Giáo lý Công giáo - Mười Điều Răn

Bài 24. CHỚ LẤY CỦA NGƯỜI
(ĐIỀU RĂN VII & X)
185.          Có khi nào được phép lấy của người không?
          “Nếu có thể đoán trước được sự ưng thuận của chủ, hoặc sự khước từ của họ nghịch với lẽ phải và với quyền sở hữu chung của cải trần thế thì việc chiếm hữu tài sản không còn là tội ăn cắp. Như thế, trong trường hợp khẩn cấp và rõ ràng, và không còn cách nào khác để đáp ứng cho các nhu cầu cấp thời và thiết yếu (thức ăn, chỗ ở, áo quần …) thì được quyền sử dụng tài sản tha nhân”. [1]  Do đó mà:
         
  - Có thể lấy của cải người khác mà không mắc tội nếu của cải đó thực sự cần kíp cho mạng sống (thức ăn, chỗ ở, áo quần…) Người quá túng đói được phép lấy mọi thứ để cứu mình khỏi chết đói; người đang bị kẻ ác truy đuổi được phép lấy xe người khác để chạy trốn rồi trả lại sau, mà không mắc tội luân lý. Nhưng đức ái không cho phép lấy của người cũng đang cần kíp như mình.
           - Người trong gia đình có thể kín đáo lấy tiền để ăn mặc cho xứng đáng, nếu chủ nhà vì keo kiệt không thỏa mãn những nhu cầu chính đáng của họ.
           - Được lấy của người khác để bí mật bù trừ sự thiệt hại mà họ đã gây ra cho mình cách bất công, miễn là:
* Phải biết rõ và chắc chắn người đó lỗi đức công bằng với mình.
* Không mong được người đó trả lại và cũng không thể kiện ở tòa án vì thiếu chứng cớ hay sợ thù oán.
* Lấy chính của bị mất, hay vật có giá trị tương đương.
* Sau đó, không được nhận sự đền trả của họ nữa.
(Có thể áp dụng luật này trong những trường hợp như bị chủ ép làm thêm giờ cách bất công, bị buộc phải hối lộ cách vô lý, phải vay nặng lãi, bị trộm cắp tài sản hay tiền bạc, bị quịt nợ v.v...)
Tuy nhiên phải hết sức cẩn thận để khỏi lỗi đức công bằng khi áp dụng luật bí mật bù trừ này cho mình, vì chúng ta dễ tự biện hộ cho lòng tham của mình.