Truyện thánh Savio _ camillo - người bạn thân


Camillô - người bạn thân của Saviô
Cha thánh Bosco đã ghi rõ trong tiểu sử của Đa Minh Saviô: “Tại Học Viện Thánh Phanxicô đệ Salê, ai cũng là bạn của em, nhưng đặc biệt là các hội viên Hội Đức Mẹ Vô Nhiễm, dẫn đầu là Camillô Gaviô và Gioan Massaglia”. Và, trong hai chương sách cha thánh đã phô bày tỉ mỉ và ca tụng tình bạn thắm thiết của cậu Saviô đối với hai người bạn đó. Cả hai đều đã về trời trước Saviô.
Người bạn thứ nhất tên là Camillô Gaviô, ở nhà cha Bosco có hai tháng. Tuy vậy cậu cũng đã để lại cho mọi người một kỷ niệm tốt đẹp: ai cũng nghĩ cậu quả là một vị Thánh!
Ông lý trưởng ở quê Camillô Gaviô nhận thấy cậu có năng khiếu về khoa hội họa và điêu khắc nên đã bàn với Hội Đồng Xã gửi cậu theo học trường Mỹ nghệ tại Tôrinô. Nhưng, không may, sức khỏe của cậu Gaviô đáng thương lại rất mỏng manh. Nhiều lần cậu đã trải qua những phút “gần đất xa trời”...
Khi tới nhà cha Bosco, cậu chỉ biết đứng ở một góc sân, nhìn các học sinh khác chơi. Saviô, lúc nào cũng sẵn sàng làm quen với các học sinh mới, đã để ý tới Gaviô liền chạy lại bên cậu:
-         À, chào anh! Có phải vì anh không quen biết ai nên không muốn chơi?
-       Vâng! Camillô Gaviô khó nhọc đáp. Nhưng xem người khác chơi tôi cũng thấy thú không kém gì chính tôi chơi vậy.
-         Anh tên là gì nhỉ?
-         Camillô Gaviô
-         Anh từ đâu tới thế?
-         Từ thành Tortôna
-         Năm nay anh bao nhiêu tuổi?
-         Mười lăm
-         Mà, sao trông anh có vẻ buồn vậy? Hay anh mới ốm dậy?
-         Đúng thế! Tôi mới bị bệnh nặng lắm và tưởng khó bề qua khỏi. Tim của tôi có lúc đã ngừng đập, lại có lúc nó đập thật “hăng”. Bệnh của tôi mới chỉ thuyên giảm được ít bữa nay.
-         À, ra anh bị đau tim! Vậy chắc anh muốn khỏi bệnh lắm nhỉ?
-         Ồ, không đến nỗi! Tôi muốn theo thánh ý Chúa hơn!
Nghe câu trả lời này, Saviô hiểu rằng người đang nói chuyện với cậu là một người bạn rất đạo đức, có một tâm hồn nghĩ và cảm thông không khác gì cậu. Vì thế, sung sướng, cậu tiếp luôn:
-         Ai muốn theo thánh ý Chúa tức là muốn tự thánh hóa. Thế ra anh cũng ôm mộng nên thánh à?
-         Chính thế! Tôi hết lòng ao ước...
-         Hay lắm! Nếu thế anh hãy nhập bọn với chúng tôi. Ở đây chúng tôi có nhiều người cũng ôm ấp mộng đẹp đó.
-         Thế hở? Nhưng các anh đã làm gì để mong đạt tới đích?
-         Ồ, việc đó còn dễ hơn anh tưởng nữa kìa! Trong nhà này, đối với chúng tôi, sự thánh thiện hệ tại ở sự vui vẻ. Chính cha Bosco đã dạy chúng tôi thế. Rồi, chúng tôi còn cố gắng xa lánh tội lỗi vì tội lỗi là kẻ thù dữ nhất của chúng ta, nó cướp mất sự bình an của tâm hồn và làm chúng ta mất ơn nghĩa Chúa. Chúng tôi lại siêng năng làm cả việc bổn phận tầm thường nhất, và chúng tôi cầu nguyện không ngừng. Tôi nhắc lại điều tôi vừa nói, để anh có thể in sâu vào đầu: “Hãy phụng sự Chúa trong vui vẻ”. Thôi ra đây chơi đi anh!
Thế là từ ngày đó, Đa Minh Saviô và Camillô Gaviô đã trở nên đôi bạn thân, như hình với bóng, không bao giờ rời nhau, luôn khuyên nhủ nhau, giúp đỡ nhau trở nên toàn thiện...
Nhưng, không may cho Gaviô: sau khi vào nhà cha Bosco được mấy tuần lễ, bệnh cũ của cậu lại tái phát và trầm trọng đến nỗi các bác sĩ đều chịu bó tay. Đã đến lúc cậu thở rất khó khăn và không thể chơi đùa được nữa. Người ta khuyên cậu vào nhà thuốc... Saviô buồn rầu muốn được ở bên Gaviô đêm ngày để săn sóc. Nhưng ban đêm cậu không được phép.
Sau mấy tuần lễ bị con bệnh dằn vặt, hồi 1 giờ sáng ngày 29 tháng 12 năm 1855, sau khi chịu các phép bí tích cuối cùng, Camillô tắt thở: thế là cậu đã làm tròn thánh ý Chúa.
Khi được tin buồn này, Saviô đã chạy lại bên giường bạn. Nhìn mặt Gaviô lần chót, cậu đau đớn khẽ nói: “Thôi, vĩnh biệt Gaviô thân mến! Tôi tin rằng bạn đã bay về trời rồi. Vậy bạn hãy dọn cho tôi một chỗ bên cạnh bạn. Tôi sẽ mãi mãi là bạn của Gaviô như trước kia. Cả sự chết cũng không thể cướp được tình bạn đằm thắm của chúng ta. Bao lâu tôi còn sống, bấy lâu tôi sẽ còn luôn luôn cầu nguyện cho linh hồn bạn...”
Thế rồi cậu đi tìm các bạn, xin họ cầu nguyện và chịu lễ chỉ cho linh hồn Camillô Gaviô. Cậu nói: “Làm như thế, chúng ta không chịu thiệt thòi gì cả, vì sau này khi ta chết rồi, để bù lại, Thiên Chúa cũng sẽ soi lòng người khác cầu nguyện cho linh hồn ta”.


Đaminh Saviô, bạn của các trẻ em
Đaminh Saviô mỉm cười với các bà mẹ