Hiển thị các bài đăng có nhãn giaoduc. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn giaoduc. Hiển thị tất cả bài đăng

GLCG _ nuôi dạy con cái

Bài 17. NUÔI DẠY CON CÁI
(ĐIỀU RĂN THỨ IV)
125.          Cha mẹ phải dạy con cái những gì?
Để trở thành người Kitô hữu trưởng thành, con cái cần được giáo dục đầy đủ, theo những điểm cốt yếu sau:
- Giáo dục đức tin: “Việc giáo dục đức tin cho con cái phải được bắt đầu ngay từ tuổi ấu thơ của chúng”. [1] Đây là điều cần được lưu tâm trước tiên, vì đức tin là nền tảng cho hầu hết những gì phải dạy dỗ.  
Cha mẹ nên lo liệu cho con cái được rửa tội, lại phải tiếp tục nuôi dưỡng hạt giống đức tin nơi con cái bằng lời nói, việc làm, và một đời sống phù hợp với Phúc Âm, dạy con cầu nguyện, dạy con học biết giáo lý, thúc giục con cái tham dự các lớp giáo lý tại xứ đạo, và lãnh nhận các bí tích đức tin cần thiết. [2]
- Giáo dục nhân bản: là dạy con sống đúng với phẩm giá của một con người qua việc luyện tập các đức tính tự nhiên, như cần, kiệm, liêm, chính, nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, v.v... Qua đó, chúng tập được thói quen bỏ mình, sống vì người khác, biết làm chủ bản thân, và có một khả năng phán đoán lành mạnh.
- Giáo dục văn hóa: Cha mẹ cần quan tâm đến việc học của con cái, không được bắt con nghỉ học nếu không có lý do chính đáng; ngoài ra, cha mẹ cũng cần biết hướng dẫn con chọn bạn bè, phim ảnh, sách báo.
- Giáo dục sức khỏe: Cha mẹ phải dạy cho con cái biết cách gìn giữ, tăng cường sức khỏe, và tập luyện cho được một tinh thần sống lạc quan, vui tươi.
- Hướng nghiệp: “Cha mẹ phải tránh ép buộc con cái trong việc chọn nghề, cũng như trong việc chọn người bạn đời. Dù phải dè dặt, cha mẹ vẫn có thể giúp đỡ con cái bằng những ý kiến khôn ngoan, nhất là khi con cái chuẩn bị lập gia đình”.  [3] 
Nếu nhận thấy nơi con cái mình có ơn gọi sống đời tu trì, một ơn gọi riêng đến từ Thiên Chúa, cha mẹ đừng quên rằng: “Các mối liên hệ trong gia đình dù quan trọng, nhưng không phải tuyệt đối… cha mẹ phải tôn trọng ơn gọi này và khuyến khích con cái đáp trả bằng việc đi theo ơn gọi đó”. [4]
Hơn nữa, cha mẹ hãy “đón nhận và tôn trọng với tâm tình vui mừng và tạ ơn, ơn gọi mà Chúa dành cho một người nào đó trong số con cái mình để đi theo Người trong sự trinh khiết vì Nước Trời, trong đời sống thánh hiến hay trong thừa tác vụ tư tế”. [5]

