Hiển thị các bài đăng có nhãn frank_duff. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn frank_duff. Hiển thị tất cả bài đăng

TU ĐỨC

KHÍ GIỚI VÀ HỖ TRỢ
19.      Sự cần thiết của việc đọc sách về tôn giáo
Đọc sách lành mạnh, làm người khác đọc sách lành mạnh, và sau nầy mọi người đều làm việc thiện cả.
Chúng ta phải tạo cho mình khiếu thưởng thức văn chương tôn giáo. Nó phải có một chỗ nhất định trong ngày. Từ đó chúng ta sẽ trở nên thích thú về đạo Công Giáo của chúng ta. Nới rộng tầm hiểu biết về Giáo điều, lịch sử, vinh quang, hệ thống, kẻ thù của Giáo Hội, và có thể trả lời cho hằng ngàn câu hỏi và chống đối của bạn bè cũng như kẻ thù.
Có nhiều thư viện về sách tôn giáo lắm. Có lẽ chúng ta sẽ mua sách mà mình thích đọc nhất. Nhưng hãy hy sinh một tý, sau khi mua và đọc kỹ càng rồi, hơn một lần, nếu tác giả đã để những tư tưởng sâu xa vào trong tác phẩm của họ, chúng ta sẽ không hiểu thấu hết nếu chỉ đọc một lần.
Sau đó đừng để sách đóng bụi, mà hãy để sách đi chinh phục linh hồn. Gởi sách đi vòng vòng trong các bạn, những người mà biết họ sẽ trả sách.
Có vài tạp chí định kỳ hay cũng nên vào nhà chúng ta thường xuyên - nó sẽ giúp cập nhật hóa những gì Giáo Hội trên toàn thế giới đang làm.
Chúng ta phải đọc đời sống của các thánh
Chúng ta được dạy đọc bằng dòng đầu. Trong tiềm thức, chúng ta cũng sống bằng dòng đầu. Mục đích Chúa làm trong việc phong thánh là để hấp dẫn chúng ta bằng những dòng đầu về sự toàn thiện và can đảm.
Thánh là các nguyên tắc và hoạt động của sự thánh thiện thành hình. Nếu lui tới với các ngài thường xuyên thì sớm muộn gì chúng ta cũng bắt chước tính tốt của các ngài.
Vấn đề báo chí
Chúng ta có khuynh hướng nghĩ rằng phải đọc báo mỗi ngày để biết cái gì xảy ra trên thế giới. Chúng ta phải biết rằng báo chí  đã đặt chúng ta trong tay của thế gian.
Báo chí bây giờ viết thật hay, thật hấp dẫn đến độ nó trở nên ghiền, ngày nào cũng phải đọc báo.
Thảo luận triền miên, cái nhìn đầy thành kiến, hiểu biết vá víu, sự chán ghét những gì trang nghiêm hoặc văn chương, thiếu khả năng tập trung, trí nhớ sai lệch - là sản phẩm của thời gian phí phạm mà chúng ta có thể dùng để tiến triển mạnh mẽ trong nước Chúa.
Frank Duff  (Ôn Quý Nương dịch)

TU ĐỨC

KHÍ GIỚI VÀ HỖ TRỢ
18.      Thánh Giu Se
Chúa Jesus và Đức Mẹ trông cậy vào Thánh Giu Se lương thực hằng ngày. Cho nên không gì ngạc nhiên khi Giáo Hội bảo chúng ta “ Đến với Thánh Giu Se”.
Ngài rất thân thiết với các thánh. Đặc biệt là vị thánh cầu nguyện thật nhiều -Thánh Teresa- sẽ kể cho chúng ta nghe những điều xán lạn do kết quả của lòng yêu mến Thánh Giu Se.
Dường như không có nghề nào hay điều kiện sống nào mà không có điểm giống Ngài, mà điều đó khuyến khích chúng ta nhiều. Trên cùng, là những người làm việc cực khổ, chúng ta có thể đến với Ngài, biết rằng khi giống Ngài về điểm nầy thì vòng tay bé bỏng của Chúa Hài Nhi sẽ ôm lấy mình ngay.
Chúng ta có thể tạo thói quen cầu nguyện với Ngài như thế nầy” Thánh Giuse mà Chúa Jesus gọi là cha, cầu nguyện cho chúng con”. Đó là danh dự lớn nhất của Ngài.
Frank Duff  (Ôn Quý Nương dịch)

TU ĐỨC

KHÍ GIỚI VÀ HỔ TRỢ
17.      Lòng tôn sùng Đức Mẹ
“Hãy cho tôi biết bạn đọc kinh Kính Mừng như thế nào thì tôi sẽ nói cho bạn biết bạn yêu Chúa như thế nào.” Một thánh đã nói thế. Đầu ngón tay của các thánh - chai bởi lần hạt- chứng thực cùng một ý nghĩ.
Bạn phải yêu Đức Mẹ thật nhiều. Đọc và cầu nguyện và cầu nguyện nữa cho đến khi bạn có được tình yêu đó. Van xin Chúa cho bạn, lòng yêu chuộng Đức Mẹ mà Ngài muốn bạn có.
Lòng yêu chuộng Đức Mẹ to chừng nào là dấu hiệu thánh thiện to chừng ấy.
Đừng coi Mẹ như chỉ là Nữ Hoàng của các thánh, Mẹ còn hơn thế nữa. Mẹ là con gái yêu dấu của Đức Chúa Cha, Mẹ của Đức Chúa Con, Hôn Phối của Chúa Thánh Thần. Khi bạn cầu nguyện với Chúa Ba Ngôi, hãy mời Mẹ đến gần để Mẹ dâng lời cầu nguyện của bạn lên cho Chúa.
Mẹ lại là mẹ của chúng ta nữa. Ý tưởng nầy có thật với chúng ta không? Tình yêu của mẹ chúng ta ở thế gian nầy là một điều tuyệt vời. Qua lửa qua nước nào mà họ không làm cho chúng ta? Thế mà tình yêu của họ chẳng thắm gì so với tình yêu của Đức Mẹ.
Có một phong tục rất tốt đẹp mà uổng thay không còn thông dụng như ngày xưa nữa là - cha mẹ dâng con mình cho Đức Mẹ. Những người bị quỷ ám thì cần sự dâng mình nầy biết bao. Nếu quỷ có thể làm hại một thì Mẹ có thể làm tốt triệu lần.
Hãy dâng mình cho Mẹ không những con cháu mình mà còn dâng chính mình nữa một cách thật long trọng - nhớ rằng cái gì thuộc về Đức Mẹ thì tất cả đều cho Chúa cả.
Frank Duff  (Ôn Quý Nương dịch)

