NÓI VỚI CHÍNH MÌNH _ tới mức độ mù quáng

TỚI MỨC ĐỘ MÙ QUÁNG
ĐGM Bùi Tuần
Thói quen nào cũng có thể trở thành đam mê. Đam mê nào cũng có thể làm cho con người mù quáng. Có ý kiến cho rằng đam mê sắc dục dễ mù quáng nhất. Nhưng thiết tưởng tính mê tiền cũng mù quáng không kém, có phần lại hơn. Người đam mê sắc dục tới một giới hạn nào đó sẽ biết mình lỗi lầm. Họ mắc cỡ, xấu hổ, giấu giếm tư tưởng và việc làm của mình, họ biết mình hèn. Nếu là người công giáo có lương tâm, họ sẽ cáo mình những tội đó. Còn người mê tiền thường không thấy một giới hạn nào. Họ có thể ước mơ tiền bạc suốt đêm, bàn tán về tiền suốt ngày, lo làm tiền suốt tháng, vơ vét tiền bạc suốt năm, mà vẫn không cho đó là vấn đề ít ra thỉnh thoảng cần phải xét lại. Đặc biệt, họ có thể mặc cho tính mê tiền của họ đủ các thứ áo đạo đức. Do đó, họ không cho việc mê tiền của họ là một tính xấu. Họ mê mà vẫn tưởng mình không mê. Họ đâu có cho tiền bạc của họ là xấu, hèn. Trái lại, họ còn tự phụ là khác. Nếu họ lại sống trong một xã hội thối nát thì mây mù càng kéo dày trên mặt họ hơn. Những kẻ cầm cân nẩy mực điều hơn kém như họ, chẳng ai trách được ai. Huề cả làng nghĩa là có sự đồng ý, có sự thông cảm, có sự chấp nhận, có sự hợp thức hóa, hiểu ngầm. Đã cố tình cho mình là hợp lý, hợp đạo, thì làm gì đặt ra được vấn đề sửa lại. Không nhìn thấy vấn đề, hay không muốn nhìn vào vấn đề, thì làm sao giải quyết vấn đề.
  Có lẽ chính vì loài người mù quáng chai đá, bất trí mà Chúa Giêsu đã muốn nói tới khi tuyên bố một câu kinh khủng: “Con lạc đà chui qua lỗ kim, còn dễ hơn người giàu có vào nước Thiên Đàng’’ (Lc 18, 24).
Cần tiền là chuyện không tránh được, nhưng mê tiền là tính xấu, đầy nguy hiểm. Nguy hiểm vì nó dễ làm cho con người trở nên cứng cỏi, thiếu bác ái với người nghèo, giống như người giàu có trong Phúc âm đã xử tệ với người hành khất Lazarô (Lc 16, 19-31).
Nguy hiểm vì nó dễ xúi con người phạm những tội bất công hại người, tương tự như trường hợp Giuđa bán Chúa (Mt 26, 15).
  Nguy hiểm vì nó dễ làm cho con người trở nên loại Pharisiêu giả hình tỏ vẻ đạo đức, “Kinh kệ dài dòng, nhưng lại nuốt trôi gia tài những bà góa’’ (Mt 23, 14).
  Nguy hiểm vì nó dễ làm ta coi thường những sự thánh, giống như những người đổi chác tiền bạc mà Chúa đã đuổi ra khỏi đền thờ (Mt 21, 12-16).
  Nguy hiểm vì nó cũng dễ đẩy ta vào số phận chết không kịp chuẩn bị như người phú hộ nọ trong Phúc âm đang lúc mãi miết tính toán tiền bạc, thì thần chết ập tới lôi đi (Lc 12, 16-21).
  Trong một thế giới mà ảnh hưởng của đồng tiền bao trùm quá rộng, từ kinh tế, chính trị, văn hóa, đến cả luân lý đạo đức, thì những lời cảnh báo của Chúa sẽ coi như lạc lõng. Chúa biết, nhưng người đã nói: “Dù trời đất qua đi, lời ta sẽ không qua đi bao giờ’’ (Lc 21,13).
ĐGM Bùi Tuần