Hiển thị các bài đăng có nhãn nvcm. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn nvcm. Hiển thị tất cả bài đăng

NÓI VỚI CHÍNH MÌNH _ từ cần tiền đến mê tiền

TỪ CẦN TIỀN ĐẾN MÊ TIỀN
  Tiền không bao giờ nói. Nhưng bao giờ cũng có tiếng nói của tiền. Tuy nhiên nói chưa nhiều bằng nghĩ. Mấy gia đình đã không có những người nghĩ đến tiền dù chỉ trong một buổi.
  Tiền chẳng cần ai, nhưng ai cũng cần tiền. Cần mà không dễ có. Muốn có phải lo tìm. Tìm hoài vẫn thường chẳng đủ. Không đủ nên mới lại càng cần. Cái vòng luẩn quẩn đó dắt con người lại làm quen với tiền. Làm quen rồi quen thuộc. Quen thuộc dẫn tới quen thân. Cứ thế, đồng tiền ung dung đi vào cuộc đời con người bằng đủ mọi đường, mọi ngã.
  Tiền là vật chất, nhưng nó không là một sự vật như mọi sự vật khác. Dù rách, dù hôi, nhưng nó vẫn được mọi người quý trọng. Dù đẹp, dù xấu, nó vẫn được người ta dành cho nhiều tình cảm. Phải chăng tương quan giữa người và tiền có gì đặc biệt? Nếu không, làm sao hiểu được đặc ân đó. Tương quan cắt nghĩa thái độ, cũng như thái độ, được thành hình trên những tương quan. Thắc mắc đó xuất hiện như một thách thức. Nó dừng ở cuối đường hiện tượng của tiền, chờ đợi ai muốn nhìn sâu vào thế giới đó. Thắc mắc đó không báo hiệu những khám phá dễ dàng. Tuy nhiên, cứ đi vẫn hơn là dừng. Được chừng nào hay chừng đó, có còn hơn không. Biết đâu một vài kết quả khiêm tốn cũng góp được phần nào vào việc hiểu biết những khía cạnh quan trọng của vấn đề tiền.
ĐGM Bùi Tuần

NÓI VỚI CHÍNH MÌNH _ lịch sự

LỊCH SỰ
  Có những con đường tự hình thành. Nó không được phác họa theo họa đồ, một chương trình. Nó không được kiến thiết do một kỹ sư, một tổ chức. Nó hình thành dần dần. Ban đầu một số người đi theo lối đó. Rồi nhiều người cũng đi theo lối đó. Đi nhiều thành đường.
  Hồi xưa, phần lớn đường xá được hình thành theo cách đó. Bây giờ, những đường như thế vẫn còn thấy ở các xóm ngõ, nhất là tại miền quê. Khi xã hội tiến triển và nhu cầu liên lạc gia tăng, nhiều đường mòn được xã hội chỉnh trang, mở rộng và đặt vào một hệ thống. Thế rồi hệ thống đường sá trở thành một thứ luật cho sự di chuyển.
  Lịch sự cũng giống như đường đi. Nó thành hình dần dần. Ban đầu còn thô sơ, sau trở thành những hình thức tinh tế tùy theo tiến triển của văn minh. Nó là những thái độ khởi sự từ những hành vi tự phát và hồn nhiên. Dần dần những hành vi đó được tinh luyện và phổ biến. Rồi trở thành tục lệ. Tục lệ cũng có giá trị như một thứ luật.
  Lịch sự hiện nay là một hệ thống những hình thức được xã hội thỏa thuận chấp nhận như những con đường liên lạc giữa người với người, tùy theo tính chất những tương quan.
  Vì lịch sự là những hình thức đã được xã hội thỏa thuận, nên tôi tự buộc mình giữ những hình thức đó. Những hình thức đó là những con đường liên lạc. Nếu không theo đường đó, tôi sẽ khó tới được tha nhân. Thí dụ: Chào hỏi lễ phép là một hình thức, nhưng nếu tôi muốn thoát mọi hình thức lịch sự để không chịu chào người trên của tôi, hay chào một cách xấc xược, thì giữa tôi và vị đó ít còn đường liên lạc hay chỉ có liên lạc mà không liên kết.
  Vì lịch sự là những hình thức kính trọng bề ngoài diễn tả một thái độ bên trong, nên tôi không thể khước từ những hình thức đó. Con người có hồn, nhưng cũng có xác. Con người là con xã hội. Bên trong không đủ phải có bên ngoài. Nội tâm của tôi ai biết được. Kính trọng, biết ơn, yêu mến là những tâm tình phải chứng minh. Chứng minh ít nhất cũng bằng một thái độ đọc được ý nghĩa. Vì lịch sự là đặc điểm của con người có giáo dục, nên tôi không coi thường. Không ai bảo cái máy vô lễ. Không ai trách con vật thất lễ, vì chúng không có ý thức, không có ý chí tự do để lựa chọn thái độ. Còn tôi là người. Gíao dục đưa tôi từ chỗ là người đến chỗ làm người và nên người. Nếu tôi vô lễ, người ta có quyền cho tôi thiếu giáo dục. Đó không phải là một lời khen.
  Vì lịch sự là bông hoa thơm đẹp của giống người, nên tôi không thiếu sót. Bông hồng cài áo làm đẹp cho người mặc. Nhưng tôi phải mua, phải kiếm mới có. Còn bông hoa lịch sự tôi có thể tự làm lấy ngay tại mình tôi. Một cử chỉ nhã nhặn, một lời chào lịch thiệp, một câu cảm ơn chân thành, một thái độ trọng kính, một cách đi đứng ăn nói đoan trang. Tất cả đều là những bông hoa làm đẹp cho người có nó. Không đẹp vì nhan sắc, không đẹp vì áo quần, nhưng đẹp vì lịch sự, thì vẫn là một thứ đẹp đáng mến đáng kính. Có sắc đẹp nhưng không có lịch sự, thì chỉ là một thứ đẹp dễ coi, nhưng không dễ kính.
  Khi tôi giữ lịch sự, tôi phải chân thành. Ngoài sao, trong vậy. Nhưng nếu trường hợp bên trong tôi không ưa thích, tôi nên có thái độ trong sao ngoài vậy không? Có lúc tôi muốn lựa chọn thái độ đó, vì tôi cho thế là thành thật. Nhưng nghĩ lại tôi thấy không được. Lịch sự cũng như các lễ nghi. Nó gồm những dấu bề ngoài. Vấn đề đặt ra cho tôi chỉ là có phải giữ lịch sự và những dấu đó không. Một khi tôi thấy phải giữ, thì tôi phải điều chỉnh nội tâm của tôi sao cho ăn hợp với các dấu bề ngoài đó. Sự thành thật tôi phải có ở đây là làm sao thái độ bên trong tâm hồn tôi cũng đẹp như thái độ lịch sự bên ngoài. Lịch sự phải thành thật. Nhưng thành thật cũng phải lịch sự.
  Khi tôi giữ lịch sự tôi rất cần tinh thần bác ái. Lịch sự là một cách đối xử dựa trên sự tôn trọng và yêu mến tha nhân. Sẽ không có lịch sự, nếu không biết dể ý làm vui lòng người khác. Nhiều lúc việc đó đồi hỏi phải tự chế, hy sinh. Lịch sự là một thứ kỷ luật. Lịch sự là một sự cho đi. Có tinh thần bác ái, lịch sự sẽ trở thành một khía cạnh của nhân đức thương yêu.
  Đừng cho lịch sự là không quan trọng. Có những người đáng lẽ đã thành công, nếu biết ăn ở lịch sự hơn chút nữa. Có những người tài thông giỏi, lương thiện, nhưng chẳng được mấy ai ưa, chỉ vì thiếu lịch sự. Có những thất bại lớn chỉ vì một thất lễ nhỏ. Được cảm tình, hay bị ác cảm, một phần cũng do lịch sự, hay không lịch sự.
  Càng lớn càng cần lịch sự. Nhưng không mấy ai dám giảng lịch sự cho người lớn. Hình như đó là một thái độ lịch sự. Nhưng đó cũng là một đợi chờ tự giác.
Tôi có hay tự xét và tự sửa không?
ĐGM Bùi Tuần