TU ĐỨC


TRỞ NGẠI VÀ CẠM BẨY TRÊN ĐƯỜNG
16.      Nản chí và kiêu ngạo
Giá trị tinh thần của bất cứ công việc nào không phải đánh giá bằng kết quả nhiều hay ít mà là bằng sự trong trắng của ý định và cố gắng mà mình làm. Một bài giảng hay một cuốn sách giá trị đã làm cho nhiều người trở lại đạo, có thể có giá trị ít cho tác giả hơn là một cử chỉ hy sinh nhỏ bé. Như vậy thì nản chí bởi thiếu kết quả trước mắt hay phồng to trước thành công hiển nhiên đều là khùng như nhau. Nhiều người bình thường thấy được kết quả tốt đẹp của công cán mình, trong khi các thánh thì luôn đối diện với thất bại.
Bất cứ làm việc gì, làm hết mình. Hãy quan tâm đến điều nầy thôi. Đừng lo lắng quá về kết quả, có thể tạo nên kiêu hãnh, mà một chút thôi cũng đủ làm mất vẻ đẹp của bất cứ công việc nào trong mắt Chúa.
Nếu có những thành công làm mình tự kiêu, hãy kêu gọi lẽ đương nhiên về mình và tự nhủ mình cần chút tự chối mình trong cuộc sống, rằng mình làm ít ỏi, và mình còn có thể làm nhiều hơn vậy nếu muốn. Và so sánh mình với nhiều người tốt trên toàn thế giới, những người đã hy sinh tất cả mọi sự cho Chúa và còn cho rằng họ chưa làm gì cả trong mắt Ngài.
Hãy cầu nguyện thường như thế nầy: “Chúa Jesus, hiền lành và khiêm nhường trong tim, xin làm tim con giống tim Chúa”.
Nếu bạn trở nên khiêm nhường hoàn toàn, chắc chắn Chúa sẽ dùng bạn trong nhiều việc quan trọng.
Lạy Chúa, con ao ước được thành thánh - không phải bởi vì con cao cả mà vì để Chúa được yêu nhiều.
Frank Duff  (Ôn Quý Nương dịch)

TU ĐỨC _ trở ngại và cạm bẫy

TRỞ NGẠI VÀ CẠM BẨY TRÊN ĐƯỜNG
15.      Một trở ngại lớn khác - “Cả nể”
Cái nguy hiểm của sự cả nể nầy chưa được phát giác đầy đủ. Trong hầu hết người công giáo đây là một nhược điểm. Có nhiều trường hợp nhược điểm nầy nặng đến độ làm mất đi sự thánh thiện thật sự. Sự cả nể có thể được định nghĩa là coi ý kiến của người khác quan trọng hơn lương tâm của mình. Chúng ta sợ bị nhạo báng và không được mọi người ưa chuộng cho đến độ có thể làm hại đến sự thật và nguyên tắc. Bắt đầu từ các việc nhỏ, nếu luôn chìu theo khuynh hướng "cả nể". "Sự cả nể” đó dần dần sẽ mang đến việc giảm nguyên tắc.
Cho đến một lúc nào đó, tâm hồn ở vào tình trạng khác xa với sự thánh thiện như là vàng thật so với vàng giả vậy.
Như bạn có thói quen làm dấu thánh giá trước khi ăn. Nhưng khi không phải ở nhà, bạn không làm như thế vì mắc cỡ. Đó là - “Muốn được người khác kính trọng”.
Như bạn luôn dở nón khi ngang nhà thờ trừ khi đi với Người Anh Giáo? Bạn không treo hình thánh trong phòng khách, mắc cỡ khi đi đường thánh giá. Bạn thấy quê khi tràng hạt mân côi rớt ra khỏi túi trước mặt Người Anh Giáo hay trên xe buýt. Tất cả các điều nầy là dấu vết của chứng bệnh mà chúng ta đang bàn luận.
Tóm lại, bạn bận rộn làm cho người khác chấp nhận hành động của mình, mà không nghĩ rằng Chúa có thể vui lòng bởi những tuyên xưng đức tin nhỏ nhặt ấy. Bạn đối xử với Ngài như kẻ giàu đối xử với họ hàng nghèo của mình, nhận họ hàng trong nhà nhưng chối bỏ khi ra ngoài đường.
Trong đời sống của thánh Philip Neri, ngài có thói quen bắt môn đệ đền tội rất nặng nề để tiêu diệt nơi họ các dấu vết của tinh thần -“Muốn được người khác kính trọng” nầy. Các đường lối đó hiện nay có thể bị cho là quá đáng. Đây là một gợi ý mà không bị cho là quá đáng. Nó giúp cho những ai quyết tâm muốn diệt bỏ nhược điểm nầy… Đeo những gì thuộc về Công giáo, chẳng hạn như phù hiệu hay mề đai cho thấy rõ mình là Công giáo, và không xấu hổ vì điều đó. Cảm giác không muốn làm vậy thì nhiều lắm chính là thử thách về giá trị của điều đó; chính cái tinh thần mà mình muốn tiêu diệt đang phản đối trong ta.
Những phản đối như là: “Tôi không thích đeo mề đai” hay “tôi không thích phô trương tôn giáo của tôi” thì thường không thành thật. Những người nói như vậy thì dường như ít khi từ chối đeo mề đai chính trị hay quảng cáo. Phải thành thật với chính mình. Điều tệ hại là thực sự bạn không tự hào là một người Công giáo. Nếu bạn tự hào thì khuynh hướng tự nhiên là bạn sẽ tuyên bố ngay.
Tu sĩ và các sơ quãng cáo chính họ cho thế gian biết họ là gì. Người bình thường cũng nên tuyên bố Chúa trước mặt mọi người bằng những hành vi nhỏ bé của mình để một ngày nào đó Ngài sẽ nhận mình trước mặt Chúa Cha trên trời. Nhưng việc nầy cần có sự dung hòa tốt đẹp. Đừng làm điều gì để bị coi là dị hợm, vì điều đó sẽ làm mất ảnh hưởng của mình đi. Quấn mình với các phù hiệu tôn giáo hay tỏ ra những  phô trương quá lố là phạm phải sai lầm nầy.
Frank Duff  (Ôn Quý Nương dịch)

