Hiển thị các bài đăng có nhãn thieunhi. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn thieunhi. Hiển thị tất cả bài đăng

THỜI SỰ THẾ GIỚI _ các chiến binh trẻ em

Bóng ma của các chiến binh trẻ em Liberia
Phỏng vấn nhà báo Kamara Umunna Trong thời gian qua bà Agnes Fallah Kamara-Umunna, nhà báo, đã cho ấn hành cuốn sách tựa đề "Trò chơi của các giấc mơ tìm lại được".

NÓI VỚI CHÍNH MÌNH _ tuổi thơ


TUỔI THƠ
  Tôi còn trẻ hay tôi đã già? Có thể cả hai.
  Có những người còn trẻ khi đã 60, nhưng lại có những kẻ đã già khi mới 20.
  Có những thanh niên đã đánh mất tuổi trẻ, và có những người suốt đời chưa hề bao giờ có tuổi trẻ để mà đánh mất...
  Trẻ vì mặt tươi non.
  Trẻ vì sức hăng hái.
  Trẻ vì tuổi ít oi.
  Trẻ vì tính vô lo bồng bột...
  Đúng hết. Còn một đặc điểm khác để biết mình già hay trẻ, đó là mong ước. Tuổi trẻ là tuổi ước mơ. Những gì mơ ước đều chưa tới. Nên sống trẻ cũng là sống đợi chờ. Trẻ nhìn về tương lai, xây mộng đẹp cho cuộc đời chật hẹp. Nên sống trẻ cũng là sống trong hy vọng.
  Đừng coi mọi mong ước đều là vô ích. Thực tại quá nghèo. Chỉ có ước mơ là to lớn. Nhờ nó mà con người mới đi tìm được từ tiến bộ nầy sang tiến bộ khác. Mọi văn minh và mọi công trình đều thoát thai từ mộng ước của những trí khôn phong phú.
  Trăm năm về trước, Jule Verne đã kể một câu chuyện tưởng tượng lên cung trăng. Câu chuyện mơ mộng đó đã gợi ý cho việc thực hiện những chuyến đi hiện nay lên nguyệt cầu.
  Đinh Bộ Lĩnh lúc còn nhỏ đã nuôi dưỡng bằng những trò đánh trận cờ lau. Mộng nhỏ trở thành mộng lớn, và đời ông đã biến nên một cuộc thực hiên anh hùng cho giấc mộng vĩ đại của lịch sử đất nước. Thánh Têrêsa thành Lisieux đã có những mơ ước táo bạo. Chị ước mến Chúa như chưa hề có ai mến bằng. Chị mong đi giảng tình yêu Chúa cho mọi người khắp nơi, từ tạo thiên lập địa tới ngày tận thế. Chị mơ ước làm linh mục để giảng về lòng thương Đức Mẹ. Thế rồi chị chết hồi mới 24 tuổi. Chị không thực hiện được mọi mộng ước của chị như những thiện chí quãng đại. Chị đã nên Thánh. Bao bậc vĩ nhân, bao người giàu sang cùng thời với chị cũng đã chết. Sự nghiệp của ho đã chết theo. Nhưng tinh thần Têrêsa còn sống mãi trong hàng triệu linh hồn.
  Có những mơ ước của một số người đã được hậu thế tiếp nhận hoan hỉ và truyền lại mãi mãi, vì nó đẹp và xứng đáng là những lý tưởng.
  Cái làm cho một ước mơ nên đẹp, vì nó không phải xây dựng hạnh phúc cho người mơ ước mà chính vì nó mưu tìm hạnh phúc cho kẻ khác. Cái đẹp của ước mơ không ở chỗ thu vào, mà là ở chỗ cho đi.
  Cho đi là mở sang kẻ khác. Lòng người cho đi trở nên rộng và cao hẳn lên, để dể đón gặp Thiên Chúa. Chúa bao la và cao cả vô cùng. Chỉ những tâm hồn quãng đại cao thượng mới gặp được Ngài. Và chỉ gặp dược Ngài là gặp được hạnh phúc.
