GIÁO LÝ CÔNG GIÁO - 10 ĐIỀU RĂN

Bài 17. NUÔI DẠY CON CÁI
(ĐIỀU RĂN THỨ IV)
124.          Cha mẹ phải dạy dỗ con cái như thế nào?
“Quyền và bổn phận giáo dục con cái là bổn phận hàng đầu và bất khả nhượng của cha mẹ”. [1] “Nhiệm vụ của cha mẹ trong việc giáo dục hết sức quan trọng đến nỗi, nếu thiếu, chắc chắn là không gì thay thế được”. [2] Nhưng giáo dục con cái còn là một nghệ thuật mà không phải cha mẹ nào cũng biết, vì giáo dục là phải làm sao cho con cái tự nguyện bước vào con đường tốt lành mà cha mẹ chỉ vẽ cho, chứ không phải là bắt ép bằng roi đòn, hình phạt...
Muốn được thế, cha mẹ cần phải:
a. Thăng tiến chính bản thân mình: “Lời nói hay bay, gương bày lôi cuốn”. Không có bài giảng nào sống động và thu hút con cái cho bằng đời sống đức tin, và sự thực hành các nhân đức nơi cha mẹ; và cũng không có bài giảng nào phản tác dụng cho bằng bài giảng của người không giữ điều mình dạy. “Cha mẹ có trách nhiệm quan trọng là phải nêu gương tốt cho con cái. Khi biết nhìn nhận những thiếu sót của mình trước mặt con cái, cha mẹ có uy tín hơn để hướng dẫn và sửa dạy con cái”. [3]
b. Tạo được bầu khí gia đình lành mạnh, cởi mở, tôn trọng, phục vụ nhau, và biết nhịn nhục, tha thứ cho nhau.
- Lành mạnh: Cha mẹ phải gìn giữ gia đình khỏi các gương xấu, sản phẩm văn hóa xấu, và dịp tội.
- Cởi mở: Mọi người trong gia đình sống chân tình, thẳng thắn với nhau, không giấu giếm nhau; giữa vợ chồng có sự nhất trí trong chương trình sống của gia đình, trong cách thức giáo dục con cái.
- Tôn trọng nhau và có tinh thần phục vụ: Đây là nguyên lý của đời sống hạnh phúc trong gia đình, vì không thể có một gia đình êm ấm mà trong đó ai cũng chỉ nghĩ đến mình.
- Sau hết, “mọi người và mỗi người phải biết quảng đại và luôn sẵn sàng tha thứ cho nhau khi gặp những xúc phạm, gây gỗ, bất công và bỏ rơi”. [4]
Sự nhịn nhục, tha thứ lẫn nhau là thứ dầu bôi trơn vạn năng, mà không có nó cuộc sống gia đình đôi lúc sẽ trở thành hết sức nặng nề và khó chịu.
c. Biết sửa lỗi con cái: Yêu thương không có nghĩa là cho con cái được sống tùy thích; và tha thứ cũng không phải là nhắm mắt làm ngơ trước lỗi lầm. Cha mẹ có lỗi nặng nếu không biết sửa lỗi con cái.
“Yêu cho roi cho vọt, ai sửa dạy con mình sẽ thấy điều ích lợi” (Hc 30,1-2). Việc sửa dạy con cái là cần thiết, nhất là khi chúng còn trẻ; vì nếu không, những thói xấu cũng sẽ lớn lên cùng với tuổi tác, và việc sửa lỗi sẽ khó khăn hơn bội phần, đôi khi như không thể sửa được nữa.
Muốn sửa sai phải thận trọng và tùy theo hoàn cảnh cũng như bản chất của lỗi lầm. Đôi khi dịu dàng, đôi khi cứng rắn, nhưng không bao giờ sửa sai với sự nóng nẩy và thô bạo. Cũng phải loại trừ thái độ bênh con bất kể đúng sai, dù là với thầy cô hay với xóm giềng. Thái độ bênh con đó sẽ tạo nên những đứa con không ai bảo được, kể cả cha mẹ nó.