TU ĐỨC

TRỞ NGẠI VÀ CẠM BẨY TRÊN ĐƯỜNG
14.      Bất mãn
Đây là lỗi lớn nhất của các người tốt. “Đâu có hại gì khi không hài lòng đâu”, họ sẽ nói như vậy. Hay họ sẽ gọi nó là tham vọng, và để nó làm xáo trộn tâm hồn họ. Có nhiều lợi điểm khi bất mãn nó nó dục chúng ta nhắm đến điều tốt đẹp hơn. Nhưng chẳng may bất mãn chỉ làm chúng ta khinh thường những điều mình đang có. Nó làm chúng ta tật nguyền đến độ hôm nay ganh tỵ những gì mà ngày hôm qua chúng ta khinh bỉ.
Bây giờ tinh thần bất mãn rất đáng ngại khi tạo nên ảo tưởng rằng đời sống hiện tại và hoàn cảnh chung quanh của chúng ta thì không thích hợp cho sự thánh hóa. Chúng ta thường thích cho là ý nghĩ nầy thánh thiện. Chúng ta tin là nếu Chúa cho chúng ta làm “cha” hay “sơ” hay ai khác mà không phải là mình lúc bấy giờ thì chúng ta có thể thành thánh.
Không có cản trở nào lớn hơn ảo tưởng nầy. Điều kiện sống của mỗi người chính là nguyên liệu để nắn tương lai của chính mình. Không tin tưởng vào những điều mình có sẽ làm được điều tốt thì người ta không muốn cố gắng. Cũng giống như người không muốn đào sau vườn để kiếm kim cương khi họ không tin rằng có. Tìm châu báu của sự thánh thiện cũng vậy.
Thật sự có thể lối sống hiện tại của chúng ta không thích hợp với những điều cao cả. Nếu vậy Chúa sẽ mở một cánh cửa khác cho chúng ta khi Chúa muốn, nếu chúng ta làm tròn bổn phận với những gì hiện có.
Tuy nhiên trái với điều chúng ta nghĩ là không thích hợp, đời sống hiện tại của chúng ta lại chính là điều mang đến sự thánh hóa. Chúa, là Đấng thấy mọi sự, khi chọn đời sống nầy cho chúng ta hơn đời sống khác, không phải không có lý do chính đáng.
Bởi sự bất mãn chúng ta coi mình như quan tòa phán xét hành động của Ngài. Hãy ngợi khen Ngài khi suy nghĩ sâu xa về điều nầy và dứt khoát tự nhủ lòng sẽ gạt bỏ các ý tưởng quấy rối. Thế vào đó là ân sủng tràn đầy. Sự an lành sẽ lớn dần trong tâm hồn.                 
Chúng ta sẽ thấy mình bớt dần những lo lắng hằng ngày. Chúng ta đang tiến triển đấy.
Khi bất mãn bị dẹp tan
Những người có tình bạn mật thiết với Chúa không thể nào định giá hoàn toàn được sự to tát của kho tàng nầy- sự bình an trong tâm hồn- mà họ luôn có.
Còn đối với những người khác, cảm giác nầy mang một thông điệp rằng Chúa Thánh Thần hiện diện trong linh hồn đó. Mình đang trên đường đến sự yên tỉnh đó là một đặc điểm trong đời sống các thánh. Ví dụ, như đọc trong đời thánh Vincent Ferrer:
 “Hoặc đang đi trên đường xá, hoặc ở trong nhà thờ, trong phòng riêng, hay đang giảng, trên hành trình, hay bất cứ làm gì, ngài luôn an bình vì ngài dựng nên bàn thờ trong tim, và nơi đó nói chuyện không ngừng với Chúa mà không điều gì bên ngoài làm bận ngài cả”.
Frank Duff  (Ôn Quý Nương dịch)

