NHỮNG MÓN QUÀ CỦA BA ĐẠO SĨ
Maranatha
Giáng sinh lại về. Thời gian này, người ta nghĩ đến việc mua quà tặng nhau. Quà Giáng Sinh đã trở thành một thứ không thể thiếu để bày tỏ tình cảm của những người thương mến nhau, dù họ có đặt niềm tin vào Thiên Chúa Giáng Trần hay không.
Thế nhưng, người ta quên mất rằng những món quà đầu tiên ngày Giáng Sinh là của ba đạo sĩ dâng lên Hài Nhi Giêsu. Và kể từ đó, những đạo sĩ khác tiếp tục dâng lên Hài Nhi Giêsu những món quà nho nhỏ... Không phải dâng lên Hài Nhi nhập thể ở chuồng bò Bêlem, mà nhập thể lại từng ngày trong những con người quanh ta, đặc biệt là những người nghèo nàn, thiếu thốn, cô đơn. Nếu ta tinh ý một tí, ta sẽ gặp lại nhiều đạo sĩ ấy.
Và sau đây là ba trong số bao nhiêu đạo sĩ của ngày nay đang dâng những món quà Giáng Sinh đầy ý nghĩa. Độc giả sẽ thấy rằng trang phục của họ không giống các vị đạo sĩ xưa kia, nhưng tấm lòng của họ thì vẫn như thế. Maranatha sưu tầm và chuyển ngữ để trao lại độc giả như món quà Giáng Sinh năm nay, với lòng mong ước rằng người đọc những mẩu chuyện này sẽ tự biến mình thành đạo sĩ thứ tư.
NGƯỜI ĐẠO SĨ THỨ I
Một buổi tối trong mùa Giáng Sinh, một cậu bé độ sáu bảy tuổi đứng trước một cửa hàng. Cậu bé không mang giày và quần áo thì tơi tả. Một phụ nữ trẻ đi ngang qua, nhìn thấy em và đọc được ước mơ trong đôi mắt của em. Cô nắm tay em đưa vào cửa hàng. Cô mua cho em một đôi giày và một bộ đồ mới.
Khi ra lại ngoài đường, người phụ nữ nói với em: “Bây giờ cháu có thể về nhà và sống những ngày Lễ Giáng Sinh thật vui nhé!”
Em bé nhìn lên hỏi cô: “Cô ơi! Cô có phải là Chúa không?”
Người phụ nữ mỉm cười nói: “Không em à. Cô chỉ là một trong những người con của Chúa thôi!”
Cậu bé thốt lên: “Em biết ngay mà! Em biết là cô có họ hàng với Chúa mà!”
Dan Clark (Are you God?)
NGƯỜI ĐẠO SĨ THỨ II
Một cậu bé từng mong gặp được Chúa. Cậu nghĩ rằng đường đến gặp Chúa hẳn là xa, nên cậu bỏ vào ba-lô nhiều hộp bánh, vài lon nước ngọt và bắt đầu lên đường.
Khi cậu đi được vài ô nhà, cậu thấy một bà lão. Bà ngồi trên ghế đá công viên nhìn những con chim bồ câu đang vui đùa. Cậu bé đến ngồi cạnh bà và mở ba-lô ra. Cậu định lấy một lon nước ngọt để uống, nhưng khi thấy bà lão có vẻ đói, cậu tặng bà vài chiếc bánh. Bà nhận lấy và mỉm cười với cậu.
Nụ cười bà thật tươi nên cậu muốn nhìn thấy một lần nữa, vì thế cậu tặng thêm bà lon nước ngọt. Bà lại mỉm cười và cậu bé cảm thấy sung sướng.
Họ ngồi cạnh nhau suốt buổi chiều mà chẳng nói với nhau một lời.
Khi hoàng hôn xuống, cậu bé thấm mệt nên muốn về nhà. Cậu đứng đậy bước đi vài bước, rồi bỗng quay mặt chạy lại cạnh bà lão, ôm hôn bà. Bà mỉm cười với cậu với khuôn mặt rạng rỡ hơn bao giờ hết.
Về đến nhà, mẹ cậu ngạc nhiên vì thấy cậu thật vui. Bà hỏi: “Cái gì hôm nay làm con vui như thế?” Cậu đáp: “Con đã ăn trưa với Chúa.” Mẹ cậu chưa kịp phản ứng thì cậu đã nói thêm: “Mẹ biết không? Chúa có một nụ cười dễ thương nhất trên đời!”
