Truyện thánh Phanxicô _ lên đường hành khất


LÊN ĐƯỜNG HÀNH KHẤT
Thế rồi với bộ áo cũ người làm vườn Tòa giám mục cho, Phanxicô từ nay đoạn tuyệt hẳn với đời, thênh thang bước chân vào con đường hoán cải.
Chàng lấy vôi vẽ lên áo một hình Thánh giá. Đó là khí giới của chàng Hiệp sĩ Chúa Kitô. Chàng rời khỏi dinh Giám mục ra đi, lòng vui như hoa nở. Đã qua rồi giai đoạn đầy phân vân sợ hãi, dè dặt vò dò dẵm lối đi. Phanxicô tiến thẳng vào rừng. Chàng cần sống trong cảnh vắng lặng để tìm lại bình tĩnh cho tâm hồn sau một cuộc kịch chiến và cũng để tận hưởng niềm vui của ngày được chính thức tấn phong làm Hiệp sĩ Chúa Kitô.
Nhịp theo bước chân đi chàng ca hát tán tụng tình yêu không bến không bờ của Thiên Chúa. Tiếng hát vang rộn cả một góc rừng.
Bỗng từ một bụi ậm xông ra ba anh cướp, chộp ngay lấy chàng nhạc sĩ hát rong. Ba anh cướp nghe tiếng hát tưởng gặp được món hời, không ngờ lại vớ phải một anh chàng điên, vỏn vẻn có manh áo cũ. Bực mình, ba anh cướp gạn hỏi:
-         Mày là ai? Đi đâu mà nghêu ngao như thế?
Phanxicô trả lời không chút sợ hãi:
-         Tôi là sứ thần Vua Cao Cả, phụng mệnh đi ca hát Tình Thương.
Như để trả thù vì bị mắc lầm, ba anh cướp giã cho Phanxicô một trận tơi bời và đẩy mạnh chàng xuống một rãnh sâu ven rừng, rồi bỏ đi. Phanxicô mình mẩy xây xát vì gai góc, sau một hồi lâu mới bò lên được khỏi rãnh. Rồi như không có việc gì xảy ra, chàng lại vừa đi vừa hát. Lời tán tụng Chúa vang khắp mọi nẻo rừng.
Qua khỏi rừng, chàng đến gõ cửa một đan viện dòng Bênêđíctô xin việc làm kiếm ăn. Các tu sĩ nhận chàng làm người phụ bếp, nhưng chàng không ở đó lâu.
Từ giã đan viện, Phanxicô tìm đến một người bạn cũ ở Gubiô. Người bạn này biếu chàng một bộ y phục các nhà ẩn sĩ thường mặc: một cái áo dài, một dây da thắt ngang lưng, một đôi giày và một cái gậy.
Sau khi từ biệt người ân nhân đầu tiên này, Phanxicô tìm đến trại phong, nơi chàng đã đến thăm và hẹn ngày trở lại. Thật là thỏa lòng mong ước bấy lâu. Sống giữa những bệnh nhân xấu số ấy, Phanxicô đem hết lòng thương mến săn sóc hầu hạ., rửa mụt, thấm máu, giặt dũ quần áo. Không có việc gì dơ bẩn mà chàng lại từ nan. Chẳng những thế chàng lại làm với một thái độ cung kính gần như làm việc thờ phượng. Người ta thấy chàng phong lưu công tử ngày trước bây giờ quỳ gối cúi đầu, hôn kính các vết thương ghê tởm in lên những tấm thân đã tàn rữa, mà trước kia có lẽ chỉ nghe nói đến chàng đã nôn mửa bỏ chạy. Thánh Bônaventura chép rằng: “Vì vậy Chúa đã ban cho nhiều người được lành bệnh, mỗi lần Phanxicô chạm đến vết thương”.
Nhưng Phanxicô không thể ở lại với những anh em yêu dấu này được. Lệnh Chúa truyền còn ghi rõ trong tâm. Nhà nguyện Thánh Đamianô vẫn chưa trùng tu xong. Tuân theo ý Chúa, chàng lại từ giã các bạn phong, trở về nhà nguyện Thánh Đamianô và hẹn sẽ có ngày trở lại.
Vị linh mục nhà nguyện Thánh Đamianô đã được người ta thuật lại phiên tòa ly kỳ hôm nọ, đang chờ mong chàng trai trẻ kỳ khôi nhưng đáng yêu ấy trở lại. Thì hôm nay chàng trở lại xin tiếp tục công việc đang bỏ dở.