TU ĐỨC _ tội lỗi


TRỞ NGẠI VÀ CẠM BẨY TRÊN ĐƯỜNG
13.      Tội lỗi
Tội lỗi trong nhiều hình thức, dĩ nhiên là trở ngại lớn nhất.
Những điều quan trọng như là gian dối, đối xử không đúng với chủ hoặc người làm của mình, đánh bài, hung hăng, nguyền rủa và còn nhiều nữa. Nhưng không cần thiết. Chúng ta đang nghĩ về người đang cố gắng trên đường thánh hóa, mà họ biết rỏ mình có những khuyết điểm to tát như vậy, thì chắc họ đã gạt bỏ cố gắng đó trong đời sống họ rồi.
Rồi lại thêm một loạt các lỗi thông thường như: ích kỷ, nói dối, nói xấu sau lưng, sống bề ngoài, ganh tị v.v... công kích thẳng làm đời sống không có kết quả tốt. Chúng ta thành công tự nhiên dễ dàng hơn nếu phát triển tinh thần cầu nguyện và tình yêu. Điều nầy tạo nên lối suy nghĩ là tất cả điều gì sai lầm đều đáng chán ghét cả. Như vậy những sai lầm nầy không còn là cám dỗ nữa và tự động biến mất.
Tất cả những điều kể trên được gọi là “tội lỗi”. Khi có bất cứ tội nào, chúng ta biết là mình phải hối hận và sửa đổi. Nhưng có những kẻ thù của sự thánh thiện lại ngụy trang và lừa dối được ngay cả người tốt bụng nữa. Có thể gọi tên vài điều trong số nầy như: bất mãn, muốn được coi trọng, không kiềm chế miệng lưỡi, nóng tính, nản chí, tự cao tự đại. Điều nghiêm trọng là các người tốt hay mắc phải những chứng nầy, khi cố đuổi tội lỗi đi thì vô tình họ lại làm việc cho tội lỗi. 

TU ĐỨC

CHI TIẾT TRONG MỘT NGÀY
12.      Cách thức cầu nguyện thường xuyên
Để cố gắng tạo nên một tinh thần cầu nguyện như vậy, thì không thể dựa vào những hứa hẹn mơ hồ trong lúc sốt sắng - cầu nguyện thường xuyên.
Những hứa hẹn mơ hồ nầy không có ảnh hưởng nhiều cho những người bị kéo rời khỏi cầu nguyện như chúng ta. Chúng ta phải tạo ra những biến cố trong ngày như lời kêu gọi thường xuyên cho lời cầu nguyện.
Những nhắc nhở nầy chúng ta đã có như: kinh Truyền Tin, đọc kinh trước khi ăn, đi ngang nhà thờ vv… Số nầy có thể tăng lên để các dữ kiện trong đời sống hàng ngày tạo nên việc nâng hồn lên Chúa trở nên dễ dàng và tự nhiên.
Đi ngang qua một đám ma, gặp một người bạn, nghe một cái chết, đồng hồ gõ, chuông reo, viết một ngày, chuốt viết chì, xỏ kim - bảng liệt kê nầy có thể kéo dài. Nhưng tùy theo nghề nghiệp của mỗi người mà quyết định cái gì thích hợp nhất. Đừng quan tâm là điều nầy có vẻ khùng quá, bởi vì không có gì khùng mà dẫn đến Chúa cả.
Tốt hơn là làm đừng thường quá. Có thể làm chia trí hay khó chăm chú làm việc được. Nhưng trên hết phải có nhất là đối với người mới bắt đầu. Là phải tự nhủ là: "khi tôi nhìn đồng hồ (hay là gì cũng được) tôi phải thốt lên lời nguyện nầy”. Đừng ngừng bởi vì tập luyện cách nầy lúc đầu xem có vẻ máy móc và không có gì sốt sắng và mệt mỏi. Dần dần sẽ thành thói quen thì sẽ dễ dàng hơn. Nhưng sự quyết định thì luôn cần thiết bởi vì Kẻ Quyến Rũ sẽ luôn cố gắng để cản trở thói quen tuyệt vời nầy.
Muốn tiến triển trong việc đạt đến tinh thần cầu nguyện như vậy, những gì cản trở cho sự cầu nguyện phải bỏ đi. Cho đến khi lòng lắng xuống chúng ta mới có thể kiến tạo một đời sống tâm linh thật thụ.
Frank Duff  (Ôn Quý Nương dịch)

TU ĐỨC


CHI TIẾT TRONG MỘT NGÀY
11.      Cầu nguyện khi làm việc
Chúng ta nhận thấy rằng công việc và bổn phận là những điều thánh thiện khi có ý tưởng về Chúa trong đó. Nhưng tự bản chất công việc và bổn phận lại không đủ cho những người muốn trở thành thánh. Chúng ta phải  mang Chúa gần với công việc hơn là chỉ dâng hiến buổi sáng.
Chúng ta phải giữ Ngài bên cạnh bằng cách nghĩ đến Ngài thường xuyên.
Có một nữ tu người Tây ban Nha có nhiệm vụ coi sóc trong nhà thờ, để khỏi bị xao lãng, bà tưởng tượng là mình đang phục vụ Chúa, Mẹ và các thánh tông đồ. Bằng cách đó công việc trở nên phương tiện cầu nguyện hữu hiệu cho bà, và thời gian đó trở nên thời gian sốt sắng nhất trong ngày.
Trong khi điều đó có thể vượt quá trí óc hèn mọn của chúng ta bị chia trí bởi hằng ngàn việc, chúng ta cũng có thể tìm kiếm sự hiện diện thầm lặng của Chúa. Điều đó không có nghĩa là chúng ta phải thực sự cảm thấy sự gần gũi của Ngài. Nếu chúng ta có thói quen cầu nguyện và nghĩ đến Ngài thường xuyên thì chúng ta có khuynh hướng nghĩ đến Ngài khi rỗi rảnh, đó là khá lắm rồi. Điều nầy có nghĩa là mặt dù bị công việc chi phối, linh hồn chúng ta luôn hướng về Ngài. Và chúng ta tiến đến mức độ cầu nguyện hoài hoài.
Frank Duff  (Ôn Quý Nương dịch)

