MỘT MỐC THỜI GIAN QUAN TRỌNG
1. Ngày 11 tháng 11 năm 2011 được nhiều người cho là một mốc thời gian mang ý nghĩa linh thiêng.
Riêng đối với tôi, mốc thời gian đó đánh dấu sự khởi đầu một giai đoạn lịch sử sẽ rất khác thường. Khác thường ở ba điểm sau đây:
- Sẽ có nhiều khủng hoảng.
- Sẽ có nhiều đổ vỡ.
- Sẽ có nhiều bất ngờ.
2.
Đề cập đến khủng hoảng, chúng ta nghĩ ngay đến những bất ổn đang xảy ra trong nhiều lãnh vực, nhất là trong các lãnh vực kinh tế, đạo đức và trật tự xã hội. Những khủng hoảng đó phải được coi là nghiêm trọng. Nhưng từ nay trở đi, những khủng hoảng đó sẽ phát triển dưới nhiều hình thức không kiểm soát nổi. Hậu quả có thể sẽ rất khủng khiếp.
Trong các khủng hoảng hiện nay, tôi lo ngại nhất đến khủng hoảng trong lãnh vực đào tạo.
Cái làm cho đào tạo trở thành khủng hoảng chính là tính cách sản xuất bao trùm áp đảo hệ thống đào tạo ở rất nhiều nơi.
Mục tiêu đào tạo là trở thành con người sản xuất giỏi.
Mô hình đào tạo là những người sản xuất thành công ở nhiều lãnh vực.
Phương tiện đào tạo là đủ thứ tài liệu được sản xuất càng nhiều càng tốt.
Tiêu chuẩn để lượng giá con người là khả năng sản xuất.
Các lớp đào tạo khích lệ những sáng kiến sản xuất theo nhu cầu quần chúng và theo luật cạnh tranh.
Tính cách sản xuất, khi bao trùm và áp đảo lãnh vực đào tạo, sẽ gây nên khủng hoảng về đạo đức. Khủng hoảng về đạo đức kéo theo khủng hoảng về đức tin.
3.
Đức tin dạy chúng ta phải đào tạo mình nên con người sống yêu thương và theo chân lý. Nhưng còn được mấy người có đức tin không bị ảnh hưởng bởi tinh thần tục hoá. Trong đó có khuynh hướng đề cao giá trị sản xuất, hơn cả giá trị đức tin?
Có thể nói, khủng hoảng trong lãnh vực đào tạo hiện nay cũng đang xảy ra trong lãnh vực tôn giáo. Nét khủng hoảng nặng nhất là người ta giảm bớt niềm tin nơi chính những người đào tạo tôn giáo. Chưa bao giờ, lời giáo huấn của giáo quyền bị coi rẻ như hiện nay, nhất là tại Âu Mỹ.
Khủng hoảng trong lãnh vực đào tạo hiện nay gợi ý cho tôi nhớ lại khủng hoảng trong lãnh vực đào tạo của đạo cũ thời Chúa Giêsu. Bầu khí đào tạo thời đó là lề luật. Hãnh diện vì có nhiều luật. An tâm vì giữ được hình thức luật. Đánh giá theo sự có giữ luật một cách tỉ mỉ hay không. Chúa Giêsu không chấp nhận việc đào tạo như thế.
4.
Những khủng hoảng trên đây đang gây nên nhiều đổ vỡ đớn đau.
Đổ vỡ đớn đau đang xảy ra khắp nơi là đổ vỡ trong lãnh vực gia đình. Ly dị càng ngày càng nhiều. Hiếu thảo với cha mẹ càng ngày càng bớt đi. Ngay trong nội bộ gia đình, nề nếp nhân nghĩa lễ trí tin giữa bà con thân thuộc đâu còn mặn mà như xưa.
Một đổ vỡ nguy hiểm nữa cũng đang xuất hiện, đó là đổ vỡ về các thực chất đàng sau các hình thức đẹp đẽ bên ngoài. Thời nay là thời bùng nổ các thứ hình thức.