Nhưng làm sao để xây lại nhà nguyện với hai bàn tay trắng? Suy đi tính lại thì chỉ còn một phương tiện duy nhất là đi mời gọi sự cộng tác của những người hằng tâm hằng sản, hay nói trắng ra là đi ăn mày từng cửa. Thế rồi, ngày ngày Phanxicô về Assisi, đứng ở các ngã đường, ca hát những bà ngợi khen Chúa. Thiên hạ thấy vui rủ nhau đến vây quanh người hát dạo. Khi thấy thính giả đã khá đông, Phanxicô hùng hồn tha thiết trình bày công việc trùng tu nhà nguyện Thánh Đamianô và nhân danh Thiên Chúa kêu gọi mọi người góp phần vào việc công đức ấy.
-         Ai cho tôi một viên đá, người ấy sẽ nhận được một phần thưởng của Chúa Giêsu. Ai cho tôi hai viên đá, người ấy sẽ nhận được hai phần thưởng của Chúa Giêsu. Ai cho tôi ba viên đá, người ấy sẽ nhận được ba phần thưởng của Chúa Giêsu…
Trong dân chúng có kẻ đứng lại, bĩu môi:
-         Rõ là điên! Con nhà giàu có lại bỏ đi ăn mày! Thừa của mà bố thí cho nó!
Trái lại có nhiều kẻ thấy lòng nhiệt thành của nhà khổ tu trẻ tuổi mà cảm động. Và số đá thu được cũng đủ cho người thợ nề tập sự tiến hành công việc. Tấm thân xưa quen sống trong nhung lụa bạc tiền, nay lại phải ngày ngày đi khuân đá từ Assisi về nhà nguyện Thánh Đamianô, rồi tự tay trộn vôi xây tường, vất vả cực nhọc không thể kể siết. Nhưng với một tâm hồn thành thật hoán cải, Phanxicô say sưa công việc, quên cả dung nhan mỗi ngày một tiều tụy, thân thể mỗi ngày một hao mòn.
Vị linh mục già thấy vậy động lòng thương. Tuy nghèo nhưng ngài vẫn cố gắng kiếm thêm thức ăn để bổ sức cho chàng thanh niên hăng hái. Một hôm thấy mình được cha sở cưng, Phanxicô tự bảo: Dễ thường và bao giờ bất cứ ở đâu ta cũng sẽ được người nuôi nấng chăm nom như thế này mãi sao? Đời của một người tự nguyện sống nghèo đâu phải như thế? Tưởng đến Chúa Giêsu xưa sinh nghèo sống khổ, chết trần chôn mướn, chàng cảm thấy xấu hổ đã sống đầy đủ và yên ổn.
Thế là hôm sau, sau một ngày mệt lả vì khuân đá xây tường, Phanxicô lại lủi thủi về thành gõ cửa từng nhà một, xin mẩu bánh thừa hoặc bát xúp cặn. Có kẻ vừa thấy bóng cậu cả Bernađônê đã vội xua tay quát mắng hoặc thả chó cắn đuổi. Có kẻ không nỡ từ chối cũng bố thí cho ít nhiều. Bữa ăn bố thí đầu tiên là cả một công trình. Ngồi trên một vỉa hè đường phố, Phanxicô nhìn vào chiếc bình sứt miệng lẫn lộn thịt dư bánh thừa, mùi xông lên làm chàng nôn mửa. Tội nghiệp con người xưa kia chỉ biết cao lương mỹ vị, nay đang nhắm mắt bịt mũi bỏ vội vào miệng rồi cố nuốt, nuốt và nuốt nữa. Và lạ lùng! Người ăn cảm thấy ngon hơn tất cả sơn hào hải vị đã từng ăn trên bàn tiệc ngày xưa. Chỉ một lát, bình đồ ăn đã hết sạch, người hành khất đứng dậy rũ áo ra về lòng nhẹ nhàng thanh thản. Và trong bóng chiều sắp tắt, trên đường về nhà nguyện Thánh Đamianô tiếng ai lanh lảnh vang xa, sang trọng và dịu dàng như tiếng chim hót véo von, dâng lên Chúa muôn lời cảm tạ.
Nhưng con người cũ chưa hẳn đã chết, và con người mới còn phải cố công hơn nữa.