TU ĐỨC _ bổn phận

CHI TIẾT TRONG MỘT NGÀY
10.       Tầm quan trọng của quan niệm đúng đắn về làm việc
Vì phân nửa đời sống chúng ta là làm việc, chúng ta cần hiểu biết đúng đắn về sự cao cả và thánh thiện của việc làm. Rằng việc làm của chúng ta dù là gì đi nữa, thợ may, lao công, thầy giáo, bác sĩ hay nông phu đều do Chúa ban cho làm phương tiện để thánh hóa và chuộc tội. Như vậy, đó là nền tảng cho cuộc sống tâm linh của chúng ta. Người nào bỏ bê việc làm mình mà nghĩ rằng bởi vì mình cầu nguyện nhiều, mình đang sống đời sống thánh thiện, thì là tự lừa dối mình.
Quan niệm đúng đắn về bổn phận
Chúng ta phải làm tròn bổn phận của mình – và đúng lúc nữa. Bổn phận không phải là những gì chúng ta có thể quăng bỏ như quần áo dơ như nhiều người  tưởng tượng. Bổn phận chúng ta giữ một cái hẹn hay một bí mật cũng như làm việc vậy. Bổn phận còn ưu tiên hơn cả “các hình thức tín ngưỡng” nữa. Nếu bổn phận phải rửa chén thì đừng thay thế bằng đi “chầu Chúa”.
Có nhiều bổn phận trong ngày không quan trọng lắm, và vì lý do đó chúng ta không ngần ngại để qua một bên khi thuận tiện. Làm như vậy là sai và cũng không tạo nên một bản tính mạnh mẽ. Giá trị thật sự đời chúng ta nằm trên việc làm tròn tất cả các bổn phận của mình. Cái nào quan trọng hơn thì dễ hoàn tất bởi vì tầm quan trọng của nó. Cho nên chú ý đặt biệt vào những điều nhỏ nhặt.
Hãy coi như trọn một ngày của bạn là một bức tranh mà mỗi đường nét đều có vị trí của nó. Và đường nét nhỏ nhất có thể là thiết yếu nhất. Làm mọi việc mà bạn phải làm cho đến chi tiết nhỏ nhất - không phải vì có người kiểm soát mình mà vì bổn phận phải làm đơn giản thế thôi.
Có câu châm ngôn rằng: "Chết thì nhẹ như lông, nhưng bổn phận nặng như chì”, và đời sống theo bổn phận thì là một đời sống vất vả. Nhưng nó lại là đời sống của một con người thật thụ.
Bài học từ Viễn Đông
Có người thấy người thợ Nhật Bản cặm cụi đánh bóng bên trong một vật mà ông đang làm và hỏi “tại sao mất thời giờ vô ích vậy, đâu có ai thấy việc ông làm đâu”. Ông trả lời "Bộ chính tôi không thấy hay sao?” Và chúng ta có thể thêm vào câu trả lời nầy "và Chúa cũng nhìn thấy nữa”.
Frank Duff  (Ôn Quý Nương dịch)
1  2  3  4  5  6  7  8  9

TU ĐỨC

CHI TIẾT TRONG MỘT NGÀY
9.      Viên đá nền tảng
Điều quan trọng đầu tiên trong ngày -giống như Thánh Giá vậy- là tham dự Thánh Lể và rước lể mỗi ngày. Đây chính là những nguồn ân sủng không cần phải nói nhiều. Người nào có thể đi lễ mỗi sáng mà không đi là tự lừa dối mình nếu họ nghĩ rằng họ đang nhắm đến mục đích thánh hóa.
Tham dự Thánh Lể và rước lễ là ngày được bắt đầu một cách hoàn hảo - và đó chỉ là nửa trận chiến mà thôi. Còn hai ràng buộc nhỏ hơn là: 
a) đối với người bên cạnh. Có nhiều người không tham dự Thánh Lể mỗi ngày chỉ vì thiếu suy nghĩ: cho mượn sách hay nói lời nào nhắc nhở họ. 
b) đối với chính mình : đọc để tăng kiến thức và thành kính.
Dâng hiến buổi sáng
Ngày nên bắt đầu bằng dâng hiến buổi sáng tất cả mọi suy nghĩ, lời nói, và hành động cho Chúa Jesus nhờ vào Mẹ Maria. Dâng hiến nầy phải là ý tưởng hướng dẫn trọn ngày. Chúng ta không cần phải lập lại nhiều lần, nhưng những suy nghĩ đó phải nằm trong tim và điều khiển đời sống hằng ngày của chúng ta cho đến khi chúng ta cảm thấy mình làm việc cho Chúa chứ không phải cho thế gian.
Công việc hằng ngày
Trước hết đừng có ai coi mình có việc làm sang cả. Khi khinh bỉ các việc làm lụng tay chân nhỏ nhặt là họ tách rời đức tin công giáo và gia nhập về phía chủ nghĩa ngoại đạo, chủ nghĩa nầy cho rằng các công việc nầy là cội rễ của mọi sự dữ.
Còn người Do Thái cổ truyền thì coi thường những ai không có nghề. Thông thường những người theo Chúa là lớp làm lụng tay chân tồi tàn nhất, và toàn thể giáo lý của đạo Công Giáo tông truyền luôn đề cao việc cần lao, làm lụng cực khổ, chịu nghèo khó thiếu thốn những gì mà thế gian cho rằng đáng thèm  thuồng. Thực sự đó bắt đầu trên đường đi đến thiên đàng.
 “ Làm việc là cầu nguyện” các tu sĩ ngày xưa đã nói. Họ không bao giờ nghỉ là mình đang xa cách Chúa lúc làm việc hơn lúc quì gối nguyện cầu. Có nhiều tu viện họ vừa làm việc vừa hát thánh ca. Có nhiều tu viện khác vừa làm việc vừa nghiền ngẫm. Chúng ta đọc thánh Bernard ngừng viết đột ngột bài giảng tuyệt vời của Ngài bởi vì đã đến giờ để đi ra đồng làm việc. Có người lại mở các sách đạo trước mặt để gợi các ý nghĩ thánh thiện trong lúc tay đang làm việc và còn tuyệt hơn nữa có người đi xưng tội tẩy sạch linh hồn trước khi vẽ hay những công việc đòi hỏi sự khéo léo. Sự hỗn hợp của tinh thần cầu nguyện và làm việc như thế đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật tuyệt xảo mà thế hệ hiện tại phải chiêm ngưỡng mà không làm sao bằng được. Chúa đã tán thành việc làm trong tinh thần cầu nguyện như thế đã thở cái đẹp vào đó. Nếu chúng ta muốn tạo ra các tác phẩm tương tự như vậy, chúng ta nên áp dụng đường lối đó. 
Frank Duff  (Ôn Quý Nương dịch)