  Ai nuôi dưỡng những ước mơ ích kỷ, sẽ thắt buộc tâm hồn trở nên nhỏ bé, thấp hèn không sao đón nhận được Thiên Chúa.
  Tình cho đi là tình tăng lên. Tình vị tha là hướng đi của con người. Nếu bản tính của con người là mơ tìm hạnh phúc vô biên, thì Chúa là hạnh phúc đó. Ngài ở cuối đường phục vụ tha nhân.
  Có cho đi mới tìm được lại là thế. Những gì thu vén cho mình sẽ mất đi, nhưng những gì cho đi sẽ còn mãi mãi.
  Nếu tôi sống một cách ý nghĩa, thì mơ ước của tôi phải theo chiều hướng vị tha đó. Từ những ước mơ nhỏ, như làm nở một nụ cười, lau được một giọt lệ, cho đến những ước mơ lớn như được hao mòn và chết đi cho kẻ khác, tôi phải luôn luôn quên mình trong mọi lựa chọn, mọi tìm kiếm, mọi hành vi.
  Như thế có nghĩa là một ước mơ tốt không có giá trị ở chỗ vị tha, mà còn ở chỗ cố gắng thực hiện.
  Nếu ước mơ chỉ để mà mơ ước, để rồi tin vào mơ ước, thì cuộc đời chỉ là một giấc ngủ dài.
  Phải coi mơ ước tốt như tiếng gọi đi đến thực hành. Điều quan trọng không phải là thành công, nhưng là cố gắng. Cố gắng làm việc, cố gắng hy sinh, cố gắng chấp nhận cả đến thất bại, để rồi vươn lên. Cố gắng là đừng bao giờ nói: Tôi không thể được, tôi đã đủ rồi.
  Nếu một mơ ước được thành sự thật một cách quá dễ, thì đâu là giá trị. Bước đi với chiếc gai đâm dưới bàn chân, và cứ thế dám bước hoài qua những chặng đường gập gềnh sỏi đá, để tìm hạnh phúc cho người khá, đó là hình ảnh đáng kính của những giấc mơ đáng kính.
  Chúa Giêsu đã sống và chết cho kẻ khác. Mơ ước của Ngài từ thưở đời đời là thế. Ngài đã thực hiện. Và Ngài đã sống lại vinh quang trong một tuuoir trẻ ngàn đời.
Lạy Chúa, xin nuôi trong con những ước mơ vị tha hào hùng, xin kéo dài tuổi trẻ trong con bằng những ước mơ lành thánh. Xin hướng tuổi mơ về nẻo cao thượng, dấn thân và can đảm. Ôi lạy Chúa là Đấng làm vui sướng tuổi xuân con!
ĐGM. GB. Bùi Tuần

Giáo dục _ thuổi thơ và những nguy cơ

TUỔI THƠ TRƯỚC NHỮNG NGUY CƠ
Tuổi thơ là tuổi đẹp. Chính vì thế, mà Chúa Giêsu đã quả quyết: "Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không quay trở lại, mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời" (Mt 18,3).
Trẻ nhỏ mà Chúa Giêsu nói ở đây, là thứ tuổi ngây thơ sẵn sàng đón nhận nền giáo dục tốt, để vươn tới trưởng thành.
Thực tế cho thấy: Loại trẻ nhỏ với tuổi thơ ngoan ngoãn lành mạnh như thế không xuất hiện đều khắp mọi nơi, mọi thời. Nghĩa là trẻ nhỏ với tuổi thơ vẫn thay đổi như bất cứ sự gì trên trái đất này. Có thể tốt đấy, nhưng rồi trở nên xấu đấy. Nhiều trẻ em không có tuổi thơ, nhiều trẻ em đánh mất tuổi thơ. Kinh nghiệm đó thực là đắng cay. Đắng cay nhưng vẫn phải nuốt.
Trước tình hình này, các bậc phụ huynh không khỏi lo lắng. Lo lắng đó của các cha mẹ cũng là lo âu của những người có trách nhiệm trong lãnh vực giáo dục.
