GIÁO LÝ CÔNG GIÁO - 10 ĐIỀU RĂN

Bài 19. CHỚ GIẾT NGƯỜI
(ĐIỀU RĂN THỨ V)
142.          Có được cắt bỏ một phần thân thể không?
Hành vi xâm phạm đến thân thể của người khác, như cắt bỏ một phần thân thể, tạt acid... để trả thù hay trừng phạt đối phương, là tội nặng.
Các hành vi xâm phạm đến thân thể, “ngoài những trường hợp được thực hiện thật sự vì lý do trị liệu, việc cắt bỏ, huỷ hoại hoặc triệt sản có chủ ý một cách trực tiếp trên những người vô tội đều nghịch với luật luân lý”.  [1]
Trái lại, “việc ghép các bộ phận cơ thể là phù hợp với luật luân lý, nếu các nguy hiểm và rủi ro về thể lý và tâm lý nơi người cho, tương xứng với lợi ích được tìm kiếm nơi người nhận. Việc hiến các bộ phận sau khi chết là một hành vi cao quý đáng khen thưởng, và phải được khuyến khích như sự biểu lộ tình liên đới quảng đại”. [2]
Do đó, cắt những bộ phận cơ thể của người này để cấy cho người khác, không có sự chấp thuận cách sáng suốt của người cho cũng như người nhận, là bất hợp pháp. Còn việc hiến máu, hiến cơ thể hay một phần cơ thể sau khi chết vì mục đích nhân đạo, là điều hợp pháp và tốt lành.


[1] x. ĐGH Piô XI, Thông điệp Casti connubi: DS 3722-3723