Hiển thị các bài đăng có nhãn dr.5. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn dr.5. Hiển thị tất cả bài đăng

GIÁO LÝ CÔNG GIÁO - 10 ĐIỀU RĂN

Bài 19. CHỚ GIẾT NGƯỜI
(ĐIỀU RĂN THỨ V)
144.          Cố sát là gì?
Cố sát là giết người cách trực tiếp và có chủ ý. “Điều răn thứ năm coi việc giết người cách cố tình và trực tiếp là một trọng tội. Kẻ sát nhân và đồng loã phạm cùng một tội ‘tiếng máu kêu oan tới trời”. [1] Đặc biệt ghê tởm là tội giết hại người thân trong gia đình, như con cái, anh em, cha mẹ, vợ chồng... vì tội đó cắt đứt liên hệ tình thân,
“Sự quan tâm tới nòi giống hoặc tới sự chăm sóc sức khoẻ công cộng không thể biện minh cho bất cứ việc giết người nào, dù do công quyền ra lệnh”. [2]
“Điều răn thứ năm cũng cấm làm một điều gì với ý hướng gây chết người cách gián tiếp”, [3] như đặt một người vào chỗ nguy hiểm chết người, từ chối cứu giúp người đang gặp nguy hiểm, không cứu giúp người đói ăn, hoặc vì tham lợi mà gây nên nạn đói...


[1] GLCG, 2268
[2] GLCG, 2268

GIÁO LÝ CÔNG GIÁO - 10 ĐIỀU RĂN

Bài 19. CHỚ GIẾT NGƯỜI
(ĐIỀU RĂN THỨ V)
143.          Những tội nào phạm đến sự sống người khác?
Tất cả những sự gây hại cho sự sống thể lý của người khác, dù trực tiếp hay gián tiếp, từ cố ý giết người cho đến việc gây thương tích, hoặc gây bệnh tật, gây tai nạn do cố ý hay bất cẩn, đều xúc phạm đến điều răn tôn trọng sự sống. Trong bài này chúng ta sẽ tìm hiểu một số tội cần biết hơn là cố sát, ngộ sát, phá thai, và làm cho chết êm ái. 
HOME 

GIÁO LÝ CÔNG GIÁO - 10 ĐIỀU RĂN

Bài 19. CHỚ GIẾT NGƯỜI
(ĐIỀU RĂN THỨ V)
142.          Có được cắt bỏ một phần thân thể không?
Hành vi xâm phạm đến thân thể của người khác, như cắt bỏ một phần thân thể, tạt acid... để trả thù hay trừng phạt đối phương, là tội nặng.
Các hành vi xâm phạm đến thân thể, “ngoài những trường hợp được thực hiện thật sự vì lý do trị liệu, việc cắt bỏ, huỷ hoại hoặc triệt sản có chủ ý một cách trực tiếp trên những người vô tội đều nghịch với luật luân lý”.  [1]
Trái lại, “việc ghép các bộ phận cơ thể là phù hợp với luật luân lý, nếu các nguy hiểm và rủi ro về thể lý và tâm lý nơi người cho, tương xứng với lợi ích được tìm kiếm nơi người nhận. Việc hiến các bộ phận sau khi chết là một hành vi cao quý đáng khen thưởng, và phải được khuyến khích như sự biểu lộ tình liên đới quảng đại”. [2]
Do đó, cắt những bộ phận cơ thể của người này để cấy cho người khác, không có sự chấp thuận cách sáng suốt của người cho cũng như người nhận, là bất hợp pháp. Còn việc hiến máu, hiến cơ thể hay một phần cơ thể sau khi chết vì mục đích nhân đạo, là điều hợp pháp và tốt lành.


[1] x. ĐGH Piô XI, Thông điệp Casti connubi: DS 3722-3723

GIÁO LÝ CÔNG GIÁO - 10 ĐIỀU RĂN

Bài 19. CHỚ GIẾT NGƯỜI
(ĐIỀU RĂN THỨ V)
141.          Tội làm thiệt hại cho sự sống mình là gì?
Tuy không phạm tội tự sát, nhưng chúng ta nhiều khi phạm đến những tội gây hại cho sự sống mình: Đó là tội liều mình và tội làm suy yếu sức khỏe.
- Liều mình: là có những hành vi nguy hiểm có thể dẫn đến cái chết, hoặc sự thiệt hại nặng cho sức khỏe, như lái xe khi đang say rượu, bơi ra chỗ nguy hiểm, uống thuốc quá liều, dùng những phương pháp chữa bệnh quái dị và nguy hiểm, v. v. . .
- Làm suy yếu sức khỏe: là có những hành vi tuy không dẫn đến cái chết nhưng làm giảm sút sức khỏe: Đó là thái quá trong ăn uống, người thì ham ăn uống, người thì ăn rất ít để giữ sắc đẹp, lạm dụng rượu, thuốc lá, dược phẩm, sử dụng ma tuý, không uống thuốc khi đau ốm, chặt ngón tay để trốn lính. . . [1]


GIÁO LÝ CÔNG GIÁO - 10 ĐIỀU RĂN

Bài 19. CHỚ GIẾT NGƯỜI
(ĐIỀU RĂN THỨ V)
140.          Người tự sát có bị mất linh hồn không?
“Không được tuyệt vọng về ơn cứu độ vĩnh cửu của những người tự mình tìm đến cái chết”. [1] Tuy tự sát là tội nặng tự bản chất, nhưng cho rằng mọi người tự sát đều mất linh hồn là một quan niệm sai lầm, vì trách nhiệm luân lý có thể được giảm khinh do những áp lực tâm lý quá nặng, hoặc do tâm bệnh... Dù vậy, nếu có hình thức răn đe trong việc chôn cất người tự sát thì chỉ là để tránh một phần gương xấu. 