Chia sẻ của tôi ở đây chỉ là một đóng góp rất nhỏ vào lãnh vực bao la đó. Tôi sẽ nhắc tới một số nguy cơ đang đe doạ tàn phá tuổi thơ. Những nguy cơ này được gợi ý từ câu chuyện một đứa bé. Phúc Âm thánh Marcô kể chuyện đứa bé này một cách tỉ mỉ (x. Mc 9,14-29). Xin tóm lược thế này:
Một ông bố đem đứa con mình đến Chúa Giêsu, xin Người cứu chữa. Ông thưa với Chúa là con ông từ nhỏ đã mắc bệnh với những triệu chứng sau đây:
1. Bị câm, mất khả năng diễn tả bằng lời nói.
2. Hay nổi cơn với những thái độ bất thường.
3. Đôi lúc khùng điên, tự mình làm khổ mình.
Chúa Giêsu động lòng thương, đã chữa lành đứa bé.
Những triệu chứng trên đây có thể áp dụng cho những nguy cơ đang đe doạ tàn phá tuổi thơ. Trẻ còn nhỏ và trẻ đã lớn đều bị như nhau.
Nguy cơ thứ nhất là sự băng hoại trong chức năng diễn tả.
Dùng lời nói để diễn tả, đó là một chức năng quan trọng trong đời sống xã hội. Mục đích là để hiệp thông, chia sẻ, góp phần, góp ý, thông tin, xây dựng bầu khí đạo đức, bầu khí trí thức, bầu khí văn hoá. Nói tắt là để phát triển cộng đồng và chính bản thân mình.
Diễn tả gồm nội dung và hình thức.
Đứa bé đưa đến cho Chúa Giêsu là đứa bé bị câm. Không nói được, đó là một tật bệnh làm hư chức năng diễn tả.
Nhưng chức năng diễn tả vẫn còn bị hư bởi nhiều tật bệnh khác, như nói bậy bạ, nói sai sự thực, nói có nội dung đúng, nhưng với hình thức thiếu lịch sự.
Để góp phần xây dựng đạo đức, nếu diễn tả lại chỉ gieo rắc hận thù, thì sẽ ra sao?
Để góp phần phát triển trí thức, nếu diễn tả lại chỉ trình bày những sự thực cũ kỹ hàm hồ, thì sẽ ra sao?
Để gầy dựng một nếp sống văn minh, nếu diễn tả lại phổ biến những cách suy nghĩ lệch lạcnhững khát vọng đê hèn, thì sẽ ra sao?
Để chấn hưng một thế hệ đang xuống dốc về đạo đức, nếu diễn tả lại quá nhấn mạnh đến những hình thức đạo đức bề ngoài mà thiếu nội tâm, thì kết quả sẽ ra sao?
Hiện nay, các nguy cơ trong diễn tả đang phát sinh mạnh. Không những trên sách báo, truyền hình, truyền thanh, mà nhất là trong những quan hệ công khai và riêng tư. Nhiều trẻ còn nhỏ bị lây nhiễm. Nhiều trẻ đã lớn bị mắc sâu.
Nguy cơ thứ hai là sự bùng nổ thái độ mất quân bình.
Đứa bé kể trong Phúc Âm mắc chứng hay nổi cơn. Mỗi lần nổi cơn là nó có những thái độ không kềm chế được.
Nghiến răng, xùi bọt mép, vật mình xuống đất, lăn lộn, la hét, tất cả những cử chỉ đó chứng minh một sự mất quân bình. Tình trạng mất quân bình đó không sao kiểm soát nổi, không thể kềm chế được. Nó làm giảm sút nhân cách, nhân phẩm con người.
Hiện nay, hiện tượng mất quân bình đang xuất hiện khắp nơi. Mất quân bình trong sinh lý, trong tâm lý, cả trong đạo đức.
Tình cảm mất quân bình sinh nhiều chuyện rắc rối. Phán đoán mất quân bình càng sinh nhiều hiệu quả tai hại. Đạo đức mất quân bình có thể đi tới hoang tưởng và những điều mê tín.
Xã hội với nhiều chuyển biến mau lẹ dễ làm cho nhiều người mắc bệnh mất quân bình. Người lớn còn bị, phương chi trẻ nhỏ.
