Hiển thị các bài đăng có nhãn dr.1. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn dr.1. Hiển thị tất cả bài đăng

GIÁO LÝ CÔNG GIÁO - 10 ĐIỀU RĂN

Bài 11. ĐỨC THỜ PHƯỢNG
(ĐIỀU RĂN THỨ I)
78.      Có những loại lời khấn nào?
 Có sáu thể thức thường gặp của lời khấn:
- Lời khấn là công, nếu được Bề trên hợp pháp chấp nhận nhân danh Giáo Hội; đối lại là lời khấn .
- Lời khấn là trọng thể nếu được Giáo Hội nhìn nhận là trọng thể (như lời khấn giữ đức khó nghèo, vâng lời, khiết tịnh, trong một dòng tu); đối lại là lời khấn đơn thường.
- Lời khấn là tòng nhân, nếu người khấn hứa đích thân thi hành; lời khấn là tòng vật, nếu hứa một đồ vật gì; lời khấn là hỗn hợp, nếu có dính líu tới bản chất vừa của lời khấn tòng nhân vừa của lời khấn tòng vật. [1]

GIÁO LÝ CÔNG GIÁO - 10 ĐIỀU RĂN

Bài 11. ĐỨC THỜ PHƯỢNG
(ĐIỀU RĂN THỨ I)
77.      Những yếu tố làm nên một lời khấn là gì?
- Với Chúa: Lời khấn là một hành vi tôn thờ nên chỉ thuộc về Chúa, chúng ta không thể khấn với Đức Mẹ hay các thánh. Người ta cũng thường dùng kiểu nói “xin khấn Đức Mẹ”, là có ý xin Đức Mẹ bảo trợ đặc biệt cho lời cầu nguyện của mình.
- Điều khấn phải tốt, và là điều tốt hơn: Không thể khấn ăn cắp, vì đó là điều xấu; cũng không thể khấn đi chơi, khấn lập gia đình, vì đó không phải là điều tốt hơn, trừ khi việc đó giúp ta tránh được điều xấu hơn, như giúp ta tránh bè bạn xấu, tránh dịp tội...
- Có thể thực hiện được: Phải khấn những gì mình có thể làm được trong hoàn cảnh bình thường, nhưng có một biến cố ngoại ý nào làm cho lời khấn trở thành không thể thực hiện được thì không phải giữ lời khấn đó nữa. [1]
- Có ý thức: Người khấn phải hiểu biết đầy đủ về điều mình khấn là gì, về trách nhiệm phải giữ lời khấn, và mục đích của lời khấn.  [2]
- Có tự do: Một lời khấn sẽ không thành sự, và không buộc phải giữ, nếu một người do bị cưỡng ép, bị đe dọa hay bị lường gạt, mà khấn. [3]


[1] X. Giáo luật, 1191, §1
[2] X. Giáo luật, 1191, §2

GLCG _ đức thờ phượng c. 76

Bài 11. ĐỨC THỜ PHƯỢNG
(ĐIỀU RĂN THỨ I)
76.      Khấn là gì?
Các lời khấn là một việc đạo đức thường gặp nơi giáo hữu Việt Nam. Ở đây chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn về các lời khấn, như là một việc thờ phượng.
Khấn là hứa với Chúa, một cách ý thức và tự do, sẽ làm một việc lành, mà việc lành đó là có thể làm được, và là việc tốt hơn. Ví dụ: Khấn lần hạt 50 mỗi ngày trong một tháng hoặc suốt đời, khấn đi tu, khấn sống độc thân, v.v...
"Lời khấn tức là lời hứa, có suy nghĩ và tự do, với Thiên Chúa về một điều thiện khả thi và tốt hơn; vì thuộc về nhân đức thờ phượng, lời khấn phải được thực hiện" [1]
Khấn, hứa với Chúa những điều tốt là cách nói lên lòng kính trọng và yêu mến chúng ta dành cho Chúa. Đặc biệt là những lời khấn dòng, qua đó các tu sĩ muốn dành cả cuộc sống cho việc thờ phượng Chúa, "muốn theo sát hơn và tỏ lộ cách rõ ràng sự tự huỷ của Đấng Cứu Độ, khi chấp nhận sự nghèo khó trong sự tự do của con cái Thiên Chúa và từ bỏ ý riêng"  [2] 
Khấn là một lời hứa, hứa với Chúa, chứ không phải là một việc dốc lòng, hay một dự định. Việc quyết tâm hay dốc lòng thì không có sự trói buộc luân lý nghiêm ngặt phải giữ. Nói cách khác, không giữ điều mình dốc lòng tự nó không phải là tội. Trái lại, nếu cố ý không giữ lời khấn hứa thì mắc tội khinh thường Danh Chúa.


