Giáo lý Công giáo - Mười Điều Răn

Bài 24. CHỚ LẤY CỦA NGƯỜI
ĐIỀU RĂN THỨ BẢY VÀ THỨ MƯỜI
182.          Làm thiệt hại tài sản có những tội nào?
           - Lãng phí của công: Khác với thâm lạm của công, người lãng phí không lấy của công làm của tư mà sử dụng của công một cách hoang phí quá sự cần thiết; hoặc không bảo quản của cải được giao cho mình coi sóc; làm hư hao, mất mát, hoặc làm việc cẩu thả, thiếu tinh thần trách nhiệm mà gây nên sự thiệt hại cho công sở, hoặc phá hoại hay phung phí tài nguyên của trái đất, làm thiệt hại cho môi trường sống.
           - Làm khổ các sinh vật và phí phạm sinh mạng chúng một cách vô ích; hoặc ngược lại, chi phí quá tốn kém cho những con vật “cưng”, đều là những sự lãng phí không thể biện minh được. [1]
           - Gây ra thiệt hại cho người khác hoặc cố ý, hoặc do bất cẩn, như gây tai nạn giao thông, làm cháy nhà, đánh thuốc độc gia súc, ao cá, vu cáo làm mất danh dự, làm việc tắc trách gây thiệt hại cho chủ v. v. . .
           - Đình công “là việc chính đáng, khi đó là một phương thế không tránh được hoặc cần thiết để đạt được lợi ích tương xứng. Đình công không thể chấp nhận về mặt luân lý, khi kèm theo bạo động hoặc khi chỉ được dùng nhằm những mục tiêu không trực tiếp liên hệ đến các điều kiện làm việc hay trái nghịch với công ích”. [2]
           - Cuối cùng, tội làm thiệt hại đáng ghê sợ nhất là tội mua bán, trao đổi con người như một thứ hàng hoá. Đây là sự rối loạn đến cùng cực, khi giá trị tiền của được đặt lên trên giá trị con người. “Tội này xúc phạm đến nhân phẩm và những quyền lợi căn bản của con người vì dùng bạo lực biến họ thành một vật dụng hoặc nguồn lợi”. [3]