GIÁO LÝ CÔNG GIÁO - 10 ĐIỀU RĂN

Bài 11. ĐỨC THỜ PHƯỢNG
(ĐIỀU RĂN THỨ I)
75.      Các việc thờ phượng là gì ?
Đó là những việc để bày tỏ lòng tôn thờ Chúa, nhằm "ca ngợi, chúc tụng, hạ mình khiêm tốn tuyên xưng với lòng biết ơn rằng Thiên Chúa đã làm những việc trọng đại và Danh Ngài chí thánh" [1] Các việc thờ phượng có thể quy về trong các việc thờ lạy, cầu nguyện, dâng hy lễ, và giữ những điều khấn hứa với Chúa. 
- Thờ lạy Thiên Chúa, nghĩa là nhận biết Ngài là Thiên Chúa, là Đấng Tạo Hoá và Cứu Độ, là Chúa và Chúa tể của mọi loài đang hiện hữu, là Tình Yêu vô biên và hay thương xót: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa, là Thiên Chúa của ngươi, và thờ lạy một mình Ngài mà thôi" (Lc 4,8) [2]
Việc tôn thờ chính thức của Hội Thánh là phụng vụ, gồm có việc cử hành các bí tích và các giờ kinh phụng vụ.
Cử hành phụng vụ là kết hợp với Chúa Giêsu mà tôn thờ Chúa Cha. Trong đó, thánh lễ là việc thờ phượng long trọng nhất, được đặt ở trung tâm đời sống Giáo Hội. Khi tham dự và nhận lãnh các bí tích khác, (Giao Hoà, Thêm Sức, Hôn Phối …) cũng là lúc chúng ta diễn tả tâm tình thờ lạy, và nuôi dưỡng lòng tin vào Chúa. Tâm tình thờ phượng Chúa còn được bày tỏ qua những cử chỉ, hành vi mang ý nghĩa tôn thờ, như làm dấu, quì gối, cúi đầu …
- Cầu nguyện: “Các hành vi tin, cậy, mến, mà điều răn thứ nhất truyền dạy, được chu toàn trong kinh nguyện. Nâng tâm hồn lên tới Chúa là cách diễn tả việc chúng ta thờ lạy Ngài: lời kinh ca ngợi và tạ ơn, lời kinh chuyển cầu và cầu xin. Cầu nguyện là điều kiện hết sức cần thiết để có thể tuân giữ các giới răn của Thiên Chúa" [3]
- Hy lễ: là cách thế tốt đẹp nhất để diễn tả sự quy phục hoàn toàn vào Thiên Chúa. Đức Kitô xuống trần gian không phải để làm theo ý Người, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai Người.
Do đó "chỉ có một hy lễ trọn hảo duy nhất là hy lễ Đức Kitô đã dâng trên thập giá, bằng sự tận hiến cho tình yêu của Chúa Cha và để cứu độ chúng ta. Khi chúng ta kết hợp mình với hy lễ của Người, chúng ta có thể biến cuộc đời mình thành hy lễ dâng lên Thiên Chúa" [4]
"Mọi công việc được thực hiện để được gắn bó với Thiên Chúa trong sự hiệp thông thánh thiện và như vậy chúng ta có thể được hạnh phúc, đều là hy lễ đích thực". [5]
- Giữ lời hứa và lời khấn: Các bí tích Rửa Tội, Thêm Sức, Hôn Phối Và Truyền Chức Thánh luôn kèm theo những lời hứa. Ngoài ra, do lòng đạo đức cá nhân, các Kitô hữu cũng có thể hứa với Chúa để thực hiện một vài việc đạo đức … và trung thành tuân giữ các điều đã hứa để tỏ lòng quy phục hoàn toàn vào Chúa.


[1] GLCG 2097
[2] GLCG 2096
[3] GLCG 2098
[4] GLCG 2100