Hình thức là các lời khấn hứa, các tuyên thệ, các lễ phục, các nghi thức, các chức tước, các địa vị. Những hình thức đó có lợi ích của nó. Nhưng nếu đàng sau những hình thức đẹp đẽ bề ngoài đó, thực chất đáng lý phải có lại không được đẹp, thì đó là một đổ vỡ tai hại.
Xưa, Chúa Giêsu nói với các thầy kinh sư và các người Pharisêu rằng: “Các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ thối tha” (Mt 23,27).
Lời Chúa Giêsu phán xưa tố cáo một sự đổ vỡ nguy hiểm trong đạo thời đó. Lời tố cáo đó xem ra đang vang vọng tới nhiều nơi của Hội Thánh hôm nay. Đó cũng là một bất ngờ nên biết.
5.
Sẽ còn nhiều bất ngờ khác nữa. Những bất ngờ đó đã được Chúa Giêsu báo trước. “Dân này sẽ nổi dậy chống lại dân kia, nước này chống nước nọ. Sẽ có những cơn đói kém, và những trận động đất ở nhiều nơi. Nhưng tất cả những sự việc ấy chỉ là khởi đầu các cơn đau đớn.
Bấy giờ, người ta sẽ nộp anh em, khiến anh em phải khốn quẫn, và người ta sẽ giết anh em. Anh em sẽ bị mọi dân tộc thù ghét vì danh Thầy. Bấy giờ sẽ có nhiều người vấp ngã. Người ta sẽ nộp nhau và thù ghét nhau. Sẽ có nhiều ngôn sứ giả xuất hiện và lừa gạt được nhiều người. Vì tội ác gia tăng, nên lòng mến của nhiều người sẽ nguội đi. Nhưng, kẻ nào bền chí đến cùng sẽ được cứu thoát” (Mt 24,7-13).
Những tai hoạ đau đớn, mà Chúa Giêsu đã báo trước, khi xảy ra thực sự, vẫn là những bất ngờ đối với chúng ta. Những bất ngờ đó xem ra đã bắt đầu xảy đến. Bất ngờ quá sức bất ngờ là sẽ xảy ra như lời Chúa phán: “Bấy giờ, hai người đàn ông đang làm ruộng, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại, hai người đàn bà đang kéo xối xay, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại” (Mt 24,40-41).
6.
Nếu, hôm nay nhìn vào thời sự, chúng ta thấy liên tiếp xảy ra những khủng hoảng, những đổ vỡ, những bất ngờ, thì chúng ta có thể tiên đoán giai đoạn đang tới của lịch sử sẽ không dễ dàng. Nếu gọi giai đoạn đó là một thời kỳ rất khó khăn, thì thiết tưởng không phải là quá đáng.
Tiên đoán này dựa trên Lời Chúa. Lời Chúa là chân lý. Nếu sống Lời Chúa, chúng ta sẽ được cứu độ.
7.
Cái nhìn trên đây của tôi không có tính cách bi quan. Trái lại, nó giúp tôi biết nhìn Hội Thánh của tôi một cách cởi mở.
Sẽ không nghĩ Hội Thánh của tôi phải ở trong một cái khuôn làm sẵn. Nhưng Hội Thánh của tôi sẽ phải có những sáng kiến thích hợp với từng thời điểm và từng địa phương theo loan báo của Lời Chúa.
Nếu giai đoạn mới của lịch sử tại Việt Nam được tiên báo là có những khủng hoảng, những đổ vỡ, những bất ngờ, thì Hội Thánh của tôi phải thực sự đổi mới, để có thể làm chứng được cho Chúa trong giai đoạn khó khăn đó.
Tôi hy vọng là sẽ được như thế, nhờ Thánh Thần giúp chúng ta sống Lời Chúa một cách khiêm nhường, can đảm và phó thác.
ĐGM GB Bùi Tuần