GLCG _ đức thờ phượng c. 76

Bài 11. ĐỨC THỜ PHƯỢNG
(ĐIỀU RĂN THỨ I)
76.      Khấn là gì?
Các lời khấn là một việc đạo đức thường gặp nơi giáo hữu Việt Nam. Ở đây chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn về các lời khấn, như là một việc thờ phượng.
Khấn là hứa với Chúa, một cách ý thức và tự do, sẽ làm một việc lành, mà việc lành đó là có thể làm được, và là việc tốt hơn. Ví dụ: Khấn lần hạt 50 mỗi ngày trong một tháng hoặc suốt đời, khấn đi tu, khấn sống độc thân, v.v...
"Lời khấn tức là lời hứa, có suy nghĩ và tự do, với Thiên Chúa về một điều thiện khả thi và tốt hơn; vì thuộc về nhân đức thờ phượng, lời khấn phải được thực hiện" [1]
Khấn, hứa với Chúa những điều tốt là cách nói lên lòng kính trọng và yêu mến chúng ta dành cho Chúa. Đặc biệt là những lời khấn dòng, qua đó các tu sĩ muốn dành cả cuộc sống cho việc thờ phượng Chúa, "muốn theo sát hơn và tỏ lộ cách rõ ràng sự tự huỷ của Đấng Cứu Độ, khi chấp nhận sự nghèo khó trong sự tự do của con cái Thiên Chúa và từ bỏ ý riêng"  [2] 
Khấn là một lời hứa, hứa với Chúa, chứ không phải là một việc dốc lòng, hay một dự định. Việc quyết tâm hay dốc lòng thì không có sự trói buộc luân lý nghiêm ngặt phải giữ. Nói cách khác, không giữ điều mình dốc lòng tự nó không phải là tội. Trái lại, nếu cố ý không giữ lời khấn hứa thì mắc tội khinh thường Danh Chúa.


[1] Giáo luật, điều 1191, 1