Truyện thánh Saviô _ vĩnh biệt... hẹn gặp lại

Vĩnh biệt... Hẹn gặp lại trên trời!
Sáng hôm sau, Chủ nhật mồng 1 tháng 3 là ngày Saviô phải rời bỏ Học viện. Hôm đó, tất cả học sinh bỏ “Dọn mình chết lành”
“Dọn mình Chết lành” là một thói quen rất thịnh hành trong tất cả các nhà Salêgiêng của Thánh Don Bosco trên thế giới: đầu mỗi tháng, các học sinh trong nhà đều họp nhau để đọc “Kinh Xin ơn Chết lành” và mọi người đều sốt sắng xưng tội chịu lễ trong ngày đó, coi như đó là lần xưng tội chịu lễ sau hết của đời mình nằm trên giường hấp hối vậy.
Sở dĩ cha thánh Bosco đặt ra thói quen tốt đẹp này cho tất cả các nhà của ngài trên thế giới là vì ngài đã quả quyết: “Ai trung thành thực hành việc này trong suốt cả đời mình, kẻ đó sẽ được cứu rỗi”.
Vào cuối cuộc Dọn mình chết lành, mọi người đều cùng đọc một Kinh Lạy Cha, một Kinh Kính Mừng và một Kinh Sáng Danh, theo ý chỉ: Cầu cho người sẽ chết trước nhất trong chúng ta.
Hôm đó, sau khi dọn mình chết lành, vừa ra khỏi nhà thờ, Saviô đã nửa đùa nửa thật bảo các bạn:
-         Lúc nãy, đáng lẽ các bạn nên nói: “Ta hãy đọc một kinh Lạy Cha, một kinh Kính Mừng, một kinh Sáng Danh, để cầu cho... Đa Minh Saviô là người sẽ chết trước nhất trong chúng ta”!
Những lời này khiến các bạn của Saviô kinh ngạc và làm họ rất đau lòng, vì họ rất quý yêu cậu. Và họ đã cầu xin Chúa đừng vội cất người bạn trẻ của họ về Trời, nhưng xin Ngài hãy mau chữa cậu khỏi, càng sớm càng hay.
Sau khi xem lễ và ăn sáng. Saviô lên nhà ngủ bình thản thu xếp đồ đạc, lấy những đồ cần hơn cả để cho vào chiếc vali nhỏ mà chiều nay cha cậu sẽ phải đem đến. Những đồ đạc khác như sách vở, đồ đạc, quần áo... cậu nhờ một anh bạn đem cả cho cha Bosco.
Rồi cậu bước xuống sân, cha Bosco kể, từ giã từng anh bạn một, bởi vì, với mỗi anh, cậu đều có một vài lời khuyên riêng để giúp ích cho linh hồn anh: với anh này, cậu khuyên răn; với anh khác cậu khuyến khích sửa vài khuyết điểm nào đó; với anh thứ ba cậu khuyên anh cứ bền đỗ chống trả ba thù; với anh nọ, cậu nhắn nhủ anh hãy xa lánh phường bạn xấu... Vai trò tông đồ giữa các bạn, đến lúc này cậu vẫn chưa chịu bỏ!
Bỗng có một lúc cậu chợt nhớ ra là còn nợ một anh bạn nọ hai xu. Cậu liền gọi anh tới và khôi hài: “À, này anh bạn! Chúng mình phải thanh toán nợ nần với nhau chứ! Tôi nợ anh hai xu và tôi phải trả lại cho anh, không thì đến lúc phải thanh toán trước mặt Chúa tôi đến nguy mất!”
