HOANG MANG
Thời buổi này có nhiều sự việc xảy ra làm tôi hoang mang.
Hồi trước bao nhiêu ý kiến đạo đức đã cho rằng: Bất cứ một chi tiết nhỏ nào trong phụng vụ cũng cần thiết và mang nhiều ý nghĩa quan trọng. Nhưng bây giờ phụng vụ mới đã có nhiều loại bỏ và thay đổi lớn lao.
Hồi trước có những văn kiện lịch sử và những sách đạo dạy tôi rằng: Giáo Hội chính thống và các Giáo phái Tin Lành , đều là các “quân rối đạo’’, tôi không được phép thông công gì với họ. Nhưng bây giờ Giáo thuyết của Công đồng Vatican II cũng như thái độ của Tòa Thánh đã cho tôi thấy là tất cả các Giáo Hội kể cả Giáo Hội công giáo đều phải tự vấn và sám hối, để xích lại gần nhau trong sự tha thiết và tôn trọng lẫn nhau.
Hồi trước, có những chính sách tôn giáo cho tôi tin rằng: Chủ thuyết vô thần vô sản là một thứ thù địch ghê gớm, tôi không bao giờ được phép sống chung với họ. Nhưng bây giờ, có những dấu hiệu rõ rệt làm tôi nghĩ rằng con đường trước mắt là hòa giải hơn thù nghịch.
Hồi trước, có mấy tác giả dạy tôi rằng: Sự vâng lời ‘tối mặt’’ mới là bậc cao nhất của đức vâng lời. Nhưng bây giờ, những vị thế giá bảo tôi , tôi phải vâng lời ý thức không loại trừ đối thoại.
Còn bao nhiêu sự việc khác đã làm tôi suy nghĩ.
Điều tôi lo ngại không phải là sự thay đổi kia bắt tôi đặt lại nhiều vấn đề. Nhưng điều tôi lo ngại nhất, chính là sự tôi dễ hoang mang vì những sự thay đổi đó.
Tôi hoang mang như thể thay đổi một vài đường lối, một vài nghi lễ là thay đổi đạo.
Tôi hoang mang như thể Giáo Hội hôm nay đã đi ngược lại Giáo Hội ngày trước.
Nhưng nghĩ kỷ lại, tôi thấy không đủ lý để hoang mang.
Trước hét, bởi vì nhiều thay đổi tôi tưởng là của Giáo Hội, nhưng thực ra đó chỉ là thay đổi của một số cá nhân trong Giáo Hội.
Hay dở là thuộc trách nhiệm của cá nhân đó. Tôi không nên đồng hóa họ với Giáo Hội, hai là thực sự Giáo Hội cũng đã chủ trương nhiều thay đổi, nhưng thay đổi nào thì cũng dựa trên những lý do đã được cân nhắc.
Theo Công đồng Vatican II, thì Giáo Hội là kẻ lữ hành còn phải đi nữa, là đền thờ còn phải xây thêm, là cộng đoàn hữu hình cần phải luôn canh tân và cố gắng thánh hóa.
Còn phải đi nữa tức là còn phải khai phá. Còn phải xây dựng thêm, tức là còn phải sáng kiến. Canh tân đâu có nghĩa là để luôn như cũ. Cố gắng Thánh hóa cũng không đồng nghĩa với tình trạng đã hoàn toàn nên thánh. Như thế, đổi mới chỉ là một đòi hỏi. Không chịu thay đổi gì mới chính là điều đáng phải ngại.
Ngoài ra, Giáo hội hoạt động giữa trần thế và cho người ta, nên vừa phải trường tồn và cũng vừa phải thích nghi. Thích nghi chứ không phủ nhận và mâu thuẫn chính mình.
Thực ra Giáo hội có thay đổi gì trong căn bản Giáo lý đâu. Giáo hội chỉ canh tân và Thánh hóa những yêu tố có tính chất nhân loại trong bản tính mình, để nên tốt đẹp và thành công hơn.
Mọi thay đổi của Giáo Hội đều được nghiên cứu thận trọng và dựa trên tiêu chuẩn: Để Chúa được yêu mến hơn và nhân loại được thương yêu nhau hơn.
Thế thì có gì phải hoang mang.
Đã hẳn, Giáo Hội trung ương, cũng như địa phương, có thể sai lầm trong những quyết định thay đổi. Nhưng bao lâu tôi không đủ bằng cớ chắc chắn và rõ rệt để chứng minh việc này việc nọ của Giáo Hội là sai lầm, thì những hoang mang của tôi phải kể như thiếu nền tảng chính đáng.
Tôi tin Chúa Thánh Linh hiện diện trong Giáo Hội. Tôi tha thiết cầu xin cho Giáo Hội tôi. Lòng tin mến của tôi đối với Giáo Hội phải tăng thêm vì những hoang mang này chứ không ngược lại. Hoang mang phải trở thành một niềm thao thức cùng nhịp với hồn thiêng Giáo Hội.
Lạy Chúa, xin giúp con biết lợi dụng những hoang mang của con đối với Giáo Hội để con càng thêm tin yêu Giáo Hội và càng hăng hái dấn thân hơn cho Giáo Hội của Chúa và cũng là của con.
ĐGM Bùi Tuần