Tu đức _ bí ẩn của sự nhẫn nại đến cùng


8.      Bí mật của sự nhẫn nại cho đến cùng là cầu nguyện
Khi đọc đời sống của các thánh người ta có thể kết luận rằng thánh chia ra làm 2 loại: có các thánh chuyên về nghiền ngẫm đạo lý và có các thánh chuyên về hoạt động ngoài thế. Trong thực tế các ngài đều giống nhau cả, tất cả đời sống các ngài đều là cầu nguyện. Cầu nguyện là hoạt động của các ngài. Các hoạt động thánh thiện của các ngài chỉ có giá trị khi phát xuất từ cầu nguyện; cũng giống như sự liên hệ giữa thân cây và rể cây; các hoạt động thánh thiện nầy là phần nhìn thấy được của cầu nguyện và các hoạt động này không thể tồn tại nếu không có cầu nguyện.
Bây giờ là thời kỳ đòi hỏi người công giáo phải chứng minh đức tin của mình bằng các việc từ thiện. Chúng ta cũng hiểu rằng hành động bình thường nhất cũng trở nên thánh thiện khi được phát nguồn từ ý thánh thiện và lời Chúa Jesus cũng xác định rằng: “việc gì con làm cho kẻ nhỏ nhất trong gia đình Ta, là con làm cho Ta”. Điều đó thúc đẩy chúng ta phục vụ kẻ khác mãnh liệt hơn.
Sự cân bình giữa sự cầu nguyện và việc thiện thật là cần thiết cho sự kiên trì làm việc thiện, điều nầy chưa được nhìn nhận đủ. Có khuynh hướng coi làm việc thiện như là cầu nguyện. Làm việc thiện thật dễ dàng bởi vì có nhiều hình thức trong khi cầu nguyện lại rất khó khăn. Hơn nữa chúng ta muốn nhìn thấy kết quả trong khi thường thường chúng ta không thấy kết quả của sự cầu nguyện. Cho nên chúng ta giảm sự cầu nguyện còn chút xíu hoặc hết luôn tự hài lòng rằng chúng ta làm nhiều việc cho người khác.
Những người đọc Canon Sheehan sẽ nhớ lại lập luận đó làm cho Luke Delmege đánh mất đời sống tâm linh và thất bại.
Dĩ nhiên đó là trường hợp quá khích. Nhưng chúng ta biết có biết bao người với bẩm tính cao thượng, ý chí thánh thiện, có nhiều hy vọng khi đạt đến một điểm nào đó thì không tiến nữa. Những người nầy bỏ rơi ý định tiến triển trên đường làm thánh thật đáng tiếc làm sao. Thật sự kéo những người tội lỗi ra khỏi vũng bùn còn dễ dàng hơn làm cho những người nầy thoát khỏi lối sống tốt vừa đủ mà Chúa không hề xếp đặt cho họ.
Chúng ta hãy nhắc lại lần nữa. Nguyên nhân của sự thất bại đáng tiếc nầy là CẦU NGUYỆN KHÔNG ĐỦ.
Cầu nguyện! Cầu nguyện! Cầu nguyện!
Đó là lối mà Thánh Teresa đã tóm tắt tất cả sự dạy dỗ của Người.
Người ta không hiểu tầm quan trọng của sự cầu nguyện. Họ nói khó quá. Thật không ngạc nhiên chút nào khi họ không bỏ công học hỏi. Có người nghĩ cho con tốn 6 năm học nghề là chuyện đương nhiên, nhưng lại nghỉ rằng tốn 6 giờ để đọc sách dạy cầu nguyện là chuyện không hợp lý.
Cầu nguyện phải chiếm một vị trí nhất định và quan trọng trong đời sống chúng ta. Điều đó không có nghĩa là chúng ta phải quỳ cầu nguyện thật nhiều giờ. Bổn phận chúng ta có thể không cho phép chuyện đó, nhưng chúng ta phải nhắm vào cầu nguyện hơn 2,3, hoặc 4 lần một ngày. Người chỉ quỳ để cầu nguyện là người cầu nguyện ít.
Cũng như cái phèng la ngân thật lâu khi chỉ cần thỉnh thoảng gõ nhẹ, linh hồn chúng ta cũng có thể cầu nguyện không ngơi nếu thỉnh thoảng chúng ta đọc lên những câu kinh ngắn, thoáng nghĩ, ao ước về Chúa. Đừng bao giờ để đầu óc xa Chúa quá lâu. Tình trạng không muốn cầu nguyện khi đến giờ dành cho cầu nguyện là bằng chứng chúng ta không sống với Ngài.
Frank Duff  (Ôn Quý Nương dịch)

