Truyện thánh Savio _ Savio trở lại học viện


ĐA MINH SAVIÔ TRỞ LẠI HỌC VIỆN
MỘT HỌC SINH GIỮA CÁC HỌC SINH KHÁC
Sau khi qua đời được 2 ngày thi hài Đa Minh Saviô được mang ra an táng tại nghĩa trang của làng Mônđôniô. Nấm mồ của cậu là nấm mồ của kẻ nghèo khó: một cái hố rộng, một ít đất, và một cây Thánh giá gỗ.
Nhưng, khi đám tang đã vãn, người ta đã thấy có những người quỳ phục xuống hôn nấm mồ đó như là hôn một hòm đựng thánh tích.
Vài ngày sau, có những người bệnh đã được khỏi bệnh và có những tâm hồn sầu khổ đã tìm được nguồn an ủi, vì họ đã tới cầu nguyện ở đó.
Những đoàn hành hương đông đảo bắt đầu lũ lượt tuôn đến kính viếng nấm mồ nghèo hèn của vị thánh tương lai.
Tháng 10 năm đó, các bạn trẻ của Đa Minh Saviô đã từ Tôrinô tới mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi ở xóm Becchi, quê hương của cha Bosco. Becchi là một xóm nhỏ ở kế cận làng Mônđôniô. Vì thế mà tất cả các học sinh của Học viện đã muốn tới viếng nấm mồ của người bạn trẻ thánh thiện của họ.
Khi tới nơi, họ đã quàng một vòng hoa trường sinh bất tử lên cây Thánh giá gỗ cắm trên mộ. Giữa vòng hoa là một tấm bìa cứng có ghi những chữ: “Tặng bạn Đa Minh Saviô, học sinh của Học viện Thánh Phanxicô đệ Salê ở Tôrinô. Các bạn trẻ của bạn”
Trước khi bỏ đi, họ cùng quỳ gối trên con đường mòn nhỏ hẹp bao quanh mộ của Đa Minh Saviô và hết lòng nguyện xin Đa Minh Saviô giúp họ được ngoan ngoãn như cậu thuở xưa, để một ngày kia cũng được hạnh phúc lên họp mặt với cậu trên Nước Trời.
Ít lâu sau, vì khách hành hương bản xứ và từ các miền phụ cận cứ tuôn đến ngày một thêm đông, người ta quyết định đem quan tài của Saviô vào đặt trong ngôi nhà nguyện của nghĩa trang. Ngôi nhà nguyện này được xây cất để kính hai vị thánh tử đạo thời danh: thánh Fabianô và thánh Sêbastianô. Đã lâu, vì không mấy khi được dùng đến, tường vách của nhà nguyện đã bị rêu phong phủ đầy và đã biến thành giang sơn của các chú thằn lằn. Người ta liền tổ chức một cuộc lạc quyên giữa các học sinh của Học viện Thánh Phanxicô đệ Salê. Các học sinh trẻ tuổi này đã thật quảng đại, đến nỗi không những đã biến ngôi nhà nguyện này thành mới tinh, người ta còn xây thêm được một ngọn tháp nhỏ để đặt hai quả chuông xinh xắn.
Lễ khánh thành nhằm ngày 26 tháng 7 năm 1907, nhân dịp lễ kỷ niệm Đa Minh Saviô qua đời được 50 năm.
Trên đài tưởng niệm đặt thi hài của vị thánh trẻ, người ta đã khắc những lời này, rút ra trong Kinh Thánh Cựu ước: “Tôi đã làm việc trong thời gian ngắn; nhưng sự khó nhọc vắn vỏi này đã làm tôi đáng được một cuộc an nghỉ lâu dài”.
Câu ấy có nghĩa là: “Đời sống của tôi thật ngắn ngủi, nhưng dù thế tôi cũng đã chiếm được một phần thưởng vĩ đại”. Và, quả thật là thế.
