LỜI CUỐI
Trong cuộc sống,
Đôi khi ta phải biết nhìn xuống để thông cảm cùng người khác. Không nên lúc nào cũng nhìn lên để oán đời và thù hằn số phận.
Năm thứ hai trường nữ hộ sinh, lớp tôi phải làm bài kiểm tra. Các câu hỏi không có gì là khó, duy câu cuối cùng làm tôi bật ngửa: “Chị cho biết tên của bà lao công trong trường ?”.
Kỳ cục!
Bà lao công có liên quan gì tới chuyện đỡ đẻ và chăm sóc sản phụ? Ngày nào mà tôi chẳng gặp bà: Bà già lắm, mặt nhăn nheo khắc khổ, hầu như suốt ngày chỉ cắm cúi lau quét nhà. Nhiều khi vừa đi vừa tán chuyện ở hành lang, chúng tôi không thèm để ý đến bà lão đang còng lưng lau dọn. Thấy bà né sang bên, lòng tôi có lần cũng thấy hơi ân hận. Một lần, một bạn vội quá vấp té, đổ cả ly nước, bà lắp bắp: “các cô vội, cứ làm việc của mình đi. Đây là việc của già mà!”.
Chỉ có thế thôi thì làm sao tôi biết họ và tên của bà? Mà có biết cũng chẳng để làm gì. Tôi không trả lời câu hỏi ấy và tự nghĩ miễn là mình trả lời xuất sắc những câu hỏi liên quan tới chuyên môn… là không có gì đáng trách.
Giáo sư nói khi trả lại bài,
“Hầu hết các em đều làm bài được. Nhưng tôi e, khi tốt nghiệp, sẽ toàn là các “người máy” ra trường thôi. Đó là một thảm họa!” Chúng tôi xôn xao, không hiểu thầy muốn nói gì.
Thầy tiếp: “Nghề của các em là… chăm sóc, giúp đỡ những sản phụ trong giờ phút đau đớn và cũng là hạnh phúc nhất đời họ. Các em là thiên thần hộ mệnh cho những sinh linh mới. Nỗi đau của họ cũng là nỗi đau của các em. Nghề này cần những con người nhạy cảm, biết quan tâm, nâng đỡ mọi người… cho dù những kẻ được nâng đỡ ấy có là các mệnh phụ, ngôi sao hay chỉ là một bà quét rác…”.
Thầy thêm: “Một bà lão cần mẫn phục vụ các em năm này qua năm khác, mà các em cũng không thèm biết tên, hoàn cảnh của bà… Đây là một điều đáng để cho các em suy nghĩ. Vì thế, thầy cho rằng toàn bộ số bài kiểm tra của lớp ta đều không đạt yêu cầu”.
Một bài học nhớ đời đối với tôi.
Còn bạn,
Có bao giờ bạn đã quan tâm đến người khác không? Cho dù họ là những người đang sống “dưới bậc” của bạn? Nếu chưa, tôi nghĩ bạn hãy bắt đầu cũng chưa muộn mà.