Giáo lý Công giáo - Mười Điều Răn

Bài 19. CHỚ GIẾT NGƯỜI
(ĐIỀU RĂN THỨ V)
148.          Có khi nào thì được phạm đến sự sống người khác không?
Có những trường hợp mà chúng ta có thể phạm đến sự sống người khác cách hợp pháp. Đó là:
- Khi tự vệ chính đáng: “Tình yêu đối với chính mình vẫn luôn là nguyên tắc căn bản của luân lý. Vì vậy, làm thế nào để quyền được sống của chính mình được tôn trọng là điều hợp pháp. Ai bảo vệ mạng sống mình, thì không mắc tội giết người, mặc dầu có giáng một ngọn đòn chí tử vào kẻ tấn công”. [1]
Nhưng phải để ý: “hành động tự vệ đưa tới hai hậu quả: một là cứu lấy mạng sống mình, hai là giết kẻ tấn công. Chỉ được phép nhắm tới điều trước, chứ không phải điều sau”. [2]
- Khi thực hiện hình phạt: “Giáo huấn truyền thống của Hội Thánh, sau khi đã xác minh đầy đủ căn tính và trách nhiệm của phạm nhân, không loại trừ việc kết án tử hình, nếu đây là con đường khả thi duy nhất để bảo vệ hữu hiệu mạng sống con người khỏi bị xâm phạm cách bất công”. [3]
- Khi bảo vệ tổ quốc: Tuy là mỗi công dân và mỗi người lãnh đạo đều phải có hành động để tránh chiến tranh. Nhưng “bao lâu nguy cơ chiến tranh tồn tại, bao lâu chưa có quyền bính quốc tế nào có thẩm quyền và có đủ sức mạnh, thì một khi đã tận dụng mọi phương thế ôn hoà, các chính phủ được phép sử dụng quyền tự vệ chính đáng”. [4]
Trong cuộc chiến chính nghĩa, người lính tấn công kẻ địch mà không có tội. Nhưng “không phải vì chiến tranh đã chẳng may khai diễn, mà do đó các phía đối nghịch nhau được phép muốn làm gì thì làm”. [5]
Dù được phép tấn công kẻ địch, nhưng “phải tôn trọng và đối xử nhân đạo với thường dân, thương binh và tù binh”, [6] đặc biệt với các bác sĩ, y sĩ chiến trường thuộc phe bên kia.


[1] GLCG, 2264
[2] Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, II-II, q. 64, a. 7
[3] GLCG, 2267
[4] Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 79
[5] Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 79