Rồi đây, chính Hội Thánh sẽ công bố điều đó... Ngày 11 tháng 2 năm 1914, ngày kỷ niệm Đức Mẹ Vô Nhiễm hiện ra ở Lộ Đức, đơn xin phong thánh cho Đa Minh Saviô đã được chính thức chuyển về Rôma, Giaó đô muôn thuở. Thế có nghĩa là cậu bé 15 tuổi này, học trò của cha Bosco, đang tiến tới cái vinh dự chỉ dành riêng cho các vị thánh!
Cha thánh Bosco về Trời đã lâu... Trên đó, chắc hẳn ngài rất hoan hỷ vì không thể không chúc khen cậu học trò vinh hiển của ngài!...
Một trong những cô em của Đa Minh Saviô, thấy danh tiếng của anh mình sắp sửa được vang lừng khắp nơi, đã dự định cho đem thi hài của cậu về Tôrinô, để đặt trong nhà nguyện Thánh Phanxicô đệ Salê, cho các bạn trẻ của cậu và các giáo dân ở Tôrinô dễ bề kính viếng.
Dự định này đã được cả thành phố Tôrinô nhiệt liệt hưởng ứng và, ngày 19 tháng 10 năm 1914, một phái đoàn đã từ Tôrinô tiến về Mônđôniô, với hy vọng sẽ đem Saviô về Tôrinô ngay ngày hôm đó.
Nhưng, dân làng Mônđôniô đã được tin đó! Và họ lại nhất quyết giữ vị thánh của họ lại, với bất cứ giá nào!
Tay mang đinh ba, câu liêm, cuốc xẻng và cả gậy gộc, tất cả trai tráng trong làng đều giàn hàng ở đó, quanh ngôi nhà nguyện đặt hài cốt của Đa Minh Saviô.
-         Đi ngay! họ la lên. Chúng tôi không để các ông ăn cắp vị thánh của chúng tôi đâu! Cậu thuộc về chúng tôi chứ đâu có phải về các ông! Nếu các ông đem cậu lên tỉnh, thì lấy ai bảo vệ làng mạc của chúng tôi?!...
Phái đoàn đã cố gắng thương thuyết với đám dân làng... Họ hứa sẽ xây cho dân làng một tượng Đa Minh Saviô ở ngay công trường giữa làng... Nhưng, họ đã nhọc công vô ích! Dân làng Mônđôniô nhất quyết không chịu nhượng bộ! Rút cuộc, phái đoàn đành tiu nghỉu rút lui, trở về Tôrinô với hai bàn tay trắng!...
Tuy vậy, tám ngày sau, họ lại trở lại Mônđôniô, với một đội hiến binh đi kèm! Lần này, hầu hết trai làng đều đang mê mải với công việc đồng áng. Gần ngôi nhà nguyện chỉ có vài người đàn bà đang lâm râm cầu nguyện. Thấy bóng mấy ông hiến binh, các bà liền rút lui có trật tự... Và người ta đã đặt quan tài của Đa Minh Saviô lên một chiếc xe...
Lát sau, hài cốt quý báu của cậu thánh trẻ đã lên đường thẳng về Tôrinô, đang khi trong ngôi nhà nguyện trống trải, những người đàn bà quỳ gối nức nở khóc than... Cậu thánh trẻ của họ đã đi mất rồi!... Thế là từ nay, những chiếc chuông mới tinh sẽ không còn ca vang nữa!...
Ở Tôrinô, trái lại, muôn ngàn tiếng chuông thánh thót reo vang loan báo cuộc trở về của Đa Minh Saviô! Hàng trăm trẻ em đã lũ lượt kéo tới để kính viếng cậu!... Khi quan tài được đưa xuống khỏi xe, mỗi học sinh đi qua đều động vào quan tài một vài đồ vật: một mẫu ảnh đeo, một mẫu ảnh giấy, một chiếc khăn tay... Tất cả những vật này, đối với các học sinh, thật không khác gì những thánh vật vô giá!...
