Hiển thị các bài đăng có nhãn nvcm. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn nvcm. Hiển thị tất cả bài đăng

Nói với chính mình _ lý tưởng trong việc giáo dục

LÝ TƯỞNG TRONG VIỆC GIÁO DỤC
+ GM GB Bùi Tuần
Tìm hiểu những thành bại trong việc giáo dục không phải là ghi nhận kết quả, mà còn phải nhận diện những nguyên nhân. Đem nhiều kinh nghiệm ra so sánh và phân tách, người ta thấy rằng: thành công hay thất bại của việc giáo dục tùy thuộc phần lớn ở nguyên nhân tâm lý. Đó là lý tưởng hay không có lý tưởng, tính cách của lý tưởng, sự hấp dẫn của lý tưởng, sự hăng say đối với lý tưởng... Tất cả những khía cạnh đó, nếu không phải là yếu tố cấu thành thì cũng là những yếu tố ảnh hưởng của kết quả giáo dục.
Lý tưởng là một danh từ quen thuộc. Theo nghĩa rộng, lý tưởng được hiểu như tốt đẹp, như vừa ý, hoàn toàn. Một người bạn lý tưởng có nghĩa là một người bạn hoàn toàn. Một buổi chiều lý tưởng là một buổi chiều tốt đẹp vừa ý.
Theo nghĩa hẹp, lý tưởng là một ý tưởng hay một hình ảnh trong trí khôn được chọn làm mẫu để rập theo, hay làm đích để đạt tới. Là lý tưởng hay hình ảnh, nên lý tưởng thuộc phạm vi tinh thần, nằm trong thế giới nội tâm. Là mẫu được chọn, nên lý tưởng đúc kết những nét hoàn bị nhất, chọn lọc bởi kinh nghiệm, suy tư, nên lý tưởng là một tiếng mời gọi đi lên.
Như thế, tất nhiên lý tưởng phải có tính cách siêu việt. Nhưng không vì thế mà nó chỉ là ảo tưởng. Ảo tưởng là sai, không đúng sự thực. Còn lý tưởng thì xây dựng bằng những sự có thực. Lý tưởng siêu việt ở chỗ nó gồm toàn những cao đẹp, những đặc điểm hoàn toàn vượt trên những mức độ tầm thường. Do đó lý tưởng xứng đáng chỉ được hiểu về những gì hoàn bị.
Lý tưởng có thể chỉ là một ý tưởng bao quát. Thí dụ: đạo đức, thông thái, anh hùng. Có khi được xác định trong một vài chi tiết như bác ái, chuyên triết học, diệt xâm lăng. Cũng có khi lý tưởng được đặt vào một hình ảnh của một nhân vật mẫu hay được xây dựng do tưởng tượng sáng tạo. Dù dưới hình thức nào, lý tưởng bao giờ cũng là cái nhìn cao đẹp hấp dẫn. Nó là đối tượng muốn tìm, là mẫu người muốn bắt chước, là mục tiêu muốn đạt tới.
Thực vậy, con người sinh ra là người, nhưng chưa làm người. Muốn nên người thì phải học làm người. Làm người cũng giống như làm một ngôi nhà, vẽ một chân dung. Cần phải có một họa đồ, một kiểu mẫu, để nhìn vào đó mà xây dựng. Chọn một lý tưởng làm mẫu cho nếp sống tức là tìm cho đời mình một hướng đi, một ý nghĩa. Đã hẳn, không có lý tưởng, người ta vẫn sống. Nhưng giá trị con người không phải là sống suông, mà là sống xứng nhân tính với tất cả những gì cao đẹp của nó.
Nhân tính đã có nơi mỗi người từ lúc mới nhập cuộc sống, nhưng lúc đó chỉ là mầm non. Con trẻ sơ sinh mới chỉ là hy vọng. Nó mang nhiều khả năng phong phú, nhưng những khả năng này thường đa diện đa năng. Óc thông minh có thể khám phá điều hữu ích, mà cũng có thể tạo ra điều tai hại. Can đảm có thể làm nên anh hùng, mà cũng có thể làm nên tướng cướp. Chính vì những khả năng nơi con trẻ còn trong tình trạng vô định mênh mông, nên mới cần phải giúp chúng định hướng về mục tiêu lợi ích tối đa. Mục tiêu định hướng đó chính là lý tưởng.
Mục tiêu định hướng là điều quan trọng cho mọi cuộc hành trình. Đi đàng mà không biết đi về đâu là đi vơ vẩn. Đi vơ vẩn trên đường đôi khi còn có một chút ý nghĩa, chứ đi vơ vẩn trên cuộc đời thì là thực sự bi đát. Đời sống là một hành trình dài. Mỗi người đều có trách nhiệm về cuộc hành trình đó. Nếu không tìm mục tiêu hay chọn sai mục tiêu thì hậu quả trách nhiệm chắc sẽ không phải nhỏ.Vai trò của mục tiêu cũng chính là vai trò của lý tưởng.
Nói theo lý thì ai cũng đều có thể có lý tưởng.Vì đã là người thì đều hướng về Chân, Thiện, Mỹ tuyệt đối. Nhưng những tuyệt đối đó chỉ là tư tưởng trừu tượng. Chứ trước mắt đâu có gì gặp được là tuyệt đối. Do đó mới có những trường hợp đi tìm tuyệt đối ở những cái rất mực tương đối, có khi ở cả những cái phản ngược lại đạo đức và chân lý. Nhưng những trường hợp đó thường gọi là những mẫu đời không lý tưởng. Số đó không phải ít. Chính vì thế mà một nền giáo dục toàn diện, không thể không quan tâm đến vấn đề gây lý tưởng.
Lý do rất dễ hiểu, là vì hành động phát sinh từ ham muốn. Ham muốn phát sinh từ ý tưởng. Nên một đường lối giáo dục có lý tưởng phải khởi đầu bằng việc gây ý thức về lý tưởng.
Việc gây ý thức này không phải chỉ có tính cách làm giàu kiến thức, mà còn có mục đích đun đẩy người thụ huấn tới việc thực hiện ý thức đó. Có thể nói, việc gây ý thức về lý tưởng nhằm mục đích thực tiễn hơn là mục đích lý tưởng, nhằm mục đích lý tưởng hơn là mục đích lý thuyết.Chính vì thế, nên lý tưởng phải được khêu gợi bằng những ý thức giàu động lực.
Đó là một vấn dề liên hệ đến tư tưởng thì tất nhiên không thể tránh được trừu tượng. Trừu tượng không phải là không hấp dẫn. Nhưng đối với những bộ óc còn non yếu, thì lý tưởng động lực cần phải đặt vào những hình thức rõ rệt, thiết thực và cụ thể.
Muốn rõ thì phải xác định. Xác định thì phải tách biệt. Thí dụ: Tôi nhìn rõ chữ này, tức là tôi nhận diện các nét của nó trong một tổng hợp và phân tích, đồng thời phân biệt được nó với những chữ chung quanh. Cũng vậy, nếu tôi chọn bác ái làm lý tưởng đời tôi, thì tôi cần phải hiểu rõ thế nào là bác ái với những điều kiện và tương quan của nó, đồng thời phải biết phân biệt bác ái thực với những hình thức bác ái giả tạo thấy nhan nhản khắp nơi. Lý tưởng càng rõ càng dễ thực hiện.
Thêm vào tính cách rõ ràng, lý tưởng cũng cần phải thiết thực. Gọi thiết thực những gì có thể thực hiện được và có tính cách thỏa mãn chính đáng chủ thể cũng như nhu cầu ngoại cảnh. Nếu tôi muốn làm tổng thống và theo đuổi ý muốn đó như một lý tưởng tha thiết đời mình thì chắc chắn lý tưởng đó không có chút gì là thiết thực. Vì sự tôi làm tổng thống là việc chẳng cần, chẳng được và cũng chẳng nên.
Nếu lý tưởng được cụ thể hóa trong một nhân vật, thì càng có tính cách sống động và hấp dẫn hơn. Nói về tinh thần bất khuất của dân tộc, có khi không gây xúc động được ai, nhưng khi thấy trò Ơn bị ngã gục, thì hàng ngàn người đã nhìn vào hình ảnh đó như một tấm gương lý tưởng. Họ thấy như lý tưởng vừa xa, vừa gần, vừa sống động vừa linh thiêng, tuy cao vượt nhưng cũng không quá tầm của họ. Tính cách cụ thể của lý tưởng là một động lực rất hấp dẫn. Và, nó sẽ hấp dẫn một cách lạ lùng đối với học trò nếu lý tưởng lại được cụ thể hóa nơi chính nhà giáo của chúng. Tấm gương của nhà giáo là một cách gợi ý thức nhiều động lực không gì bằng. Nó có thể thay thế tất cả, nhưng không gì thay thế nó được.
Gây ý thức về lý tưởng mới chỉ là khởi đầu. Làm sao đạt được lý tưởng đã ý thức lại là vấn đề khác. Cho tới đây tất cả còn nằm trong lý thuyết. Tuy nhiên, nếu lý thuyết chỉ huy hành động, thì sự giải quyết một vấn đề trên lý thuyết cũng là một điều cần thiết vậy.
+ GM GB Bùi Tuần

