YÊU KẺ THÙ... KHÓ QUÁ KHÔNG?
“Yêu kẻ thù” là đỉnh điểm chót vót của bác ái Kitô giáo. Khó lắm, nhưng không khó quá.
Câu chuyện về Lm Piô Ngô Phúc Hậu, một linh mục cao niên vùng truyền giáo, được mời đi xức dầu bệnh nhân. Khi về, ngài lẳng lặng đi vào phòng riêng, đóng cửa và gục đầu xuống trên bàn viết. Buồn quá! Buồn tê tái! Buồn đến chết được! Cả đời mới có một lần buồn như thế!…
Nhiều năm sau cha già mới kể lại chuyện buồn hôm ấy…
– Nguyễn – Trần là hai dòng họ nổi tiếng của giáo xứ P.H., đông nhân danh nhất, giàu nhất, có nhiều người làm công chức nhất, công chức bên đạo cũng như bên đời, có nhiều người đi tu nhất, dâng cúng tiền bạc nhiều nhất cho nhà thờ và các cơ sở tôn giáo.
– Hai dòng họ ganh đua nhau từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn. Họ Trần dâng cúng cho nhà thờ một trăm triệu đồng, thì họ Nguyễn sẽ dâng cúng một trăm mốt. Họ Nguyễn có mười người học đại học, thì họ Trần phải cố gắng có mười một. Bên họ Trần có mười người đi tu thì bên họ Nguyễn sẽ có mười một người…
– Một lần kia có cuộc tranh chấp về đất đai. Không bên nào chịu thua. Ban đầu thì cãi nhau to tiếng. Sau đó là chửi nhau thô tục. Cuối cùng là đánh nhau dữ dội. Cả hai bên đều có người u đầu, phù mỏ. Ông trưởng tộc họ Nguyễn bị trọng thương năm thở thoi thóp, rên hư hư…
Cha xứ được mời đi xức dầu bệnh nhân. Cha xứ và nạn nhân nhìn nhau bằng ánh mắt thương cảm. Trước khi xá giải và xức dầu, cha xứ mở lời:
– Xin ông giục lòng ăn năn tội, xin Chúa tha thứ mọi tội, nhất là tội đánh nhau. Vậy ông có sẵn sang tha thứ cho người đánh ông không?
– Thưa cha không. Đây là mối thù truyền kiếp con không thể tha được.
Cha xứ moi trong túi kẻ liệt ra một cây Thánh giá giơ cao lên và rỉ rả khuyên lơn.
– Ông xem Chúa bị đóng đinh đau đớn vô cùng, oan khiên vô cùng. Vậy mà Chúa vẫn cứ một niềm: “Lạy Cha, xin Cha tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.”
– Chúa khác, con khác. Chúa tha thứ kệ Chúa. Còn con thì chết cũng không tha.
Khuyên nhủ không được, nói ngọt không được, cha xứ đổi giọng, giọng cứng cỏi, giọng chua chát:
– Nếu ông không tha thứ cho người ta thì Chúa cũng không tha thứ cho ông đâu. Ông phải xuống Hỏa Ngục đấy.
– Xuống thì xuống. Còn tha thứ thì không bao giờ.
Hù dọa không xong, cha xứ chuyển sang chiến thuật năn nỉ:
– Xin ông nhìn xem Chúa bị đóng đinh và xin Chúa ban cho ông ơn quảng đại, bao dung, tha thứ…
– Thôi, thôi, đã nói là thôi…!
Ông trưởng tộc họ Nguyễn không thèm nhìn ảnh Chúa thọ nạn. Ông quay mặt nhìn vào bức tường. Cha xứ thất vọng ôm mặt khóc thầm. Bỗng có tiếng gào lên: “Bố đi mất rồi...”
Cha xứ lủi thủi ra về. Không Bí tích Hòa Giải, không Bí tích Xức Dầu, không trao Mình Chúa. Sau lưng cha xứ chỉ còn tiếng khóc hậm hực, tiếng khóc oán thù. Chập trùng. Chập trùng.
Một kỷ niệm buồn, buồn tê tái, buồn chưa từng có trong đời mục vụ của một linh mục.
Nghe cha già kể chuyện, mình thấy xót xa trong tim, mình thấy tê tái trên làn da. Buồn quá!
Buồn vô cùng! Buồn lâu lắm rồi mới hồi tỉnh để đặt vấn đề.
– Tại sao một Kitô hữu, một người đạo dòng, một người đang đứng bên bờ vực thẳm của sự chết, mà lại chống đối luật bác ái của Chúa một cách quyết liệt và cực đoan đến như thế?
– Phải chăng “yêu kẻ thù và chúc lành cho kẻ thù” là điều không thể thực hiện được đối với thân phận con người?
– Phải chăng luật bác ái Kitô giáo thay vì nâng con người lên hàng thần thánh, thì lại ném nó xuống làm thân phận con thú?
Hình ảnh ông trưởng tộc họ Nguyễn tắt thở ngay sau khi từ chối nhìn Đức Giêsu thứ tha làm lương tâm mình bứt rứt khôn nguôi. Mình liên tưởng đến những kỷ niệm chồng chất trên đường truyền giáo.
۩ Mình mở một lớp Giáo lý dự tòng. Học viên ngồi đầy phòng lớp. Mình thấy phấn khởi quá chừng. Hôm ấy mình nói về bác ái Kitô giáo. Mình nhắc lại nguyên văn giáo huấn của Đức Giêsu: “Nếu không cầu nguyện và chúc lành cho kẻ thù, thì không xứng đáng làm con của Đấng đã cho mặt trời mọc lên soi sáng cho cả người lành lẫn người dữ...” Mình đang cao hứng khai triển bài Tin Mừng, thì bỗng cụt hứng.