NÓI VỚI CHÍNH MÌNH _ hòa bình bắt đầu xây dựng từ đâu


HOÀ BÌNH BẮT ĐẦU XÂY DỰNG TỪ ĐÂU
“... Bình an dưới thế cho người thiện tâm’’
Lời kinh của thiên thần trong đêm Giáng Sinh đã trở thành đầu kinh “ Vinh Danh’’ trong Thánh Lễ.
Lời ca đó, tôi nghe và đọc hoài từ nhỏ tới giờ, không biết đã mấy chục ngàn lần.
Còn nhỏ, tôi đã đọc những lời đó giữa những tin của đại chiến.
Lớn lên, tôi đọc lời đó giữa cảnh đấu tranh Cách Mạng Mùa Thu.
Trưởng thành, tôi đọc lời đó trong khói lửa chinh chiến và hôm nay tôi đọc lời đó bên một chân trời còn vang tiếng súng.
Bình an đâu?
“Bình an dưới thế cho người thiện tâm’’.
Càng nghe tôi càng thấy lòng chua xót. Chua xót như phải nhìn một bất lực của thiện chí, như chứng kiến sự thắng thế của bạo tàn.
Tôi muốn oán thù những người đã gây nên cuộc chiến.
Tôi muốn tiêu diệt những người gieo rắc đau thương.
Tôi coi họ là những người phá hoại hòa bình.
Nhưng, chính trong cảm nghĩ đó tôi mới chợt nhìn thấy rằng: Nếu tôi oán thù, nếu tôi căm giận, nếu tôi ước muốn tiêu diệt kẻ khác thì chính tôi lại là người đang mất bình an, đang phá hoại hòa bình.
Thì ra trách nhiệm đánh mất sự bình an không phải bắt đầu tìm ở nơi người khác, mà phải bắt đầu tìm ở trong tôi. Khởi điểm xây dựng hòa bình là chính lòng tôi.
Xây dựng làm sao đây?
Thiên Thần bảo: Có thiện tâm sẽ có hòa bình.
Thiện tâm là tôn trọng công lý. Nghĩa là chu toàn bổn phận đối với Chúa và tha nhân.
Thiện tâm là biết yêu thương. Thương yêu là cho đi sự tốt lành bằng ước muốn, thái độ, việc làm và tiền của. Và vì thương yêu là cho đi sự tốt lành, nên tôi phải biết tha thứ, chịu đựng, phải biết thông cảm, không được phán đoán xấu cho ai, không được nói hành, nói bôi lọ một ai.
Do đó, thiện tâm đòi hỏi phải khiêm nhường như trẻ thơ vô tội, không ác ý, thù hằn, không kiêu căng, ích kỷ.
Chúa Giêsu Hài Đồng trong máng cỏ là hình ảnh bình an, vì Ngài bé nhỏ, vì Ngài khiêm nhường.
Tôi phải bắt chước Ngài. Và tôi phải bắt đầu xây dựng ngay tại lòng tôi.
Lạy Chúa, xin giúp con biết cố gắng tự thắng chính mình, tự thắng ích kỷ và kiêu căng để thực hiện công lý và tình thương, xây nền cho hòa bình chân chính.
ĐGM Bùi Tuần 

NÓI VỚI CHÍNH MÌNH _ nói xấu

NÓI XẤU
  Ngay từ khi hồi nhỏ, tôi đã được sách giáo khoa dạy rằng: không gì tốt bằng cái lưỡi, nhưng cũng không gì xấu bằng cái lưỡi.
   Hồi đó, tôi không hiểu lắm. Nhưng dần dần càng đi sâu vào đời, tôi càng nghiệm thấy đúng.