Trước bữa cơm trưa, Hội “Đức Mẹ Vô Nhiễm” đã họp mặt đông đủ để nghe Saviô khuyên nhủ. Cha Bosco đã cho chúng ta biết sơ qua là Đa Minh Saviô đã khuyến khích các hội viên tông đồ của cậu hãy bền đỗ trong mọi sự, nhưng nhất là trong tình yêu mến Đức Mẹ. Chúng ta có thể chứng kiến buổi họp mặt này bằng trí tưởng tượng, như sau: tất cả các hội viên đều ở đó, quay quần quanh Saviô, chuyên chú, sốt sắng và cảm động. Giây phút long trọng! Và Saviô lên tiếng, giọng ngập ngừng vì cảm động, nhưng rất hăng nồng, gợi lại nguyên do của việc thành lập Hội, lý tưởng mà Hội đang theo đuổi, những kết quả đã thu được và còn cả một mùa gặt đầy hứa hen đang chờ đợi... Cả tâm hồn cậu đều dồn vào đôi môi cậu. Vì đây chính là bản chúc thư mà cậu đang đọc... Dù thế, cậu vẫn có dư nghị lực để tự chủ được mình: bộ mặt cũng như giọng nói của cậu không hề để lộ vẻ sầu thảm trước cuộc chia ly sắp tới; và nụ cười tươi vẫn làm sáng hẳn bộ mặt xanh xao của cậu, khiến các bạn cậu không ai có thể ngờ được là vị lãnh đạo trẻ tuổi của họ đang đứng trước ngưỡng cửa đời sau!
Chính Cagliêrô, một trong những người bạn thân tín nhất của Đa Minh Saviô, lớn hơn Saviô năm tuổi và sau này đã trở thành Hồng Y truyền giáo, đã tâm sự cho chúng ta hay: “Saviô lúc đó xanh xao, nhưng tươi tỉnh, nét mặt bình tĩnh, đượm vẻ nhẫn nhục vô biên, đến nỗi tôi đã phải thầm nghĩ: Thật là một tâm hồn cao đẹp, một cậu bé kỳ diệu! Trông cậu không khác gì một Thiên thần! Đó quả là một cậu bé và đồng thời là một vị Thánh cả!”
Trưa hôm đó, Saviô đã ăn một bữa cuối cùng với các bạn tại Học viện. Nhưng, phần vì hồi hộp, phần vì cảm động trước cuộc chia ly, cậu ăn không thấy gì là ngon cả. Lúc ra khỏi nhà cơm, cậu được tin là cha cậu đang đợi cậu ở nhà gác cổng. Lập tức, cậu liền vội vã kết thúc cuộc chia tay. Gặp cha Bosco cậu buồn rầu than thở như trách móc:
-         Thế ra cha không ưa “nắm xương tàn” của con nữa,, và nhất định “đuổi” con về Môđôniô à cha? Thật ra, con cũng không còn làm phiền cha bao lâu nữa mà! Nhưng thôi, con xin vâng theo thánh ý Chúa!... Nếu một ngày kia cha đi La Mã, thì xin cha đừng quên truyện con đã kể cho cha về nước Anh. Xin cha hãy kể lại cho Đức Thánh Cha. Xin cha hãy cầu cho con được ơn chết lành... Thôi, vĩnh biệt cha! Hẹn gặp lại trên Trời.
Chúng tôi đã bước ra khỏi phòng, cha Bosco kể, Saviô nắm lấy tay cha và siết thật chặt. Các bạn của em quây quần và xúm quanh. Mặc dầu cõi lòng ai nấy đều rạn nứt vì khổ đau, mọi người đều vẫn cố phát một nụ cười, một nụ cười gượng gạo, khổ đau... Saviô đưa mắt nhìn khắp lượt và cảm động nói:
-         Thôi, vĩnh biệt các bạn! Vĩnh biệt tất cả!... Xin các bạn hãy cầu cho tôi! Hẹn gặp lại tất cả các bạn ở trên Trời, bên cạnh Thiên Chúa nhân lành!