[1] Giáo luật, điều 1191, 1

GIÁO LÝ CÔNG GIÁO - 10 ĐIỀU RĂN

Bài 11. ĐỨC THỜ PHƯỢNG
(ĐIỀU RĂN THỨ I)
75.      Các việc thờ phượng là gì ?
Đó là những việc để bày tỏ lòng tôn thờ Chúa, nhằm "ca ngợi, chúc tụng, hạ mình khiêm tốn tuyên xưng với lòng biết ơn rằng Thiên Chúa đã làm những việc trọng đại và Danh Ngài chí thánh" [1] Các việc thờ phượng có thể quy về trong các việc thờ lạy, cầu nguyện, dâng hy lễ, và giữ những điều khấn hứa với Chúa. 
- Thờ lạy Thiên Chúa, nghĩa là nhận biết Ngài là Thiên Chúa, là Đấng Tạo Hoá và Cứu Độ, là Chúa và Chúa tể của mọi loài đang hiện hữu, là Tình Yêu vô biên và hay thương xót: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa, là Thiên Chúa của ngươi, và thờ lạy một mình Ngài mà thôi" (Lc 4,8) [2]
Việc tôn thờ chính thức của Hội Thánh là phụng vụ, gồm có việc cử hành các bí tích và các giờ kinh phụng vụ.
Cử hành phụng vụ là kết hợp với Chúa Giêsu mà tôn thờ Chúa Cha. Trong đó, thánh lễ là việc thờ phượng long trọng nhất, được đặt ở trung tâm đời sống Giáo Hội. Khi tham dự và nhận lãnh các bí tích khác, (Giao Hoà, Thêm Sức, Hôn Phối …) cũng là lúc chúng ta diễn tả tâm tình thờ lạy, và nuôi dưỡng lòng tin vào Chúa. Tâm tình thờ phượng Chúa còn được bày tỏ qua những cử chỉ, hành vi mang ý nghĩa tôn thờ, như làm dấu, quì gối, cúi đầu …
- Cầu nguyện: “Các hành vi tin, cậy, mến, mà điều răn thứ nhất truyền dạy, được chu toàn trong kinh nguyện. Nâng tâm hồn lên tới Chúa là cách diễn tả việc chúng ta thờ lạy Ngài: lời kinh ca ngợi và tạ ơn, lời kinh chuyển cầu và cầu xin. Cầu nguyện là điều kiện hết sức cần thiết để có thể tuân giữ các giới răn của Thiên Chúa" [3]
- Hy lễ: là cách thế tốt đẹp nhất để diễn tả sự quy phục hoàn toàn vào Thiên Chúa. Đức Kitô xuống trần gian không phải để làm theo ý Người, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai Người.
Do đó "chỉ có một hy lễ trọn hảo duy nhất là hy lễ Đức Kitô đã dâng trên thập giá, bằng sự tận hiến cho tình yêu của Chúa Cha và để cứu độ chúng ta. Khi chúng ta kết hợp mình với hy lễ của Người, chúng ta có thể biến cuộc đời mình thành hy lễ dâng lên Thiên Chúa" [4]
"Mọi công việc được thực hiện để được gắn bó với Thiên Chúa trong sự hiệp thông thánh thiện và như vậy chúng ta có thể được hạnh phúc, đều là hy lễ đích thực". [5]
- Giữ lời hứa và lời khấn: Các bí tích Rửa Tội, Thêm Sức, Hôn Phối Và Truyền Chức Thánh luôn kèm theo những lời hứa. Ngoài ra, do lòng đạo đức cá nhân, các Kitô hữu cũng có thể hứa với Chúa để thực hiện một vài việc đạo đức … và trung thành tuân giữ các điều đã hứa để tỏ lòng quy phục hoàn toàn vào Chúa.