TU ĐỨC



7.      Thật sự mong muốn
Ý tốt là căn bản để chúng ta tiến triển. Ý tốt không phải là ước vọng đạt mục đích trống rỗng mà là sẵn sàng chịu cực khổ trên đường dẫn đến đó. Biểu tượng của đạo công giáo chúng ta là thánh giá. Chúa đã bảo chúng ta phải vác thánh giá hằng ngày nếu chúng ta muốn được hoàn toàn. Vậy thì phải nói sao khi thử thách đến chúng ta lại bực dọc? Người nào nản chí vì vậy rõ ràng là bắt đầu mà không suy nghĩ. Còn ai mà bỏ cuộc luôn thì chưa thành tâm thật sự. Về những người đó Chúa đã nói: Họ mất gốc rồi”.
Nhẫn nại cho đến cùng
Thường thường khi mới bắt đầu mọi sự đều ngọt ngào. Chúa làm vậy để khuyến khích như thể một đứa trẻ cần bàn tay dìu dắt khi mới tập đi. Nhưng điều đó không tốt cho chúng ta cho nên dần dần Chúa sẽ giảm bớt sự ngọt ngào đó đi. Rồi đến lúc chúng ta bị thử thách. Thiên thần bổn mạng đã khóc khi thấy rất nhiều người đánh mất hy vọng và ngừng hẳn trên đường thánh hóa.
Bây giờ bỏ cuộc bởi vì chúng ta không còn hăng say nữa tức là nhìn nhận chúng ta làm việc vì chúng ta thích chứ không phải vì Chúa thích. Bây giờ chúng ta không thích nữa, chúng ta không làm nữa. Thế thì rõ ràng là chúng ta không quan tâm mấy những điều Chúa thích dù rằng những điều ấy vẫn vậy, có lẽ còn hơn nữa vì sự cố gắng dâng hiến từ trái tim và khối óc chán nản thường quý giá nhất trong tầm mắt Chúa.
Nhẫn nại cho đến cùng là ân sủng cuối cùng Chúa sẽ ban cho chúng ta và là ân sủng to tát nhất. Đó là thử thách lòng thành của chúng ta. Sự hăng say, điều mới mẻ hay những điều gì khác chỉ để bắt đầu chứ không thể giúp kéo dài. Có gì sai với những người bắt đầu thật tốt rồi ngừng cũng nhanh? Kêu gọi những người thiện nguyện để làm việc thiện. Nhiều lắm- rất hăng say-nhưng rất ít người ở lại, bền bỉ, rất ít người cày cho đến cuối…Và những quyết định của những cuộc cấm phòng… ôi ngắn ngủi làm sao!
Có lý do gì những người nầy thiếu nhẫn nại cho đến cùng? Chúng ta có thể mượn lời Cha de Ravignan để trả lời rằng:
 “Tôi đây xác nhận là tất cả sự sai lầm, thiếu sót, khốn khổ về phương diện tâm linh và ngay cả sự lạc đạo nữa đều phát xuất từ một nguồn gốc - thiếu cầu nguyện thường xuyên. ”
Frank Duff  (Ôn Quý Nương dịch)

TU ĐỨC


6.      Một tham vọng mới
Sự trì hoãn để bắt đầu đáng lo ngại lắm. Lạnh nhạt dần đi và định mệnh to tát của chúng ta sẽ bị quên lãng.
Ôi lạy Chúa! Xin đừng để ngày đó xảy đến cho con vì con chần chừ. Con thú nhận rằng con chỉ làm việc Chúa khi rỗi rãnh mà thôi. Trái tim con chỉ hướng về những điều chóng tàn thôi. Nhưng dù thế con vẫn xin dâng mình cho Ngài trọn vẹn. Xin ban cho con thời giờ con xin hứa sẽ phụng sự Ngài một cách trung thành. Xin cho con lại những năm tháng mà sâu bọ đã đục khoét để một ngày con sẽ hoàn lại cho Ngài đầy kết quả tốt đẹp.
con không cầu xin những điều vĩ đại - như cuộc sống của các vị truyền đạo hay tu sĩ hay những người chung quanh con có đầy thành tích. Con không xin những điều nầy chỉ xin theo Ngài không lay chuyển, không mệt mỏi, trong đời sống bình thường mỗi ngày trước mặt, thỏa mãn để yêu Ngài và làm người khác yêu Ngài. Khuynh hướng tự nhiên phản đối lối sống này với không biết bao nhiêu chuyện  nhỏ nhặt không bao giờ hết và  đầy cám dỗ muốn giải trí trong các thú vui hoặc đổi thay. Muốn vĩ đại trong chuyện  nhỏ nhặt, muốn anh hùng trong các việc tầm thường  thật khó làm sao, nhưng dù vậy lối sống này là Thánh Ý Chúa dành cho con. Vậy phải có một định mệnh cao cả trong đó. Và như thế con được hài lòng.
Và để tóm lại, Chúa Jesus thân mến, con xin Ngài điều này… Trung thành cho đến phút cuối cùng… để khi Ngài gọi, con vẫn bền vững, và trong vòng tay Ngài con xin dâng hơi thở mệt nhọc cuối cùng. Một đời sống can đảm… và trung thành cho đến phút cuối cùng. Một ước muốn ngắn nhưng bao gồm tất cả, Chúa Jesus thân mến.
Frank Duff  (Ôn Quý Nương dịch)

TU ĐỨC


5.      Thay đổi cái nhìn
Sự bí mật nằm gọn trong vài lời: chúng ta phải đối diện với thực tế. Thỉnh thoảng chúng ta phải nâng hồn mình lên khỏi mặt biển mà mình đang đắm chìm, khỏi những điều không quan trọng để đối diện với cái sự thật tàn nhẫn của Cái Chết và sự Vĩnh Cữu.
Hãy nghĩ về sự bất tử của linh hồn, sự điên cuồng khi ham muốn cái tạm bợ hơn cái vĩnh cữu, sự ngắn ngủi của cuộc đời, sự gần gũi của giờ phút quyết định tất cả mọi sự và cái giá trị của từng giây phút hiện tại cho dù ngắn ngủi lại thành hình hóa đời sống bất tử của  chúng ta vượt trên khỏi nấm mộ.
Khi đã nghiền ngẫm các điều nầy một cách chín chắn, thì không thể điềm nhiên lạnh lùng được. Khi đã quen thuộc với các điều nầy, những suy nghĩ nầy sẽ mang đến một sức mạnh mới trong đời sống chúng ta. Nơi chúng ta sẽ có sự thay đỗi tuyệt vời. Như thể kim địa bàn đi từ bắc xuống nam, sự đời nhường bước và lý trí dẫn chúng ta đến Chúa. Cộng thêm chút tình yêu và chúng ta có trữ liệu để nên thánh rồi.
Nhưng chúng ta suy nghĩ lâu quá rồi. Chúng ta đang nghi ngờ “ quá khứ đã qua rồi và chúng ta thấy mình đang đứng bên dòng nước cuốn của nấm mộ, và chúng ta nghe tiếng nước chảy xuống vực sâu thăm thẳm, và chúng ta cảm nhận sức hút của vĩnh cữu.
Ôi vĩnh cữu!! ôi sự suy tư về vĩnh cữu!
Cho nên trong danh Chúa chúng ta hãy bắt đầu khi vẫn còn thời giờ, khi niềm khao khát yêu Ngài nồng nàn vẫn còn đây.
Frank Duff  (Ôn Quý Nương dịch)