Trong khi đó bà lão cũng về đến nhà, gương mặt rạng rỡ niềm vui. Con của bà ngạc nhiên nhìn gương mặt tươi rói của bà. Cô hỏi: “Mẹ ơi, điều gì hôm nay làm mẹ vui như thế?” Bà đáp: “Mẹ đã ăn bánh với Chúa ngoài công viên!” Người con chưa kịp phản ứng gì thì bà nói tiếp: “Con biết không? Chúa trẻ hơn là mẹ nghĩ nhiều!”
Julie A. Manhan (An Afternoon in the Park)
NGƯỜI ĐẠO SĨ THỨ III
Thoạt nhìn, bà ta cũng giống như bất cứ một bà lão nào khác. Bước đi chậm chạp trên tuyết, một mình, xơ xác, đầu cúi gục. Những người qua lại trên hè phố đông người ngoảnh mặt đi, ít ra là bà cũng nhắc họ rằng đau khổ không hề tạm dừng trong mùa Giáng Sinh
Một đôi vợ chồng trẻ, cười cười nói nói, tay ôm đầy quà Giáng Sinh, không để ý đến bà lão kia.
Một người mẹ hối hả đưa hai đứa con về thăm bà ngoại. Họ cũng không để ý đến bà.
Một mục sư chững chạc bước đi, tay phải cầm chặt quyển Kinh Thánh, như một chiến sĩ cầm vũ khí. Nhưng đầu óc ông đang nghĩ đến những sự trên trời, nên ông cũng không màng lưu ý đến bà.
Nếu những người ấy lưu ý, hẳn họ thấy rằng bà lão không mang giày. Bà đi chân không trên tuyết và nước đá.
Hai bàn tay bà nắm chặt vào cổ áo đứt nút để che cho khỏi gió. Bà đừng lại và đứng lom khom ở trạm xe buýt. Đầu bà quấn một chiếc khăn màu đỏ xanh. Bà đứng chờ xe buýt để đi vào trung tâm thành phố.
Một người đàn ông lịch lãm, tay cầm chiếc cặp da, đứng cạnh bà, nhưng không quá gần. Biết đâu bà chẳng mang một bệnh truyền nhiễm.
Một em thiếu nhi cũng chờ xe buýt. Em nhìn đi nhìn lại chân của bà lão, nhưng không nói tiếng nào.
Xe buýt đến và bà lão chậm chạp, khó khăn bước lên. Bà ngồi trên ghế ngang cạnh người lái xe. Người đàn ông và cậu bé đi vội xuống phía dưới. Người đàn ông ngồi cùng ghế với bà lắc lư khó chịu và xoay mấy ngón tay. “Cái bà già!” ông nghĩ thế!
Người lái xe nhìn thấy chân không của bà, bèn nghĩ: “dân vùng này càng ngày càng nghèo thêm. Tôi ghét nhìn cảnh này, tôi sẽ thích hơn ngày nào họ cho tôi lái tuyến đường Đại Học.”
Một cậu bé chỉ vào bà lão. ”Mẹ ơi! Nhìn kìa, bà già kia đi chân không”
Người mẹ bối rối nắm tay con kéo xuống: “Andrew! Đừng chỉ tay về người khác. Như vậy là không lịch sự.” Rồi bà nhìn ra cửa sổ.
“Bà này hẳn có con lớn chứ!” một phụ nữ mặc áo lông cừu thốt lên. “Con bà chắc phải xấu hổ vì bà!” Phụ nữ này cảm thấy hãnh diện vì cô chăm sóc mẹ mình đàng hoàng.
Một cô giáo ngồi ở giữa xe siết chặt gói quà trên đùi mình. Cô nói với người bạn ngồi bên cạnh: “Chẳng phải là mình đã trả đủ thuế để lo cho những trường hợp này sao?”
Cô bạn trả lời “Đấy là sai lầm quản trị của phe Cộng Hòa; họ ăn cắp của người nghèo để cung cấp cho người giàu”. Một ông tóc muối tiêu can thiệp: “Không phải đâu! Đấy là do phe Dân Chủ. Các chương trình an sinh xã hội của phe Dân Chủ biến người ta thành kẻ lười biếng và cầm tù người ta trong cái nghèo!”
Một cậu sinh viên ăn mặc bảnh bao lên tiếng: “Người ta phải học cách tiết kiệm! Nếu bà già này biết tiết kiệm từ hồi còn trẻ, thì bây giờ bà đâu khổ đến thế. Lỗi là do bà ta thôi!”
Tất cả những người ấy cảm thấy tự hào vì mình đã phân tích tình huống thật sắc sảo.
