NÓI VỚI CHÍNH MÌNH _ tới thái độ mê tiền

TỚI THÁI ĐỘ MÊ TIỀN
  Nhìn vào cơ cấu trên đây của thái độ cần tiền, người ta phỏng đoán được đâu là những yếu tố có thể biến thái độ cần tiền thành thái độ mê tiền.
Đầu tiên là những ý nghĩa mà mỗi người gán cho đồng tiền và cho cuộc sống. Dĩ nhiên là đã có những ý nghĩa được các nhà đạo đức nêu lên toàn là những ý nghĩa trong trắng siêu việt. Không ai chê những ý nghĩa đó. Nhưng không vì thế mà những ý nghĩa đó được trở thành những chỉ tiêu cho mọi người trong thực tế. Trong thực tế, dĩ nhiên chỉ những gì thực tế mới coi như đáng kể, ít là theo phương diện chủ quan. Những thực tế đó là những gì? Thưa là, đâu đâu đồng tiền cũng nắm quyền chỉ huy. Đâu đâu tiền bạc cũng được coi là một giá trị làm nên mọi giá trị. Người nhiều tiền được kính nể. Nghề nhiều tiền được coi là quý. Người khéo làm ra tiền được coi là giỏi. Nhiều tiền mới trông có được một đời sống đỡ khổ. Nhiều tiền mới mở mang được các cơ sở tôn giáo. Nhiều tiền mới thực hiện được những dự án xã hội bác ái. Nghèo đi liền với khổ. Có nhiều tiền cũng sướng hơn. Tiền xem ra giải quyết tất cả. Ai cũng lo kiếm tiền trên hết. Nhiều đấng đạo đức dạy rằng tiền bạc là những giả trá thế gian phải coi như phân bón. Nhưng một số không nhỏ các đấng ấy vẫn chịu khó tích những giá trị giả trá đó, và vẫn kè kè giữ cho mình những phân bón đó. Có ai chê tiền đâu?
  Thực tế là thế. Thực tế làm nên kinh nghiệm, kinh nghiệm xây dựng dần dần nơi mỗi người ý nghĩa về tiền. Tất nhiên lý vẫn hiện diện. Nhưng như trên đã nói, những lý do thực tiễn thường dễ được lý quan tâm hơn.
  Trong hoàn cảnh ấy, nếu tôi thụ động thiếu suy nghĩ và thiếu ý chí, để vô tình hay chú ý chấp nhận tất cả mọi ý nghĩa về tiền, mà thực tế hàng ngày chiếu giải vào ý thức tôi, thì tôi không nên quả quyết quá mạnh là tôi không bao giờ mắc chứng mê tiền.
  Nếu tiền đã được coi như một giá trị vạn năng trong thực tế, thì chính cuộc sống thường cũng được hiểu theo một chiều hướng ăn nhịp với ý nghĩa của tiền. Một khi tiền được kể như phương thế cần thiết để gây nên hạnh phúc thì khó có chuyện tách rời cuộc sống ra khỏi đồng tiền.
   Khởi đi từ cuộc sống hiện tại, con người hướng tìm hoài về cuộc sống an vui và sung sướng hơn. Cuộc sống đó chưa có nhưng được xây dựng bằng mơ ước dự trữ, chẳng hạn đó là đủ gạo ăn, đủ áo mặc, đủ chi nhưng chuyện lặt vặt thường ngày. Cái thế giới mộng ước đó có thể thực hiện được, tất nhiên phải kiếm ra tiền. Nhưng khi mộng ước đó đã thành, nó lại trở nên một giới hạn chỉ hướng về một thế giới mộng khác đẹp hơn, chẳng hạn đó là một căn nhà đúc, một khoảnh vườn. Để thực hiện cũng lại phải có tiền. Có nhà cao vườn rộng rồi, người ta vẫn cảm thấy có một hạnh phúc cao hơn mời gọi mình bước tới, nhưng nó vẫn khuất dạng, sau những gì mình đang hưởng. Lại cũng phải tiền mới có. Cứ thế, con người có thể đi xa mãi trong bối cảnh đó, ai không tự chế biết dừng mộng ước lại ở một giới hạn nào thích hợp, thì sẽ dễ theo đà đi hoài trong chiều hướng cặp đôi: mê tiền theo mộng, để  rồi lại mơ mộng theo tiền. Cũng thế, trong một cuộc sống bị đặt dưới áp lực của đồng tiền, ai không đủ tự chủ và sáng suốt, sẽ khó lái được đời sống mình vào những ý nghĩa sạch khỏi hơi hám của tiền bạc.
  Một chi tiết đáng được để ý ở đây, đó là: Ý nghĩa của sự chênh lệch giữa cuộc sống mơ ước và cuộc sống hiện tại. Cuộc sống hiện hữu là một gợi ý và sơ thảo cho cuộc sống mơ ước. Nên cuộc sống ước mơ bao giờ cũng hơn cuộc sống hiện hữu một bậc. Vì thế, người nghèo luôn chỉ có ước mơ nhỏ, đang khi người giàu xây dựng những ước mơ lớn. Thế giới mộng ước của người không có đồng bạc dính túi, thường chỉ khiêm tốn trong mấy chục ngàn. Nhưng thế giới mộng ước của người đang làm chủ mười triệu trong tay thấy phải ít là mấy trăm ngàn mới thấm. Thế mà ước mơ đó họ vẫn cho là khiêm tốn. Nếu có thể nói: Kẻ mong được nhiều tiền là kẻ dễ mê tiền hơn kẻ chỉ mong được ít, thì kẻ càng giàu càng dễ mê tiền.
  Kẻ giàu khi đã quen xài tiền và quen hưởng danh lợi thú do việc xài tiền, thì thói quen đó trở thành một nếp sống. Nếp sống đó tiến lên một nhu cầu và đẻ sinh ra nhiều đòi hỏi mới. Để thỏa mãn, họ phải có nhiều tiền. Nhiều tiền để duy trì nếp sống đã cao. Nhiều tiền để đuổi theo những mời gọi mới. Một đời sống đã có thói quen ràng buộc vào đồng tiền quá chặt chẽ như thế sẽ không dễ tránh được tính mê tiền. Nhất là khi ý chí đã không quen từ chối những rủ rê của thế gian xác thịt.