Nói với chính mình _ chết

CHẾT
  Kinh nghiệm nào tôi cũng có thể có, nhưng tôi không thể có chút kinh nghiệm nào về sự chết. Tôi chỉ biết rằng thế nào tôi cũng sẽ chết. Nó chưa tới, nhưng tôi đã nhìn thấy rõ.
  Tôi coi cái chết như một sự chấm dứt cuộc đời gian khổ, như một sự giải phóng khỏi kiếp sống bọt bèo, như chiếc cửa dẫn vào một thế giới hoàn toàn xa lạ, như chiếc cầu bắc sang một sự sống khác, như một sự biệt ly để bước xuống thầm lặng ngàn đời.
  Chết là một chuyến đi xa nhất. Đi không bao giờ về. Chuyến đi xa nhất, mà cũng cô đơn nhất. Có ai chia được phần nào sự chết của tôi đâu. Tôi sẽ ra đi một mình. Tôi sẽ một mình chìm vào trong sự chết của tôi.
  Rồi có gì bên kia sự chết?
  Hiện giờ tôi không nhìn thấy gì cả. Nhưng tôi tin chắc vị đầu tiên tôi sẽ gặp mặt chính là Cha tôi trên trời.
  Ngài đợi đó để đón tôi. Đón về đâu? Tôi có thể sợ Ngài đợi đó để phán xét và ruồng rẫy tôi. Nhưng, Chúa ơi! Tôi không tin được điều đó, không phải vì tôi trong sạch, nhưng vì tôi yêu Chúa và tin chắc Chúa yêu tôi vô cùng. Nếu Chúa là một vị Thánh, thì tôi có lý do để sợ. Vì nhiều vị ngặt nghèo và cặn kẻ lắm. Nhưng Chúa chính là sự Thánh thiện và toàn vẹn. Ngài công bình vô cùng. Nếu Ngài dựng lên triệu triệu con người chẳng ai giống ai, thì chắc Ngài cũng chẳng phán xét tôi một cách hoàn toàn giống như phán xét người này, người nọ. Chính vì Ngài công bình vô cùng, nên Ngài sẽ không thẳng nhặt với những kẻ quá hèn như tôi. Ngài là tình yêu nên Ngài sẽ không bao giờ hắt hủi một kẻ luôn vác gánh nặng tội lỗi trên vai, lảo đảo ngày đêm đi tìm Ngài.
  Nhiều Đấng Thánh đã có những đường lối vào trời thực oai phong lẫm liệt. Còn tôi yếu hèn tội lỗi quá, tôi chọn lối vào Thiên đàng như người ăn trộm.
  Người ăn trộm bị đóng đinh bên hữu Chúa là một người tội lỗi bị dân chúng phỉ nhổ. Thế mà ông được vào trời rất sớm. Chính Chúa bảo đảm với ông: “Ngay ngày hôm nay ông sẽ được vào nơi vui vẻ với tôi’’. Ơn Chúa to lớn quá. Mấy ai được lên Thiên đàng mà không phải dừng lại lâu lâu ở luyện ngục. Còn ông ăn trộm này lại đi lối tắt.
  Ông được thế, bởi vì ông đã vào nước Chúa qua một cái chết tin tưởng trên Thánh giá. Tôi cũng muốn bắt chước ông. Tôi tự đóng đinh tâm hồn tôi vào Thánh giá làm bằng những chịu đựng đau khổ, những cố gắng quên mình, những chiến đấu cam go triền miên khủng khiếp.
  Kẻ chịu đóng đinh là kẻ trần trụi nhất. Của cải không có gì, danh giá không còn gì. Bỏ lại tất cả. Xa lìa tất cả. Chỉ còn giữ lại đau đớn và niềm tin.
  Có vị Thánh bảo Thánh giá là hoa hồng. Còn tôi, tôi vẫn thấy nó là đau đớn. Bao lần trong một ngày tôi phải cự tuyệt những dụ dỗ hữu tình, hữu cảm, để ôm lấy một Đấng vô hình, không hương, không sắc. Bao lần trong một ngày tôi phải từ chối những mời mọc, hưởng thụ trong ngay chính tầm tay để chẳng hứng chờ gì ngoài một tiếng vọng chỉ nghe được bằng niềm tin. Tranh đấu vẫn mệt. Chiến thắng vẫn trải trên mồ hôi vết máu. Tôi không dám gọi đó là hy sinh. Vì tiếng hy sinh cao cả quá. Tôi chỉ coi đó như những cái nhìn rướm máu tìm gặp người yêu tôi và người tôi yêu.
  Ở trên Thánh giá tức là đang ở trong sự chết kéo dài. Cái chết của ông ăn trộm không kéo dài quá một ngày. Còn cái chết của tôi sẽ kéo dài bao lâu. Tôi không biết, nên tôi e ngại. Tôi sợ tôi không chịu lâu, nên sẽ xuống khỏi Thánh giá, để chỉ nhìn Chúa như đám đông trên Golgotha. Tôi sợ tôi sẽ tự ái để ở lại Thánh giá mà không nhìn vào Chúa như thái độ người ăn trộm bên tả.
  Chúa ơi! Mỗi lần sợ như vậy là mỗi lần con lại phải tự đóng đinh con chặt thêm vào Thánh giá và càng nhìn vào Chúa hơn.
  Con biết rằng cái chết của người treo trên Thánh giá sẽ là cái chết đau buồn tức tưởi. Nhưng không hề gì. Cái chết trên chiến trường đầy bụi bặm, sứt sát máu me vẫn hơn cái chết thua trên giường nệm. Phải chết để sống. Phải mất để tìm lại. Chúa ơi! Con luôn luôn chờ giờ phút đó. Xin Chúa hãy đến tìm con.
ĐGM Bùi Tuần