ngày Sabat là một cách bảo vệ người lao động khỏi bị bóc lột quá đáng. "Đây là ngày phản kháng lại khía cạnh nô lệ của việc lao động và sự sùng kính tiền bạc". [3]
- Ngày của gia đình: Ngày Chúa Nhật giải thoát mọi người khỏi những vướng bận của công việc và đem mọi người lại gần nhau, tạo môi trường thuận tiện cho tình gia đình được nuôi dưỡng và tăng trưởng ngày càng đầm ấm.
- Ngày của xứ đạo, là ngày các tín hữu cùng họp nhau trong một hành vi thờ phượng chung và các sinh hoạt tôn giáo chung. Nó tạo nên sự khích lệ lẫn nhau sống niềm tin, cậy, và yêu mến trong tình liên đới với nhau và với toàn Giáo Hội.