NÓI VỚI CHÍNH MÌNH _ người khác


NGƯỜI KHÁC
  Một triết gia xưa đã nói: “Người đối với người thật chó sói’’. Tư tưởng đó còn được diễn tả tệ hơn nơi một triết gia hiện đại: “ Địa ngục chính là những kẻ khác’’.
   Theo tính tự nhiên có lúc tôi cũng chủ trương như thế. Đúng lắm, kẻ khác chỉ là chó sói rình rập cắn tôi. Họ chỉ là địa ngục làm khổ tôi.
   Nhưng nghĩ lại, tôi thấy nói như vậy là quá đáng. Tôi không chối rằng thực sự bao người vô tình hay hữu ý làm khổ tôi. Nhưng không phải vì thế mà tôi được quyền xét đoán và kết án họ.
   Các sách thần học luân lý dạy tôi rằng: chỉ trong những trường hợp tôi đủ ba điều kiện sau đây mới được xét đoán:
* Khi có quyền xét đoán.
* Khi biết rành mạch việc phải xét đoán.
* Khi hoàn toàn sạch mọi thiên kiến.
   Nhưng mấy khi tôi có đủ ba điều kiện ấy cùng một lượt.
   Ngoài những trường hợp hiếm hoi do chức vụ đòi hỏi, Chúa cấm tôi xét đoán và kết án bất cứ ai. “Các con đừng xét đoán để khỏi bị đoán xét. Các con đừng kết án để khỏi bị kết án’’ (Mt 7,1)
   Thực Chúa khôn ngoan vô cùng. Ngài cấm tôi điều đó vì Ngài thương tôi. Ngài quá biết những xét đoán dông dài thường phát xuất bởi những nguyên nhân xấu và hay dẫn tới những kết quả xấu.
   Nguyên nhân xấu thứ nhất là lòng xấu. Về điểm này Đức Cha Fulton Sheen dã đưa ra một nhận xét táo bạo. Ngài nói: “Người nào hay xét đoán xấu cho người khác tội gì thường là dấu chính người đoán xét có khuynh hướng ngầm nghiêng ngả rất mạnh về tội đó’’. Nhận xét tâm lý này làm tôi sợ quá. Thì ra, khi tôi nghĩ cho một điều xấu nào thì chắc chắn người đó đã có điều xấu ấy, nhưng hầu chắc chính tôi lại có tính ham điều xấu ấy. Sự tôi xét đoán đã vô tình cáo tôi. Mà thực không, vì tư tưởng con người thường là sắc thái của khuynh hướng con người.
   Nguyên nhân xấu thứ hai là thiếu lòng mến Chúa. Lòng người đạo đức thánh thiện thường đơn sơ và bao dung. Họ chỉ biết mình và biết Chúa. Họ không dám nghĩ xấu cho ai. Hơn nữa họ còn cắt nghĩa lành cho kẻ khác. Trong Phúc âm , hạng người hay xét đoán và hay kết án người khác không phải là ai khác ngoài Pharisiêu, mà Pharisiêu ai cũng biết là họ thế nào.
   Nguyên nhân xấu thứ ba là tính kiêu ngạo. Xét đoán ai tức là đặt mình lên trên họ. Mà có ai đặt tôi lên chức đó đâu. Chính mình tôi đặt tôi lên. Và đâu có phải vì lý do bác ái. Thường chỉ vì kiêu ngạo muốn coi mình hơn kẻ khác.
   Những xét đoán sinh bởi những nguyên nhân xấu không thể nào sinh được kết quả tốt.
   Kết quả xấu thứ nhất là tôi dễ sai lầm. Mỗi người là một vũ trụ huyền bí. Ngay chính mình tôi mà tôi cũng chẳng rõ. Người khác cũng khó hiểu được tôi. Thế thì tại sao tôi lại tưởng tôi phán đoán đúng được người khác. Đến như tòa án với tất cả những phương pháp khoa học mà vẫn còn có thể lầm, phương chi tôi. Tốt, xấu con người tùy thuộc rất nhiều yếu tố. Thẩm định được chính xác là một điều quá khó. Phần vì trí khôn tôi nhỏ hẹp. Phần vì tôi dễ bị ảnh hưởng của thiên kiến, tính xấu, tình cảm, dư luận chi phối. Nên xét đoán người khác là một mạo hiểm nhiều khi vô ích, lại vừa bất công.
   Kết quả xấu thứ hai là làm tổn thương sự bình an của tâm hồn tôi và tâm hồn kẻ khác. Thực tế, khi tôi nghĩ xấu cho ai, thì tất nhiên tôi cho họ là không tốt. Ý nghĩ đó sẽ gây trong tôi một tình cảm bất kính và bớt tín nhiệm đối với họ. Có thể tôi sẽ dễ khinh họ, coi rẻ họ, dè dặt với họ. Có một cái gì làm tôi xa họ. Thế rồi khi gặp họ hoặc là tôi sẽ có thái độ bất kính đối với họ đúng như lòng tôi bên trong vốn nghĩ, hoặc là tôi sẽ cố gắng tạo một thái độ giả đối bôi bác bề ngoài. Cả hai cách đó cùng làm tôi mất mát và cùng làm đau lòng cho kẻ bị tôi xét đoán.
   Kết quả xấu thứ ba là làm cho tôi không biết rõ sự thật về tôi. Muốn biết rõ về mình thì phải vô tư, thận trọng và khiêm tốn. Nếu tôi quen xét đoán càn cho người khác thì đâu tôi có những đức tính đó. Không lo xét mình, mà cứ lo xét người khác, đó là một đặc điểm của Pharisiêu.
   Kết quả xấu thứ bốn là tôi sẽ bị Chúa xét xử nghiêm ngặt. Có lần Chúa đã nói rõ những gì tôi làm cho người khác, thì Chúa kể như làm cho chính Chúa. Như thế, khi tôi xét xấu cho người khác, thì tôi lỗ chắc chắn rồi. Trái lại, nếu tôi không xét đoán ai thì tôi sẽ được lời to lớn. Chúa hứa chắc chắn rằng: “đừng xét đoán, để khỏi bị xét đoán’’. Chúa đã hứa thì Chúa sẽ giữ lời. Tôi biết tôi nhiều tội quá. Nhưng Chúa đã cho tôi một lối thoát. Tôi sẽ lợi dụng lối thoát đó.
   Lạy Chúa, từ khi con không xét đoán ai, con thấy lòng con nhẹ nhàng thư thái. Con dễ biết mình và biết Chúa. Con dễ vui vẻ và yêu mến mọi người. Nhất là con thực sự an lòng như nắm chắc một bảo đảm vô giá. Vâng, con biết con chẳng trong sạch gì. Nhưng con tin vào lời Chúa hứa: “Con không xét đoán ai, thì Chúa cũng không xét đoán con’’. Lạy Chúa, xin giúp con giữ trọn điều con dốc lòng.
ĐGM Bùi Tuần