Nói với chính mình _ nghèo đói

+ GM GB Bùi Tuần
 NGHÈO ĐÓI
Có lúc tôi cảm tưởng như nghèo đói là một luật lệ của thân phận gia đình tôi.
  Từ nhỏ cho tới bây giờ, tôi chưa bao giờ được thấy gia đình sung túc. May mà chưa có ai phải chết đói. Nhưng không chết đói không có nghĩa là đã đủ ăn. Mà dù có lúc nói được là đủ ăn, thì thứ đủ ăn đó cũng chỉ là thứ đủ ăn của kẻ nghèo, nghĩa là ăn đủ no chứ không ăn đủ sức. Đủ cơm ăn nhưng không đủ áo mặc, đủ gạo ăn nhưng không đủ nhà ở, đủ đồ ăn không đủ tiền mua thuốc và cho trẻ em đi học.
  Thú vật chỉ cần no là đủ.
  Con người no mà vẫn có thể nghèo thê thảm.

Nói với chính mình _ đừng đổ thừa cho Chúa

ĐỪNG ĐỔ THỪA CHO CHÚA
  Tôi có thói quen hay cắt nghĩa tất cả mọi sự đều do Chúa định. Thói quen đó được tôi dùng như một giải pháp đạo đức dễ dàng để trấn an lương tâm.
  Đối với những điều lành xáy ra, thì lối cắt nghĩa đó không gây thắc mắc. Nhưng đối với những điều dữ, thì nhiều khi tôi nghĩ rằng lối giải thích đó hơi mơ hồ.
  Chẳng hạn tôi bị ghẻ. Tôi cho là do Chúa định. Nhưng thực ra cũng có thể là do tôi không giữ vệ sinh.

Nói với chính mình _ cái hôn

CÁI HÔN
  Chúa Giêsu đã được hôn, có thể là nhiều lần. Chẳng hạn ba má Ngài hôn Ngài, thế nào mà chẳng có. Điều đó khỏi nói.
  Phúc âm chỉ nói tới hai lần Chúa được hôn. Một lần do Giuđa, một lần do Mađalêna.
  Giuđa là tông đồ. Ông đi tìm Chúa, khi gặp ông bước tới, ôm Ngài và hôn mặt. (Lc 22,47). Cái hôn của ông có vẻ vừa hợp tình hợp lý. Người ngoài dù lạ hay quen, dù nam hay nữ, không ai đã chê trách cái hôn đó.
  Còn Madalêna thuở còn là một cô gái bị dư luận cho là không đàng hoàng. Cô đi tìm Chúa. Khi gặp, cô quỳ xuống, khóc ướt chân Chúa. Cô lấy tóc lau và “không ngừng hôn chân Ngài’’ (Lc 7,45). Nhưng cái hôn của cô có vẻ không được thích hợp. Chả thế mà ông Si-mon đã lẩm bẩm này nọ trong bụng và đâm nghi ngờ Chúa (Lc 7,39).
  Ngay trong thời buổi tự do này, nếu câu chuyện đó xảy ra ở bất cứ nơi nào trên trái đất, nhất là ở nước tôi, thì chắc chắn người ta sẽ không để yên cho cô đó, và chính Chúa làm người cũng sẽ bị kết án tơi bời.
  Người ta thì thế? Còn Chúa thì sao?
  Chúa đã trách cái hôn của Giuđa, và đã bênh những cái hôn của Mađalêna.
  Chúa thấy rõ tâm tư thầm kín của từng người. Giuđa hôn Chúa, nhưng để nộp Người. Còn Mađalêna hôn Chúa, để xin ơn làm lại cuộc đời.
  Cái hôn của Giuđa chỉ tốt ở vẻ bề ngoài vì hợp phong tục,đúng luật xã giao và tình nghĩa. Nhưng ý hướng bên trong thì quá xấu.
  Cái hôn của Mađalêna thì bề ngoài không được thích hợp vì những lý do dễ hiểu, nhưng bên trong đầy những ý hướng tốt đẹp.
  Giá trị bên trong mới đáng kể.
  Chuyện cái hôn trên đây dạy tôi phải biết dè dặt.
  Nếu tôi thấy một người có hành động và thái độ xem ra không thích hợp với thói quen xã hội và tôn giáo, thì tôi đừng vội nghi ngờ họ. Họ không được xã hội đồng ý nhưng trước mặt Chúa, chưa chắc họ đã thua ai. Rất có thể họ đã đẹp lòng Chúa hơn tôi. Chúa đã chẳng bênh Mađalêna và trách ông Si-mon là gì. Kẻ khinh người khác là tội lỗi đã bị Chúa đặt dưới kẻ chính họ đã khinh.
  Điều tôi phải sợ nhất, đó là sự tôi có thể dùng hình thức đạo đức để bán Chúa. Thí dụ dùng việc đạo để lo kiếm tiền, kiếm bạc, dùng thế giá đạo để xây dựng uy tín riêng mình. Vịn cớ tôn giáo để chèn ép bắt nạt người ta, nêu lý do đạo đức để khoe khoang, bôi lọ, nói xấu người khác. Thiếu gì người đã nhân danh Chúa để mà giết Chúa và giết tha nhân.
  Lạy Chúa, xin cho con biết chân thành trong mọi việc đạo đức và khiêm tốn trong mọi ý nghĩ đối với tha nhân.
ĐGM Bùi Tuần