Để an ủi dân làng Mônđôniô, người ta đã đặt ngay trước nhà ông bà Carôlô Saviô một pho tượng Đa Minh Saviô thật lớn. Và cụ Lý Trưởng đã lấy tên Đa Minh Saviô để đặt cho công trường chính của làng. Thế là ai nấy đều bằng lòng cả!
Tại Tôrinô, người ta đã đặt di hài của Đa Minh Saviô trong một quan tài làm bằng gỗ tốt, bên ngoài bọc thêm hai lần kim loại quý, và trước sự hiện diện của Đức Tổng Giám Mục thành Tôrinô, bốn vị linh mục đã khiêng quan tài này sang Thánh Đường Đức Mẹ Phù Trợ các Giaó hữu, do chính cha Bosco đã xây cất.
Dưới chân một chiếc trụ thật lớn là một đài kỷ niệm rất sang trọng. Trên cao người ta thấy tượng Đa Minh Saviô đứng trước mặt cha Bosco và ngước mắt lên Trời. Phía dưới là một ngôi mộ bằng đá cẩm thạch, trong đựng hài cốt của cậu.
Từ đó, muôn hoa đua nở trên ngôi mộ này một cách kỳ diệu, nhất là trong những ngày thứ năm... Đó là các học sinh của Học viện, trong khi đi dạo, đã hái cho người bạn trên Trời của họ những đóa hoa mọn hèn của đồng nội: nào những bông cúc vàng, nào những bông mào gà đỏ chói, nào những bông hoa tím vương niềm khổ hạnh, và còn biết bao thứ hoa muôn màu khác nữa... Khi trở về, giày còn phủ đầy bụi đất, họ đã tới đó để đặt, cùng với một lời nguyện vắn, những bó hoa xinh xắn của họ...
Những bó hoa xinh xắn! Thật ra, không phải ai cũng tặng cho những... cái mớ sọc sệch ấy tính từ “xinh xắn”!... Vì, những bông hoa trong cái “mớ” ấy thường được buộc lại với nhau rất là vụng về, và những cuống hoa lại quá... cũn cỡn!
Nhưng, chính cái chân tình cảm mến mà các hcọ sinh đặt trong các cánh hao héo dở này đã làm những cái “mớ” đó trở nên quý giá hơn cả những bó hoa hiếm có nhất!
Nói đến những bó hoa hèn mạt này, anh không thể không liên tưởng đến bó hoa mà Đa Minh Saviô đã đem từ trời cao xuống cho cha Bosco để ngài phân phát cho những người bạn trẻ trần gian của cậu: bó hoa Phúc Lộc!
Những đóa hoa thắm sắc ngạt hương của trời cao kết hợp với nhữn đóa hoa mọn hèn của trần thế... Hình ảnh của những tâm hồn đã cùng được về Thiên Quốc với Đa Minh Saviô và hình ảnh linh hồn của các em, những kẻ vẫn tiếp tục tranh đấu trên thế tạm!
Hỡi các em nhỏ trai, gái thân yêu đang đọc anh! Nếu các em không phản đối, anh muốn chúng ta hãy cùng nhau quỳ gối, bằng trí tưởng tượng, bên hài cốt của Đa Minh Saviô, người bạn trẻ của chúng ta. Hai tay chấp lại, trước những cánh hoa nhỏ của đồng nội mà hôm nay các trẻ em đặt trước hòm đựng hài cốt của cậu, chúng ta hãy cùng nhau đọc kinh ngắn này, một kinh cũng đơn sơ không kém những cánh hoa kia, và là một kinh đã được đặt ra cho chính các em: Kinh này sẽ giúp các em nhận được nơi Saviô sức mạnh để chống trả sự dữ, và được hạnh phúc mỗi ngày một thêm giống Đa Minh Saviô.


Đaminh Saviô, bạn của các trẻ em
Đaminh Saviô mỉm cười với các bà mẹ