ÔNG KHỦNG
BỐ
Bạo lực đã có mặt
khắp nơi trong cuộc sống thường ngày dưới nhiều hình thức khác nhau.
Chuyện phiếm Gã Siêu
Biến cố ngày 11 tháng 9 năm 2001, không phải
chỉ là một biến cố làm rụng rời tay chân trên toàn nước Mỹ, mà còn là một biến
cố làm cho kinh hồn khiếp vía cho cả và nhân loại đang sống trên mặt đất này.
Nhìn những chiếc máy bay dân sự chở đầy
hành khách đâm sầm vào Trung tâm Thương mại quốc tế tại Nữu Ước, bổ nhào xuống
Lầu Năm góc của bộ quốc phòng, hay rơi trên sa mạc bang Pensylvania, ai mà chẳng
cảm thấy khiếp đảm.
Nhìn những đống đổ nát của tòa tháp đôi, quả
thật là không còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào, ai mà chẳng thở dài ngao
ngán:
-
Ngày tận thế cũng đến vậy là cùng.
Nhìn những nạn nhân bị thiệt mạng trong
ngày kinh hoàng ấy, ai mà chẳng xót xa và muốn chia sẻ bằng những giọt nước mắt
bồi hồi xúc động của mình.
Sáng hôm ấy, khi nhìn và nghe tin tức trên
truyền hình, gã cũng đã bàng hoàng sửng sốt. Trước một cú đánh bất ngờ, chẳng
ai lường trước được, gã đã phải băn khoăn tự hỏi:
-
Tại sao người ta lại có thể hành động một
cách dã man đến như thế.
Thời gian vẫn cứ tiến tới bằng những bước
chân âm thầm. Một năm đã trôi qua. Một năm nhiều xáo trộn. Một năm nhiều bạo lực. Nào những căng thẳng giữa Ấn Độ
và Pakistan. Nào là bầu khí ngột ngạt tại Trung Đông giữa Do Thái và Palestine,
với những “trái bom sống”, hay nói cách khác với những “người bom”, nghĩa là những
người ôm bom sẵn sàng để chết hầu mong giết được nhiều kẻ thù của mình.
Chính trong bối cảnh ấy mà hai chữ “khủng bố”
được bàn dân thiên hạ nói đến nhiều nhất. Vậy khủng bố là như thế nào?
Theo tự điển thì:
-
Khủng là làm cho người ta sợ hãi. Bố là
kinh hoàng sợ hãi, ngoài ra còn có nghĩa là tra xét, bắt bớ, đánh đập, cướp bóc…
chẳng hạn như nói: đi bố ráp. Và như vậy: Khủng bố là dùng những hành động tàn
bạo làm cho người ta sợ hãi. Một đôi khi khủng bố cũng còn có nghĩa là chửi mắng
để làm cho người ta lo sợ.
Trên lý thuyết, hễ dùng bạo lực để làm cho người ta sợ hãi, thì
được phong làm khủng bố, nhưng trong thực tế, sự việc lại không đơn giản như vậy.
Hồi đệ nhị thế chiến, nếu gã nhớ không lầm,
thì những anh chàng phi công gan dạ của Nhật Bản, lái máy bay đâm thẳng xuống
những chiến hạm Mỹ và đã tạo được một chiến thắng lừng lẫy tại Trân Châu Cảng,
khiến Mỹ phải kinh hoàng… nhưng chẳng ai dám gọi họ là quân khủng bố cả.
Hiện thời, khó mà phân định về những hành động
khủng bố, bởi vì nó còn tùy thuộc vào cái nhìn chủ quan, vào cái lập trường
chính chị chính em của mình.
Chẳng hạn việc đâm máy bay dân sự vào tòa
tháp đôi, hầu như mọi người đều coi đó là hành động khủng bố, nhưng dưới mắt ông
Bin Laden, thì đó lại là một hành động tử đạo, chắc chắn sẽ được đấng Allah ân
thưởng bội hậu.
Chẳng hạn việc ôm bom tự sát để giết cho được
nhiều người Do Thái, chúng ta cho đó là hành động khủng bố, nhưng dưới mắt dân Palestine,
thì đó lại là hành động can đảm và anh hùng, một hành động yêu nước và cứu dân.
Thật đúng như mấy ông tây đã bảo: Chân lý thì ở bên kia dãy núi Pyrénées!