Nói với chính mình _ dấu chỉ thời đại


DẤU CHỈ THỜI ĐẠI
  Tôi đang sống trong một thời đại nhiều biến cố. Có những biến cố chỉ đụng chạm tới tôi. Có những biến cố làm xôn xao cả nước. Có những biến cố liên hệ đến toàn thể Giáo Hội và thế giới.
  Sự xuất hiện của những phong trào gây sôi động cũng là những biến cố.
  Mỗi biến cố là một dấu chỉ. Mỗi dấu chỉ đều có một ý nghĩa. Nhiều khi Chúa muốn nói với tôi qua biến cố. Nhưng tôi phải khiêm tốn và bình lặng mới nghe thấy được.
  Mỗi biến cố đều mang một ẩn số. Ẩn số đó gói một sứ điệp Chúa muốn gởi cho tôi. Nhưng tôi phải chăm chú và vô tư lắm mới khám phá được sứ điệp đó.
  Mỗi biến cố là một bài toán. Bài toán đó gài vào đời tôi. Nhưng tôi phải phục thiện lắm mới tìm ra được giải pháp.
  Không phải vô lý mà Công đồng Vatican II đã khuyên tôi phải để ý đến những dấu chỉ của thời đại. (Hiến chế Gaudium et Spes)
  Thời đại cho thấy nhân loại không ngừng đổi thay. Nhưng nếu trong những đổi thay đó Chúa vẫn luôn luôn hiện diện và cũng muốn tôi hiện diện như một chứng nhân của Ngài, thì tôi phải làm gì đây?
  Câu hỏi trên đây nhiều khi làm tôi bứt rứt.
  Để tìm trả lời, có lúc tôi thử đặt tôi vào thời của Chúa Cứu Thế, để dò coi phản ứng của tôi thế nào. Thời đó được coi là thời có nhiều biến cố và khởi xướng nhiều thay đổi. Đại khái thế này:
  Chúa Cứu Thế sinh ra trong cảnh cơ cực nghèo nàn. Ấy thế mà sự sinh ra của Ngài đã bị coi là một biến cố gây xáo trộn, nên vua Hêrôđê đã hạ lệnh giết hết các trẻ em vùng Bêlem, với hy vọng giết luôn được Chúa.
  Ba mươi năm sau, Chúa Cứu Thế công khai đi rao giảng việc canh tân lòng người. Ngài lại bị cánh Pharisiêu kết án đủ tội.
- Tội không kiêng việc ngày lễ (Ga 9,16).
- Tội không giữ luật lệ cha ông dạy phải rửa tay trước khi ăn. (Lc 11, 38)
- Tội nhờ phép quỷ mà làm điều lạ (Mt 12,24)
- Tội đi lại ăn uống với người tội lỗi (Mt 9, 11)
- Tội gây nguy hại cho nền an ninh quốc gia (Ga 11,48)
  Thế rồi đến 33 tuổi, Ngài bị bắt và bị kết án tử hình, vì cho rằng Ngài xách động quần chúng (Lc 23,2) gian ác (Gn 18,30) và lộng ngôn (Mc 14,64).
  Giáo quyền tố cáo, chính quyền kết án, dân chúng a dua, toàn là biến cố động trời.
  Giả như tôi sống trong thời đó, tôi sẽ đứng về phía nào? Liệu tôi có dám bênh Chúa không? Tôi nghi tôi quá. Những biến cố xảy ra có dạy tôi điều gì không?
  Hoàn cảnh của tôi bây giờ không hoàn toàn giống thời đó. Vì tôi có một Giáo Hội cởi mở và khôn ngoan. Chính Giáo Hội chủ trương lắng nghe dấu chỉ của thời đại để kịp thời canh tân và thích ứng Phúc âm vào lịch sử.
  Tuy nhiên, trong việc cắt nghĩa những dấu chỉ của thời đại, tôi không nên vội vàng thiên kiến. Tìm thực sự bao giờ cũng là một việc phải dò dẫm. Tìm ý Chúa bao giờ cũng đòi một sự khiêm tốn và vô tư.
  Tôi hãy biết ghi nhận trung thực các sự kiện.
  Tôi hãy lắng nghe tiếng nói của mọi phía.
  Tôi hãy đón nhận khát vọng của mọi tầng lớp.
  Tôi hãy quan sát chiều hướng của các diễn biến.
  Tôi hãy cầu nguyện và bàn bạc với Chúa.
  Phải rất khiêm tốn và ngay thẳng mới trông tìm được đúng ý nghĩa của các dấu chỉ hiện nay.
  Nếu tôi có thành thực, các dấu chỉ hiện nay sẽ cho tôi biết rõ hơn về tôi, về tình thế, và về ý Chúa.
  Có lẽ điều quan trọng hơn cả là phải can đảm, dám chấp nhận ý nghĩa Chúa muốn gởi vào các dấu chỉ.
  Sự thật nhiều khi bi đát. Bởi vì sự thật có thể sẽ kết án và bắt tôi phải sửa lại tất cả nếp sống.
ĐGM Bùi Tuần