GIÁO LÝ CÔNG GIÁO - 10 ĐIỀU RĂN

Bài 17. NUÔI DẠY CON CÁI
(ĐIỀU RĂN THỨ IV)
124.          Cha mẹ phải dạy dỗ con cái như thế nào?
“Quyền và bổn phận giáo dục con cái là bổn phận hàng đầu và bất khả nhượng của cha mẹ”. [1] “Nhiệm vụ của cha mẹ trong việc giáo dục hết sức quan trọng đến nỗi, nếu thiếu, chắc chắn là không gì thay thế được”. [2] Nhưng giáo dục con cái còn là một nghệ thuật mà không phải cha mẹ nào cũng biết, vì giáo dục là phải làm sao cho con cái tự nguyện bước vào con đường tốt lành mà cha mẹ chỉ vẽ cho, chứ không phải là bắt ép bằng roi đòn, hình phạt...
Muốn được thế, cha mẹ cần phải:
a. Thăng tiến chính bản thân mình: “Lời nói hay bay, gương bày lôi cuốn”. Không có bài giảng nào sống động và thu hút con cái cho bằng đời sống đức tin, và sự thực hành các nhân đức nơi cha mẹ; và cũng không có bài giảng nào phản tác dụng cho bằng bài giảng của người không giữ điều mình dạy. “Cha mẹ có trách nhiệm quan trọng là phải nêu gương tốt cho con cái. Khi biết nhìn nhận những thiếu sót của mình trước mặt con cái, cha mẹ có uy tín hơn để hướng dẫn và sửa dạy con cái”. [3]
b. Tạo được bầu khí gia đình lành mạnh, cởi mở, tôn trọng, phục vụ nhau, và biết nhịn nhục, tha thứ cho nhau.
- Lành mạnh: Cha mẹ phải gìn giữ gia đình khỏi các gương xấu, sản phẩm văn hóa xấu, và dịp tội.
- Cởi mở: Mọi người trong gia đình sống chân tình, thẳng thắn với nhau, không giấu giếm nhau; giữa vợ chồng có sự nhất trí trong chương trình sống của gia đình, trong cách thức giáo dục con cái.
- Tôn trọng nhau và có tinh thần phục vụ: Đây là nguyên lý của đời sống hạnh phúc trong gia đình, vì không thể có một gia đình êm ấm mà trong đó ai cũng chỉ nghĩ đến mình.
- Sau hết, “mọi người và mỗi người phải biết quảng đại và luôn sẵn sàng tha thứ cho nhau khi gặp những xúc phạm, gây gỗ, bất công và bỏ rơi”. [4]
Sự nhịn nhục, tha thứ lẫn nhau là thứ dầu bôi trơn vạn năng, mà không có nó cuộc sống gia đình đôi lúc sẽ trở thành hết sức nặng nề và khó chịu.
c. Biết sửa lỗi con cái: Yêu thương không có nghĩa là cho con cái được sống tùy thích; và tha thứ cũng không phải là nhắm mắt làm ngơ trước lỗi lầm. Cha mẹ có lỗi nặng nếu không biết sửa lỗi con cái.
“Yêu cho roi cho vọt, ai sửa dạy con mình sẽ thấy điều ích lợi” (Hc 30,1-2). Việc sửa dạy con cái là cần thiết, nhất là khi chúng còn trẻ; vì nếu không, những thói xấu cũng sẽ lớn lên cùng với tuổi tác, và việc sửa lỗi sẽ khó khăn hơn bội phần, đôi khi như không thể sửa được nữa.
Muốn sửa sai phải thận trọng và tùy theo hoàn cảnh cũng như bản chất của lỗi lầm. Đôi khi dịu dàng, đôi khi cứng rắn, nhưng không bao giờ sửa sai với sự nóng nẩy và thô bạo. Cũng phải loại trừ thái độ bênh con bất kể đúng sai, dù là với thầy cô hay với xóm giềng. Thái độ bênh con đó sẽ tạo nên những đứa con không ai bảo được, kể cả cha mẹ nó.

GIÁO DỤC _ thư gửi học sinh sinh viên

THƯ MỤC VỤ GỬI HỌC SINH – SINH VIÊN

NĂM HỌC 2011-2012

Kon Tum, ngày 01 tháng 10 năm 2011
Các con thân mến,
Các con đã bắt đầu năm học mới 2011-2012 được 45 ngày rồi mà tới hôm nay cha mới gửi thư chúc mừng. Dịp Tết Trung Thu vừa qua bận đón tiếp Đức Sứ Thần Tòa Thánh Léopoldo Girelli, nên cũng không viết cho các con một chữ nào. Nhưng Cha vẫn nhớ các con và hiệp thông với các con trong kinh nguyện.

GIÁO DỤC _ giáo dục cho ngày mai

GIÁO DỤC CHO NGÀY MAI
KẾT LUẬN: Nhà giáo dục “Hãy trở nên dấu chỉ và người mang tình yêu cho người trẻ”.

GIÁO DỤC - giáo dục cho ngày mai

 4. GIÁO DỤC CHO NGÀY MAI
C – Những phương thế giáo dục

GIÁO DỤC _ đôi bàn tay

Đôi Bàn Tay

Một giáo sư lớp xã hội học đưa các sinh viên thực tập tới khu ổ chuột Baltimore để làm hồ sơ lý lịch cho 200 bé trai. Qua các câu hỏi để làm bảng lượng giá về tương lai các em.

GIÁO DỤC _ dạy con quan tâm đến người khác

Dạy con biết quan tâm đến người khác

Mỗi một con người đều là con người xã hội, mỗi người đều phải giao tiếp với người khác, chung sống với người khác, do đó quan tâm đến mọi người là phẩm chất cơ bản của “làm người”. Giáo dục con cái biết quan tâm đến mọi người từ khi còn nhỏ là nhiệm vụ cơ bản của cha mẹ khi dạy con cái học làm người. Nhưng trong thực tế cuộc sống, con cái của chúng ta biểu hiện thế nào? Xin hãy xem sự việc sau:

GIÁO DỤC _ mục lục

NHỮNG CÂU CHUYỆN GIÁO DỤC

GIÁO DỤC

3. GIÁO DỤC CHO NGÀY MAI
B – Những hình thức giáo dục:
1 – Giáo dục thể lý (physical education).
Bước một của giáo dục là quan tâm tới sức khoẻ và đời sống vật chất của học viên, dựa theo nguyên tắc lâu đời của người La mã: một trí tuệ lành mạnh trong một thân thể cường tráng (mens sana in corpore sano). Nhà giáo dục phải hướng dẫn học viên chăm sóc sức khoẻ của mình; hướng dẫn họ biết sống vệ sinh sạch sẽ, chăm sóc cá nhân, gọn gàng và ngăn nắp từng nơi chốn. Vì sức khoẻ và sự dẻo dai, hãy động viên người trẻ ham thích và luyện thể dục; tham gia thi đấu thể thao không chỉ bồi dưỡng sức khoẻ, mà còn rèn luyện tinh thần tập thể và tính đồng đội, một yếu tố cần cho đời sống xã hội mai ngày của bạn trẻ.
2 – Giáo dục tri thức.
Người đời thường nói: “nhân bất học bất tri lý” (người mà không học thì làm sao có thể biết được những lẽ ở đời). Bởi thế, trong tiến trình giáo dục, bước đi quan trọng chính là giáo dục tri thức. Người trẻ phải được hướng dẫn để tập thói quen ham học, tất cả vì tương lai và sự nghiệp của mình. Hướng dẫn họ ý thức tầm quan trọng của việc học và học không ngừng. Hơn thế nữa, người trẻ còn phải được hướng dẫn để học có phương pháp, việc học phải mang tính khoa học, để khi đứng trước mọi tình huống, người trẻ có thể tự suy luận và tìm ra những giải pháp thoả đáng. Giáo dục tri thức không chỉ là trau dồi kiến thức, mà còn dạy ta biết sống ở đời và biết sống với người.
3 – Giáo dục nhân bản.
Bạn hãy nhớ: “là” người chưa đủ, mà phải “làm” người; và chúng ta thường gọi đó là tiến trình giáo dục nhân bản. Đây là tiến trình xa hơn và vượt trên cả giáo dục tri thức. Nó hướng dẫn và giúp người trẻ nhận ra, hiểu và tôn trọng phẩm giá của mình cũng như tha nhân; đồng thời cố gắng tập tành những đức tính tốt. Quan trọng hơn hết là người trẻ “biết” sống với chính mình và với tha nhân, hầu cùng chung tay xây dựng bầu khí đầy tình người, xây dựng một nền văn minh tình thương. Để được như vậy, nhà giáo dục cần huấn luyện người trẻ có những đức tính cần thiết, như: thành thật, đơn giản, sống vui vẻ, quảng đại, tháo vác trong tình huống khó khăn, dám dấn thân, biết sống mình vì mọi người, có lòng nhân ái, sẵn sàng bao dung tha thứ. Người nhân bản là người biết sống với tha nhân như “Tôi thứ hai”(alter ego).
4 – Giáo dục tâm linh (khát vọng sống hạnh phúc).
Chúng ta hãy trở lại với đoạn tin mừng, chàng thanh niên tìm đến Đức Giêsu, xin Ngài chỉ cho anh con đường để được hạnh phúc. Đức Giêsu nhìn thấy nơi anh một con người thật dễ thương, thật nhân bản, trai thanh lịch, ngoan hiền, giữ gìn lề luật thật nghiêm túc, nói chung không có gì để chê. Nhưng đáng tiếc thay, anh vẫn luôn bị dằn vặt bởi khát vọng sống hạnh phúc; và chính anh chứng minh rằng hạnh phúc không ở nơi những gì anh đang sở đắc, mà đúng hơn chúng chỉ là những yếu tố dọn đường. Đức Giêsu đem lòng yêu mến anh, và Ngài chỉ cho anh hiểu rằng, đã đến lúc anh phải tìm về khát vọng hạnh phúc đích thực. Chúng ta có thể nhìn nơi đây như một tiến trình giáo dục tâm linh, con đường dẫn đến hạnh phúc.
Khát vọng hạnh phúc không thiết yếu hệ tại những nhu cầu vật chất, nó cũng không dừng lại ở sự tự mãn và tự đủ, vì những gì con người có trên đời này. Khát vọng ấy phải vươn tới cao hơn và xa hơn, vượt ngoài tầm thế giới vật chất. Con người phải vượt ra khỏi những giới hạn và ràng buộc vật chất, mới có thể đạt tới sự thanh thoát và tâm hồn nâng cao, mà chúng ta gọi là hạnh phúc. Vậy hạnh phúc là sự hài hoà xác hồn, sự quân bình trong mọi lãnh vực, giúp con người dễ dàng bước từ địa hạt cụ thể đến những gì siêu thoát thuộc tâm linh, nghĩa là con người chiếm lấy kho tàng không ai cướp khỏi tay được; sự an hoà nối con người với Trời, với đất, với người.
5 – Giáo dục đạo đức.
Nói về giáo dục đạo đức, chúng ta cần phân rõ hai lãnh vực khác nhau: đạo đức làm người và đạo đức tôn giáo.
a/ Đạo đức làm người  giúp người trẻ:
Biết sống với chính mình ở bất kỳ chỗ nào và trong bất kỳ hoàn cảnh nào; ngay thẳng, trung thực, và đáng tin cậy (righteous, sincere and reliable).
Biết sống với tha nhân: uyển chuyển, tế nhị, biết người, biết mình, đặc biệt trong cách giao tế (Gentleness in human behavior).
Biết nghĩ vì lợi ích chung, xây dựng và tham gia tinh thần sống tập thể, dù trong xã hội cũng như trong bất cứ tập thể nào (sociable and responsible).
b/ Đạo đức tôn giáo: giúp người trẻ ý thức cách thâm tín về sự chân chính tôn giáo của mình,
Sống niềm tin chân chính và thâm tín, xử dựng tự do của mình trong sự xác tín tôn giáo.
Hiểu biết tôn giáo cách khách quan. Đây là điều quan trọng về nhận thức, vì quả thực, “vô tri bất mộ” (không thể yêu mến điều mình không biết).
Biết nuôi dưỡng và phát huy niềm tin của mình, bằng lòng mến và bằng cuộc sống. Đây cũng là chiều kích chứng tá mà chúng ta được mời gọi sống hôm nay.
Đặc biệt trong nhãn quan Kitô giáo, người trẻ được mời gọi sống mối tương quan mật thiết hơn với Chúa và tha nhân, trở nên dấu chỉ và chứng nhân tin mừng. Đỉnh cao của giáo dục Kitô giáo là tạo cho con người khát vọng “đam mê Thiên Chúa, đam mê con người (passion of God, passion of human).

