10. Tầm quan trọng của quan niệm đúng đắn về làm việc
Vì phân nửa đời sống chúng ta là làm việc, chúng ta cần hiểu biết đúng đắn về sự cao cả và thánh thiện của việc làm. Rằng việc làm của chúng ta dù là gì đi nữa, thợ may, lao công, thầy giáo, bác sĩ hay nông phu đều do Chúa ban cho làm phương tiện để thánh hóa và chuộc tội. Như vậy, đó là nền tảng cho cuộc sống tâm linh của chúng ta. Người nào bỏ bê việc làm mình mà nghĩ rằng bởi vì mình cầu nguyện nhiều, mình đang sống đời sống thánh thiện, thì là tự lừa dối mình.
Quan niệm đúng đắn về bổn phận
Chúng ta phải làm tròn bổn phận của mình – và đúng lúc nữa. Bổn phận không phải là những gì chúng ta có thể quăng bỏ như quần áo dơ như nhiều người tưởng tượng. Bổn phận chúng ta giữ một cái hẹn hay một bí mật cũng như làm việc vậy. Bổn phận còn ưu tiên hơn cả “các hình thức tín ngưỡng” nữa. Nếu bổn phận phải rửa chén thì đừng thay thế bằng đi “chầu Chúa”.
Có nhiều bổn phận trong ngày không quan trọng lắm, và vì lý do đó chúng ta không ngần ngại để qua một bên khi thuận tiện. Làm như vậy là sai và cũng không tạo nên một bản tính mạnh mẽ. Giá trị thật sự đời chúng ta nằm trên việc làm tròn tất cả các bổn phận của mình. Cái nào quan trọng hơn thì dễ hoàn tất bởi vì tầm quan trọng của nó. Cho nên chú ý đặt biệt vào những điều nhỏ nhặt.
Hãy coi như trọn một ngày của bạn là một bức tranh mà mỗi đường nét đều có vị trí của nó. Và đường nét nhỏ nhất có thể là thiết yếu nhất. Làm mọi việc mà bạn phải làm cho đến chi tiết nhỏ nhất - không phải vì có người kiểm soát mình mà vì bổn phận phải làm đơn giản thế thôi.
Có câu châm ngôn rằng: "Chết thì nhẹ như lông, nhưng bổn phận nặng như chì”, và đời sống theo bổn phận thì là một đời sống vất vả. Nhưng nó lại là đời sống của một con người thật thụ.
Bài học từ Viễn Đông
Có người thấy người thợ Nhật Bản cặm cụi đánh bóng bên trong một vật mà ông đang làm và hỏi “tại sao mất thời giờ vô ích vậy, đâu có ai thấy việc ông làm đâu”. Ông trả lời "Bộ chính tôi không thấy hay sao?” Và chúng ta có thể thêm vào câu trả lời nầy "và Chúa cũng nhìn thấy nữa”.
Frank Duff (Ôn Quý Nương dịch)