Nói với chính mình _ tham những

THAM NHŨNG
  Khi tôi tố tham nhũng, có lẽ tôi đã tự tố tôi.
  Nếu tôi bênh tham nhũng, tất nhiên là tôi tự bênh tôi.
  Tôi đặt tôi vào vấn đề đang đặt cho người khác. Tôi lấy chuyện người khác để hỏi lại lòng tôi.
  Đối diện với lương tâm dưới ánh sáng bình lặng của Chúa, tôi thấy mình khó có thể gọi được là trong sạch. Chấp nhận điều đó là điều quan trọng. Nhưng ý thức được tai hại của tham nhũng còn quan trọng hơn. Vì có thấy xấu, tôi mới xác tín đủ để xa tránh. Gớm ghê.
  Tôi tưởng tham nhũng không đến nỗi gì. Nhưng xét kỹ, tôi thấy nguy hại không ít.
  Tham nhũng là tính cách tội lỗi của hành vi đặt tiền bạc tư lợi lên trên công bình và pháp luật.
  Tham nhũng nghịch đức công bình, hoặc công bình giữa cá nhân với cá nhân hoặc công bình đối với xã hội. Khi tiền bạc tư lợi tôi xét xử thiếu công minh, phân phối thiếu vô tư, áp dụng lề luật không đúng đắn, đối xử một cách thiên vị, thì tôi gây hại cho ích chung và cho những người liên hệ. Nếu mọi sự đều được giải quyết bằng tiền bạc và tư lợi thì sẽ tạo thành một thứ công lý giả tạo, theo đó kẻ ít tiền sẽ luôn luôn là kẻ thua thiệt.
  Tham nhũng thường nghịch Đức Bác ái. Tôi dễ trở nên chai đá với những kẻ không biết mua chuộc tôi. Tôi sẽ dễ xử tệ với những người không có gì để cho tôi. Tôi sẽ coi thường những kẻ chỉ vì nghèo khó mà sa vào kiếp lầm than,không xứng đáng phẩm giá con người. Tôi sẽ dễ tàn nhẫn với những người muốn sửa sai tôi. Hành vi của tôi gieo mầm bất mãn, hận thù và sẽ dễ gây gương xấu.
  Tham nhũng hay nghịch Đức Ngay chính. Vì tôi sẽ phải giả dối, quanh co giấu giếm. Tôi sẽ cố biện minh cho hành vi tham nhũng của tôi bằng những lý do ngụy tạo hợp pháp và đạo đức. Biện minh cho một việc là có thể tái diễn lại việc đó. Nhiều hành vi làm nên thói quen. Quen phạm tội sẽ không còn sợ tội. Quen không sợ tội sẽ coi thường tội. Tình trạng đó làm hư hỏng lương tâm. Tội không làm hư cho bằng một lương tâm hư. Vì lương tâm hư sẽ không còn thấy rõ mình hư, sẽ không còn nhìn rõ các giá trị thực.
  Tham nhũng là một tội, nên tôi không thể chấp nhận được.
  Tôi sẽ cố gắng thực hiện bằng tâm tình và hành động những lời chỉ đạo rõ rệt sau đây của Đại Hội Giám Mục Á Châu:
  “Chúng tôi nhất quyết lấy can đảm mà lên tiếng bênh vực quyền lợi của những người bị thiệt thòi và có thể chống lại mọi hình thức bất công từ đâu tới. Chúng tôi sẽ không tự bó tay bằng cách thỏa hiệp và cấu kết với những người giàu có và những người có thế lực trong những quốc gia chúng tôi.’’ (Tuyên Ngôn Độc Lập Giám Mục Á Châu, Manila 29.10.1970)
  Tôi kết án tham nhũng nhân danh công bình, bác ái. Chính vì thế đường lối sữa sai của tôi cũng phải trong công bình, bác ái.
  Tôi đã phá tham nhũng nhân danh đạo đức. Chính vì thế, phương pháp tôi dùng cũng phải đạo đức.
  Tôi muốn ném đá những người tham nhũng, nhưng tôi sợ Chúa sẽ bảo tôi : “Ai thấy mình trong sạch, hãy ném hòn đá thứ nhất đi’’. Lúc đó tôi không khỏi giật mình, nên tôi phải khởi sự từ chính mình. Với chính mình tôi sẽ gắt gao hơn với người khác. Có thể tôi không tham nhũng theo nghĩa ăn tiền,nhưng lại tham nhũng từ những hình thức khác. Nếu may ra tôi không tham nhũng dưới bất cứ hình thức nào, thì chưa chắc gì tôi đã không phạm vô số những tội nghịch đức công bình, bác ái trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót.
  Tôi thực tình ăn năn sám hối với các Đức Giám Mục Á Châu, khi các Ngài tự thú: “Chúng tôi nhìn nhận rằng, chúng tôi cũng đã thiếu sót. Chúng tôi chỉ bảo vệ những quyền lợi hẹp hòi và riêng tư. Chúng tôi đáng lẻ phải tỏ ra cảm thương và lo lắng hơn cho người nghèo và phải lên tiếng một cách mạnh mẽ hơn cho cônh bình, và cho công cuộc bảo vệ nhân quyền’’ (TN Đại Hội Giám Mục Á Châu, 1970)
  Lạy Chúa, người phú hộ trong Phúc âm đã bị kết án đày xuống hỏa ngục, vì quá lo thụ hưởng, không để ý giúp người ăn mày Lazarô. Phương chi con, nếu chẳng những không lo giúp người nghèo thì chớ, lại còn làm cho kẻ đói nghèo càng phải nghèo thêm do những bất công thối nát và hèn nhát của con.
  Xin Chúa cho con thêm sáng suốt và can đảm để thực thi công bình, bác ái.
ĐGM Bùi Tuần

Nói với chính mình _ hoang mang


HOANG MANG
  Thời buổi này có nhiều sự việc xảy ra làm tôi hoang mang.
  Hồi trước bao nhiêu ý kiến đạo đức đã cho rằng: Bất cứ một chi tiết nhỏ nào trong phụng vụ cũng cần thiết và mang nhiều ý nghĩa quan trọng. Nhưng bây giờ phụng vụ mới đã có nhiều loại bỏ và thay đổi lớn lao.
  Hồi trước có những văn kiện lịch sử và những sách đạo dạy tôi rằng: Giáo Hội chính thống và các Giáo phái Tin Lành , đều là các “quân rối đạo’’, tôi không được phép thông công gì với họ. Nhưng bây giờ Giáo thuyết của Công  đồng Vatican II cũng như thái độ của Tòa Thánh đã cho tôi thấy là tất cả các Giáo Hội kể cả Giáo Hội công giáo đều phải tự vấn và sám hối, để xích lại gần nhau trong sự tha thiết và tôn trọng lẫn nhau.
  Hồi trước, có những chính sách tôn giáo cho tôi tin rằng: Chủ thuyết vô thần vô sản là một thứ thù địch ghê gớm, tôi không bao giờ được phép sống chung với họ. Nhưng bây giờ, có những dấu hiệu rõ rệt làm tôi nghĩ rằng con đường trước mắt là hòa giải hơn thù nghịch.
  Hồi trước, có mấy tác giả dạy tôi rằng: Sự vâng lời ‘tối mặt’’ mới là bậc cao nhất của đức vâng lời. Nhưng bây giờ, những vị thế giá bảo tôi , tôi phải vâng lời ý thức không loại trừ đối thoại.
  Còn bao nhiêu sự việc khác đã làm tôi suy nghĩ.
  Điều tôi lo ngại không phải là sự thay đổi kia bắt tôi đặt lại nhiều vấn đề. Nhưng điều tôi lo ngại nhất, chính là sự tôi dễ hoang mang vì những sự thay đổi đó.
  Tôi hoang mang như thể thay đổi một vài đường lối, một vài nghi lễ là thay đổi đạo.
  Tôi hoang mang như thể Giáo Hội hôm nay đã đi ngược lại Giáo Hội ngày trước.
  Nhưng nghĩ kỷ lại, tôi thấy không đủ lý để hoang mang.
  Trước hét, bởi vì nhiều thay đổi tôi tưởng là của Giáo Hội, nhưng thực ra đó chỉ là thay đổi của một số cá nhân trong Giáo Hội.
  Hay dở là thuộc trách nhiệm của cá nhân đó. Tôi không nên đồng hóa họ với Giáo Hội, hai là thực sự Giáo Hội cũng đã chủ trương nhiều thay đổi, nhưng thay đổi nào thì cũng dựa trên những lý do đã được cân nhắc.
Theo Công đồng Vatican II, thì Giáo Hội là kẻ lữ hành còn phải đi nữa, là đền thờ còn phải xây thêm, là cộng đoàn hữu hình cần phải luôn canh tân và cố gắng thánh hóa.
  Còn phải đi nữa tức là còn phải khai phá. Còn phải xây dựng thêm, tức là còn phải sáng kiến. Canh tân đâu có nghĩa là để luôn như cũ. Cố gắng Thánh hóa cũng không đồng nghĩa với tình trạng đã hoàn toàn nên thánh. Như thế, đổi mới chỉ là một đòi hỏi. Không chịu thay đổi gì mới chính là điều đáng phải ngại.
  Ngoài ra, Giáo hội hoạt động giữa trần thế và cho người ta, nên vừa phải trường tồn và cũng vừa phải thích nghi. Thích nghi chứ không phủ nhận và mâu thuẫn chính mình.
  Thực ra Giáo hội có thay đổi gì trong căn bản Giáo lý đâu. Giáo hội chỉ canh tân và Thánh hóa những yêu tố có tính chất nhân loại trong bản tính mình, để nên tốt đẹp và thành công hơn.
  Mọi thay đổi của Giáo Hội đều được nghiên cứu thận trọng và dựa trên tiêu chuẩn: Để Chúa được yêu mến hơn và nhân loại được thương yêu nhau hơn.
  Thế thì có gì phải hoang mang.
  Đã hẳn, Giáo Hội trung ương, cũng như địa phương, có thể sai lầm trong những quyết định thay đổi. Nhưng bao lâu tôi không đủ bằng cớ chắc chắn và rõ rệt để chứng minh việc này việc nọ của Giáo Hội là sai lầm, thì những hoang mang của tôi phải kể như thiếu nền tảng chính đáng.
  Tôi tin Chúa Thánh Linh hiện diện trong Giáo Hội. Tôi tha thiết cầu xin cho Giáo Hội tôi. Lòng tin mến của tôi đối với Giáo Hội phải tăng thêm vì những hoang mang này chứ không ngược lại. Hoang mang phải trở thành một niềm thao thức cùng nhịp với hồn thiêng Giáo Hội.
  Lạy Chúa, xin giúp con biết lợi dụng những hoang mang của con đối với Giáo Hội để con càng thêm tin yêu Giáo Hội và càng hăng hái dấn thân hơn cho Giáo Hội của Chúa và cũng là của con.
ĐGM Bùi Tuần

