Bài 17. NUÔI DẠY CON CÁI
ĐIỀU RĂN THỨ BỐN
121. Cha mẹ có bổn phận gì đối với con cái?
“Cha mẹ phải xem con cái mình như những người con của Thiên Chúa”. [1] Bởi đó mà bổn phận của cha mẹ đối với con cái không chỉ là một hành vi theo tình cảm hay bản năng tự nhiên, mà còn là một trách nhiệm đối với Thiên Chúa, để cố gắng chu toàn trách nhiệm Chúa đã trao là yêu thương, nuôi dưỡng, dạy dỗ, và làm gương sáng cho con cái.
122. Cha mẹ phải yêu thương con cái như thế nào?
Yêu thương là bổn phận đầu tiên, gồm tóm mọi bổn phận khác của cha mẹ đối với con cái. Cha mẹ phải yêu thương con cái là định luật tự nhiên được khắc sâu trong lòng mọi người, nhưng phải yêu thương như thế nào?
“Khi con cái còn nhỏ, sự tôn trọng và yêu thương của cha mẹ được biểu lộ trước hết qua việc chăm sóc và lưu tâm nhằm dạy dỗ con cái mình, để đáp ứng những nhu cầu vật chất và tinh thần của chúng. Khi chúng lớn lên, cũng vẫn sự tôn trọng và tận tuỵ đó thúc đẩy cha mẹ giáo dục con cái để chúng biết sử dụng lý trí và sự tự do của mình một cách đúng đắn”. [2] Hai điểm cần chú ý nhiều hơn về tình yêu thương mà cha mẹ phải dành cho con cái, là
- Hãy đối xử công bằng với các con. Gia đình Giacob là một tấm gương đáng buồn về sự thù ghét, ghen tị, nẩy sinh giữa anh em một nhà, bởi cảnh con yêu con ghét, bởi sự ưu đãi dành riêng cho đứa con xinh xắn hơn, có tài hơn, v. v. . .
- Hãy sẵn lòng tha thứ cho con cái. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh người cha để diễn tả tình thương tha thứ của Thiên Chúa trong dụ ngôn người con hoang đàng. Đối với người Kitô hữu, không tha thứ cho người khác là một lỗi nặng, thì cha mẹ không sẵn lòng tha thứ cho con cái sẽ như thế nào?
123. Cha mẹ phải nuôi dưỡng con cái ra sao?
Nuôi dưỡng trước hết là coi sóc và bảo vệ đời sống con cái ngay từ lúc thụ thai cho đến tuổi trưởng thành.
Ngay từ lúc thụ thai, người mẹ có bổn phận giữ gìn sức khỏe của mình, ăn uống những chất bổ dưỡng, tránh những sinh hoạt có ảnh hưởng đến sức khỏe của người con trong lòng, như làm việc quá sức, say sưa, nghiện ngập. . .
Phá thai là một tội ác ghê tởm không thể chấp nhận được nơi những bậc làm cha mẹ dù với bất cứ lý do gì.
Khi đứa bé đã được sinh ra, cha mẹ có bổn phận coi sóc, đừng để xẩy ra tai nạn gì cho con vì sự bất cẩn hay vô ý của mình. Cha mẹ phải cẩn thận về việc ăn uống của con cái: cho chúng ăn những thức ăn lành mạnh, bổ dưỡng (cần lưu ý là không phải món mắc tiền nào cũng tốt, cũng như không phải món ăn tốt thì mắc tiền). Cha mẹ phải đáp ứng cho con những nhu cầu cần thiết để sống xứng với nhân phẩm, như áo quần, nhà cửa, văn hóa. Cha mẹ mắc tội nặng nếu để con phải thiếu thốn do sự lười biếng, phung phí, hay thói rượu chè, bài bạc của mình. Hai điều góp phần nhiều nhất trong việc tàn phá gia đình là tiêu xài phung phí và quản lý tiền bạc lơi lỏng.
Cha mẹ cũng mắc lỗi, nếu dùng tiền mua danh tiếng trong việc từ thiện mà để con phải túng thiếu. Việc bác ái cũng phải theo thứ tự: chúng ta nên làm việc bác ái, từ thiện, nhưng phải bắt đầu từ gia đình mình, từ con cái mình, vì “Ai không chăm lo đến thân thuộc và cách riêng đến nguời trong gia đình mình thì chối bỏ đức tin rồi và tồi tệ hơn người không tin” (1Tm 5,8).
124. Cha mẹ phải dạy dỗ con cái như thế nào?
“Quyền và bổn phận giáo dục con cái là bổn phận hàng đầu và bất khả nhượng của cha mẹ”. [3] “Nhiệm vụ của cha mẹ trong việc giáo dục hết sức quan trọng đến nỗi, nếu thiếu, chắc chắn là không gì thay thế được”. [4] Nhưng giáo dục con cái còn là một nghệ thuật mà không phải cha mẹ nào cũng biết, vì giáo dục là phải làm sao cho con cái tự nguyện bước vào con đường tốt lành mà cha mẹ chỉ vẽ cho, chứ không phải là bắt ép bằng roi đòn, hình phạt. . .
Muốn được thế, cha mẹ cần phải:
a. Thăng tiến chính bản thân mình: “Lời nói hay bay, gương bày lôi cuốn”. Không có bài giảng nào sống động và thu hút con cái cho bằng đời sống đức tin, và sự thực hành các nhân đức nơi cha mẹ; và cũng không có bài giảng nào phản tác dụng cho bằng bài giảng của người không giữ điều mình dạy. “Cha mẹ có trách nhiệm quan trọng là phải nêu gương tốt cho con cái. Khi biết nhìn nhận những thiếu sót của mình trước mặt con cái, cha mẹ có uy tín hơn để hướng dẫn và sửa dạy con cái”. [5]
b. Tạo được bầu khí gia đình lành mạnh, cởi mở, tôn trọng, phục vụ nhau, và biết nhịn nhục, tha thứ cho nhau.