GIÁO DỤC CHO NGÀY MAI

2. GIÁO DỤC CHO NGÀY MAI
TRIỂN KHAI: GIÁO DỤC CHO NGÀY MAI
A – Định nghĩa giáo dục.
1 – Phân tích từ ngữ giáo dục (education):
Trước hết, chúng ta bắt đầu bằng từ ngoại ngữ, E-ducation:
“E” hay là “Ex” có nghĩa là ra khỏi,
Ducatio (ducere) có nghĩa là dẫn lối, chỉ vẽ, uốn nắn.
Trong tiếng Việt, từ ngữ Giáo dục có nghĩa là:
Giáo là chỉ bảo, uốn nắn, biến đổi và làm cho nên hoàn hảo,
Dục là bản chất hoặc tính khí con người cần được uốn nắn chỉ bảo.
Vậy Giáo dục là tiến trình uốn nắn, hướng dẫn và thăng tiến con người toàn diện “như là con người” (homme comme tel), khởi từ tình trạng cụ thể, hầu đạt tới mức hoàn hảo của một “nhân linh ư vạn vật”. Giáo dục phải là tiến trình hoàn toàn tự nguyện từ hai phía, nhà giáo dục và người được giáo dục, không hề có áp đặt và cũng không làm thay, nhưng mang tính nhân vị.
2 – Giáo dục là một hành trình nhân bản và năng động (human and dynamic itinary):
Trong giáo dục, con người ý thức mình bước đi trên con đường thự thể hiện chính mình. Do đó, đòi hỏi tính nhân bản cao, cùng với yếu tố tích cực và năng động. Dĩ nhiên, việc giáo dục cần sự hiện diện và đồng hành của nhà giáo dục, nó vừa mang tính trao ban, vừa rèn cặp và tư vấn (tutor). Nhưng trước nhất vẫn là, người trẻ phải tự thể hiện rõ chính mình trên hành trình nhân linh này: “làm người” như “là người”.
3 – Giáo dục là động tác “người” đến với “người” (person to person).
Nếu giáo dục được định nghĩa là một hành vi nhân linh, thì động tác giáo dục thể hiện hành vi “một con người đến với một con người” theo nghĩa chính xác nhất. Do đó, buộc chúng ta phải hiểu đúng về con người, cụ thể và riêng biệt, tuỳ theo hoàn cảnh và thời điểm lịch sử; hành vi này phải bộc lộ rõ nét tính nhân bản. Hành vi giáo dục ưu tiên mang tính cá nhân và cụ thể (personal and concrete) chứ không phải chỉ trong thế giới những ý niệm (monde des idées). Kết quả việc giáo dục do đó có sức biến đổi từng con người, mang lại lợi ích cho cá nhân cũng như tập thể.
4 – Giáo dục là “công việc của con tim” (amorevolezza=Loving kindness).
Vì giáo dục là hành vi nhân linh, nó bắt nguồn từ tình yêu – tình thương mến thương (amorevolezza). Tình thương mến thương loại trừ mọi thứ tình cảm uỷ mị và thiếu trưởng thành (suốt đời làm trẻ thơ – forever childish). Chúng ta không thể chấp nhận thái độ Duy phụ mẫu (Paternalism-Maternalism) của nhà giáo dục, khi cư xử với người trẻ bằng lý lẽ dựa vào tình cảm của họ, thay vì muốn điều tốt cho người được giáo dục, hướng dẫn để họ tự nhận ra mình và thăng tiến. Giáo dục bằng lòng yêu mến là muốn tốt cho người trẻ, làm cho họ nhận ra điều tốt, giúp họ tìm phương thế để thực hiện điều tốt ấy. Đây là cách trân trọng nhân phẩm người được giáo dục, thúc đẩy và giúp họ thăng tiến. Don Bosco thường nói: “yêu mến người trẻ chưa đủ, nhưng còn làm cho họ ý thức rằng họ được yêu mến. …. Hãy thực hiện điều người trẻ thích, rồi chính người trẻ sẽ tự thực hiện điều nhà giáo dục muốn, vì lợi ích của chính các em”.
Công việc của con tim quả thật vừa nhân bản vừa trưởng thành.
5 – Giáo dục là động tác nhân bản (phải hiểu rõ về con người – homme comme tel).
Muốn giáo dục có hiệu quả, buộc nhà giáo dục phải biết người mình giáo dục (vô tri bất mộ); biết đây là hiểu rõ, cách cụ thể và thực tế, không mơ hồ và viển vông. Sự hiểu biết này phải bao gồm những yếu tố sau đây: hiểu biết và nắm bắt thực tế đời sống thể lý cùng các giai đoạn phát triển tâm sinh lý của đương sự; hiểu biết sự biến đổi tâm lý ở các giai đoạn tuổi người trẻ; hiểu biết bối cảnh gia đình và cuộc sống sinh nhai của họ; hiểu biết lý tưởng và khát vọng sống của họ; hiểu biết họ như họ “là”, để đồng hành với họ, dẫn họ đi đúng đường hầu đạt mục đích, giúp họ tự tin và trưởng thành dấn bước, không áp đặt bất cứ điều gì trên người trẻ. Thái độ này giúp chúng ta hiểu và đi sâu vào giáo dục như một nghệ thuật (art), không chỉ là một công việc (job).
6 – Tác nhân của giáo dục: người được giáo dục và nhà giáo dục (educated and educator).
Qui trình giáo dục có thể được diễn tả như sự thăng hoá theo biện chứng “thăng giả hội” xoắn ốc, nghĩa là không dừng lại ở mức cố định, mà phải đạt mức hoàn hảo ngày một hơn. Nếu hành trình giáo dục được thực hiện giữa nhà giáo dục và người được giáo dục, nó là quan hệ song phương (interpersonal), bình đẳng và trân trọng lẫn nhau trong suốt quá trình giáo dục. Sự trân trọng phải được nhìn trên hai chiều kích: nhân bản và tự do của mỗi cá nhân.
Qui trình giáo dục do đó không phải là áp đặt hoặc làm thay, mà chỉ là hướng dẫn hoặc tư vấn, để đương sự tự tìm hướng giải đáp. Hoá ra tính song phương này xác định rằng: cả thầy lẫn trò đều vừa là nhà giáo dục mà cũng vừa được giáo dục; và qui trình này mang tới hệ quả, là tình người – tình bạn và tình thầy  trò nảy sinh, một hình ảnh đẹp nhất trong tiến trình giáo dục.