Nói với chính mình _ chết

CHẾT
  Kinh nghiệm nào tôi cũng có thể có, nhưng tôi không thể có chút kinh nghiệm nào về sự chết. Tôi chỉ biết rằng thế nào tôi cũng sẽ chết. Nó chưa tới, nhưng tôi đã nhìn thấy rõ.
  Tôi coi cái chết như một sự chấm dứt cuộc đời gian khổ, như một sự giải phóng khỏi kiếp sống bọt bèo, như chiếc cửa dẫn vào một thế giới hoàn toàn xa lạ, như chiếc cầu bắc sang một sự sống khác, như một sự biệt ly để bước xuống thầm lặng ngàn đời.
  Chết là một chuyến đi xa nhất. Đi không bao giờ về. Chuyến đi xa nhất, mà cũng cô đơn nhất. Có ai chia được phần nào sự chết của tôi đâu. Tôi sẽ ra đi một mình. Tôi sẽ một mình chìm vào trong sự chết của tôi.
  Rồi có gì bên kia sự chết?
  Hiện giờ tôi không nhìn thấy gì cả. Nhưng tôi tin chắc vị đầu tiên tôi sẽ gặp mặt chính là Cha tôi trên trời.
  Ngài đợi đó để đón tôi. Đón về đâu? Tôi có thể sợ Ngài đợi đó để phán xét và ruồng rẫy tôi. Nhưng, Chúa ơi! Tôi không tin được điều đó, không phải vì tôi trong sạch, nhưng vì tôi yêu Chúa và tin chắc Chúa yêu tôi vô cùng. Nếu Chúa là một vị Thánh, thì tôi có lý do để sợ. Vì nhiều vị ngặt nghèo và cặn kẻ lắm. Nhưng Chúa chính là sự Thánh thiện và toàn vẹn. Ngài công bình vô cùng. Nếu Ngài dựng lên triệu triệu con người chẳng ai giống ai, thì chắc Ngài cũng chẳng phán xét tôi một cách hoàn toàn giống như phán xét người này, người nọ. Chính vì Ngài công bình vô cùng, nên Ngài sẽ không thẳng nhặt với những kẻ quá hèn như tôi. Ngài là tình yêu nên Ngài sẽ không bao giờ hắt hủi một kẻ luôn vác gánh nặng tội lỗi trên vai, lảo đảo ngày đêm đi tìm Ngài.
  Nhiều Đấng Thánh đã có những đường lối vào trời thực oai phong lẫm liệt. Còn tôi yếu hèn tội lỗi quá, tôi chọn lối vào Thiên đàng như người ăn trộm.
  Người ăn trộm bị đóng đinh bên hữu Chúa là một người tội lỗi bị dân chúng phỉ nhổ. Thế mà ông được vào trời rất sớm. Chính Chúa bảo đảm với ông: “Ngay ngày hôm nay ông sẽ được vào nơi vui vẻ với tôi’’. Ơn Chúa to lớn quá. Mấy ai được lên Thiên đàng mà không phải dừng lại lâu lâu ở luyện ngục. Còn ông ăn trộm này lại đi lối tắt.
  Ông được thế, bởi vì ông đã vào nước Chúa qua một cái chết tin tưởng trên Thánh giá. Tôi cũng muốn bắt chước ông. Tôi tự đóng đinh tâm hồn tôi vào Thánh giá làm bằng những chịu đựng đau khổ, những cố gắng quên mình, những chiến đấu cam go triền miên khủng khiếp.
  Kẻ chịu đóng đinh là kẻ trần trụi nhất. Của cải không có gì, danh giá không còn gì. Bỏ lại tất cả. Xa lìa tất cả. Chỉ còn giữ lại đau đớn và niềm tin.
  Có vị Thánh bảo Thánh giá là hoa hồng. Còn tôi, tôi vẫn thấy nó là đau đớn. Bao lần trong một ngày tôi phải cự tuyệt những dụ dỗ hữu tình, hữu cảm, để ôm lấy một Đấng vô hình, không hương, không sắc. Bao lần trong một ngày tôi phải từ chối những mời mọc, hưởng thụ trong ngay chính tầm tay để chẳng hứng chờ gì ngoài một tiếng vọng chỉ nghe được bằng niềm tin. Tranh đấu vẫn mệt. Chiến thắng vẫn trải trên mồ hôi vết máu. Tôi không dám gọi đó là hy sinh. Vì tiếng hy sinh cao cả quá. Tôi chỉ coi đó như những cái nhìn rướm máu tìm gặp người yêu tôi và người tôi yêu.
  Ở trên Thánh giá tức là đang ở trong sự chết kéo dài. Cái chết của ông ăn trộm không kéo dài quá một ngày. Còn cái chết của tôi sẽ kéo dài bao lâu. Tôi không biết, nên tôi e ngại. Tôi sợ tôi không chịu lâu, nên sẽ xuống khỏi Thánh giá, để chỉ nhìn Chúa như đám đông trên Golgotha. Tôi sợ tôi sẽ tự ái để ở lại Thánh giá mà không nhìn vào Chúa như thái độ người ăn trộm bên tả.
  Chúa ơi! Mỗi lần sợ như vậy là mỗi lần con lại phải tự đóng đinh con chặt thêm vào Thánh giá và càng nhìn vào Chúa hơn.
  Con biết rằng cái chết của người treo trên Thánh giá sẽ là cái chết đau buồn tức tưởi. Nhưng không hề gì. Cái chết trên chiến trường đầy bụi bặm, sứt sát máu me vẫn hơn cái chết thua trên giường nệm. Phải chết để sống. Phải mất để tìm lại. Chúa ơi! Con luôn luôn chờ giờ phút đó. Xin Chúa hãy đến tìm con.
ĐGM Bùi Tuần

