Giáo lý Công giáo - Mười Điều Răn

Bài 24. CHỚ LẤY CỦA NGƯỜI
(ĐIỀU RĂN THỨ VII & X)
184.          Lỗi đức công bằng là tội nặng hay tội nhẹ?
Lương tâm tự nhiên luôn lên án sự bất công: Kẻ trộm cắp luôn bị khinh bỉ ở mọi nơi và trong mọi lúc. Ngay cả kẻ trộm cũng không nghĩ tốt về mình, vì chúng luôn tìm kiếm bóng tối để che dấu việc làm của mình và không chịu cho ai gọi mình là trộm cắp.
Bất công là tội nặng khi nó phạm đến đức công bằng cách đáng kể, như thánh Phaolô đã lên án: “Trộm cắp, tham ô, nghiện ngập, chửi bới cướp giật: Các người đó không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp” (1Cr 6,10).
Nhưng để xác định bao nhiêu là đáng kể, chúng ta phải dựa vào các yếu tố số lượng, hoàn cảnh, và ý định của kẻ phạm tội.
           - Số lượng: Thường được kể là tội nặng tuyệt đối nếu số của cải bị lấy hay giữ cách bất công tương đương với giá trị tiền lương của một tuần ngày công lao động bình thường trở lên.
           “Tiêu chuẩn tương đối để đánh giá một việc trộm cắp là nặng dựa vào lương công nhật của một người phải làm ăn để sinh sống hay dựa vào tổng số tiền cần để nuôi sống một người và gia đình người ấy trong một ngày”. [1]
           - Hoàn cảnh: Lấy trộm cùng một số lượng, nhưng hoàn cảnh khác nhau có thể làm cho tội ra nặng hơn hay nhẹ hơn: Lấy một món tiền nhỏ của người ăn xin là tội nặng khi đó là tất cả tài sản của họ, bẻ gãy cái kim của người thợ may để làm cho người đó phải nghỉ việc cả ngày thì cũng phạm tội nặng, con cái lấy tiền của cha mẹ thì nhẹ tội hơn lấy tiền của người ngoài v.v...
           - Ý định: Nếu có ý lấy một số lớn, nhưng lấy dần dần, mỗi lần một ít, thì mắc tội nặng ngay từ lần lấy trộm đầu tiên; nếu không có ý lấy một số lớn, nhưng lại thường xuyên lấy trộm những khoản nhỏ khi có dịp, thì không mắc tội nặng ở mỗi lần lấy, nhưng khi số vật trộm cắp đó đã thành một số lớn mà không có ý hoàn trả thì mắc tội nặng.