Một người đàn bà đứng lên dõng dạc phát biểu: “Đạo này khó quá à, tôi theo không được đâu. Tôi có một đứa con dâu, nó hỗn lắm, tôi không thể tha thứ được. Tôi đã ghi băng đàng hoàng dặn con cháu tôi không được coi nó như con cái trong gia đình.” Vừa dứt lời, bà ngoe ngoảy ra về và… không bao giờ trở lại lớp học nữa. Buồn ơi là buồn!
۩ Hôm ấy mình đang rảo bước trên đường phố, thì bỗng phải dừng lại để chứng kiến một chuyện buồn. Một thằng cu tí bên hàng xóm chạy về. Khóc hu hu. Khóc hậm hực. Mẹ nó đằng đằng sát khí.
– Tại sao mày khóc?
– Thằng Tèo nó đánh con.
– Nó đánh mày thì mày đánh nó. Tại sao mày ngu mà khóc?
Người đàn bà đằng đằng sát khí ấy là một Kitô hữu trong họ đạo của mình. Bà dạy con mình trả thù,ngược lại với giáo huấn của Đức Giêsu. Buồn ơi là buồn!
Chuyện buồn này gọi nhớ về một chuyện xa xưa.
۩ Thằng cu tí đang chập chững tập đi. Nó vấp phải cái ghế, lăn đùng ra, khóc òa lên. Mẹ nó lấy roi mây quất lên cái ghế vô tri, vừa quất vừa dạy đời: “cái ghế này làm cho con tao ngã. Tao đánh mày. Tao đánh mày. Chừa nhá.” Được mẹ trả thù giùm, thằng cu tí thôi khóc, sung sướng quá chừng. Người mẹ cũng sung sướng, vừa sung sướng vừa hãnh diện về tài dỗ trẻ em của mình. Bà không ngờ rằng chính bà đang đào tạo đứa con để nó không thể tha thứ như Chúa muốn. Từ bà mẹ này mình nhớ đến một bà mẹ khác.
۩ Bà đang bồng con, thì ông nội đến chơi. Ông nội đón cháu từ tay bà mẹ. Ông cưng cháu, nựng cháu. Nựng theo kiểu đấng nam nhi đội đá vá trời xanh. Ông hôn cháu như bão táp. Ông chà cái cằm râu lởm chởm của mình lên mặt mũi nõn nà của thằng cháu mới lên hai tuổi. Thằng cháu khóc òa lên. Ông nội cười khằng khặc. Bà mẹ lấy tay đánh nhẹ lên vai ông nội, vừa đánh vừa la: “Mẹ đánh ông nội này!… Nín đi con.” Thằng bé được mẹ trả thù giùm, nín ngay. Bà mẹ cười hả hê.
Bà mẹ ấy ơi, bà đã vô tình gieo hạt giống hận thù vào tâm não của em bé. Hạt giống ấy nảy nở và lớn lên bao trùm hết cuộc đời của nó. Thế là nó không thể tha thứ theo yêu cầu của Đức Giêsu. Đáng tiếc vô cùng!
Sau khi ôn lại những kỷ niệm buồn rải rắc đó đây, mình ngẫm nghĩ và ngộ ra rằng “yêu kẻ thù, cầu nguyện cho kẻ thù, chúc lành cho kẻ thù, để xứng đáng làm con của Cha trên trời” là một giáo lý cao siêu nhưng không vượt tầm với của con người. Loài người có thực hiện được giáo huấn ấy hay không là do những nguyên nhân rất cụ thể.
– Nếu bà mẹ nào cũng lấy roi trừng phạt cái ghế vì nó làm cho con của bà vấp ngã ; nếu bà mẹ nào cũng giả vờ đánh ông nội, để cho con mình nín khóc…, luật “yêu kẻ thù” sẽ mãi mãi ở ngoài tầm với của loài người.
– Nếu có những bà mẹ khuyến khích, năn nỉ con cái tha thứ và cầu nguyện cho những người ghét mình, nói xấu mình… thì giáo huấn “yêu kẻ thù” bắt đầu thăng hoa. Nếu tối nào cha mẹ cũng dạy con xin lỗi nhau trước khi đi ngủ, thì giáo huấn “yêu kẻ thù” đang là hiện thực.
– Thánh Phaolô yêu cầu tín hữu: “Giận ai thì giận nhưng khi mặt trời lặn xuống thì hãy quên hết đi.” Đó là tập luyện tha thứ, y như võ sĩ: tập luyện cơ bắp. Thời gian yêu kẻ thù như một tập quán sẽ chẳng còn xa bao nhiêu nữa.
– Trong thực tế, đã có biết bao nhiêu người sẵn sàng yêu kẻ thù, thứ tha cho người làm khổ mình một cách bất công. Cụ thể là Thánh Stêphanô. Kẻ thù ném đá vào ngài như mưa. Vậy mà ngài vẫn một niềm tha thứ, yêu thương như Đức Giêsu trên khổ giá: “Lạy Chúa, xin Chúa tha cho họ.” Tuyệt vời! Trên tuyệt vời!
“Yêu kẻ thù” là đỉnh điểm chót vót của bác ái Kitô giáo. Khó lắm, nhưng không khó quá. Để vươn tới đỉnh điểm ấy, thì giáo dục và luyện tập là phương tiện cần thiết. Nhưng có bao nhiêu người đang tập luyện yêu thương và tha thứ?
Nguồn: Sưu Tầm