Nói với chính mình _ tìm về quê hương

TÌM VỀ QUÊ HƯƠNG
Tôi di cư dã 20 năm. Tôi biết miền Bắc. Bao nhiêu kỷ niệm còn đó. Nhưng luyến tiếc miền Bắc không ngăn trở tôi thương mến miền Nam. Quê Bắc, hương Nam, cả hai cùng làm nên một quê hương yêu dấu.
  Tuy nhiên, tôi luôn luôn sóng trong một cảm tưởng của một kẻ lưu đày. Vì dù sống ở ngoài Bắc hay trong Nam, tôi vẫn luôn luôn nhớ nhung một quê hương khác, vẫn luôn luôn khắc khoải đi tìm một thứ quê hương lạ.
  Quê hương đó đẹp lắm. Tôi nhìn thấy rất rõ, như thể có lần tôi đã ở và nay đã mất rồi. Tôi đi tìm một thứ quê hương chỉ có toàn sự thực. Nhưng trong kiếp sống bọt bèo này, tôi đã gặp biết bao sai lầm. Tôi lầm, người khác lầm, ai cũng có thể lầm. Lầm lỗi là chuyện thường, không lầm lỗi mới lạ.
  Tôi đi tìm một thứ quê hương chỉ có toàn sự chân thành. Nhưng tôi đã đụng phải vô số sự giả dối. Đồ vật giả tạo đã nhiều, mà lòng người giả dối vẫn còn đấy thôi. Nếu tôi biết rõ được người khác nghĩ gì về tôi, nói gì sau lưng tôi, cảm gì khi tôi được may, hay gặp rủi, làm gì sau khi tôi chết, chắc tôi sẽ thấy chân thành là một báu vật rất hiếm hoi trên đời.
  Tôi đi tìm một quê hương chỉ có toàn tình yêu ngọt ngào và tuyệt đối. nhưng tôi đã thấy hận thù và những tình yêu tương đối, pha trộn đắng cay. Những bài ca tình thường nức nở. Những bài ca sầu thường than khóc tình yêu. Khi tôi muốn ca ngợi tình yêu thì tình yêu đổi thành nước mắt. Khi tôi muốn kể lể đau khổ, thì đau khổ lại biến thành tình yêu.
  Tôi đi tìm một thứ quê hương chỉ có toàn sự trung tín. Nhưng tôi đã gặp vô số những thất trung thất tín. Hình như trong lời thề hứa đã có mầm phản bội, cũng như trong hy vọng đã có mầm thất vọng, chỉ đợi hoàn cảnh thuận tiện là mọc lên.
  Tôi đi tìm một thứ quê hương chỉ có đoàn tụ. Nhưng tôi thấy khắp quanh tôi là một khúc ly ca vĩ đại. Hoa nở rồi tàn. Mây tụ rồi tan. Trăng tròn lại khuyết. Người gần rồi xa. Mỗi thoáng thời gian là chia ly chen vào cuộc sống.
  Tôi đi tìm một thứ quê hương chỉ có niềm vui. Nhưng tôi chỉ gặp những dòng sông nước mắt. Con người sinh ra trong tiếng khóc, lớn lên trong vất vả, trưởng thành trong thử thách, già nua trong tiếc thương và chết trong đau khổ.
  Tôi đi tìm một thứ quê hương chỉ có sự tốt lành. Nhưng tôi đã gặp muôn vàn tội lỗi. Tội nhiều quá. Tội dữ quá, Chúng hùa nhau muốn kéo cho sập vận mệnh của tôi, của đồng bào tôi, của cả nhân loại.
  Tóm lại, quê hương tôi muốn thì không gặp. Những thứ gì tôi không muốn thì lại phải gặp. Thực là mâu thuẫn. Mâu thuẫn đó sống ở trong tôi và tôi sống trong mâu thuẫn đó.
  Mâu thuẫn đó gây trong tôi một sự băn khoăn thường xuyên đầy nguy hiểm. Nguy hiểm không ở sự tôi sẽ như kẻ si tình sống về tương lai, hay như kẻ thất tình tìm về dĩ vãng, nhưng nguy hiểm ở chỗ tôi có thể chán nản, buông xuôi, bất cần đến tương lai quá khứ, để đành nhận trần gian hiện tại này làm quê hương sau chót.
  Tôi sẽ bị cám dỗ đi tìm vô cùng trong những sự có cùng và tuyệt đối hóa những sự chỉ là tương đối.
  Tôi sẽ bị cám dỗ thích thờ những bò vàng hơn thờ Chúa, thích trở về nơi nô lệ để được ăn hành tỏi, hơn là đi về đất hứa để phải ăn Manna dọc đường.
  Còn bao nhiêu nguy hiểm khác.
  Nhưng hồn tôi ơi! Hãy tin vào Chúa. Chúa ở bên tôi, Chúa hiểu tôi, Chúa thương tôi. Chúa dư sức giúp tôi. Thế là đủ cho tôi rồi. Chúa ôi. Mỗi nhịp tim đập là một lời con gọi Chúa. Mỗi hơi con thở là mỗi tiếng tình con gởi vào lòng Chúa. Con muốn trao tặng Chúa thật nhiều, cho Chúa tất cả, để lòng con nhẹ chỉ còn mang Chúa và Chúa mang con về trời. Con biết chuyến đi không dễ dàng. Có những ngày dài không ánh sáng. Có những đêm dài không thấy rạng đông. Có những tháng dài như đường hầm sâu thẳm. Con lầm lủi đi trong đó một mình. Chỉ còn tin yêu dẫn dắt con. Đàng sau con là địa ngục chỉ có đau khổ không tình yêu. Đàng trước con là Thiên Đàng chỉ có tình yêu không đau khổ. Mà đường con đi là đau khổ có tình yêu. Nên con xin Chúa cho con thêm tình yêu hơn nữa. Để con khổ mà vẫn yêu, để con mãi vẫn yêu, dù phải khổ. Chúa yêu dấu của con ơi! Xin giúp con vững bước. Chính Chúa đang làm con khát vọng quê trời. Chính Chúa sẽ là hạnh phúc tuyệt vời của con trên quê hương sắp tới.
ĐGM Bùi Tuần