Giáo dục _ thuổi thơ và những nguy cơ

TUỔI THƠ TRƯỚC NHỮNG NGUY CƠ
Tuổi thơ là tuổi đẹp. Chính vì thế, mà Chúa Giêsu đã quả quyết: "Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không quay trở lại, mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời" (Mt 18,3).
Trẻ nhỏ mà Chúa Giêsu nói ở đây, là thứ tuổi ngây thơ sẵn sàng đón nhận nền giáo dục tốt, để vươn tới trưởng thành.
Thực tế cho thấy: Loại trẻ nhỏ với tuổi thơ ngoan ngoãn lành mạnh như thế không xuất hiện đều khắp mọi nơi, mọi thời. Nghĩa là trẻ nhỏ với tuổi thơ vẫn thay đổi như bất cứ sự gì trên trái đất này. Có thể tốt đấy, nhưng rồi trở nên xấu đấy. Nhiều trẻ em không có tuổi thơ, nhiều trẻ em đánh mất tuổi thơ. Kinh nghiệm đó thực là đắng cay. Đắng cay nhưng vẫn phải nuốt.
Trước tình hình này, các bậc phụ huynh không khỏi lo lắng. Lo lắng đó của các cha mẹ cũng là lo âu của những người có trách nhiệm trong lãnh vực giáo dục.
Chia sẻ của tôi ở đây chỉ là một đóng góp rất nhỏ vào lãnh vực bao la đó. Tôi sẽ nhắc tới một số nguy cơ đang đe doạ tàn phá tuổi thơ. Những nguy cơ này được gợi ý từ câu chuyện một đứa bé. Phúc Âm thánh Marcô kể chuyện đứa bé này một cách tỉ mỉ (x. Mc 9,14-29). Xin tóm lược thế này:
Một ông bố đem đứa con mình đến Chúa Giêsu, xin Người cứu chữa. Ông thưa với Chúa là con ông từ nhỏ đã mắc bệnh với những triệu chứng sau đây:
1. Bị câm, mất khả năng diễn tả bằng lời nói.
2. Hay nổi cơn với những thái độ bất thường.
3. Đôi lúc khùng điên, tự mình làm khổ mình.
Chúa Giêsu động lòng thương, đã chữa lành đứa bé.
Những triệu chứng trên đây có thể áp dụng cho những nguy cơ đang đe doạ tàn phá tuổi thơ. Trẻ còn nhỏ và trẻ đã lớn đều bị như nhau.
Nguy cơ thứ nhất là sự băng hoại trong chức năng diễn tả.
Dùng lời nói để diễn tả, đó là một chức năng quan trọng trong đời sống xã hội. Mục đích là để hiệp thông, chia sẻ, góp phần, góp ý, thông tin, xây dựng bầu khí đạo đức, bầu khí trí thức, bầu khí văn hoá. Nói tắt là để phát triển cộng đồng và chính bản thân mình.
Diễn tả gồm nội dung và hình thức.
Đứa bé đưa đến cho Chúa Giêsu là đứa bé bị câm. Không nói được, đó là một tật bệnh làm hư chức năng diễn tả.
Nhưng chức năng diễn tả vẫn còn bị hư bởi nhiều tật bệnh khác, như nói bậy bạ, nói sai sự thực, nói có nội dung đúng, nhưng với hình thức thiếu lịch sự.
Để góp phần xây dựng đạo đức, nếu diễn tả lại chỉ gieo rắc hận thù, thì sẽ ra sao?
Để góp phần phát triển trí thức, nếu diễn tả lại chỉ trình bày những sự thực cũ kỹ hàm hồ, thì sẽ ra sao?
Để gầy dựng một nếp sống văn minh, nếu diễn tả lại phổ biến những cách suy nghĩ lệch lạcnhững khát vọng đê hèn, thì sẽ ra sao?
Để chấn hưng một thế hệ đang xuống dốc về đạo đức, nếu diễn tả lại quá nhấn mạnh đến những hình thức đạo đức bề ngoài mà thiếu nội tâm, thì kết quả sẽ ra sao?
Hiện nay, các nguy cơ trong diễn tả đang phát sinh mạnh. Không những trên sách báo, truyền hình, truyền thanh, mà nhất là trong những quan hệ công khai và riêng tư. Nhiều trẻ còn nhỏ bị lây nhiễm. Nhiều trẻ đã lớn bị mắc sâu.
Nguy cơ thứ hai là sự bùng nổ thái độ mất quân bình.
Đứa bé kể trong Phúc Âm mắc chứng hay nổi cơn. Mỗi lần nổi cơn là nó có những thái độ không kềm chế được.
Nghiến răng, xùi bọt mép, vật mình xuống đất, lăn lộn, la hét, tất cả những cử chỉ đó chứng minh một sự mất quân bình. Tình trạng mất quân bình đó không sao kiểm soát nổi, không thể kềm chế được. Nó làm giảm sút nhân cách, nhân phẩm con người.
