YÊU THƯƠNG NGƯỜI TỘI LỖI
Tội là điều xấu. Tất cả những gì liên quan đến tội đều xấu, thì dịp tội phải xấu, người phạm tội cũng xấu.
Mà đã xấu thì không đáng yêu. Phải ghét phải tránh xa. Nên nếu tôi ghét kẻ tội lỗi, thì đâu có gì là nghịch lý!
Lập luận xem ra đúng. Nhưng nếu tôi muốn thuận lý với tôi, thì tôi phải ghét tất cả mọi người. Vì chẳng ai vô tội hết. Mọi người cũng sẽ phải ghét tôi hết. Vì tôi đâu phải là kẻ sạch tội. Tôi cũng sẽ phải ghét tôi. Mọi người cũng sẽ phải ghét nhau. Vì tất cả đều có tội không nhiều thì ít. Và như thế giữa nhân loại với nhau, sẽ chỉ còn khinh ghét là giây liên lạc hợp lý!
Đúng thế, tội xấu nên phải ghét. Nhưng kẻ phạm tội, tuy xấu, nhưng vẫn có bao điều tốt trong nhiều phương diện. Ghét là trái lý tự nhiên, là trái lương tri nhân loại, là trái luật Chúa buộc yêu thương mọi người.
Chính Chúa đã yêu thương kẻ tội lỗi. Hơn nữa, Người còn dành cho họ một tình yêu đặc biệt.
Chúa nói: “Ta đến không phải để kêu gọi kẻ công chính, nhưng là để gọi kẻ tội lỗi.’’ (Mt 9, 13).
Qủa thật, vì yêu thương người tội lỗi Chúa đã giáng trần, mặc lấy thân phận con người mỏng dòn, đã sinh ra khó nghèo, đã sống lầm than và đã chết khổ cực.
Vì yêu thương kẻ tội lỗi, Chúa đã lập các Bí Tích để cứu chữa, nâng đỡ và nuôi dưỡng họ.
Tóm lại, cuộc đời Chúa Giêsu là tận tụy cho kẻ tội lỗi.
Kẻ tội lỗi là ai? Phải kể trước hết là tôi. Tôi tội lỗi hơn bao người, thế mà cũng được Chúa yêu thương rất mực. Tại sao tôi lại không yêu thương kẻ tội lỗi đó như Chúa đã yêu thương tôi.
Nếu tôi chi rằng họ xấu, thì sao tôi không nhận ra rằng chính tôi cũng xấu, và có lẽ còn xấu vạn lần hơn họ.
Nếu tôi báo rằng họ chẳng đáng thương thì sao tôi không nhận ra rằng chính tôi kiêu căng, ích kỷ, hay khinh chê kẻ khác mới thực là kẻ chẳng đáng thương.
Nếu tôi xử tệ với kẻ có tội, thí sao tôi không nhớ rằng tôi cũng sẽ bị Chúa xử lại với tôi như vậy. (Mt 18, 33 - 35).
Tôi không được phép khinh ghét người có tội. Trái lại, tôi phải yêu thương họ. Nhưng yêu thương cách nào? Tôi phải học nơi Chúa Giêsu.
Trước hết, tôi thấy Ngài đã bênh đỡ họ. Có bao giờ Chúa đứng về phía Pharisiêu kiêu căng và hay kết án tội lỗi đâu? Chúa chỉ trách mắng hạng người tội lỗi, kiêu căng, cố chấp như Pharisiêu. Còn đối với kẻ tội lỗi yếu đuối thì luôn bênh đỡ.
Một hôm, đám đông điệu một người đàn bà ngoại tình đến trước mặt Chúa Giêsu và tố cáo rằng: Chị này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Cứ theo luật thì chị này phải ném đá chết. Còn Thầy nghĩ sao?
Chúa Giêsu bình tĩnh trả lời: “Ai trong các ngươi vô tội, thì yêu cầu ném hòn đá thứ nhất đi’’. Rồi Chúa cúi xuống, lấy ngón tay viết chữ lên nền nhà, không nhìn, không nói với ai. Lúc ngẩng đầu lên, thì chỉ còn chị phụ nữ đứng đó. Chúa bảo: “Không ai kết án chị sao? Vậy tôi cũng chẳng kết án chị. Chị về bình an và đừng phạm tội nữa’’ (Gn 8, 1-11).
Nếu tôi đứng đó, có lẻ tôi cũng hùa theo đám đông, tỏ bộ khinh bỉ và nói những lời chê bai đối với người đàn bà tội lỗi ấy.
Nhưng Đấng thánh thiện vô cùng lại không khinh chê, ghét bỏ và lên án chị. Trái lại, thái độ của Chúa còn có tính cách bênh đỡ rõ rệt. Trên núi Sọ, tôi thấy tội nhân Do Thái rõ rành rành. Thế màcg còn tìm cách bênh đỡ và cắt nghĩa lành cho họ. Ngài đã cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin tha thứ cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm’’ (Lc 23, 34).
Nhìn thái độ Chúa, tôi thấy tất cả những thái độ hung hăng hay lên án kẻ khác thường không phản ảnh tinh thần của Chúa. Trái lại, người nào càng Thánh, càng trong sạch thì lại càng giàu tình thương yêu đối với kẻ yếu đuối lầm lạc.
Tôi thấy Chúa Giêsu hay tiếp xúc đi lại với những người tội lỗi.
Ông Giakêu là nhân viên thuế vụ có tiếng tham nhũng. Dân chúng thường xa lánh bọn đó, nhưng Chúa Giêsu đã đến thăm gia đình ông. Mà ông có mời đâu! (Lc 19, 1-10)
Matthêu cũng là người thu thuế bị nhiều điều tiếng. Chúa đến dùng bữa tại nhà ông. Có nhiều người thu thuế khác và xấu nết cùng ngồi đồng bàn với Chúa. (MT 9, 9-13)
Rồi tại bờ giếng Giacóp, một người đàn bà đang kéo nước lên, bà đã có năm đời chồng và người đang sống chung với bà lại không phải là chồng bà. Chúa Giêsu bước đến và chính Ngài bắt chuyện trước. (Gn 4, 7- 26).
Cả đến đoàn lũ đông đảo hay lui tới Chúa cũng như những người Chúa hay tới viếng thăm đâu có phải toàn là những người trong sạch. Có thể nói, họ toàn là những người tội lỗi.
Chúa thì thế, còn tôi thì sao?
Mặc dầu tôi phải đề phòng, dè dặt, và khiêm tốn, nhưng đừng đạo đức theo kiểu Pharisiêu chủ trương xa lánh kẻ tội lỗi. Đừng muốn sống Phúc âm hơn Chúa Giêsu, kẻo trở thành một đời sống ngoài Phúc âm của Chúa Giêsu.
Tôi cũng hay bắt chước Chúa năng hy sinh cầu nguyện và tìm mọi cách phục vụ cho họ. Số tội nhân thì vô vàn, mà giờ nào tôi cũng có thể cầu nguyện và hy sinh. Sự góp phần của tôi tuy nhỏ, nhưng cũng cứu được nhiều người sa hỏa ngục. Tôi có thể làm mà không chịu làm, thì làm sao xong mình được trước mặt Chúa.
Lạy Chúa, Chúa đã yêu thương con là kẻ đầy tội lỗi xấu xa, xin giúp con biết yêu thương mọi người tội lỗi như Chúa đã yêu con.
ĐGM Bùi Tuần