Như hôm nọ, đèn dầu trong nhà nguyện lụi tắt vì cạn dầu, Phanxicô xách bình vội vã vào một quán rượu lớn ở Assisi để xin dầu. Vừa ló đầu vào, kìa Phêrô, Andrê và các bạn vui vẻ độ nào! Toàn những khuôn mặt quen thuộc! Chàng vội vã lui ra, mặt đỏ bừng vì thẹn. Nhưng vừa bước ra được vài bước đã thấy lòng đay nghiến: “Hèn nhát! Đã chọn lấy đời nghèo, sao còn hổ thẹn!”. Chàng vội quay lại, tiến thẳng đến trước bàn tiệc, thú với mọi người phút chiến bại vừa qua, và ngửa tay xin tiền mua ít dầu về thắp đèn chầu. Chiều về, lúc rót dầu vào đèn, Phanxicô mới hiểu tất cả nhiệm mầu của cuộc đời hành khất tình nguyện.
Ngày tháng qua. Nhà nguyện Thánh Đamianô đã trùng tu xong. Vị linh mục già cảm động, cầm lấy bàn tay đã lên chai của người thợ nề trẻ tuổi, và hết lời cám ơn khen ngợi.
Rồi cuộc đời hành khất, xây lại nhà thờ như thế kéo dài suốt hai năm sau. Chưa nghe Chúa truyền lệnh mới, Phanxicô cứ trung thành thi hành lệnh cũ: “Sửa sang lại nhà Cha đang hoang tàn đổ nát”. Sửa xong nhà nguyện thánh Đamianô, chàng lại bắt tay xây dựng lại nhà nguyện Thánh Phêrô cất trên một đồi đất phụ cậm với tường thành. Cuối cùng chàng sửa lại nhà nguyện Porziuncôla.
Nhà nguyện này chỉ là một gian nhà nhỏ, khuất sau một đồi cậy rậm. Được xây lên hồi nào, không ai rõ, chỉ biết rằng trước kia được gọi là nhà nguyện Đức Bà Thiên Thần, vì tương truyền đôi khi trong đêm vắng, các thiên thần hiện ra hợp lời hát mừng Thiên Chúa và Đức Mẹ. Nhưng đó là từ thuở xa xưa nào, chứ đời bấy giờ chỉ là một gian nhỏ hoang tàn đổ nát, chắng ai lui tới, trừ các trẻ chăn chiên những ngày giông tố đến tìm nơi trú ẩn.
Phanxicô không đành nhìn một nơi thờ phượng phải chịu cảnh điêu tàn, nên chàng cố công xây lại. Đối với một ngôi nhà nguyện nhỏ, đặt dưới sự phù trợ của Nữ Vương các Thiên Thần, Phanxicô lưu luyến lắm. Chàng dựng một liều tranh bên cạnh, rồi ở luôn đấy. Đây là nơi bao ngày tháng Phanxicô đã sống say sưa trong tình yêu Chúa. Đây chính là nơi Chúa đã tỏ cho chàng biết ý định của người về đời chàng và nơi chàng tìm được nghĩa Phúc Âm.
Ba năm qua, từ ngày Phanxicô tuyên bố chuyển hướng đời trước phiên tòa Giám mục, nhiều người đã theo dõi chàng từng bước. Thái độ bảo trợ của Đức Giám mục bảo trợ đã nói lên một phần nào cái ý mà ngài đã công nhận việc làm của Phanxicô là do lệnh Chúa. Nhưng phần đông vẫn cho nhà ẩn tu trẻ tuổi kia là một thằng điên hay một kẻ quá khích. Họ nhìn Phanxicô với cặp mắt hoài nghi, và sau một thời gian mỉa mai chế giễu chán rồi họ cũng quên, xếp Phanxicô vào hạng người sống ngoài lề xã hội chẳng đáng quan tâm.
Khổ tâm nhất cho Phanxicô có lẽ là sự nguyền rủa của gia đình. Mẹ chàng thì không kể, bà Pica đã giải thoát con khỏi tay áp bức của người cha độc đoán, chắc hẳn là thuận tình cho con sống cuộc đời đạo hạnh kham khổ ấy. Nhưng là phận đàn bà, bà chỉ biết thương con, âm thầm cầu nguyện cho con đi cùng đường đã chọn. Trái lại, thân phụ và em trai Phanxicô là Angêlô thì không tiếc lời mắng nhiếc mỗi lúc gặp chàng.