Thế rồi, lòng nặng trĩu u hoài, hai cha con sánh vai bước qua sân chơi vắng tanh bóng người và tiến về phía cổng trường. Đây, cả hai đã đứng trước cửa nhà ông gác cổng! Chỉ còn hai bước nữa là cuộc chia ly sẽ hoàn tất cho đến muôn thuở! Đúng lúc đó, nhìn cha Bosco với cặp mắt ứa lệ, Saviô nghẹn ngào:
-         Thưa cha, giờ đây xin cha cho con một món quà để ghi nhớ cha luôn mãi.
-         Con thích gì? Một quyển sách ư?
-         Không! Một cái gì quý hơn thế nữa, cha ạ.
-         Hay là tiền lộ phí, vì gia đình con có lẽ không có đủ?
-         Ồ, đúng thế cha ạ! Tiền lộ phí, tiền lộ phí để về cõi đời đời! Có lần cha đã cho con biết là cha đã được Đức Thánh Cha ban cho vài ân Đại xá đặc biệt dùng trong giờ sau hết để cha ban cho các bạn thân tín của cha. Vậy cha hãy ghi tên con vào sổ những người được hưởng ân Đại xá đó.
-         Được, ngay khi chia tay với con, cha sẽ lập tức làm theo ý con! Con hãy nói lại với cha xứ của con, trong trường hợp mà con bị...
Và, cha thánh ngừng bặt, vì ngài vừa cảm thấy một tiếng nức nở nghẹn tắt trong cổ họng đang sắp bật thành một tiếng khóc... Em bé này, em bé Đa Minh Saviô đáng yêu, ngài đã yêu em biết bao! Với tình yêu của một người cha, của một thầy dạy cũng như của một Đấng Thánh, ngài đã nỗ lực làm việc không ngừng để tiến tới kết quả tốt đẹp này, là làm trổ sinh bông hoa mỹ lệ này cho giới thanh thiếu niên... Thế mà bông hoa mỹ lệ đó, chỉ một lát nữa, sẽ gãy gục xuống đất để không bao giờ vươn lên nữa. Và giờ đây, ngài cũng như con cái ngài, không ai còn được thưởng thức hương thơm diệu huyền của nó!... Nụ cười xinh tươi như Thiên thần của em cũng sẽ không còn ai được thấy!... Còn những gương lành của em sẽ không còn đỡ đần các giáo sư và các bạn học của em nữa!...
Nhưng, không thể kéo dài cuộc chia tay mãi được! Ông Carôlô đang đợi kia, vai đeo chiếc hòm nhỏ của con. Vô tình mà thành hữu ý, ông đang diễn lại những cái cảnh tượng ở xóm Becchi độ nào, gần ba năm về trước, khi ông đem đứa con nhỏ của ông đến gặp cha thánh Bosco. Và cảnh tượng này cũng kết thúc y hệt buổi sáng lạnh trời cuối tháng 10 năm 1854: Đa Minh Saviô kính cẩn nâng tay cha thánh Bosco và hôn một chiếc thật lâu... Đó, cái hôn tri ân đối với người, sau Thiên Chúa, đã tạo nên tâm hồn cậu, một tâm hồn tinh tuyền mà tám ngày nữa cậu đem dâng lại cho Chúa!...
Và rồi Saviô cùng ba cậu vượt khỏi cổng trường: cậu đã ra đi để không bao giờ còn trở lại mái trường thân yêu này nữa!...
Còn lại một mình, mắt ngấn lệ, cha Bosco thẩn thờ nhìn theo thân hình mảnh dẻ của cậu học trò nhỏ... rồi chậm rãi quay gót trở về phòng. Tại đây, như lời đã hứa, ngài ghi thêm tên Đa Minh Saviô vào danh sách các ân nhân của trường ngài, rồi ngài gục đầu xuống bàn, thổn thức hồi lâu, lệ sầu chan chứa... khác nào người cha hiền buồn vì nỗi phải thấy đứa con cưng của mình lên đường về cõi vô định mà không hẹn ngày trở về...


Đaminh Saviô, bạn của các trẻ em
Đaminh Saviô mỉm cười với các bà mẹ