[1] GLCG 2097
[2] GLCG 2096
[3] GLCG 2098
[4] GLCG 2100

GIÁO LÝ CÔNG GIÁO - 10 ĐIỀU RĂN

Bài 10. ĐỨC MẾN
(ĐIỀU RĂN THỨ I)
71.      Có những tội nào nghịch với đức mến Chúa?
          Hiểu theo nghĩa rộng thì mọi sự vi phạm các điều răn đều là tội nghịch với đức mến Chúa, nhưng có những tội sau đây thường được gọi là tội nghịch với đức mến Chúa, vì chúng trực tiếp xúc phạm đến tình yêu Chúa:
           - Lãnh đạm, “là thờ ơ hay từ chối không quan tâm đến tình yêu của Thiên Chúa”. [1]
           - Vô ơn, là tội quên lãng hay từ chối nhận biết tình yêu Chúa, nên chẳng bao giờ biết cám ơn Chúa vì những ơn lành Ngài ban, và đáp lại tình yêu Chúa.
           - Nguội lạnh, là do dự hay thờ ơ trong việc đáp lại tình yêu của Thiên Chúa, người nguội lạnh có thể từ chối dấn thân theo đức mến. Dửng dưng trước tình yêu Chúa và lười biếng việc đạo đức.
- Tội oán trách Chúa: gặp điều bất hạnh thì cằn nhằn, trách móc, đập bể tượng ảnh và bỏ kinh lễ...
           - Và nặng nhất là căm ghét Thiên Chúa, là “do kiêu ngạo, chống lại tình yêu của Ngài, phủ nhận sự tốt lành của Ngài và cố ý nguyền rủa Thiên Chúa”. [2] Đây là tội của ma quỉ và của hỏa ngục, chúng luôn phỉ báng Giáo Hội, chê cười việc thờ phượng; chống lại và nguyền rủa Thiên Chúa.

GIÁO LÝ CÔNG GIÁO - 10 ĐIỀU RĂN

Bài 10. ĐỨC MẾN
(ĐIỀU RĂN THỨ I)
70.      Thế nào là yêu mọi người như chính mình?
           - Trước hết, ta phải ước mong và làm điều tốt lành cho người khác: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7,12).
           - Ta phải thực tâm tha thứ lỗi lầm cho người khác; không thể chỉ tha thứ ngoài miệng mà thôi mà phải cố gắng xóa bỏ những ác cảm đối với người đó trong lòng mình. Ai không tha thứ cho ngươì khác là có tội về đức mến. Nếu không tha thứ, làm sao chúng ta có thể xin Chúa “tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”.
           - Ta phải giúp đỡ mọi người khi họ cần đến, ngay cả khi họ là người thù nghịch với ta,  vì “nếu anh em chỉ yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao?” (Mt 6,48).
           - Ta hãy cầu nguyện cho những người ta phải chịu trách nhiệm, rồi người thân thuộc. Đừng quên cầu nguyện cho kẻ thù nghịch với ta, như Chúa đã làm trên cây thập giá và cũng dạy ta làm như thế. Đó là lời cầu có giá trị như viên ngọc quý: “Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 6,44)

GIÁO LÝ CÔNG GIÁO - 10 ĐIỀU RĂN

Bài 10. ĐỨC MẾN
(ĐIỀU RĂN THỨ I)
69.      Tại sao ta phải yêu mọi người như chính mình?
Tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa và cho tha nhân là hai tình yêu khác nhau, nhưng lại liên kết với nhau một cách bất khả phân ly, vì “nếu ai nói ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’, mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối” (1Ga 4,20). Vì thế, sau khi nói đức mến là nhân đức giúp ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, ta phải thêm ngay “và yêu thương mọi người như chính mình”.
Ta phải yêu thương mọi người như chính mình, vì:
           - Chúa Giêsu nhiều lần dạy điều đó: “Còn điều răn thứ hai, cũng giống như điều răn ấy, là: nguơi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22,38).
           - Mọi người đều là hình ảnh Thiên Chúa, và được cứu chuộc bởi Máu Thánh Chúa Giêsu. Không thể nói rằng mình kính mến Chúa mà lại ghét hình ảnh của Ngài, cũng như không ai có thể vừa nói mình mến Chúa vừa ghét bỏ những người mà Chúa đã phải đổ máu ra để cứu chuộc.
           - Mọi người là con một Cha trên trời và cùng được mời gọi dự phần hạnh phúc Nước Trời. Không nhận người khác là anh em cũng là gián tiếp từ chối, không nhận mình là con một Cha trên trời.
           - Đức mến dành cho tha nhân chỉ dựa trên những lý do siêu nhiên chứ không liên can gì đến những lý do tự nhiên, như sắc đẹp, tài năng, lòng tốt... Vì thế, nếu ta yêu ai chỉ vì người đó đáng mến thì chưa phải là đức mến. Đức mến chân chính, với những lý do nêu trên, đòi ta phải yêu thương hết mọi người, dù đó là những người xấu tính, tội lỗi, những người có ác cảm hay thù nghịch với ta, ngay cả những người cố ý gây hại cho ta, như lời Chúa Giêsu dạy: "Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em" (Mt 5,43-44).