Hiện nay, hiện tượng mất quân bình đang xuất hiện khắp nơi. Mất quân bình trong sinh lý, trong tâm lý, cả trong đạo đức.
Tình cảm mất quân bình sinh nhiều chuyện rắc rối. Phán đoán mất quân bình càng sinh nhiều hiệu quả tai hại. Đạo đức mất quân bình có thể đi tới hoang tưởng và những điều mê tín.
Xã hội với nhiều chuyển biến mau lẹ dễ làm cho nhiều người mắc bệnh mất quân bình. Người lớn còn bị, phương chi trẻ nhỏ.
Nguy cơ thứ ba là khuynh hướng tự mình làm khổ mình.
Đứa bé trong Phúc Âm nhiều lúc lao mình vào lửa, đâm đầu xuống sông. Nó tự tạo ra trong đầu cảnh khổ, rồi tự chọn cách chấm dứt cảnh khổ, bằng dìm mình vào cái chết khổ. Trong chừng mực nào đó, nó là con người dại.
Trên đời không thiếu những người dại như thế. Xin đưa ra vài thí dụ. Có người luôn luôn nuôi mặc cảm mình bị khinh, bị chê, bị ngược đãi, bị đối xử bất công. Thực sự đó là suy nghĩ chủ quan, chứ thực tế khách quan không đúng như vậy. Nhưng mặc cảm tự ti chủ quan vẫn ám ảnh. Con người mặc cảm đó tự làm khổ mình.
Trường hợp người có mặc cảm tự tôn cũng giống như vậy. Cứ tưởng mình có tài có đức, đáng được trọng kính. Nhưng thấy không được như ý muốn, thì đâm ra bất mãn. Họ tự làm khổ mình.
Có người chạy theo dư luận, bám sát các mẫu thời trang, ngả nghiêng dưới bóng các ngôi sao. Họ làm nô lệ, buông trôi đời mình. Họ tự làm khổ mình.
Có người tưởng mình dấn thân cho một lý tưởng nào đó, rồi vì thế mà lơ là với những giá trị nhân bản, khiến họ thất bại trong những liên hệ giữa người với người. Họ tự làm khổ mình.
Ba nguy cơ kể trên đây phát xuất từ đâu? Theo Phúc Âm, ông bố đã quả quyết đứa bé bị quỷ ám. Chúa Giêsu cũng xác nhận đứa bé bị quỷ nhập. Những nhận xét trên đây cho phép tôi nghĩ rằng: Những nguy cơ hiện nay đang đe doạ tàn phá tuổi thơ cũng có phần nào do ma quỷ. Nói là phần nào do ma quỷ, nghĩa là có những phần do những nhân tố khác.
Cho dù thế nào, chúng ta cũng hãy bắt chước ông bố đứa bé, ông đã cùng với con mình đến với Chúa Giêsu. Ông đã cầu nguyện thay cho con mình. Chúa Giêsu đã chữa con ông, đồng thời cũng đã chữa chính ông.
Chúng ta nên nhớ rằng: Khi đặt vấn đề giáo dục trẻ nhỏ, chính là đặt vấn đề cho người lớn chúng ta, nhất là cho những ai mang trách nhiệm giáo dục kẻ khác.
Riêng trong lãnh vực đức tin, việc giáo dục hiện nay cần phải rất tỉnh thức. Bởi vì nền văn minh với những phát triển của nó ngày cảng cung cấp cho sự tự do con người nhiều phương tiện, để chọn sự lảnh hoặc chọn sự ác, theo ý riêng mình. Những phương tiện ấy cũng đang lạm dụng để chống phá đức tin. Đức tin ở tuổi thơ đang bị thử thách. Hiện tượng mất đức tin ở tuổi trẻ không còn là hiếm hoi.
Chính lúc này, chúng ta nên nhớ lại lời thánh Gioan khuyên bảo: "Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, hãy tránh xa các tà thần" (1Ga 2,1).
Chúng ta càng cần nhớ lại lời Chúa đã phán với thánh Phao-lô: "Ơn của Ta đã đủ cho con" (2Cr 12,9)
Lạy Chúa, xin Chúa thương ban ơn cho chúng con biết vâng lời Chúa. Chúa đã dạy người cha đứa bé là phải cầu nguyện và vững lòng tin vào Chúa, nhất là trường hợp đứa con mình bị ma quỷ hãm hại. Lạy Chúa, chúng con xin từ nay sẽ cầu nguyện nhiều hơn và luôn tin vào Chúa hơn là tin vào chúng con.
Lạy Chúa, xin Chúa thương xót chúng con. Amen.
GM. GB. Bùi Tuần
http://gplongxuyen.org