Nhưng dù sao chăng nữa thì hầu như mọi người
đều phải công nhận rằng thế giới hôm nay đã bị in đậm dấu ấn của bạo lực. Thực vậy,
bạo lực xuất hiện trên báo chí với những câu chuyện về vụ án cướp của giết
người. Bạo lực xuất hiện trên phim ảnh, người ta giết nhau dễ dàng như trở bàn
tay với những lý do chẳng đâu vào đâu. Bạo lực xuất hiện trong những trò chơi điện tử làm cho những em nhỏ còn hoi mùi sữa đã
làm quen và rành rẽ việc bắn giết nhau.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn đó là bạo lực đã có mặt khắp nơi trong cuộc sống thường ngày dưới
nhiều hình thức khác nhau. Và nếu cần phải dán nhãn hiệu trình tòa cho thế giới hôm nay, có lẽ gã sẽ
phải ghi một chữ “bạo” thật to, bởi vì người ta đã tỏ ra táo tợn và hung dữ
trong nhiều lãnh vực. Vì thế, chữ bạo này cũng được thiên biến vạn hóa đến quỉ
thần cũng không lường nổi. Gã chỉ xin kê đơn hoàn tán một số kiểu “bạo” vốn hay
gặp thấy mà thôi.
Thứ nhất là bạo
nghĩ. Con người thời
nay nghĩ rất táo tợn, nhất là nghĩ xấu cho người
khác. Thấy một hành
động bất ổn là vội vàng phê bình, chỉ trích và kết án, rồi lại còn thêm mắm
thêm muối, vẽ râu vẽ ria cho thêm phần lâm ly bi đát.
Thứ hai là bạo ăn. Con người thời nay rất phàm ăn. Ăn tuốt
luốt từ con tép cho đến con voi. Hầu như tất cả mọi thứ trên đời này đều phục vụ
cho cái lỗ miệng của con người. Người ta ăn cho khoái khẩu, nhằm thỏa mãn mọi vui thú cho sướng cái
thân mình. Thậm chí ngay cả những thứ không ăn được, thế mà thiên hạ vẫn cứ
thích xơi, thích đớp như thường, chẳng hạn như ăn tiền, ăn cướp,
ăn hối lộ… Họa may chỉ
có ăn đòn là “em chả dám đâu”.
Thứ ba là bạo nói. Con người thời nay hay nói vung thiên địa,
thích những ngôn từ đao to búa lớn của nghề quảng cáo, cứ nói và nhất là nói
hành nói xấu, sẵn sàng chụp mũ và đổ lên đầu người khác đủ mọi giống tội, mà chẳng
thèm để ý tới những hậu quả gây nên cho nạn nhân.
Thứ bốn là bạo làm. Con người thời nay thực hiện rất nhiều
hành động hung dữ dựa trên sức mạnh, nên rất khoái những hình thức bạo động. Hiền
lành và khiêm nhường là hèn nhát. Đấu tranh bất bạo động quả là “xưa rồi Diễm
ơi”. Họ đánh mình một, thì lập tức mình phải đánh trả mười. Cũng vì vậy, mặc dù tự do và nhân quyền
được nói đến hoài hoài mỏi cả miệng, thế mà xã hội vẫn đẻ ra những tên bạo chúa và những chế độ bạo quyền.
Sau cùng, thứ năm
là bạo tàn. Con người thời
nay thích tàn phá danh dự và hạnh phúc của kẻ khác. Đã vùi dập ai thì phải vùi dập cho tới tận bùn đen khiến họ không thể ngóc đầu lên nổi, khiến họ phải
thân bại danh liệt và khiến cuộc đời họ kể như đi đoong luôn… Như thế mới hả
lòng hả dạ.
Bây giờ, gã xin trở lại với chuyện khủng bố.
Khi nói tới khủng bố là gã nghĩ ngay tới những phần tử đối lập quá khích, dùng bạo lực làm cho người ta khiếp sợ, để rồi
từ đó đưa ra những đòi hỏi, những yêu sách của mình. Khi nói tới khủng bố là gã
hình dung ra những tên không tặc, mặt đằng đằng sát khí, súng kè kè bên hông,
tay cầm trái lựu đạn đã mở chốt nhằm uy hiếp hành khách cũng như phi hành đoàn…
Đây là thứ khủng bố có bài bổn và mang tầm
mức quốc tế, hay ít nữa cũng mang tầm mức quốc gia. Tuy nhiên, trong một phạm
vi nhỏ hẹp hơn, gã cũng thấy khủng bố có mặt trong mối liên hệ giữa những cá
nhân với nhau. Thực vậy, nếu hiểu khủng bố là làm cho người khác khiếp sợ, tinh
thần trở thành bạc nhược để rồi cuối cùng phải cúi đầu tuân theo những yêu cầu,
những đòi hỏi được đưa ra, thì gã thấy rất nhiều lần chúng ta cũng đã khủng bố lẫn nhau.