NÓI VỚI CHÍNH MÌNH _ yêu thương người tội lỗi


YÊU THƯƠNG NGƯỜI TỘI LỖI
   Tội là điều xấu. Tất cả những gì liên quan đến tội đều xấu, thì dịp tội phải xấu, người phạm tội cũng xấu.
   Mà đã xấu thì không đáng yêu. Phải ghét phải tránh xa. Nên nếu tôi ghét kẻ tội lỗi, thì đâu có gì là nghịch lý!
   Lập luận xem ra đúng. Nhưng nếu tôi muốn thuận lý với tôi, thì tôi phải ghét tất cả mọi người. Vì chẳng ai vô tội hết. Mọi người cũng sẽ phải ghét tôi hết. Vì tôi đâu phải là kẻ sạch tội. Tôi cũng sẽ phải ghét tôi. Mọi người cũng sẽ phải ghét nhau. Vì tất cả đều có tội không nhiều thì ít. Và như thế giữa nhân loại với nhau, sẽ chỉ còn khinh ghét là giây liên lạc hợp lý!
   Đúng thế, tội xấu nên phải ghét. Nhưng kẻ phạm tội, tuy  xấu, nhưng vẫn có bao điều tốt trong nhiều phương diện. Ghét là trái lý tự nhiên, là trái lương tri nhân loại, là trái luật Chúa buộc yêu thương mọi người.
   Chính Chúa đã yêu thương kẻ tội lỗi. Hơn nữa, Người còn dành cho họ một tình yêu đặc biệt.
   Chúa nói: “Ta đến không phải để kêu gọi kẻ công chính, nhưng là để gọi kẻ tội lỗi.’’ (Mt 9, 13).
   Qủa thật, vì yêu thương người tội lỗi Chúa đã giáng trần, mặc lấy thân phận con người mỏng dòn, đã sinh ra khó nghèo, đã sống lầm than và đã chết khổ cực.
   Vì yêu thương kẻ tội lỗi, Chúa đã lập các Bí Tích để cứu chữa, nâng đỡ và nuôi dưỡng họ.
   Tóm lại, cuộc đời Chúa Giêsu là tận tụy cho kẻ tội lỗi.
   Kẻ tội lỗi là ai? Phải kể trước hết là tôi. Tôi tội lỗi hơn bao người, thế mà cũng được Chúa yêu thương rất mực. Tại sao tôi lại không yêu thương kẻ tội lỗi đó như Chúa đã yêu thương tôi.
   Nếu tôi chi rằng họ xấu, thì sao tôi không nhận ra rằng chính tôi cũng xấu, và có lẽ còn xấu vạn lần hơn họ.
   Nếu tôi báo rằng họ chẳng đáng thương thì sao tôi không nhận ra rằng chính tôi kiêu căng, ích kỷ, hay khinh chê kẻ khác mới thực là kẻ chẳng đáng thương.
   Nếu tôi xử tệ với kẻ có tội, thí sao tôi không nhớ rằng tôi cũng sẽ bị Chúa xử lại với tôi như vậy. (Mt 18, 33 - 35).
   Tôi không được phép khinh ghét người có tội. Trái lại, tôi phải yêu thương họ. Nhưng yêu thương cách nào? Tôi phải học nơi Chúa Giêsu.
   Trước hết, tôi thấy Ngài đã bênh đỡ họ. Có bao giờ Chúa đứng về phía Pharisiêu kiêu căng và hay kết án tội lỗi đâu? Chúa chỉ trách mắng hạng người tội lỗi, kiêu căng, cố chấp như Pharisiêu. Còn đối với kẻ tội lỗi yếu đuối thì luôn bênh đỡ.
   Một hôm, đám đông điệu một người đàn bà ngoại tình đến trước mặt Chúa Giêsu và tố cáo rằng: Chị này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Cứ theo luật thì chị này phải ném đá chết. Còn Thầy nghĩ sao?
   Chúa Giêsu bình tĩnh trả lời: “Ai trong các ngươi vô tội, thì yêu cầu ném hòn đá thứ nhất đi’’. Rồi Chúa cúi xuống, lấy ngón tay viết chữ lên nền nhà, không nhìn, không nói với ai. Lúc ngẩng đầu lên, thì chỉ còn chị phụ nữ đứng đó. Chúa bảo: “Không ai kết án chị sao? Vậy tôi cũng chẳng kết án chị. Chị về bình an và đừng phạm tội nữa’’ (Gn 8, 1-11).
   Nếu tôi đứng đó, có lẻ tôi cũng hùa theo đám đông, tỏ bộ khinh bỉ và nói những lời chê bai đối với người đàn bà tội lỗi ấy.
   Nhưng Đấng thánh thiện vô cùng lại không khinh chê, ghét bỏ và lên án chị. Trái lại, thái độ của Chúa còn có tính cách bênh đỡ rõ rệt. Trên núi Sọ, tôi thấy tội nhân Do Thái rõ rành rành. Thế màcg còn tìm cách bênh đỡ và cắt nghĩa lành cho họ. Ngài đã cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin tha thứ cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm’’ (Lc 23, 34).
   Nhìn thái độ Chúa, tôi thấy tất cả những thái độ hung hăng hay lên án kẻ khác thường không phản ảnh tinh thần của Chúa. Trái lại, người nào càng Thánh, càng trong sạch thì lại càng giàu tình thương yêu đối với kẻ yếu đuối lầm lạc.
   Tôi thấy Chúa Giêsu hay tiếp xúc đi lại với những người tội lỗi.
   Ông Giakêu là nhân viên thuế vụ có tiếng tham nhũng. Dân chúng thường xa lánh bọn đó, nhưng Chúa Giêsu đã đến thăm gia đình ông. Mà ông có mời đâu! (Lc 19, 1-10)
   Matthêu cũng là người thu thuế bị nhiều điều tiếng. Chúa đến dùng bữa tại nhà ông. Có nhiều người thu thuế khác và xấu nết cùng ngồi đồng bàn với Chúa. (MT 9, 9-13)
   Rồi tại bờ giếng Giacóp, một người đàn bà đang kéo nước lên, bà đã có năm đời chồng và người đang sống chung với bà lại không phải là chồng bà. Chúa Giêsu bước đến và chính Ngài bắt chuyện trước. (Gn 4, 7- 26).
   Cả đến đoàn lũ đông đảo hay lui tới Chúa cũng như những người Chúa hay tới viếng thăm đâu có phải toàn là những người trong sạch. Có thể nói, họ toàn là những người tội lỗi.
   Chúa thì thế, còn tôi thì sao?
   Mặc dầu tôi phải đề phòng, dè dặt, và khiêm tốn, nhưng đừng đạo đức theo kiểu Pharisiêu chủ trương xa lánh kẻ tội lỗi. Đừng muốn sống Phúc âm hơn Chúa Giêsu, kẻo trở thành một đời sống ngoài Phúc âm của Chúa Giêsu.
   Tôi cũng hay bắt chước Chúa năng hy sinh cầu nguyện và tìm mọi cách phục vụ cho họ. Số tội nhân thì vô vàn, mà giờ nào tôi cũng có thể cầu nguyện và hy sinh. Sự góp phần của tôi tuy nhỏ, nhưng cũng cứu được nhiều người sa hỏa ngục. Tôi có thể làm mà không chịu làm, thì làm sao xong mình được trước mặt Chúa.
   Lạy Chúa, Chúa đã yêu thương con là kẻ đầy tội lỗi xấu xa, xin giúp con biết yêu thương mọi người tội lỗi như Chúa đã yêu con.
ĐGM Bùi Tuần