Một buổi sáng mùa đông, trời rét như cắt, Phanxicô đang quỳ gối cầu nguyện trong một ngôi nhà thờ. Cậu em bước vào, vừa trông thấy, liền chỉ cho người bạn đi sau và nói to:
-         Phanxicô đấy! Anh hãy thử hỏi chàng có thuận bán thì mua ít đồng mồ hôi.
Phanxicô mỉm cười đáp lại:
-         Mồ hôi tôi không bán, hai cậu ạ! Tôi đã bán cho Chúa rồi. Chúa mua đắt hơn hai cậu nhiều.
Con ông Bernađônê, hễ gặp Phanxicô đâu là ông không tiếc lời mạt sát và chúc dữ. Những lời đắng cay của thân phụ làm cho Phanxicô buồn tủi lắm. Thì ra thái độ trước tào án Giám mục chỉ là thái độ của một người muốn cắt đứt ngay những dây ràng buộc của tình phụ tử. Chàng cố tâm tàn nhẫn để thắng chính lòng mình. Chứ người con đâu phải là vô tâm hay bất hiếu. Để xoa dịu nỗi khổ tâm cứ bị phụ thân nguyền rủa, Phanxicô tìm đến người bạn hành khất già, tên là Albertô. Anh nói:
-         Xin ông nhận tôi làm nghĩa tử, để chúng ta cùng sang sẻ những của bố thí. Phần tôi, tôi xin ông điều này, cứ mỗi lần, trên đường hành khất, có gặp cha tôi, mà ông cụ cứ nhắm tôi nguyền rủa, thì xin ông hãy làm dấu Thánh giá trên tôi, rồi chúc lành cho tôi để bù lại.
Ông lão Abertô nhận lời. Thế là Phanxicô yên lòng. Để đánh tan lời chúc dữ của người cha ruột, đã có lời chúc lành của người cha nuôi, nghèo.
Trái với lớp người trên, một số khác không ít, tự nhiên thấy có thiện cảm với chàng thanh niên kỳ quậc ấy. Họ thầm bảo: Điên đâu mà cặm cụi mấy năm trời, sửa hết nhà nguyện này đến nhà nguyện khác? Điên đâu mà có vẻ mặt dịu dàng khiêm tốn và giọng nói đằm thắm thiết tha ấy? Điên đâu mà nhẫn nhục chăm sóc người phong và thương họ đến một tình thương không giới hạn? Vì thế, mỗi lần gặp Phanxicô lủi thủi trên đường hay đến gõ cửa xin đá, xin thức ăn là họ như bị một sức mạnh vô hình lôi cuốn. Họ không hiểu được, nhưng họ cảm thấy ở con người kỳ lạ ấy có một cái gì đặt chàng vào một thế giới khác hẳn thế giới lừa lộc đua chen này. Qua khóe mắt làn môi, qua bước đi giọng nói của người hành khất, họ cảm thấy như khun g trời mở rộng, và sau những câu trao đổi với chàng, họ còn giữ lại một dư vị thiêng liêng, làm dịu lòng trần thế, soi sáng trí phàm hèn. Mỗi lần bố thí cho chàng, họ ngạc nhiên vì chính họ là kẻ được bố thí một của gì quý, nhiệm mầu không thể tả ra được.
Riêng Phanxicô, dù thiên hạ chê cười, dửng dưng hay thương mến, chàng vẫn âm thầm tiến bước trên con đường làm tôi Chúa. Ban ngày làm bạn với lớp người đói rách, nhất là những người phong, những người xấu số hơn hết. Rồi tối lại, chàng một mình lặng lẽ trở về túp lếu tranh, cạnh nhà nguyện Đức Bà Thiên Thần thức khuya cầu nguyện.
BÀ CHÚA NGHÈO.
Cuộc đời cứ tiến nhịp nhàng như thế cho đến ngày 12 tháng 10 năm 1208. Sáng hôm ấy, bên ngoài, lúc mặt trời vừa tắm đồi cây trong bầu ánh sáng vàng tươi, mấy con chim đang tung tắng trước cửa ngôi nhà nguyện đã trùng tu từ năm trước, thì bên trong, lễ kính Thánh sử Luca bắt đầu. Có lẽ Phanxicô đã cố mời cho được một vị linh mục thuộc đan viện núi Soubasiô thỉnh thoảng đến dâng lễ. Nhà nguyện này vẫn thuộc các đan sĩ Bênêđictô trên núi ấy. Và sáng nay có lẽ chỉ một mình chàng giúp lễ và dự lễ.
