GIÁO DỤC

3. GIÁO DỤC CHO NGÀY MAI
B – Những hình thức giáo dục:
1 – Giáo dục thể lý (physical education).
Bước một của giáo dục là quan tâm tới sức khoẻ và đời sống vật chất của học viên, dựa theo nguyên tắc lâu đời của người La mã: một trí tuệ lành mạnh trong một thân thể cường tráng (mens sana in corpore sano). Nhà giáo dục phải hướng dẫn học viên chăm sóc sức khoẻ của mình; hướng dẫn họ biết sống vệ sinh sạch sẽ, chăm sóc cá nhân, gọn gàng và ngăn nắp từng nơi chốn. Vì sức khoẻ và sự dẻo dai, hãy động viên người trẻ ham thích và luyện thể dục; tham gia thi đấu thể thao không chỉ bồi dưỡng sức khoẻ, mà còn rèn luyện tinh thần tập thể và tính đồng đội, một yếu tố cần cho đời sống xã hội mai ngày của bạn trẻ.
2 – Giáo dục tri thức.
Người đời thường nói: “nhân bất học bất tri lý” (người mà không học thì làm sao có thể biết được những lẽ ở đời). Bởi thế, trong tiến trình giáo dục, bước đi quan trọng chính là giáo dục tri thức. Người trẻ phải được hướng dẫn để tập thói quen ham học, tất cả vì tương lai và sự nghiệp của mình. Hướng dẫn họ ý thức tầm quan trọng của việc học và học không ngừng. Hơn thế nữa, người trẻ còn phải được hướng dẫn để học có phương pháp, việc học phải mang tính khoa học, để khi đứng trước mọi tình huống, người trẻ có thể tự suy luận và tìm ra những giải pháp thoả đáng. Giáo dục tri thức không chỉ là trau dồi kiến thức, mà còn dạy ta biết sống ở đời và biết sống với người.
3 – Giáo dục nhân bản.
Bạn hãy nhớ: “là” người chưa đủ, mà phải “làm” người; và chúng ta thường gọi đó là tiến trình giáo dục nhân bản. Đây là tiến trình xa hơn và vượt trên cả giáo dục tri thức. Nó hướng dẫn và giúp người trẻ nhận ra, hiểu và tôn trọng phẩm giá của mình cũng như tha nhân; đồng thời cố gắng tập tành những đức tính tốt. Quan trọng hơn hết là người trẻ “biết” sống với chính mình và với tha nhân, hầu cùng chung tay xây dựng bầu khí đầy tình người, xây dựng một nền văn minh tình thương. Để được như vậy, nhà giáo dục cần huấn luyện người trẻ có những đức tính cần thiết, như: thành thật, đơn giản, sống vui vẻ, quảng đại, tháo vác trong tình huống khó khăn, dám dấn thân, biết sống mình vì mọi người, có lòng nhân ái, sẵn sàng bao dung tha thứ. Người nhân bản là người biết sống với tha nhân như “Tôi thứ hai”(alter ego).
4 – Giáo dục tâm linh (khát vọng sống hạnh phúc).
Chúng ta hãy trở lại với đoạn tin mừng, chàng thanh niên tìm đến Đức Giêsu, xin Ngài chỉ cho anh con đường để được hạnh phúc. Đức Giêsu nhìn thấy nơi anh một con người thật dễ thương, thật nhân bản, trai thanh lịch, ngoan hiền, giữ gìn lề luật thật nghiêm túc, nói chung không có gì để chê. Nhưng đáng tiếc thay, anh vẫn luôn bị dằn vặt bởi khát vọng sống hạnh phúc; và chính anh chứng minh rằng hạnh phúc không ở nơi những gì anh đang sở đắc, mà đúng hơn chúng chỉ là những yếu tố dọn đường. Đức Giêsu đem lòng yêu mến anh, và Ngài chỉ cho anh hiểu rằng, đã đến lúc anh phải tìm về khát vọng hạnh phúc đích thực. Chúng ta có thể nhìn nơi đây như một tiến trình giáo dục tâm linh, con đường dẫn đến hạnh phúc.
Khát vọng hạnh phúc không thiết yếu hệ tại những nhu cầu vật chất, nó cũng không dừng lại ở sự tự mãn và tự đủ, vì những gì con người có trên đời này. Khát vọng ấy phải vươn tới cao hơn và xa hơn, vượt ngoài tầm thế giới vật chất. Con người phải vượt ra khỏi những giới hạn và ràng buộc vật chất, mới có thể đạt tới sự thanh thoát và tâm hồn nâng cao, mà chúng ta gọi là hạnh phúc. Vậy hạnh phúc là sự hài hoà xác hồn, sự quân bình trong mọi lãnh vực, giúp con người dễ dàng bước từ địa hạt cụ thể đến những gì siêu thoát thuộc tâm linh, nghĩa là con người chiếm lấy kho tàng không ai cướp khỏi tay được; sự an hoà nối con người với Trời, với đất, với người.
5 – Giáo dục đạo đức.
Nói về giáo dục đạo đức, chúng ta cần phân rõ hai lãnh vực khác nhau: đạo đức làm người và đạo đức tôn giáo.
a/ Đạo đức làm người  giúp người trẻ:
Biết sống với chính mình ở bất kỳ chỗ nào và trong bất kỳ hoàn cảnh nào; ngay thẳng, trung thực, và đáng tin cậy (righteous, sincere and reliable).
Biết sống với tha nhân: uyển chuyển, tế nhị, biết người, biết mình, đặc biệt trong cách giao tế (Gentleness in human behavior).
Biết nghĩ vì lợi ích chung, xây dựng và tham gia tinh thần sống tập thể, dù trong xã hội cũng như trong bất cứ tập thể nào (sociable and responsible).
b/ Đạo đức tôn giáo: giúp người trẻ ý thức cách thâm tín về sự chân chính tôn giáo của mình,
Sống niềm tin chân chính và thâm tín, xử dựng tự do của mình trong sự xác tín tôn giáo.
Hiểu biết tôn giáo cách khách quan. Đây là điều quan trọng về nhận thức, vì quả thực, “vô tri bất mộ” (không thể yêu mến điều mình không biết).
Biết nuôi dưỡng và phát huy niềm tin của mình, bằng lòng mến và bằng cuộc sống. Đây cũng là chiều kích chứng tá mà chúng ta được mời gọi sống hôm nay.
Đặc biệt trong nhãn quan Kitô giáo, người trẻ được mời gọi sống mối tương quan mật thiết hơn với Chúa và tha nhân, trở nên dấu chỉ và chứng nhân tin mừng. Đỉnh cao của giáo dục Kitô giáo là tạo cho con người khát vọng “đam mê Thiên Chúa, đam mê con người (passion of God, passion of human).