NÓI VỚI CHÍNH MÌNH

GƯƠNG YÊU NGƯỜI
Cứ mỗi lần nghĩ tới dụ ngôn Chúa nói về gương yêu người, tôi lại buồn.
   Có một cái gì như mỉa mai làm tôi hổ thẹn. Có một cái gì cay đắng làm tôi bứt rứt.
   Tôi tưởng rằng khi đưa ra gương bác ái, Chúa sẽ bảo: Hãy bắt chước thầy cả này, người giáo hữu kia. Nhưng Chúa lại bảo: Hãy bắt chước gương người ngoại đạo!
   Không những thế, Chúa còn đem ra đối chiếu ba thái độ: Một của thầy cả, một của người quý chức trong đạo và một người ngoại giáo. So sánh lại càng thấy rõ hai vị cao cấp trong tôn giáo kia thua kém xa người ngoại đạo!
   Đây dụ ngôn Chúa kể cho một luật sĩ: “Người kia đi từ Giêrusalem đến Giêricô dọc đường bị sa vào ổ cướp. Chúng lột hết quần áo và đánh nhừ tử, rồi bỏ mặc người nữa chết nữa sống mà đi. Tình cờ một thầy cả nọ cũng xuống theo con đường ấy, thấy người kia, ông liền tránh một bên và đi qua. Cũng một thầy Lêvi đến nơi, thấy thế cũng tránh một bên và đi qua. Song một người Samari đi đường đến gần thấy vậy, liền động lòng thương người ấy. Ông liền lấy dầu và rượu xoa rịt vết thương, lại đặt lên ngựa mình đem về nhà quán mà chăm sóc. Hôm sau, ông trao cho chủ quán hai tiền mà dặn rằng: “Xin săn sóc người này, có tốn kém thêm thì lúc về tôi sẽ trả thêm.’’ Trong ba người đó ông nghĩ ai là kẻ thân cận với kẻ bị cướp? Luật sĩ thưa: Chính kẻ đã thương giúp nạn nhân. Chúa Giêsu phán: “Ông hãy bắt chước như thế.’’ (Lc 10, 29 - 3).
   Càng suy càng thấy đau xót.
   Vị thầy cả chuyên giảng luật Chúa. Nhưng luật căn bản của Chúa là luật bác ái thì Ngài lại không giữ.
   Thầy Lêvi thuộc hạng người thế giá, lại chuyên lo việc đạo, nhưng điều răn chính của đạo là yêu thương thì họ lại không thực hành.
   Còn người Samari mà người Do Thái kể là kẻ ngoại, không nên đi lại tiếp xúc, thì lại thực sự yêu người.
   Ông thực sự yêu người, bởi vì ông đã thực sự cho đi. Yêu thương là cho đi. Ông đã cho đi thời giờ, tiền của, công lao khó nhọc của ông, bàn tay săn sóc của ông, những lời an ủi của ông, những lo lắng của ông đối với nạn nhân chứng tỏ ông đã cho đi rộng rãi tấm lòng yêu thương chân thành của ông. Ông đã cho đi nhiều, nên ông đã yêu thương nhiều.
   Còn hai vị kia có cho gì đâu để đáng gọi là yêu thương!
   Tất nhiên dụ ngôn nhắc lại đạo cũ. Các người trong chuyện đều đã qua rồi.
   Nhưng tôi tự hỏi: Nếu hôm nay Chúa đến đất nước này, hay đến miền này để giảng lại dụ ngôn bác ái, Chúa sẽ đem ai ra làm gương? Biết đâu Chúa sẽ nói y nguyên dụ ngôn trên với những danh từ mới.
   Nghĩ tới đây tôi buồn kinh khủng.
   Tôi buồn vì thấy nhiều khi chúng tôi giống hệt mấy người lãnh đạo tôn giáo xưa. Họ đi đâu cũng đeo luật Chúa trước ngực, nhưng trong lòng thì độc ác. Cũng thế, đi đâu chúng tôi cũng mang theo danh hiệu của đoàn thể bác ái này, tổ chức đạo đức kia, mở miệng ra là khuyên yêu thương bác ái, nhưng, lòng chúng tôi chứa đầy ganh ghét, hành động vẫn ác nghiệt, lời nói xấu như mũi tên độc bắn lén trong đêm. Đôi khi chúng tôi có làm được ít việc bác ái, nhưng bao lần làm để trình diễn hơn là thực sự bác ái.
   Tôi buồn vì thấy nhiều khi chúng tôi hành động giống hệt những người Do Thái xưa. Họ không dám vào phủ đường của Philatô, nại lý do nhà Philatô là nhà ngoại đạo, kẻ có đạo vào đó sẽ mắc dơ. (Gn 18, 28) Nhưng chính lúc đó, họ không ngại cáo gian và xin lên án giết một người cực Thánh là Chúa Giêsu. Cũng thế, nhiều khi chúng tôi cặn kẽ với một vài hình thức đạo đức bề ngoài, nhưng lại coi thường các tội tày trời lỗi đức yêu thương, như cứng cỏi với nhà nghèo nàn, khinh dễ kẻ yếu đuối, tàn nhẫn với người đau khổ, nói xấu bỏ vạ v.v...
   Tôi lo sợ chúng tôi cũng bị Chúa trách mắng như ký lục và biệt phái xưa:
   “Khốn cho các ngươi, ký lục và biệt phái giả hình, các ngươi ngốn cả nhà cửa các bà góa mà còn làm bộ cầu nguyện lâu dài...
   “Khốn cho các ngươi, ký lục và biệt phái giả hình các ngươi đi nộp thuế thập phân về bạc hà, rau ngò, rau húng, nhưng lại bỏ rơi nhiều điều quan trọng hơn hết của lề luật là lòng chính trực, lòng nhân nghĩa, lòng thành tín. Các ngươi gạn lọc con muỗi nhưng lại nuốt trôi con lạc đà!
   “Khốn cho các ngươi, ký lục và biệt phái giả hình, các ngươi rửa sạch chén đĩa, nhưng trong lòng thì đầy tham ô vô độ.’’ (Mt 18, 33 - 35).
   Tôi có vào số những người đó không?
   Tôi biết rằng: Đạo tôi là yêu thương và yêu thương là biết cho đi.
   Tôi cũng biết rằng: Lịch sử đạo tôi không thiếu những gương yêu thương.
   Nhưng nơi khác có, mà có thể đây là không có. Trước có, mà có thể hôm nay không có.
   Nếu thực sự hôm nay và ở đây không có, thì không gì đau xót bằng.
   Là thành phần của đoàn thể, của ho đạo, của địa phận, của Giáo Hội, tôi có trách nhiệm về sự thiếu sót đó.
   Tôi đừng xét đoán ai. Tôi đừng trách ai. Tôi hãy tự xét mình và trách mình trước.
   Lạy Chúa Giêsu nhân từ, con xin Chúa thương cho con nhìn rõ bổn phận yêu thương. Xin Chúa tha thứ mọi lỗi lầm của con. Xin Chúa ban cho cộng đồng của con được nhiều gương bác ái, để gương lành của họ nâng đỡ dìu dắt sự yếu đuối của con. Chúa là tình yêu, xin làm cho trái tim con trở nên giống trái tim Chúa.
ĐGM Bùi Tuần

