GIÁO DỤC CHO NGÀY MAI

2. GIÁO DỤC CHO NGÀY MAI
TRIỂN KHAI: GIÁO DỤC CHO NGÀY MAI
A – Định nghĩa giáo dục.
1 – Phân tích từ ngữ giáo dục (education):
Trước hết, chúng ta bắt đầu bằng từ ngoại ngữ, E-ducation:
“E” hay là “Ex” có nghĩa là ra khỏi,
Ducatio (ducere) có nghĩa là dẫn lối, chỉ vẽ, uốn nắn.
Trong tiếng Việt, từ ngữ Giáo dục có nghĩa là:
Giáo là chỉ bảo, uốn nắn, biến đổi và làm cho nên hoàn hảo,
Dục là bản chất hoặc tính khí con người cần được uốn nắn chỉ bảo.
Vậy Giáo dục là tiến trình uốn nắn, hướng dẫn và thăng tiến con người toàn diện “như là con người” (homme comme tel), khởi từ tình trạng cụ thể, hầu đạt tới mức hoàn hảo của một “nhân linh ư vạn vật”. Giáo dục phải là tiến trình hoàn toàn tự nguyện từ hai phía, nhà giáo dục và người được giáo dục, không hề có áp đặt và cũng không làm thay, nhưng mang tính nhân vị.
2 – Giáo dục là một hành trình nhân bản và năng động (human and dynamic itinary):
Trong giáo dục, con người ý thức mình bước đi trên con đường thự thể hiện chính mình. Do đó, đòi hỏi tính nhân bản cao, cùng với yếu tố tích cực và năng động. Dĩ nhiên, việc giáo dục cần sự hiện diện và đồng hành của nhà giáo dục, nó vừa mang tính trao ban, vừa rèn cặp và tư vấn (tutor). Nhưng trước nhất vẫn là, người trẻ phải tự thể hiện rõ chính mình trên hành trình nhân linh này: “làm người” như “là người”.
3 – Giáo dục là động tác “người” đến với “người” (person to person).
Nếu giáo dục được định nghĩa là một hành vi nhân linh, thì động tác giáo dục thể hiện hành vi “một con người đến với một con người” theo nghĩa chính xác nhất. Do đó, buộc chúng ta phải hiểu đúng về con người, cụ thể và riêng biệt, tuỳ theo hoàn cảnh và thời điểm lịch sử; hành vi này phải bộc lộ rõ nét tính nhân bản. Hành vi giáo dục ưu tiên mang tính cá nhân và cụ thể (personal and concrete) chứ không phải chỉ trong thế giới những ý niệm (monde des idées). Kết quả việc giáo dục do đó có sức biến đổi từng con người, mang lại lợi ích cho cá nhân cũng như tập thể.
4 – Giáo dục là “công việc của con tim” (amorevolezza=Loving kindness).
Vì giáo dục là hành vi nhân linh, nó bắt nguồn từ tình yêu – tình thương mến thương (amorevolezza). Tình thương mến thương loại trừ mọi thứ tình cảm uỷ mị và thiếu trưởng thành (suốt đời làm trẻ thơ – forever childish). Chúng ta không thể chấp nhận thái độ Duy phụ mẫu (Paternalism-Maternalism) của nhà giáo dục, khi cư xử với người trẻ bằng lý lẽ dựa vào tình cảm của họ, thay vì muốn điều tốt cho người được giáo dục, hướng dẫn để họ tự nhận ra mình và thăng tiến. Giáo dục bằng lòng yêu mến là muốn tốt cho người trẻ, làm cho họ nhận ra điều tốt, giúp họ tìm phương thế để thực hiện điều tốt ấy. Đây là cách trân trọng nhân phẩm người được giáo dục, thúc đẩy và giúp họ thăng tiến. Don Bosco thường nói: “yêu mến người trẻ chưa đủ, nhưng còn làm cho họ ý thức rằng họ được yêu mến. …. Hãy thực hiện điều người trẻ thích, rồi chính người trẻ sẽ tự thực hiện điều nhà giáo dục muốn, vì lợi ích của chính các em”.
Công việc của con tim quả thật vừa nhân bản vừa trưởng thành.
5 – Giáo dục là động tác nhân bản (phải hiểu rõ về con người – homme comme tel).
Muốn giáo dục có hiệu quả, buộc nhà giáo dục phải biết người mình giáo dục (vô tri bất mộ); biết đây là hiểu rõ, cách cụ thể và thực tế, không mơ hồ và viển vông. Sự hiểu biết này phải bao gồm những yếu tố sau đây: hiểu biết và nắm bắt thực tế đời sống thể lý cùng các giai đoạn phát triển tâm sinh lý của đương sự; hiểu biết sự biến đổi tâm lý ở các giai đoạn tuổi người trẻ; hiểu biết bối cảnh gia đình và cuộc sống sinh nhai của họ; hiểu biết lý tưởng và khát vọng sống của họ; hiểu biết họ như họ “là”, để đồng hành với họ, dẫn họ đi đúng đường hầu đạt mục đích, giúp họ tự tin và trưởng thành dấn bước, không áp đặt bất cứ điều gì trên người trẻ. Thái độ này giúp chúng ta hiểu và đi sâu vào giáo dục như một nghệ thuật (art), không chỉ là một công việc (job).
6 – Tác nhân của giáo dục: người được giáo dục và nhà giáo dục (educated and educator).
Qui trình giáo dục có thể được diễn tả như sự thăng hoá theo biện chứng “thăng giả hội” xoắn ốc, nghĩa là không dừng lại ở mức cố định, mà phải đạt mức hoàn hảo ngày một hơn. Nếu hành trình giáo dục được thực hiện giữa nhà giáo dục và người được giáo dục, nó là quan hệ song phương (interpersonal), bình đẳng và trân trọng lẫn nhau trong suốt quá trình giáo dục. Sự trân trọng phải được nhìn trên hai chiều kích: nhân bản và tự do của mỗi cá nhân.
Qui trình giáo dục do đó không phải là áp đặt hoặc làm thay, mà chỉ là hướng dẫn hoặc tư vấn, để đương sự tự tìm hướng giải đáp. Hoá ra tính song phương này xác định rằng: cả thầy lẫn trò đều vừa là nhà giáo dục mà cũng vừa được giáo dục; và qui trình này mang tới hệ quả, là tình người – tình bạn và tình thầy  trò nảy sinh, một hình ảnh đẹp nhất trong tiến trình giáo dục.