NÓI VỚI CHÍNH MÌNH _ cơ cấu thái độ cần tiền

CƠ CẤU THÁI ĐỘ CẦN TIỀN
  Đối với tiền, người ta có nhiều thái độ. Nhưng cần tiền là thái độ được coi là thông thường nhất. Hiểu nó, có lẽ sẽ dễ hiểu các thái độ khác.
  Muốn biết, phải phân tách. Khi phân tách thái độ cần tiền, ta gặp hai yếu tố hiển nhiên, đó là con người như chủ thể và tiền như đối tượng. Cặp đôi này chưa cắt nghĩa được gì vì nó chưa phải là tất cả. Một ví dụ sẽ nâng đỡ những suy tư trừu tượng:
  Lúc nãy tôi đang ngồi ở bàn giấy, một người tới thăm. Họ tặng tôi 20.000 đồng. Cử chỉ hào hiệp của người khác làm tôi vui sướng. Tôi tính sẽ dùng tiền đó để mua sách. Nhưng sau nghĩ lại, tôi nhất định lấy tiền đó mua thuốc và gạo cho một người nghèo. Hy vọng họ sẽ khỏi bệnh. Họ sẽ có thể đi làm lại, gia đình họ sẽ bớt lo âu. Mấy đứa con họ may ra có thể tiếp tục học hành. Nhận được sự giúp đỡ này chắc họ vui lắm.
  Trước mắt tôi bây giờ là số tiền nói trên chỉ là một xấp giấy 500. Nhưng rõ ràng là tôi không nhìn vào xấp giấy đó như những tờ giấy có hình, có màu, có số. Tôi nhìn vào giá trị của nó. Gía trị của nó, là một thứ giá trị kinh tế, có thể mua một thứ đồ vật tương đương. Tôi nhìn vào giá trị này, nhưng để rồi lại vượt qua ngay. Vì đàng sau gói thuốc, bao gạo đã có những giá trị khác mà tôi nhắm tới. Đó là sự phục hồi sức khỏe của người bệnh. Tôi lại nhìn xa hơn giá trị đó nữa. Cái nhìn của tôi lướt từ giá trị này đến giá trị khác, để rồi nhòa đi trong một chân trời tương lai hạnh phúc hiện lên mơ hồ.
  Tôi coi mỗi giá trị tôi nhắm tới như một cái mốc để thể hiện đường đi lên. Nếu đạt được cái nào tôi sẽ mừng lắm. Nhưng tôi vẫn cảm thấy nó tương đối, tạm thời. Trong thỏa mãn như đã có mầm bất mãn. Thỏa mãn vì đạt được. Bất mãn vì chưa đủ. Mỗi giá trị đạt được lại gọi tới những giá trị khác xa hơn. Chung quy, chẳng qua những giá trị đó chỉ là những hình thức tôi coi như phần mảnh để xây dựng một hạnh phúc. Hạnh phúc lý tưởng này sẽ là đích điểm, nhưng đã là động lực thúc đẩy tôi đi từ khởi điểm của chuỗi dài các giá trị nối tiếp nhau.
  Như thế, trong thái độ cần tiền của tôi không những chỉ có sự đối chiếu giữa tôi là chủ thể và tiền là đối tượng, mà ngay trong chính đối tượng cũng đã có nhiều sự đối chiếu, đối chiếu giữa sự tôi mơ ước sẽ có, đối chiếu giữa thế giới thực tại với thế giới mơ ước của tôi mà tôi dự tính xây dựng bằng tiền, và đối chiếu chúng với hạnh phúc lý tưởng sau cùng.
  Tất cả những tương quan giữa các đối tượng đó được giàn trải ra trước ý thức, để chờ lựa chọn. Lựa chọn là việc của ý chí. Ý chí hành động một cách tự do không gì cưỡng bách được nó. Tuy nhiên sự lựa chọn của ý chí tự do không phải là hoàn toàn đứng ngoài mọi ảnh hưởng.
  Ảnh hưởng trực tiếp là lý trí. Lý trí phán đoán về đề nghị lựa chọn. Lý do đề nghị thường là những gì thực tiễn theo hoàn cảnh chính lúc đó và ngay chỗ đó, chứ không phải luôn luôn là những lý do xét theo lý thuyết và nguyên tắc bất định. Những lý do thực tiễn đó rất phức tạp, nào lý, nào tình, nào khách quan, nào chủ quan.
  Chính trong việc lý trí đề nghị và phán đoán đã có nhiều động lực ngầm hoạt động trong tôi, để những lý do đưa ra trở nên những lý do có tính cách quyết định. Những động lực đó là khuynh hướng, đam mê, tình cảm, tập quán... Chúng ngầm kéo lý trí và ý chí coi trọng lý do này, coi nhẹ lý do kia, để rồi sau cùng ý chí tự do của tôi sẽ lấy một lựa chọn theo chiều hướng của những lý do thực tiễn đó. Lựa chọn tự do, phải, nhưng là một tự do dấn thân trong hoàn cảnh.
ĐGM Bùi Tuần