GIÁO LÝ CÔNG GIÁO - 10 ĐIỀU RĂN

Bài 19. CHỚ GIẾT NGƯỜI
(ĐIỀU RĂN THỨ V)
139.          Người tự sát có tội như thế nào?
Chúng ta là những người quản lý chứ không phải những ông chủ của sự sống mà Thiên Chúa trao phó cho chúng ta. Chúng ta không có quyền định đoạt về sự sống” [1]
Vì thế tự sát là một tội nặng tự bản chất, vì người tự sát cướp quyền của Thiên Chúa trên sự sống của mình. Không chỉ cướp quyền Thiên Chúa, tự sát còn là một gương xấu cho đức tin và đức cậy.
Trực tiếp giết mình luôn là một tội nặng, nhưng trong một vài trường hợp, người ta được phép tự sát cách gián tiếp, nghĩa là làm một việc gì, hay không làm một việc gì, mà bởi đó mình có thể sẽ phải chết, miễn là có mục đích tốt, không dùng những phương thế xấu, và có lý do quan trọng, như người tự nguyện giúp đỡ các bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm chấp nhận sự nguy hiểm cho sinh mạng của mình, lấy thân che đạn cho người khác, chết thay cho người khác, xưng đạo ra khi bị bắt vì đạo, v.v...


GIÁO LÝ CÔNG GIÁO - 10 ĐIỀU RĂN

Bài 19. CHỚ GIẾT NGƯỜI
(ĐIỀU RĂN THỨ V)
138.          Phạm đến sự sống có những tội nào?
Phạm đến sự sống có những tội sau: 
1. Xúc phạm đến sự sống của chính mình.
2. Xúc phạm đến sự sống của người khác.
3. Xúc phạm đến sự vẹn toàn thân thể.
4. Xúc phạm đến sự vẹn toàn tâm lý.
5. Xúc phạm đến người khác trong tâm trí.
6. Xúc phạm đến sự sống của linh hồn. 
HOME 

GIÁO LÝ CÔNG GIÁO - 10 ĐIỀU RĂN

Bài 19. CHỚ GIẾT NGƯỜI
(ĐIỀU RĂN THỨ V)
137.          Ta phải tôn trọng sự sống như thế nào?
“Sự sống và sức khoẻ thể lý là những ơn rất quý giá Thiên Chúa giao phó cho chúng ta. Chúng ta phải chăm sóc chúng cách hợp lý, dù vẫn phải lưu tâm đến những nhu cầu của tha nhân và của công ích”. [1]
Để giữ gìn, tăng triển sự sống và sức khoẻ, tiết độ là điều không thể thiếu. “Đức tiết độ giúp tránh mọi thái quá như: ăn uống quá độ, lạm dụng rượu, thuốc hút và y dược.
“Những người ở trong trạng thái say rượu hoặc say mê tốc độ không chừng mực gây nguy hiểm cho sự an toàn của tha nhân hoặc của chính mình trên đường, trên biển hoặc trên không, đều có tội cách nghiêm trọng”. [2]
Chúng ta phải tôn trọng và chăm sóc sự sống, nhưng cũng cần đề phòng não trạng tân ngoại giáo, “cổ võ sự tôn thờ thân xác, hy sinh tất cả cho thân xác, tôn thờ sự toàn mỹ của thân thể và các thành tích thể dục thể thao”. [3]


[1] GLCG, 2288
[2] GLCG, 2290

GIÁO LÝ CÔNG GIÁO - 10 ĐIỀU RĂN

Bài 19. CHỚ GIẾT NGƯỜI
(ĐIỀU RĂN THỨ V)
136.          Tại sao ta phải tôn trọng và giữ gìn sự sống?
- “Sự sống con người phải được coi là điều linh thánh … Chỉ có Thiên Chúa là Chúa của sự sống từ khi khởi đầu cho tới khi kết thúc: không ai, trong bất cứ hoàn cảnh nào, có thể dành cho mình quyền trực tiếp đem cái chết đến cho một thụ tạo nhân linh vô tội”.  [1]
- Chúa công bố: “Ngươi không được giết người”con người là hình ảnh của Thiên Chúa nên ai xúc phạm đến con người là xúc phạm đến Thiên Chúa: “Ai đổ máu một người, người ta sẽ đổ máu nó. Bởi vì con người được tạo thành giống hình ảnh Thiên Chúa” (St 9,6). Chính Chúa sẽ đứng ra trừng phạt tội đó: “Ta sẽ đòi giá máu của mỗi người trong các ngươi”  (St 9,5).


GIÁO LÝ CÔNG GIÁO - 10 ĐIỀU RĂN

Bài 19. CHỚ GIẾT NGƯỜI
ĐIỀU RĂN THỨ NĂM
135.          Điều răn thứ năm dạy ta điều gì?
Điều răn thứ năm dạy ta tôn trọng sự sống nơi con người: “Ngươi không được giết người” (Xh 20,13).