- Lành mạnh: Cha mẹ phải gìn giữ gia đình khỏi các gương xấu, sản phẩm văn hóa xấu, và dịp tội.
- Cởi mở: Mọi người trong gia đình sống chân tình, thẳng thắn với nhau, không dấu diếm nhau; giữa vợ chồng có sự nhất trí trong chương trình sống của gia đình, trong cách thức giáo dục con cái.
- Tôn trọng nhau và có tinh thần phục vụ: Đây là nguyên lý của đời sống hạnh phúc trong gia đình, vì không thể có một gia đình êm ấm mà trong đó ai cũng chỉ nghĩ đến mình.
- Sau hết, “mọi người và mỗi người phải biết quảng đại và luôn sẵn sàng tha thứ cho nhau khi gặp những xúc phạm, gây gỗ, bất công và bỏ rơi”. [6]
Sự nhịn nhục, tha thứ lẫn nhau là thứ dầu bôi trơn vạn năng, mà không có nó cuộc sống gia đình đôi lúc sẽ trở thành hết sức nặng nề và khó chịu.
c. Biết sửa lỗi con cái: Yêu thương không có nghĩa là cho con cái được sống tùy thích; và tha thứ cũng không phải là nhắm mắt làm ngơ trước lỗi lầm. Cha mẹ có lỗi nặng nếu không biết sửa lỗi con cái.
“Yêu cho roi cho vọt, ai sửa dạy con mình sẽ thấy điều ích lợi” (Hc 30,1-2). Việc sửa dạy con cái là cần thiết, nhất là khi chúng còn trẻ; vì nếu không, những thói xấu cũng sẽ lớn lên cùng với tuổi tác, và việc sửa lỗi sẽ khó khăn hơn bội phần, đôi khi như không thể sửa được nữa.
Muốn sửa sai phải thận trọng và tùy theo hoàn cảnh cũng như bản chất của lỗi lầm. Đôi khi dịu dàng, đôi khi cứng rắn, nhưng không bao giờ sửa sai với sự nóng nẩy và thô bạo. Cũng phải loại trừ thái độ bênh con bất kể đúng sai, dù là với thầy cô hay với xóm giềng. Thái độ bênh con đó sẽ tạo nên những đứa con không ai bảo được, kể cả cha mẹ nó.
125. Cha mẹ phải dạy con cái những gì?
Để trở thành người Kitô hữu trưởng thành, con cái cần được giáo dục đầy đủ, theo những điểm cốt yếu sau:
- Giáo dục đức tin: “Việc giáo dục đức tin cho con cái phải được bắt đầu ngay từ tuổi ấu thơ của chúng”. [7] Đây là điều cần được lưu tâm trước tiên, vì đức tin là nền tảng cho hầu hết những gì phải dạy dỗ.
Cha mẹ nên lo liệu cho con cái được rửa tội, lại phải tiếp tục nuôi dưỡng hạt giống đức tin nơi con cái bằng lời nói, việc làm, và một đời sống phù hợp với Phúc Âm, dạy con cầu nguyện, dạy con học biết giáo lý, thúc giục con cái tham dự các lớp giáo lý tại xứ đạo, và lãnh nhận các bí tích đức tin cần thiết. [8]
- Giáo dục nhân bản: là dạy con sống đúng với phẩm giá của một con người qua việc luyện tập các đức tính tự nhiên, như cần, kiệm, liêm, chính, nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, v. v. . . Qua đó, chúng tập được thói quen bỏ mình, sống vì người khác, biết làm chủ bản thân, và có một khả năng phán đoán lành mạnh.
- Giáo dục văn hóa: Cha mẹ cần quan tâm đến việc học của con cái, không được bắt con nghỉ học nếu không có lý do chính đáng; ngoài ra, cha mẹ cũng cần biết hướng dẫn con chọn bạn bè, phim ảnh, sách báo.
- Giáo dục sức khỏe: Cha mẹ phải dạy cho con cái biết cách gìn giữ, tăng cường sức khỏe, và tập luyện cho được một tinh thần sống lạc quan, vui tươi.
- Hướng nghiệp: “Cha mẹ phải tránh ép buộc con cái trong việc chọn nghề, cũng như trong việc chọn người bạn đời. Dù phải dè dặt, cha mẹ vẫn có thể giúp đỡ con cái bằng những ý kiến khôn ngoan, nhất là khi con cái chuẩn bị lập gia đình”. [9]
Nếu nhận thấy nơi con cái mình có ơn gọi sống đời tu trì, một ơn gọi riêng đến từ Thiên Chúa, cha mẹ đừng quên rằng: “Các mối liên hệ trong gia đình dù quan trọng, nhưng không phải tuyệt đối … cha mẹ phải tôn trọng ơn gọi này và khuyến khích con cái đáp trả bằng việc đi theo ơn gọi đó”. [10]
Hơn nữa, cha mẹ hãy “đón nhận và tôn trọng với tâm tình vui mừng và tạ ơn, ơn gọi mà Chúa dành cho một người nào đó trong số con cái mình để đi theo Người trong sự trinh khiết vì Nước Trời, trong đời sống thánh hiến hay trong thừa tác vụ tư tế”. [11]