TU ĐỨC


4. Tôi yếu đuối quá đi thôi
“Tôi sợ hãi khi nghĩ đến đời sống phải cố gắng mãi để thay đổi con người tôi, tôi không có ý chí và sức mạnh để sống như vậy. ”
Khi lý luận như vậy, lòng chúng ta chai cứng, gạt bỏ bên ngoài lời mời gọi trong tai chúng ta. Chúng ta quên rằng đôi môi thánh thiện Chúa đã nói: "Hãy theo ta, gánh của ta thì ngọt ngào và nhẹ nhàng". Vậy thì có điều gì sai rồi, tại sao chúng ta lại sợ gánh của Chúa?
Đó là quan niệm của chúng ta. Các ý tưởng không quan trọng đã chiếm hết phần lớn đầu óc chúng ta và nắn sự suy nghĩ của chúng ta. Trong khi đó Ngài, Đấng Vĩnh Cữu, chỉ là một trong hằng trăm hứng thú trong đời sống chúng ta, cho nên không ngạc nhiên khi thấy niềm phấn khởi, can đảm hào hứng chúng ta đều dành cho các lợi lộc hoặc thú vui trước mắt. Nói tóm lại chúng ta coi nhẹ sự thánh thiện.
Một khi thay đổi quan niệm đó - điều đó không đòi hỏi nhiều - khi chấp nhận sự thánh thiện là điều quan trọng nhất trong đời chúng ta, thì tự nhiên là chúng ta sẽ cố gắng để đạt đến đó. Tất cả bí mật của sự cố gắng đều nằm ở đó. Đặt ra mục tiêu hấp dẫn và vừa phải, chúng ta sẽ theo đuổi bất chấp khó khăn, ngay cả bất chấp chính mình. Đầu óc con người làm việc theo lối đó.
Frank Duff  (Ôn Quý Nương dịch)

TU ĐỨC

Ai được mời gọi thành thánh?
Tất cả mọi người khi sinh ra đều được mời gọi thành thánh.
Chắc chắn là bạn được ban đủ ân sủng để được thánh hóa nếu bạn đáp ứng với ân sủng đó cho dù đời sống bạn không có vẻ gì là thánh thiện cả.
Chúng ta thấy rằng Chúa không đòi hỏi quá sức chúng ta, cũng như sự thánh thiện không dành riêng cho một tầng lớp nào. Giáo Hội đã từng phong thánh vua và kẻ ăn xin, nô lệ cũng như các tu sĩ, người thành phố, các bà mẹ trong gia đình, người tàn tật, người đi lính, tất cả mọi giống dân và mầu sắc.
Rõ ràng là lời mời gọi thành thánh bao gồm đàn ông đàn bà của mọi tầng lớp. Đối với những ai thật tâm đáp lại lời mời gọi nầy Chúa luôn giúp đỡ đạt đến mục đích.
Hai sự thành công
Chúng ta hãy quan sát xem danh vọng và vàng bạc hấp dẫn con người đến dường nào. Hãy nhìn xem họ sẵn sàng chịu đựng tất cả để đổi lấy cái hy vọng mong manh sẽ được cái lợi trần gian ấy. Và cuối cùng mặc dù chính họ bị thất vọng, họ cũng nhét vào đầu con cháu họ những ham muốn ấy, cho nên mỗi thế hệ cũng đều chứng kiến  trạng huống ấy – từ những người trẻ tuổi đầy tham vọng cho đến các tuổi già chua cay. Không biết có đáng không? Trừ một số ít đạt được còn lại rất nhiều người - hoặc là thiếu sức khỏe hay sự hiểu biết, hoặc kém thông minh – chỉ là sự cố gắng tốn thời giờ vô ích mà thôi.
Ngược lại Chúa đối xử khác hẳn với những ai cố gắng tìm kiếm sự thánh thiện. Nơi đây tất cả đều chắc chắn. Mỗi  sự cố gắng đều được phần thưởng cả. Mọi sự xảy ra đều làm lợi cho chúng ta, sức khỏe hay bệnh hoạn, giàu hay nghèo, điều lành hay dữ đều mang đến ích lợi về tâm linh cả. Mọi yêu cầu được ban cho, mọi trở ngại được vượt qua nếu cầu xin, mọi thử thách sẽ không quá sức chịu đựng. Mới thoạt nghe giống như chuyện thần thoại, nhưng đó là sự thật rành rành đường lối Chúa dành cho những ai thành tâm tìm kiếm kho tàng ở thiên đàng.
Cho nên khi có những người tốt nói rằng họ không có tham vọng thành thánh thì thật là phụ lòng tốt của Đấng quá nhân từ. Bởi vì Ngài đã định sẵn trong tim những điều thật cao cả cho chúng ta, chúng ta hãy quyết định làm vui lòng Ngài và đền đáp lại sự rộng lượng của Ngài.
Frank Duff  (Ôn Quý Nương dịch)
Chúng ta có thể nên thánh được không? 1  2  3