Nói với chính mình _ cô đơn

CÔ ĐƠN
  Đau của tâm hồn bao giờ cũng khổ cực hơn đau của thân xác. Và trong những nỗi khổ của tâm hồn xem ra không gì đau đớn bằng cô đơn.
  Chúa Giêsu cũng đã trải qua tình trạng đó. Trong suốt cuộc khổ nạn, Chúa không hề kêu đau. Dù chịu trói, chịu đánh, chịu đóng đinh, Chúa vẫn luôn luôn nín thinh chịu đựng.
  Thế nhưng, trong vườn cây dầu Chúa đã phải than: “Tâm hồn thầy buồn rầu đến chết được’’.
  Rồi trên Thánh giá, trong những giờ đau đớn cực độ, Chúa lại thốt ra một lời ảo não: “Lạy Cha, sao Cha bỏ con!’’ Ôi lời cô đơn của một con người cô đơn nhất. Đúng là một nỗi buồn đang giết chết.
  Nỗi buồn đến chết được thường đẩy con người xuống cô đơn thăm thẳm. Người buồn ưa chui vào trong cô đơn nội tâm heo hút, như để lẩn tránh, như để mình thương cho số phận mình.
  Cô đơn không phải là không có ai, nhưng là một thiếu vắng. Nó là một sự hiện diện cay đắng của một sự thiếu vắng những gì thân yêu nhất. Bởi chưng làm gì có cô đơn, nếu chẳng có chờ đợi.
  Nếu sự thiếu vắng chỉ là vô tình và vô tội, thì cô đơn vẫn không đến nỗi ác nghiệt. Nhưng nếu là một sự thiếu vắng chủ ý do lòng không tốt, thì cô đơn trở thành cực hình. Và khi cô đơn có nghĩa như một sự thiếu vắng vì phản bội và tự ý từ bỏ, thì đó là một cô đơn tàn sát.
  Chúa Giêsu đã cảm thấy tất cả những cô đơn đau đớn nhất. Phêrô phản bội. Các môn đệ bỏ trốn một cách hèn nhát. Những người chịu ơn lánh mặt, dân chúng vô ơn. Cả nhân loại hững hờ. Chính Đức Chúa Cha cũng như bỏ rơi Ngài.
  Người cô đơn là người sống trong một thế giới sụp đổ. Không phải thế giới bên ngoài, nhưng thế giới trong lòng mình. Thế giới khách quan vẫn còn đó. Nó là của chung và lãnh đạm. Nhưng mỗi người đều có một thế giới riêng, một thế giới tâm tư xây dựng bằng những đường dây tình thương, vui buồn và hy vọng. Nó cũng là những ý nghĩa của thế giới khách quan đối với mình. Mình quen sống trong đó như một quê hương lựa chọn. Nhưng khi những đường dây bị đứt, thế giới đó sụp đổ, con người đột nhiên thấy mình trơ trọi bơ vơ.
  Trơ trọi giữa đám đông, thế mới khổ. Những sự gần thì mình nhìn như xa vắng. Những sự xa vắng thì mình lại tìm như một sự thân yêu. Mâu thuẫn đo di chuyển tâm hồn trở đi trở lại trên con đường hai chiều cùng hoang vắng. Sự mình đang có thì vắng lòng chờ đợi. Sự lòng mình chờ đợi thì lại thiếu vắng hiện diện.
  Chung quanh Chúa Giêsu khổ nạn có hàng ngàn người tuôn đến. Nhưng Chúa vẫn cảm thấy cực kỳ cô đơn. Bởi vì cái thế giới hiện diện không phải là cái thế giới Ngài chờ đợi. Sự có mặt của bấy nhiêu người không có ý nghĩa một sự thiện cảm, một sự chia sẻ bênh đỡ, nhưng có ý nghĩa một sự biểu lộ khinh chê thù ghét. Cũng như sự trốn tránh của các môn đệ, và sự chối bỏ của Phêrô đều mang ý nghĩa của một sự ích kỷ, một sự thất hứa, một sự phản bội. Những ý nghĩa đó như những con dao sắc bén đâm sâu vào một trái tim chỉ biết có yêu, chỉ đợi có tình.
  Sự cô đơn của Chúa Kitô khổ nạn là một sự đau khổ ghê gớm. Với sự cô đơn đó, Chúa đã sống trọn vẹn thân phận con người, để sự cô đơn của tôi không trở thành đơn độc.
  Tôi cô đơn vì tôi không nhờ được ai sống hộ cuộc đời của tôi.
  Tôi cô đơn vì tôi nhìn thấy chung quanh tôi có quá nhiều bức tường xa cách.
  Tôi cô đơn vì tôi chạy trốn tình yêu.
  Tôi cô đơn vì nhiều khi tôi gọi những người thân yêu của tôi là ở thế giới bên kia, nhưng tôi vẫn cảm thấy xa vắng lạnh lùng.
  Tôi cô đơn vì nhiều khi tôi thiết tha đi tìm Chúa, nhưng Chúa vẫn như lánh mặt.
  Có những giờ phút cô đơn buồn hơn nước mắt, và đe dọa hơn sự chết.
  Chỉ còn Chúa, nhưng ôi! Lạy Chúa, sao Chúa cũng bỏ con.
  Xưa kia Chúa sống trong đau khổ của cô đơn, nhưng Chúa đã biết trước mọi diễn tiến và giờ khắc của nó: Bắt đầu từ chiều thứ năm sang ngày thứ sáu, chấm dứt ba giờ chiều đêm thứ bảy rạng Chúa Nhật là sống lại vinh quang. Còn con, con đau khổ cô đơn trong mù mịt. Con không biết được sự đau đớn của con sẽ đi tới đâu và bao giờ hết. Con chỉ biết tin vào Chúa. Chúa đã sống lại thì con cũng tin rằng mọi đau khổ, cô đơn của con cũng không trở nên vô ích. Có ngày sẽ hết. Con sẽ được vui với Chúa. Con biết thế đó, nhưng niềm tin không làm con hết khổ. Chính Chúa đã tranh đấu với cơn buồn khổ cô đơn, đến khi phải kêu than và đến toát mồ hôi máu, phương chi một người yếu đuối như con. Ôi! Chúa Giêsu yêu dấu của con, con chấp nhận cô đơn vì Chúa, xin thêm cho con đức tin và can đảm.
ĐGM Bùi Tuần

Nói với chính mình _ từ vực sâu

TỪ VỰC SÂU
  Mỗi chiều tôi âm thầm nói với Chúa “Từ vực sâu con kêu lên Chúa, Chúa ơi...” (Tv 50).
  Tôi nói lời đó với tất cả tâm hồn tôi.
  Tôi nhìn rõ vực sâu tôi đang ở, không phải thung lũng này. Không phải căn nhà này, không phải trần gian này.
  Vực sâu là tội lỗi muôn vàn của tôi.
  “Ngày mới sinh tôi đã mắc tội rồi,
 Trong lòng mẹ, tôi đã là bất chính’’
(Tv 50)

Nói với chính mình _ Noel nghèo

NOEL NGHÈO
  Noel những năm trước tôi đói hòa bình. Noel năm nay, tôi vẫn đói hòa bình, lại còn thêm đói ăn.
  Cái đói nào cũng khổ.
  Đã đói lại còn lo. Lo không biết làm sao để hết đói. Lo không chừng xung đột lại tái phát.
  Đói nên lo, lo nên buồn.

Nói với chính mình - tôi biết mình đến cầu nguyện

TỪ BIẾT MÌNH ĐẾN CẦU NGUYỆN
  “Trời cao hãy đổ sương xuống, và ngàn mây hãy mưa Đấng chuộc tôi...”
  Tôi thầm nguyện lời đó khi tôi ngẩng nhìn lên trời.
  Trên cao xa chỉ thấy mênh mông thăm thẳm sau những tầng mây. Nhưng tôi nguyện cầu không phải với trời, với mây, song là với đấng cai trị trời mây.

Nói với chính mình _ tôi cũng sẽ khinh Chúa

TÔI CŨNG SẼ KHINH CHÚA
ĐGM Bùi Tuần 
 
   Đôi khi quỳ trước ảnh Thánh Gia tôi nghĩ tới Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse xưa đã sinh sống khó nghèo. Tôi thấy thương các Ngài.
  Tôi nghĩ giá như tôi được gặp các Ngài hồi đó, tôi sẽ phục vụ các Ngài tận tụy biết mấy. Tôi sẽ lo cho các Ngài từng ly từng tí. Tôi sẽ nhường căn phòng của tôi cho Thánh Gia. Tôi sẽ liệu đủ mùng mền, đủ đồ đạc, đủ mọi tiện nghi cho các Đấng. Tôi sẽ rất vui mừng được nhịn ăn, bỏ ngũ để phục dịch hầu hạ Thánh Gia suốt ngày đêm. Tóm lại, tôi sẽ làm hết sức mình để các Ngài được vui.

NÓI VỚI CHÍNH MÌNH _ nói năng

NÓI NĂNG
ĐGM Bùi Tuần
Im lặng là quê hương của kẻ mạnh. Vì trong im lặng mới phát sinh được những tư tưởng mạnh, nhờ im  lặng mới nung nấu được những động lực mạnh, và để im lặng thường phải có ý chí mạnh.
  Im lặng là vàng.
  Tuy nhiên không phải luôn luôn nên im lặng. Nhiều khi phải nói. Nói đâu phải xấu. Xấu tốt là do nội dung, ý hướng và cung cách.