Phương tiện dùng để khủng bố, có thể bằng lời
nói và cũng có thể bằng việc làm. Trước hết là bằng lời nói. Gã thấy có những ông bố mở miệng ra là chửi bới và cấm đoán, khiến cho con cái khiếp sợ. Hình như họ
muốn dùng phương thế khủng bố để giáo dục con cái mình, nghĩa là làm cho con
cái phải sợ mà vâng lời. Thế nhưng, biện pháp khủng bố này thường không đem lại
những kết quả mong muốn.
Có hai ông bố thường răn đe con cái của
mình như sau:
-
Kỳ thi này, mày phải đỗ, bằng không thì đừng
vác mặt về nhà.
Con cái của họ học lấy học để, học ngày
không đủ tranh thủ học đêm, nhưng bị sao quả tạ chiếu tướng, học tài thi phận,
cuối cùng đều rớt. Vì không dám vác mặt về nhà, anh con giai thì bỏ đi bụi đời,
còn chị con gái thì nhảy xuống cầu Bình Lợi mà tự tử.
Gã quen một vị gia trưởng. Vị này rất là
oai phong lẫm liệt, nhưng chỉ vì cái thói độc tài và độc đoán, bất cứ lời nào
phán ra, đều chắc như đinh đóng cột, vợ con phải răm rắp tuân theo, bằng không
thì e rằng khó sống với vị ấy… Mặc dù chưa dùng tới bạo lực và bạo hành, nguyên cái chuyện bạo ngôn mà thôi cũng đủ khiến vợ con căng thẳng, bạc nhược để rồi đứa thì đi với mẹ,
đứa thì kiếm cớ công việc làm ăn giã từ vị gia trưởng đáng kính ấy, tìm nơi
khác sinh sống. Bây giờ, tuổi đời đã xế chiều, vị gia trưởng ấy chỉ sống cu ki
một mình trong căn nhà rộng. Vợ con vẫn chưa hết sợ để tìm đường đoàn tụ, “tung
cánh chim tìm về tổ ấm”.
Khi mới quen và yêu nhau, anh tỏ ra là một
chàng trai ga lăng, mềm mỏng. Nhưng khi cá đã mắc câu rồi, thì anh không còn giữ
gìn ý tứ với chị nữa. Anh luôn quát nạt, chửi mắng và dùng lời lẽ thô tục với chị,
khiến chị phải cắn răng chịu đựng… (PNCN số 25).
Tiếp đến là bằng việc làm, tức là dùng bạo
lực với những hành động vũ phu, tàn ác theo kiểu bạo hành, bạo động… để
trấn áp khiến đối phương phải hồn xiêu phách lạc. Chẳng hạn cha mẹ thì đánh đập
con cái, chồng thì thượng cẳng chân hạ cẳng tay với vợ.
Gã xin ghi lại một số những sự kiện được
đăng tải trên báo Phụ Nữ Chủ Nhật, để thấy rằng tình trạng khủng bố về tinh thần
cũng như về thể xác đã, đang và sẽ còn liên tục phát triển dù rằng mọi người đều
công nhận sự bình đẳng giữa nam và nữ.
Theo thống kê trên toàn thế giới, cứ mười
lăm giây lại có một phụ nữ bị bạo hành trong giai đoạn yêu đương. Riêng tại Việt
Nam, đến 70% phụ nữ bị bạo hành trong gia đình và 85% trường hợp
ly hôn là do bạo hành. (PNCN số 25).
Có một bà vợ trót dại yêu thương một người
bạn đồng nghiệp. Thấy nguy cơ gia đình tan vỡ, bà bèn dừng lại và thú nhận,
mong được chồng tha thứ. Ông chồng chỉ yêu cầu bà vợ viết tờ kiểm điểm. Rồi
hàng ngày trước giờ ăn, ông bắt bà đọc tờ kiểm điểm trước mặt chồng con. Từ khi
thằng cu Bi năm tuổi bây giờ nó đã thi đại học, bà vẫn phải đọc. Xấu hổ với
con, bà xin ông được chấm dứt hình phạt đó, nhưng ông bảo ông vẫn còn nhục lắm.