NÓI VỚI CHÍNH MÌNH _ yêu người


YÊU NGƯỜI
Tôi có đạo, và tôi hân hạnh xưng mình có đạo. Nếu ai hỏi tôi về đạo, tôi thưa: Điều cốt yếu của đạo tôi là tin thờ Thiên Chúa. Khi trước tôi tưởng như thế là đủ. Nhưng bây giờ xét kỹ lại, tôi thấy không đủ. Bởi vì đạo của tôi buộc không phải những phải tin thờ Chúa, mà còn phải yêu thương khác.

Nói với chính mình _ thương người sẽ gặp được Chúa

THƯƠNG NGƯỜI SẼ GẶP ĐƯỢC CHÚA
  Đời tôi là một chuyến đi. Đi từ ngày nọ sang ngày kia, đi từ khát vọng này qua khát vọng khác. Chẳng lúc nào tôi không ước mơ. Không sự gì làm tôi no thỏa.
  Trong mọi ước muốn nhỏ to, hình như tôi đã tìm hoài một hạnh phúc vô biên. Ban đầu tôi không hiểu. Nhưng sau tôi biết được hạnh phúc vô biên tôi tìm chính là Thiên Chúa.
  Tìm Chúa, đó là nỗi băn khoăn lớn nhất đời tôi. Tôi đọc kinh, xưng tội, rước lễ, suy gẫm nhiều cách khác để tìm Ngài. Nhưng đã bao lần tôi tự hỏi: Tôi đã thật sự gặp Chúa chưa? Không phải một Chúa xa lạ mơ hồ, nhưng là một Chúa thân mật, sống động, một Chúa tên là: “tình yêu.’’ (1 Gioan 4,8). Có cách nào tốt giúp tôi gặp được Chúa không?
  Để tìm giải đáp, tôi đã nhìn lên núi sọ chiều thứ sáu tuần thánh. Phân tích kỷ tôi thấy rằng:
  Hạng người thứ nhất dã không được gặp Chúa, đó là những kẻ qua đường.
  Kinh Thánh ghi: “Có những kẻ qua đường thấy Chúa bị đóng đinh thì cười chê và nói: “Ông này có tiếng hay làm phép lạ. Ông bảo ông dám phá đền thờ, rồi nội trong ba ngày sẽ làm lại y nguyên. Sao lúc này không cứu mình đi?’’ (MT 27, 39 - 40).
  Nghe thế, Chúa Giêsu làm thinh không trả lời gì. Và những kẻ qua đường chỉ thấy một người có vẻ đáng khinh. Họ không nhận ra người đó chính là Thiên Chúa.
  Tại sao? Thưa vì họ nhẫn tâm.
  Gặp một người đang đau khổ cả thể xác lẫn tinh thần mà không chút xót thương, lại còn nỡ lòng chế nhạo. Không an ủi được một lần thì chớ, họ còn sỉ nhục thêm. Thái độ nhẫn tâm của họ đã cản trở họ gặp được Chúa.
  Hạng người thứ hai không gặp được Chúa, đó là những trưởng tế và luật sĩ.
  Theo Phúc âm, thì các trưởng tế và luật sĩ đã thách thức Chúa rằng: Nếu ông là vua Israel thì hãy xuống khỏi thập giá đi rồi chúng tôi sẽ tin. (MT 27, 42 - 43).
  Tại sao? Thưa vì họ ác tâm.
  Chính họ đã bôi nhọ thanh danh Chúa. Chính họ đã bày mưu bắt Chúa. Chính họ đã bỏ vạ và xúi dân xin giết Chúa. Bây giờ, Chúa như là kẻ ra hàng thất trận, đã bị hành hạ đến cực độ. Thế mà họ vẫn chưa thỏa lòng, họ còn muốn làm nhục thêm. Thái độ ác tâm của họ đã làm họ không được gặp Chúa.
  Hạng người thứ ba đã không được gặp Chúa, đó là những binh lính khi đã thi hành án lệnh giết Chúa.
  Bài thương khó kể rằng: mấy người lính đóng đinh Chúa vẫn ngẫng mặt lên chế giễu Chúa răng: Ông xưng ông là vua Do Thái, có giỏi thì nhảy xuống đi, thì bọn tôi sẽ tin. (Lc  28, 36 - 37).
  Nghe thế, Chúa Giêsu làm thinh không trả lời gì.
  Và các lính đó đã nhìn Chúa như một tử tội. Họ không nhận ra người đó chính là Thiên Chúa.
  Tại sao? Vì họ dã tâm.
  Đành rằng họ phải đóng đinh Chúa theo lệnh thượng cấp. Nhưng họ đã đi quá giới hạn nhiệm vụ. Không ai buộc họ phải khích bác Chúa. Nhưng họ làm vì mị dân và dã tâm. Thái độ dã tâm của họ đã không cho họ được gặp Chúa. 
  Hạng người thứ bốn đã không được gặp Chúa, đó là kẻ trộm bên tả.
  Phúc âm thuật: Một kẻ trộm bên tả quay sang nói khích Chúa rằng: Nếu ông là vị cứu thế, thì hãy cứu mình và cứu tôi đi! (Lc 23, 39 ). Nghe thế, Chúa Giêsu làm thinh không trả lời gì. Và kẻ trộm đó chỉ gặp một người như tội nhân hèn hạ. Hắn không nhận ra người đó chính là Thiên Chúa.
  Tại sao ? Thưa vì hắn tiểu tâm.
  Hắn đã biết đau khổ là gì. Đáng lý ra hắn phải biết thông cảm với người cùng chung hoàn cảnh. Đàng này, hắn lại còn chế nhạo khích bác. Ngoài ra, hắn còn ích kỷ. Có ba người cùng thụ án, mà hắn chỉ nghĩ tới việc cứu hắn. Còn anh trộm bên hữu thì sao? Thái độ tiểu tâm của hắn ngăn trở hắn gặp được Chúa.
  Hạng người thứ năm đã gặp được Chúa, đó là kẻ trộm bên hữu.
  Ông không nhẫn tâm vào hùa đám đông như kẻ qua đường. Nhưng một mình ông dám lên tiếng nói Chúa là người vô tội.
  Ông không ác tâm như các trưởng tế, và luật sĩ, chủ tâm hạ Chúa xuống đất đen. Nhưng ông nói: “Khi nào lên trời, xin nhớ tới tôi.” (Lc 23, 42). Có nghĩa là: Ông là người lành, người thánh, ông sẽ lên Thiên đàng. Ông cũng không dã tâm như bọn lính. Ông phân biệt ai đáng tội, ai không. Ông nói: “Chúng tôi chịu tội thì đáng lắm. Còn ông này có làm gì nên tội?’’ (Lc 23, 41). Ông cũng không tiểu tâm như kẻ trộm bên tả. Vì thái độ bênh đỡ Chúa một cách công khai và mạnh mẽ của ông đã an ủi Đức Mẹ rất nhiều.
  Tóm lai, cái bí quyết giúp kẻ trộm bên hữu gặp được Chúa chính là sự ông biết thương người. Ông thấy cạnh ông có một người bị đau đớn cực khổ, ông động tình thương. Ông để ý thì thấy người ấy bị oan, nên ông lên tiếng bênh. Chỉ một mình ông dám bênh, khi cả ngàn người đồng thanh kết án. Ông dám nói, đang khi không một ai, dù các người thân tín nhất của Chúa, dám hé môi nói nữa lời an ủi Chúa.
  Thấy ông có lòng thương người thực sự Chúa liền ban ơn cho ông nhận biết Chúa: “Hôm nay ông sẽ về Thiên đàng với tôi’’ (Lc 24, 43). Ông đã được gặp Chúa.
  Nhìn lại, tôi thấy lo sợ.
  Biết đâu xưa nay tôi cũng như bốn hạng người trên. Mỗi khi tôi xử tệ với người khác là chính lúc tôi xử tệ với Chúa. Và đó là lý do tại sao tôi không được gặp Chúa.
Lạy Chúa, con xin Chúa giúp con biết thương người.Con nhìn nhận thương người là đường dẫn tớic. Chúa đợi con đằng sau những người đau khổ. Xin giúp con biết yêu thương họ, để qua họ, con sẽ được gặp Chúa lòng con luôn khát vọng.
ĐGM Bùi Tuần