NÓI VỚI CHÍNH MÌNH _ tới mức độ mù quáng

TỚI MỨC ĐỘ MÙ QUÁNG
ĐGM Bùi Tuần
Thói quen nào cũng có thể trở thành đam mê. Đam mê nào cũng có thể làm cho con người mù quáng. Có ý kiến cho rằng đam mê sắc dục dễ mù quáng nhất. Nhưng thiết tưởng tính mê tiền cũng mù quáng không kém, có phần lại hơn. Người đam mê sắc dục tới một giới hạn nào đó sẽ biết mình lỗi lầm. Họ mắc cỡ, xấu hổ, giấu giếm tư tưởng và việc làm của mình, họ biết mình hèn. Nếu là người công giáo có lương tâm, họ sẽ cáo mình những tội đó. Còn người mê tiền thường không thấy một giới hạn nào. Họ có thể ước mơ tiền bạc suốt đêm, bàn tán về tiền suốt ngày, lo làm tiền suốt tháng, vơ vét tiền bạc suốt năm, mà vẫn không cho đó là vấn đề ít ra thỉnh thoảng cần phải xét lại. Đặc biệt, họ có thể mặc cho tính mê tiền của họ đủ các thứ áo đạo đức. Do đó, họ không cho việc mê tiền của họ là một tính xấu. Họ mê mà vẫn tưởng mình không mê. Họ đâu có cho tiền bạc của họ là xấu, hèn. Trái lại, họ còn tự phụ là khác. Nếu họ lại sống trong một xã hội thối nát thì mây mù càng kéo dày trên mặt họ hơn. Những kẻ cầm cân nẩy mực điều hơn kém như họ, chẳng ai trách được ai. Huề cả làng nghĩa là có sự đồng ý, có sự thông cảm, có sự chấp nhận, có sự hợp thức hóa, hiểu ngầm. Đã cố tình cho mình là hợp lý, hợp đạo, thì làm gì đặt ra được vấn đề sửa lại. Không nhìn thấy vấn đề, hay không muốn nhìn vào vấn đề, thì làm sao giải quyết vấn đề.

NÓI VỚI CHÍNH MÌNH _ tới thái độ mê tiền

TỚI THÁI ĐỘ MÊ TIỀN
  Nhìn vào cơ cấu trên đây của thái độ cần tiền, người ta phỏng đoán được đâu là những yếu tố có thể biến thái độ cần tiền thành thái độ mê tiền.

NÓI VỚI CHÍNH MÌNH _ cơ cấu thái độ cần tiền

CƠ CẤU THÁI ĐỘ CẦN TIỀN
  Đối với tiền, người ta có nhiều thái độ. Nhưng cần tiền là thái độ được coi là thông thường nhất. Hiểu nó, có lẽ sẽ dễ hiểu các thái độ khác.
  Muốn biết, phải phân tách. Khi phân tách thái độ cần tiền, ta gặp hai yếu tố hiển nhiên, đó là con người như chủ thể và tiền như đối tượng. Cặp đôi này chưa cắt nghĩa được gì vì nó chưa phải là tất cả. Một ví dụ sẽ nâng đỡ những suy tư trừu tượng:
  Lúc nãy tôi đang ngồi ở bàn giấy, một người tới thăm. Họ tặng tôi 20.000 đồng. Cử chỉ hào hiệp của người khác làm tôi vui sướng. Tôi tính sẽ dùng tiền đó để mua sách. Nhưng sau nghĩ lại, tôi nhất định lấy tiền đó mua thuốc và gạo cho một người nghèo. Hy vọng họ sẽ khỏi bệnh. Họ sẽ có thể đi làm lại, gia đình họ sẽ bớt lo âu. Mấy đứa con họ may ra có thể tiếp tục học hành. Nhận được sự giúp đỡ này chắc họ vui lắm.
  Trước mắt tôi bây giờ là số tiền nói trên chỉ là một xấp giấy 500. Nhưng rõ ràng là tôi không nhìn vào xấp giấy đó như những tờ giấy có hình, có màu, có số. Tôi nhìn vào giá trị của nó. Gía trị của nó, là một thứ giá trị kinh tế, có thể mua một thứ đồ vật tương đương. Tôi nhìn vào giá trị này, nhưng để rồi lại vượt qua ngay. Vì đàng sau gói thuốc, bao gạo đã có những giá trị khác mà tôi nhắm tới. Đó là sự phục hồi sức khỏe của người bệnh. Tôi lại nhìn xa hơn giá trị đó nữa. Cái nhìn của tôi lướt từ giá trị này đến giá trị khác, để rồi nhòa đi trong một chân trời tương lai hạnh phúc hiện lên mơ hồ.
  Tôi coi mỗi giá trị tôi nhắm tới như một cái mốc để thể hiện đường đi lên. Nếu đạt được cái nào tôi sẽ mừng lắm. Nhưng tôi vẫn cảm thấy nó tương đối, tạm thời. Trong thỏa mãn như đã có mầm bất mãn. Thỏa mãn vì đạt được. Bất mãn vì chưa đủ. Mỗi giá trị đạt được lại gọi tới những giá trị khác xa hơn. Chung quy, chẳng qua những giá trị đó chỉ là những hình thức tôi coi như phần mảnh để xây dựng một hạnh phúc. Hạnh phúc lý tưởng này sẽ là đích điểm, nhưng đã là động lực thúc đẩy tôi đi từ khởi điểm của chuỗi dài các giá trị nối tiếp nhau.
  Như thế, trong thái độ cần tiền của tôi không những chỉ có sự đối chiếu giữa tôi là chủ thể và tiền là đối tượng, mà ngay trong chính đối tượng cũng đã có nhiều sự đối chiếu, đối chiếu giữa sự tôi mơ ước sẽ có, đối chiếu giữa thế giới thực tại với thế giới mơ ước của tôi mà tôi dự tính xây dựng bằng tiền, và đối chiếu chúng với hạnh phúc lý tưởng sau cùng.
  Tất cả những tương quan giữa các đối tượng đó được giàn trải ra trước ý thức, để chờ lựa chọn. Lựa chọn là việc của ý chí. Ý chí hành động một cách tự do không gì cưỡng bách được nó. Tuy nhiên sự lựa chọn của ý chí tự do không phải là hoàn toàn đứng ngoài mọi ảnh hưởng.
  Ảnh hưởng trực tiếp là lý trí. Lý trí phán đoán về đề nghị lựa chọn. Lý do đề nghị thường là những gì thực tiễn theo hoàn cảnh chính lúc đó và ngay chỗ đó, chứ không phải luôn luôn là những lý do xét theo lý thuyết và nguyên tắc bất định. Những lý do thực tiễn đó rất phức tạp, nào lý, nào tình, nào khách quan, nào chủ quan.
  Chính trong việc lý trí đề nghị và phán đoán đã có nhiều động lực ngầm hoạt động trong tôi, để những lý do đưa ra trở nên những lý do có tính cách quyết định. Những động lực đó là khuynh hướng, đam mê, tình cảm, tập quán... Chúng ngầm kéo lý trí và ý chí coi trọng lý do này, coi nhẹ lý do kia, để rồi sau cùng ý chí tự do của tôi sẽ lấy một lựa chọn theo chiều hướng của những lý do thực tiễn đó. Lựa chọn tự do, phải, nhưng là một tự do dấn thân trong hoàn cảnh.
ĐGM Bùi Tuần