Gia đình _ bầu khí gia đình

BẦU KHÍ GIA ĐÌNH
Trong quyển sách “Ai chỉ huy ?” tác giả Gianni Rodari ghi lại câu chuyện dí dỏm như sau:
Tôi hỏi một em bé :
- Trong nhà em, ai là người chỉ huy ?
Em bé im lặng nhìn tôi không nói gì. Tôi năn nỉ hỏi thêm :
- Em nói đi mà, trong nhà ai là tướng chỉ huy ? Ba em, hay là má em ?
Một lần nữa, em bé nhìn tôi ngơ ngác như không hiểu gì. Tôi hỏi thêm :
- Em có biết chỉ huy là gì không ? Dĩ nhiên là em biết rồi. Vậy hãy nói đi, ai là người chỉ huy trong nhà em ?
Em vẫn chỉ chăm chú nhìn tôi, làm tôi muốn bực mình, tôi tự hỏi  hay là em bị câm chăng ? Nếu vậy thì tội nghiệp em quá !  Thế rồi em quay lưng cắm đầu chạy cách tôi thật xa, rồi quay lại, lè lưỡi nhìn tôi cách đùa cợt chọc ghẹo vừa cười vừa nói:
- Trong nhà em, không có ai chỉ huy cả. Bởi vì chúng tôi thương mến nhau rất nhiều.
Các bạn thân mến, câu trả lời ngây thơ của em bé diễn tả một trực giác rất sâu xa. Vấn đề giáo dục và trưởng thành của tuổi trẻ bắt đầu ngay từ trong bầu khí gia đình. Nó như hơi thở, như cơm ăn, nước uống, thấm nhập vào đời sống con người. Ai lại không hiểu được hậu quả tai hại của những sơ suất và những hành động thiếu khôn ngoan trong đường lối huấn luyện tuổi trẻ. Nó như những vết thương khó chữa lành, và nếu có được chữa lành cũng còn phải mang vết sẹo cả đời. Đó là những vết thẹo được hàn gắn bởi thương của tình thương. Vì thế chỉ có tình thương chân thành mới hàn gắn và chữa lành lại được những vết thương đó.
Trên thực tế, có hai đường lối giáo dục,
hoặc là bằng hình phạt, đánh đập để buộc con cái phải thi hành những gì cha mẹ ra lệnh,
hoặc là bằng phương pháp đề phòng, tức là dùng lý trí và tình thương thuyết phục để con cái được xác tín về giá trị việc phải làm, việc nên làm, để rồi tự động nó sẽ làm  mà không cần phải có người theo dõi hoặc quan sát nó luôn nữa.
Qua nhiều thế kỷ, kinh nghiệm cho thấy phương pháp giáo dục thứ hai là đường lối hữu hiệu hơn cả, và cũng chính là nghệ thuật giáo dục của Don Bosco đối với các bạn trẻ.
Dưới mái gia đình, trong mọi hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống, các phụ huynh cần phải biết chọn một trong hai đường lối giáo dục nói trên, hoặc là dùng áp lực của quyền bính, hoặc là dùng sức mạnh của tình thương.
Bạn thử tưởng tượng đến cảnh trong một gia đình sau đây.
Em Lan ngồi vào bàn cơm, vụng về vướng tay làm rơi đũa xuống đất. Mẹ em giận dữ ra lệnh:
- Lan, cúi xuống nhặt đũa lên ngay !
Em bé nổi ương, xịu mặt, cứ ngồi  yên rồi đáp lại:
- Không, con sẽ không nhặt đũa lên.
Mẹ em càng nổi giận quát lớn tiếng:
- Mày lộn xộn, lại còn nổi ương nữa à ?
Một lần nữa với tất cả sự cứng đầu ở tuổi lên ba, nó nhất định trả lời không.
Mẹ em phải làm gì bây giờ đây ? Xem ra bà đã thua cuộc. Nếu bà đánh nó để bắt nó phải vâng lời, bà sẽ cảm thấy nhục hơn nữa, vì đó chỉ là điều vô ích, và sẽ bị chồng khiển trách. Nếu bà nhượng bộ, cúi xuống nhặt đũa lên cho con, em bé sẽ càng lên mặt tự hào và lần sau cũng sẽ tiếp tục như vậy. Dĩ nhiên em sẽ bắt đầu cảm thấy mình là bà chủ con trong nhà. Đó là khởi điểm của những sự xích mích nho nhỏ trong gia đình.