Nguy cơ thứ ba là khuynh hướng tự mình làm khổ mình.
Đứa bé trong Phúc Âm nhiều lúc lao mình vào lửa, đâm đầu xuống sông. Nó tự tạo ra trong đầu cảnh khổ, rồi tự chọn cách chấm dứt cảnh khổ, bằng dìm mình vào cái chết khổ. Trong chừng mực nào đó, nó là con người dại.
Trên đời không thiếu những người dại như thế. Xin đưa ra vài thí dụ. Có người luôn luôn nuôi mặc cảm mình bị khinh, bị chê, bị ngược đãi, bị đối xử bất công. Thực sự đó là suy nghĩ chủ quan, chứ thực tế khách quan không đúng như vậy. Nhưng mặc cảm tự ti chủ quan vẫn ám ảnh. Con người mặc cảm đó tự làm khổ mình.
Trường hợp người có mặc cảm tự tôn cũng giống như vậy. Cứ tưởng mình có tài có đức, đáng được trọng kính. Nhưng thấy không được như ý muốn, thì đâm ra bất mãn. Họ tự làm khổ mình.
Có người chạy theo dư luận, bám sát các mẫu thời trang, ngả nghiêng dưới bóng các ngôi sao. Họ làm nô lệ, buông trôi đời mình. Họ tự làm khổ mình.
Có người tưởng mình dấn thân cho một lý tưởng nào đó, rồi vì thế mà lơ là với những giá trị nhân bản, khiến họ thất bại trong những liên hệ giữa người với người. Họ tự làm khổ mình.
Ba nguy cơ kể trên đây phát xuất từ đâu? Theo Phúc Âm, ông bố đã quả quyết đứa bé bị quỷ ám. Chúa Giêsu cũng xác nhận đứa bé bị quỷ nhập. Những nhận xét trên đây cho phép tôi nghĩ rằng: Những nguy cơ hiện nay đang đe doạ tàn phá tuổi thơ cũng có phần nào do ma quỷ. Nói là phần nào do ma quỷ, nghĩa là có những phần do những nhân tố khác.
Cho dù thế nào, chúng ta cũng hãy bắt chước ông bố đứa bé, ông đã cùng với con mình đến với Chúa Giêsu. Ông đã cầu nguyện thay cho con mình. Chúa Giêsu đã chữa con ông, đồng thời cũng đã chữa chính ông.
Chúng ta nên nhớ rằng: Khi đặt vấn đề giáo dục trẻ nhỏ, chính là đặt vấn đề cho người lớn chúng ta, nhất là cho những ai mang trách nhiệm giáo dục kẻ khác.
Riêng trong lãnh vực đức tin, việc giáo dục hiện nay cần phải rất tỉnh thức. Bởi vì nền văn minh với những phát triển của nó ngày cảng cung cấp cho sự tự do con người nhiều phương tiện, để chọn sự lảnh hoặc chọn sự ác, theo ý riêng mình. Những phương tiện ấy cũng đang lạm dụng để chống phá đức tin. Đức tin ở tuổi thơ đang bị thử thách. Hiện tượng mất đức tin ở tuổi trẻ không còn là hiếm hoi.
Chính lúc này, chúng ta nên nhớ lại lời thánh Gioan khuyên bảo: "Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, hãy tránh xa các tà thần" (1Ga 2,1).
Chúng ta càng cần nhớ lại lời Chúa đã phán với thánh Phao-lô: "Ơn của Ta đã đủ cho con" (2Cr 12,9)
Lạy Chúa, xin Chúa thương ban ơn cho chúng con biết vâng lời Chúa. Chúa đã dạy người cha đứa bé là phải cầu nguyện và vững lòng tin vào Chúa, nhất là trường hợp đứa con mình bị ma quỷ hãm hại. Lạy Chúa, chúng con xin từ nay sẽ cầu nguyện nhiều hơn và luôn tin vào Chúa hơn là tin vào chúng con.
Lạy Chúa, xin Chúa thương xót chúng con. Amen.
GM. GB. Bùi Tuần
http://gplongxuyen.org