NÓI VỚI CHÍNH MÌNH _ trở về

TRỞ VỀ
  Mùa chay là mùa màu tím. Không phải tím ở chân trời, hay tím ở bông hoa, nhưng tím ở lòng người. Vì mùa chay kêu gọi thống hối. Vì mùa chay thôi thúc ta về.
  Trở về đâu?
  Không phải trở về với lề luật, với giáo điều , với nhiệm vụ, nhưng đúng ra là trở về với một Người.
  Người biết tôi, trước khi tôi biết Người.
  Người yêu tôi, trước khi tôi yêu Người.
  Tình yêu Người đã sinh ra tôi. Và chỉ yêu Người tôi mới hạnh phúc toàn vẹn. Lề luật Người chỉ có mục đích bảo vệ đường về hạnh phúc đó. Và đạo Người là sợi dây kết nối tình tôi lại với tình Người.
  Vì thế, phạm luật và lỗi đạo là xa lìa tình Chúa, và thống hối là trở về với Đấng yêu tôi.
  Trở về với ai chứ trở về với tình yêu đích thực là đơn giản.
  Tôi có thể trở về như ông Giakêu. Ông là một nhân viên thuế vụ tham nhũng. Nghe Chúa đi qua, ông leo lên cây tò mò nhìn coi. Bất ngờ Chúa quay lại bảo ông: Tôi sẽ ghé thăm ông. Ông vội vàng chạy về lo tiếp rước Chúa với sự niềm nở chân thành. Từ giờ phút đó ông trở nên người mới.
  Sự trở về của ông đã bắt đầu từ sự vui lòng tiếp nhận Chúa tới viếng thăm.
  Tôi có thể trở về như người thiếu phụ ngoại tình. Bà bị điệu tới Chúa. Mọi người đều lên án. Còn Chúa thì làm thinh. Sau cùng Chúa bảo bà: Thôi con về, đừng phạm tội nữa. Bà chưa xin lỗi thì đã lãnh nhận được ơn tha thứ.
  Bà đã trở về khi đã phó thác mình cho một Chúa bao dung thân ái.
  Tôi có thể trở về như Thánh Phêrô, Ngài đã chối Chúa ba lần. Tưởng rằng tình nghĩa đã tàn phai. Nhưng lúc ra đi Ngài quay lại bắt gặp đôi mắt hiền từ Chúa nhìn theo. Thánh Phêrô xúc động, khóc lóc, ăn năn, thảm thiết.
  Ngài đã trở về khi chịu nhìn vào Chúa.
  Tôi có thể trở về như Madalena. Cô mang cả một đời tội lỗi công khai đến với Chúa. Gặp Chúa, cô chỉ biết khóc. Cô đã được tha và làm lại cuộc đời.
  Sự trở về của cô là hết lòng tin Chúa.
  Tôi có thể trở về như kẻ trộm bị đóng đinh bên hữu Chúa.Ông nói với Chúa: Khi nào về nước Thiên Đàng, xin nhớ tôi với. Ông đã được tha thứ ngay, tha hết và được hưởng hạnh phúc với Chúa ngay ngày hôm đó.
  Sự trở về của ông là khiêm tốn tin tưởng vào Chúa.
  Như thế, trở về chính là gặp Chúa để tiếp nhận sự tha thứ của Người với lòng tin yêu.
  Tôi nghĩ rằng, Chúa yêu tôi hơn những người yêu tôi nhất, nên chắc chắn Người tha thứ cho tôi trước khi tôi xin lỗi Người. Những ơn tha thứ đó tôi cần phải tiếp nhận. Mà muốn tiếp nhận thì phải gặp Chúa với ý muốn ở lại mãi trong đời sống ân tình. Do đó, sự trở về bao giờ cũng khơi động lòng tin yêu của niềm sám hối. Có thể nói: sám hối là nước mắt của tình yêu khóc một niềm tin, là sự hối hận của niềm tin khóc một tình yêu.
  Tin và yêu là hai dòng lệ thống hối của kẻ trở về.
  Tin và yêu là hai con mắt của kẻ trở về nhìn vào Chúa. Nhìn vào Chúa hơn nhìn vào mình.
  Tôi nhìn vào Chúa tôi và tin người tôi yêu.
  Tôi nhìn Chúa và tôi yêu Người trên hết mọi sự.
  Tôi nhìn Chúa và tôi phó thác nơi Người tất cả quá khứ, hiện tại, và tương lai của tôi.
  Sự trở về như thế là việc tôi phải làm mỗi ngày. Vì có ngày nào tôi hết là người tội lỗi đâu?
Lạy Chúa, giờ đây con đến với Chúa. Con im lặng nhìn Chúa. Con không biết nói gì. Con phó thác thân phận yếu hèn con nơi lòng Chúa xót thương. Tình Chúa là nhà, lòng nhân hậu Chúa là quê hương. Hôm nay, con trở về đó với tất cả lòng tin yêu phó thác. Xin gìn giữ con Chúa ơi!
ĐGM. GB. Bùi Tuần