Chuyên viên tư vấn kiên nhẫn giải thích, ông vẫn phớt lờ. Chuyện gia đình ông
không muốn người ngoài chen vào. Vậy là lúc vợ ngoại tình gia đình không tan vỡ,
nhưng đến khi ròng rã năm này qua năm nọ phải đọc kiểm điểm, bà hết chịu nổi,
nên đòi được ly hôn… Phải chăng đó chính là một sự khủng bố về tinh thần. (PNCN
số 26).
Ngắm nhìn bà xã trong chiếc áo thung bó sát
người, chiếc váy mềm mại, một ông chồng khác đã ngẩn người say đắm, nhưng cũng
chính vì thế mà ông không chịu nổi ánh mắt của những gã khác nhìn vợ mình. Và
thế là… bao nhiêu cái áo, váy đẹp của vợ, ông cắt, xé cho bằng hết. Có thể vợ
ông không tơ tưởng đến ai, cũng có thể chẳng gã nào cố tình tán tỉnh, nhưng nếu
vợ ông cứ “khoe hàng” trước mặt bọn đàn ông, thì sẽ dễ nảy sinh tội lỗi. (PNCN
số 26).
Bạo hành và khủng bố không phải chỉ có mặt
trong gia đình, giữa vợ với chồng, giữa cha mẹ với con cái, nhưng còn có mặt ở
nhiều lãnh vực khác nữa.
Chẳng hạn giữa chủ và thợ: báo chí đã đăng tải nhiều tin tức liên
quan tới các công nhân Việt Nam làm việc trong các công ty hay xí nghiệp của Đại
Hàn. Họ đã bị những ông chủ “Sâm Cao Ly” đánh đập một cách tàn nhẫn.
Chẳng hạn giữa thày cô và học
trò. Báo Công An
Thành Phố mới đăng một mẩu tin như sau: Sau khi ra chơi tập thể dục giữa giờ,
em Bằng và em Phúc, con cô giáo, chạy xô vào nhau và cùng ngã. Bằng đã xin lỗi
Phúc. Cùng lúc ấy, một em khác nói với Bằng: Xin lỗi không được đâu, tí nữa cô
giáo đánh bạn đấy. Câu nói ấy đã là lời cảnh báo. Khi trống vào lớp được 5-10
phút, Bằng từ khu văn phòng nhà trường về, xin vào lớp, cô giáo đang giảng bài,
sa sầm nét mặt, tay cầm thước tiến đến gần Bằng vụt mạnh vào tay phải em và giật
giọng nói: Vào lớp đi. Bằng bị đứng ở cuối lớp, sau đó cô giáo nói: Cái thằng
kia không biết đau đâu, cả lớp xuống đấm cho nó thối phổi, cho nó chết đi. Ngay
sau lời nói của cô, những đứa trẻ chưa đầy 10 tuổi đã biến thành công cụ trả
thù của cô giáo. Bị đau và lo sợ trước lời dọa nạt, Bằng về không dám nói với
gia đình. Hôm ấy Bằng không ăn cơm tối, không học bài, đêm đến lại sốt cao. Mẹ
gặng hỏi mãi, Bằng mới ghé sát tai mẹ và nói: Con nói với mẹ nhưng mẹ đừng nói
với ai, cô giáo xui các bạn đánh vào bụng con. Mẹ vạch áo con thấy nhiều chỗ
thâm tím đã òa khóc. Bắt đầu từ hôm ấy, Bằng luôn sống trong tình trạng hoảng
loạn: cơm không ăn, bài không học, đêm chạy loạn xạ khắp nhà, đặt lưng xuống là
nói sảng và giật mình thon thót. (CATPHCM số 1065)
Bình thường thì những người có chức có quyền,
hay nói cách khác, những kẻ được coi là bề trên mới khủng bố những người bề dưới,
chẳng hạn: chồng đối với vợ, chủ đối với thợ, cha mẹ đối với con cái, thày cô đối
với học trò… Thế nhưng, sự việc đâu có thẳng ruột ngựa như vậy, mà luôn có những
chuyện tréo chẳng ngỗng và ngược đời.
Chẳng hạn con cái
khủng bố cha mẹ. Một cậu
quí tử đã nói với cha mẹ rằng: Nếu không cho tiền sắm chiếc xe đời mới thì sẽ
đi chích choác mang cái bệnh Sida về nhà. Một cô gái rượu đã nói với đấng sinh
thành của mình như sau: Nếu không cho đi chơi, thì sẽ tìm cách mang bầu để nằm ở
nhà chờ… đẻ. Những lời phát ngôn trên khiến cho cha mẹ phải phát kinh phát khiếp.