Tuy nhiên, một thương gia có lòng cảm thấy xúc phạm vì sự thờ ơ của các người cùng xe với mình. Ông mở ví rút ra một tờ 20 đô-la nhăn nheo. Ông khẳng khái bước lên và đặt tờ giấy bạc trong bàn tay run run của bà lão. “Bà ơi, tặng bà để mua giày nè.”
Bà lão gật đầu cám ơn. Người thương gia lui về ghế ngồi, hài lòng vì thấy rằng mình là một người biết biến lòng trắc ẩn thành hành động.
Một phụ nữ Kitô giáo nhìn thấy mọi sự. Cô bắt cầu cầu nguyện thinh lặng. “Lạy Chúa, con không có tiền. Con không thể nào giúp được bà ấy. Nhưng lạy Chúa, con có thể dâng lên Chúa những nhu cầu của con người. Con biết Chúa đầy lòng yêu thương. Chúa làm được những điều bất khả. Xin Chúa hãy tỏ hiện vinh quang Người trên bà lão này. Xin cho đôi giày rơi xuống từ trời như man-na xưa, để cho bà lão này có được đôi giày mừng Giáng Sinh.” Và người phụ nữ cảm thấy mình biết sống đời cầu nguyện.
Đến trạm tiếp theo, một cậu thanh niên lên xe. Cậu mặc một chiếc áo gió màu xanh, thắt một khăn choàng màu nâu quanh cổ, đầu đội chiếc mũ xám che phủ đôi tai. Một sợi dây nghe nhạc chạy luồn dưới nón vào tai nối liền với một máy nghe walkman. Cậu lắc lư thân mình theo điệu nhạc mà chỉ một mình cậu nghe. Cậu trả tiền vé rồi buông người xuống đối diện với bà lão.
Nhìn thấy đôi chân không của bà, cậu ngưng lắc lư. Cậu thẳng người bất động. Cậu đưa mắt nhìn chân bà rồi nhìn chân mình. Cậu mang một đôi giày hiệu, đắt giá, mới toanh. Hẳn cậu đã phải đề dành khá lâu với đồng lương ít ỏi để mua đôi giày ấy. Bạn bè trong nhóm chắc sẽ cho rắng cậu rất ‘bảnh’ khi mang đôi giày này.
Cậu cúi mình xuống, tháo dây giày. Cậu cởi đôi giày mới, cởi đôi vớ đang mang rồi quỳ xuống dưới chân bà lão. “Má ơi! Con thấy má không có giày. Còn con thì có đây!” Dịu dàng, anh nhè nhẹ nâng đôi chân khẳng khiu của bà lão lên. Anh mang vớ và giày của anh vào chân bà. Bà lão gật đầu cám ơn.
Xe buýt dừng lại ở một trạm kế tiếp. Cậu thanh niên xuống xe. Hành khách trên xe chồm theo nhìn cậu ta bước đi chân không trên tuyết.
Một người hỏi: “Anh ta là ai vậy hả?”
Một người khác đáp: “Chắc là một ngôn sứ!”
Người khác lên tiếng: “Hẳn là một ông thánh”
Có người hô to lên: “Xem kìa! Có ánh hào quang trên đầu anh ta”
Người phụ nữ Kitô giáo bảo: “Anh ta chắc là Con Chúa.”
Nhưng cậu bé từng chỉ tay vào bà lão lại nói: “Không phải đâu mẹ ơi! Con nhìn kỹ anh ấy rồi... Anh ấy chỉ là một người thôi!”
Earnest Thompson (Only A Man)
Thuở ban đầu, nhân loại đã được dựng nên theo hình ảnh Chúa, giống như Chúa. (x. St 1,26). Thế nhưng sự tự cao tự đại đã tước đoạt khỏi con người các đặc tính thần linh. Từ đó, cùng với mọi người, tôi mất quyền làm chủ, và trở nên nô lệ, nô lệ cho mọi sự, nô lệ cho chính mình.
Hôm nay, chính Chúa đã hạ mình trở nên nô lệ theo hình ảnh con người, giống như con người, để trong thân phận con người yếu hèn đó mà Chúa đồng hành với tôi, Chúa dẫn đầu, là động lực và là kiểu mẫu cho tôi bước vào sự tự do hoàn hảo của tình yêu, bước vào sự sống của Chúa, bước vào hạnh phúc muôn đời Chúa đã dành sẵn cho tôi từ khi tạo thiên lập địa.
Trong ngày sau hết, tình yêu cũng là tiêu chí Chúa dùng để phân định những ai chọn Chúa làm hạnh phúc muôn đời: "Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, (...) Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: "Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han."
Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: "Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc?Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu?"
Đức Vua sẽ đáp lại rằng: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy." (Mt 25,31-40)