NÓI VỚI CHÍNH MÌNH _ hôn nhân

HÔN NHÂN
  "Đàn ông ở một mình không tốt. Ta hãy dựng nên cho y một người giúp đỡ tương hợp với y" (St 2, 18). Chúa phán như thế thuở trái đất chỉ có một người. Người đó là đàn ông.
  Lời Chúa phán trên đã đưa tới việc dựng nên một người thứ hai. Người đó là đàn bà.
  Bà được dựng nên bởi xương sườn của ông. Nên ông hướng về bà, bà hướng về ông. Như hai mà một. Như một mà hai. Đôi người thương nhau làm nên vợ chồng. Đó là hôn nhân đầu tiên.
  Rồi từ đó đến bây giờ hôn nhân đã không ngừng tiếp diễn. Hôn nhân này sinh ra hôn nhân khác. Mỗi hôn nhân là một chuyến đi về định mệnh, là một cuộc mạo hiểm đi tìm hạnh phúc, là một cuộc đổi đời mặc nhiều hy vọng và ảo vọng.
  Những ngày liền trước hôn nhân là cả một mùa xuân. Những ngày mới thành hôn là mùa xuân thu. Những ngày lâu sau thành hôn là những ngày xuân thu chen giữa những tháng dài đông hạ.
  Trong bao hôn nhân, tổ ấm đã thành tổ lo. Những tiếng thở dài làm nhòa những nụ cười biếng nhác và tuổi trẻ đã vội già hẳn đi, khi chiếc áo cưới vẫn chưa nhạt màu.
  Đã hẳn trong hôn nhân đã có tình yêu. Mà phải có tình yêu nâng đỡ. Nhưng tình yêu không giữ mãi màu hồng. Nhất là những tình hôn nhân nặng tính chất đam mê buổi đầu. Đam mê là những trận bão cuồng say cuốn lên từ những ảo ảnh và khát vọng mạnh. Nhưng không lâu, thế nào rồi ảo ảnh cũng tan, thèm khát cũng lắng, bão cũng tàn. Cuộc sống bắt buộc con người phải đụng đầu với những thực tế không đẹp, không vui, không hay, không dễ như mình tưởng.
  Lúc đó mới thấy rõ tình yêu phức tạp. Vì lý do sống còn, nó gọi đến tinh thần trách nhiệm một cách khẩn thiết hơn, cấp bách hơn. Tinh thần trách nhiệm phải đứng đó can đảm nhận lãnh mọi bổn phận của tình yêu. Nếu không tình yêu sẽ trở thành lừa đảo và hôn nhân sẽ biến thành ngục tù, trong đó người này là tù nhân của người kia.
  Yêu nhau là phải thăng tiến không ngừng, là xây dựng hạnh phúc cho người mình yêu. Vì thế, tình yêu phải đi đôi với kính trọng và hy sinh như những bổn phận cần thiết. Yêu mà không kính sẽ dễ coi người yêu như con mồi. Yêu mà không hy sinh sẽ dễ coi người yêu như đồ vật.
  Đừng lạm dụng tình yêu cho những mục đích hoàn toàn ích kỷ.
  Đừng khoác danh nghĩa tình yêu cho những yêu sách thiếu tính cách kính trọng đối với người yêu.
  Đừng tìm giải quyết tình yêu bằng những phương tiện hoàn toàn vật chất có thể thỏa mãn một thời gian đòi hỏi, nhưng cũng rất có thể để lại những tai hại nặng về tâm lý và sinh lý.
  Đã hẳn, yếu tố tâm lý và sinh lý rất cần cho tình yêu hôn nhân, nhưng nếu chỉ dừng lại đó, thì tình yêu sẽ dễ lụi tàn, và mở đường cho những bất trung.
  Tình yêu như ngọn đèn. Lấy áo bọc kín đèn, đèn sẽ tắt.
  Tình yêu như bông hoa. Áp mãi hoa vào ngực hoa sẽ tàn.
  Tình yêu như dòng suối. Xây đập chặn nước lại suối sẽ cạn.
  Chỉ vì đã có quá nhiều ích kỷ trong tình yêu.
  Hôn nhân chỉ thành công khi ích kỷ được vượt qua, để mỗi bên biết quên mình sống cho người khác. Một tình yêu ý thức được trách nhiệm, biết quên mình, can đảm nhận lãnh bổn phận chính là bí quyết hạnh phúc cho bạn trăm năm, cho con cái và cho chính mình.
  Hy sinh không luôn dễ. Quên mình không luôn vui. Trách nhiệm không luôn nhẹ. Tuy nhiên, mọi sự đều có thể thành tựu được, nhờ Đấng tạo thành nên mọi tình yêu.
  Hãy năng nhìn lên Chúa là tình yêu của mọi tình yêu, để cảm tạ, xin ơn soi sáng, sức mạnh và an ủi. Tình yêu hôn nhân đẹp lắm. Nếu biết nuôi dưỡng nó trong tình yêu Thiên Chúa thì nó sẽ cao vượt, thông dự vào mầu nhiệm tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa và của Chúa Kitô với Hội Thánh người. Có Chúa, cuộc đời hôn nhân tuy không phải là những ngày lễ vui, nhưng sẽ là một cuộc hành trình đầy tin tưởng đi vào hạnh phúc bất diệt đợi ở cuối đường.
ĐGM. GB. Bùi Tuần