Chắc hẳn mẹ đứa bé sẽ không khỏi phân vân tự hỏi, phải làm sao bây giờ ?
Đây là trường hợp cụ thể cần được áp dụng nguyên tắc đầu tiên của phương pháp đề phòng. Đó là: Trong những xung khắc giữa cha mẹ và con cái, cha mẹ chính là người thua cuộc.
Thật vậy, chúng ta  đừng quên rằng, áp đặt ý riêng của cha mẹ trên con cái chỉ là điều vô ích.  Hành động của bà mẹ trên đây là khởi điểm của cuộc chiến tranh lạnh trong gia đình, dựa trên một thách đố không lời, nhưng cả hai bên đều có thể hiểu được. Tức là, để xem, ai là người điều khiển, chỉ huy trong nhà ?
Cuộc chiến tranh lạnh đó không đem lại lợi ích gì hơn ngoài những vết thương tâm hồn càng thêm sâu đậm. Chấp nhận gây nên những xung khắc cha mẹ sẽ buộc lòng phải dùng đến hình phạt để sửa trị con cái, vì thế càng làm cho con cái thêm lòng oán hận, và ngấm ngầm tìm cách trả đũa. Cũng đừng quên rằng tuổi trẻ thường rất tinh ranh hơn người lớn. Một khi đã bị thương tổn, chúng rất khôn khéo trong việc tìm mọi mánh lới để trả thù, cả đến những việc khờ dại, thiếu khôn ngoan nữa. Đến nỗi cha mẹ chỉ còn biết lắc đầu than trách không biết phải làm gì với con cái. Đó chính là hoa trái của phương pháp giáo dục dựa trên hình phạt.
Đường lối giáo dục của  Don Bosco rất đơn giản. Hình phạt, những lời đe dọa, ra lệnh,  được thay thế bằng tình thương, sự tôn trọng nhân vị và tinh thần cộng tác.  Tuổi trẻ cần được hướng dẫn trong sự tự do, cần có người lãnh đạo tốt, chứ không muốn có những người kiểm soát luôn đi kèm. Người lãnh đạo tốt là người biết đối thoại chỉ đường, giúp vạch rõ hướng đi, biết đưa ra những đề nghị thích hợp, đồng thời cũng biết thông cảm những yếu  đuối và khích lệ những cố gắng, lưu tâm đến những bước tiến nho nhỏ. Đó cũng chính là  trách nhiệm của cha mẹ và các bậc thầy dạy.
Tuổi trẻ cần đến sự hướng dẫn của cha mẹ, mặc dù thái độ bên ngoài nhiều lúc tỏ ra như bất cần. Tuy nhiên, các bạn trẻ thường chỉ chấp nhận nếu được tôn trọng và được đối xử như người bằng vai. Trái lại, chúng sẽ cảm thấy nhân vị mình bị tổn thương nặng nề mỗi lần bị đánh đập, quở trách một cách bất công phi lý.
Bà mẹ của Lan trong trường hợp trên đây, có thể tránh được sự xung khắc và sự phát ương cứng đầu của cô bé một cách dễ dàng và ổn thỏa hơn bằng một cái nhìn nhân từ, âu yếm, bằng một nụ cười khích lệ, hoặc bằng một lời nói khôi hài, bằng lời mời cộng tác của đứa bé, thay vì bằng thái độ nóng giận và những  lời dọa nạt. Và dĩ nhiên em sẽ tự nhận sự vụng về của mình và sẽ tự cúi xuống nhặt đũa lên mà không cần được ai sai bảo. Sự việc nhỏ bé ấy sẽ được giải quyết một cách tự nhiên nhẹ nhàng, không gây tiếng to tiếng lớn, cũng không là sự thua thắng của ai cả.
Việt Nam có câu : “ Một nhịn, chín lành “. Biết nhịn và thực tình tha thứ đúng chỗ, đúng lúc, không phải là thua cuộc, cũng không hẳn là yếu nhược; trái lại là sức mạnh, là thắng cuộc, bởi vì chiến thắng đầu tiên là tinh thần tự chủ, là khắc phục được tính nóng giận của chính mình.
Theo plvs.org