Đưa sách lễ qua phía Phúc Âm, Phanxicô kính cẩn đứng nghe. Đến đoạn: “Các con hãy đi loan báo tin vui khắp nơi rắng: Nước Trời đã đến gần. Những gì các con nhận được nhưng không, hãy cho lại người khác nhưng không,. Ra đi, đừng mang theo tiền bạc, dây thắt lưng và bị đi đường, đừng mang theo hai áo, giày và gậy, bởi lẽ người làm công sẽ được người ta trả công”. Phanxicô bỗng có ấn tượng như Chúa vừa xé toang trước mắt chàng lớp màn đen sau hết. Đây rồi, đây chính là điều chàng đã tìm kiếm bấy lâu.
Lời Phúc âm vang dội bên tai như lệnh xuất quân của vị chủ tướng của chàng hiệp sĩ đã tình nguyện phụng sự. Phanxicô không ngần ngại gì nữa. Lời của Đấng Hắng Sống đã truyền rõ cho chàng sứ mệnh: Rao truyền tin vui khắp nơi và sống nghèo.
Trong bộ y phục mới, Phanxicô có cảm tưởng như một Hiệp sĩ đang thênh thang bước đi trên con đường phục vụ một ông Hoàng oai phong và một Bà Chúa xinh đẹp.
Từ những ngày được ứng mộng thuở còn theo đuổi công danh, hình ảnh Bà Cháu đã nỡ đẹp trong lòng chàng hiệp sĩ hào hoa phong nhã. Nhưng bà là ai? Tên bà là gì? Phanxicô vẫn chưa biết rõ. Qua những lời hứa hẹn nhiệm mầu, chàng thấy phải đợi chờ và qua bao gian nan thử thách chàng vẫn một lòng chung thủy. Muốn phục vụ bà, chàng phải qua một thời kỳ lột xác, đắng cay nhiều hơn dịu ngọt, hay đúng hơn, chỉ lấy đắng cay làm dịu ngọt. Cho tới hôm nay, Vua Trời Cao Cả đã chứng giám tấm lòng thành, cho chàng được yết kiến bà.
Ông Hoàng mà chàng hiệp sĩ phụng thờ là Đức Kitô. Bà chúa mà chàng hiệp sĩ quyết xông pha trận mạc, đem chiến lợi phẩm về dâng, là Bạn Trăm Năm của Đức Kitô, từ lúc sinh ra nơi hang đá, bò lừa, cho đến lúc chết trần trên thập giá.
Bà Chúa Nghèo hiện rõ giữa tâm hồn người hiệp sĩ với trăm nghìn vẻ đẹp nhiệm mầu huyền ảo. Giờ đây, Phanxicô mới thấy rõ quá trình của một cuộc gặp gỡ thiêng liêng. Và trên mọi nẻo đường đã có bàn tay Chúa dẫn dắt.
Đoạn tuyệt với đời ăn chơi, và mộng công danh không thực hiện nữa đã đành là chưa đủ. Còn cái bạn thân nặng ích kỷ yếu hèn cũng cần phải lột xác. Cành cây man dại phải được bàn tay Đấng Nghệ Sĩ Tuyệt Vời uốn nắn cho. Đau đớn xót xa, từng mảnh bản thân phải cắt xén. Lời từ của thân phụ đã cắt đứt liên hệ với gia đình. Cái hôn đặt lên má của những người phong thân tàn ma dại hôi tanh đã chế ngự được thói đài các phong lưu, dung dưỡng xác thịt. Đời hành khất nhục nhã đã đánh ngã được lòng tự cao tự đại. Cuối cùng lệnh truyền giáo chấm dứt cuộc đời ẩn dật bình an trong suy tư cầu nguyện.
Hôm nay mới thật là trần trụi. Chỉ còn một thái độ nghèo tuyệt đối, gồm trong một ý dâng hiến hoàn toàn. Con người đền tội, đã lột hết cái mình xấu xa ích kỷ để nhường chỗ cho một nhân vị khác sống động hơn, là Chúa Giêsu.
Giờ phút này, Phanxicô mời thật đã hiểu được nghĩa Phúc Âm.

MỤC LỤC