GIÁO LÝ CÔNG GIÁO - 10 ĐIỀU RĂN

Bài 16. THẢO KÍNH CHA MẸ
(ĐIỀU RĂN THỨ IV)
115.          Tại sao con cái phải thảo kính cha mẹ?
Con cái phải thảo kính cha mẹ, vì:
a. Cha mẹ là người thay quyền Chúa  mà nuôi nấng, dưỡng dục ta. “Lòng tôn kính của con cái, còn nhỏ hay đã trưởng thành, đối với cha và mẹ mình được nuôi dưỡng bằng tình cảm tự nhiên xuất phát từ mối dây kết hợp họ.
"Lòng tôn kính đó được đòi buộc bởi một điều răn của Thiên Chúa” [1] vì những gì cha mẹ làm để nuôi dưỡng, dậy dỗ con cái là làm công việc Thiên Chúa; ngược lại, những gì con cái cư xử với cha mẹ mình cũng có thể xem là cư xử với Thiên Chúa: Trong Cựu Ước, chữ trọng kính (Kabbod) được dùng chung cho Thiên Chúa, đền thờ, sách thánh và cha mẹ; con cái phạm tội bất hiếu với cha mẹ cũng phải chịu cùng một hình phạt với tội nguyền rủa Thiên Chúa:
“Bởi chưng người nào, bất cứ ai, mà rủa cha mẹ mình, tất phải chết” (Lv 20,9),
“Bất cứ ai, nguyền rủa Thiên Chúa của nó. . . , tất phải chết” (Lv 24,15-16).
b. Sau Thiên Chúa, cha mẹ là những đại ân nhân của con cái: “Lòng tôn kính cha mẹ dựa trên sự biết ơn đối với những người, bằng việc trao ban sự sống, bằng tình yêu và công lao của mình, đã sinh ra các con cái mình, giúp chúng có khả năng lớn lên, về sự khôn ngoan và ân sủng”. [2]
Tục ngữ có câu: “Có nuôi con mới biết lòng cha mẹ” để diễn tả những nỗi vất vả, cực khổ, thức khuya dậy sớm của cha mẹ để chăm sóc cho con cái được miếng ăn ngon, được giấc ngủ yên, được học hành, được vui chơi... Tình thương yêu của cha mẹ dành cho con cái thật vô cùng lớn lao, đúng như câu ca dao: “Công cha như núi Thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.
Con cái phải kính mến cha mẹ bao nhiêu cho đủ được?
“Hãy hết lòng tôn kính cha con, và đừng quên ơn mẹ đã mang nặng đẻ đau. Hãy luôn nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành, công ơn ấy con lấy chi đáp đền cho cân xứng” (Hc 7, 27-28).