Chẳng hạn học trò
khủng bố thày cô. Từ lâu rồi
không hiếm những chuyện học trò hành hung thày cô, khiến cho thiên hạ phải than
rằng: bọn trẻ bây giờ không còn tiên học lễ hậu học văn nữa, nhưng là tiên học…
võ hậu học văn, để bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng chơi cái ngón bạo lực.
Và nhất là đờn bà
khủng bố đờn ông. Chẳng hạn
vợ khủng bố chồng. Ai trong chúng ta cũng biết Socrates. Ông là một triết gia lừng
danh thời cổ xưa của Hy lạp. Triết lý của ông ngày nay vẫn còn giá trị. Nhưng
ác hại thay, đang khi ông là một bậc thày đáng kính của đông đảo môn đệ và sau
này muôn thế hệ vẫn coi ông như một bậc tôn sư, thì ông lại là nạn nhân của một
bà vợ. Bà đã chanh chua, khinh rẻ ông là hạng trói gà không chặt. Lần kia sau
khi đã chửi bới ông một trận kịch liệt, bà đã tặng cho ông nguyên cả một chậu
nước dơ lên người, nhưng ông vẫn thản nhiên và nói: Tôi biết mà, sau khi đã có
sấm chớp thì tất nhiên trời sẽ đổ mưa.
Chẳng hạn bạn gái
khủng bố bạn trai. Nàng đặt
ra một cái lệ bắt chàng nhất nhất phải tuân theo: mỗi lần hẹn cứ đến trễ năm
phút là bị một cái nhéo đau điếng vào bụng. Chàng là một người tham công tiếc
việc nên cũng thường xài giờ dây thung với bạn mình, thế là suốt một tuần,
chàng không dám ở trần trong nhà vì sợ mẹ nhìn thấy những vết bầm. Nhéo bụng
chán, nàng chuyển sang ngắt vào cánh tay, có lần vết ngắt nung mủ làm chàng phải
đi sát trùng rồi băng lại. Mấy bữa chàng bụng bầm, tay nhức nhưng nàng không hề
nao núng, thực hiện tiếp chiêu cắn lên bả vai. Đi làm cả ngày mình mẩy ê ẩm, tưởng
gặp người yêu thì được chăm sóc, thư giãn, nào dè lại còn bị hành hạ thêm, đó
là chưa kể những màn đay nghiến xỉ vả… (PNCN số 27).
Một trường hợp khác cũng không kém phần
quái đản. Anh là một người hiền lành ít nói, còn chị lúc nào cũng ào ào và thẳng
thắn, chính vì vậy mà chị luôn lấn lướt anh. Vào dịp sinh nhật một nhỏ bạn
trong nhóm. Nhỏ bạn mời cả nhóm đến quán ăn, ai có bạn trai cũng được mời theo.
Hôm ấy có anh và một vài người nam khác. Đang ăn uống vui vẻ thì một bạn nam đề
nghị: bốn người nam uống một chai chúc mừng sinh nhật chủ nhân, còn các bạn nữ
thì uống nước ngọt. Anh tán thành: Ừ được đó. Chị trừng mắt nhìn: Anh đừng uống,
tối còn đưa em về nữa. Cả nhóm đồng thanh: Không sao đâu, uống một chai cho
vui. Rồi như sợ mất mặt bạn bè, anh gọi lớn: Cho một chai bia Saigon. Không còn
êm dịu nữa, chị chồm dậy túm lấy cổ áo của anh: Tôi đã bảo anh thôi mà, sao anh
lì quá vậy. Mọi người sửng sốt . Ai cũng can: Thôi, không uống thì thôi, làm gì
mà nóng vậy. Chẳng nói chẳng rằng, anh đứng lên và bỏ đi… Lần khác, chị dặn anh
đón chị đi sinh nhật một người bạn. Anh đến trễ, rồi trên đường đi anh quẹt xe
trúng người ta, may mà không có chuyện gì. Chị tức giận với anh và vung tay tát
anh một cái vì tội đi ẩu. Sau hai năm quen nhau với những giận hờn, cuối cùng họ
đã chia tay nhau thật sự. Bây giờ thì chị sống ở ngoại quốc. Trong một bức thư
chị đã khuyên bạn mình như sau: Mày phải nhẹ nhàng với ông xã của mày! Đàn ông ai
cũng thích ngọt, ai cũng thích phụ nữ tụi mình dịu dàng. Mỗi lần nghĩ đến chuyện
ngày xưa, tao lại thấy mình có lỗi và nông nổi quá chừng… .(PNCN số 29).