Giáo lý Công giáo - Mười Điều Răn

Bài 22. SỐNG KHIẾT TỊNH
(ĐIỀU RĂN THỨ VI & IX)
171.          Thế nào là biết mình?
          Biết mình yếu đuối là điều đầu tiên phải biết. Thánh Kinh và kinh nghiệm của các thánh dạy chúng ta điều đó. Biết mình yếu đuối nên chúng ta phải:
          1. Xa lánh dịp tội: Thánh Gioan M. Vianney dạy có ba phương pháp để tránh các tội lỗi đức khiết tịnh: cách thứ nhất là chạy trốn, cách thứ hai là chạy trốn, cách thứ ba là chạy trốn. Câu trả lời của thánh nhân nhằm nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc xa lánh dịp tội: Tất cả mọi phương pháp đều vô hiệu nếu không có sự xa lánh dịp tội, cũng như xa lánh những căn cớ gần của tội dâm ô.
          Ai muốn xa lánh dịp tội cho mình, thì phải tránh nên dịp tội cho người khác, đặc biệt là việc giữ nết na  trong lời nói, cử chỉ, trang phục.
          Chính Chúa Giêsu cũng dạy phải xa lánh dịp tội một cách triệt để và dứt khoát: “Nếu mắt ngươi nên dịp tội làm cho người vấp phạm thì hãy móc mắt mà quảng đi khỏi ngươi, vì thà mất một chi thể còn lợi cho ngươi hơn là toàn thân bị xô vào hỏa ngục” (Mt 5,29-30).
          2. Tỉnh thức đề phòng: Theo thánh Phaolô, đức khiết tịnh là một kho tàng quí giá, nhưng lại đựng trong những bình mỏng manh; vì thế, muốn giữ được đức khiết tịnh, ta cần phải luôn canh chừng các giác quan, trí nhớ, trí tưởng tượng... đừng bao giờ để cho một tư tưởng, hay một hình ảnh xấu nào lọt vào.
          3. Chống trả chước cám dỗ ngay từ đầu: Xác thịt như hổ đói, càng cho ăn lại càng lớn mạnh và hung dữ hơn. Bởi đó, không thể chậm trễ chống trả khi bị cám dỗ, mà phải gạt bỏ ra ngoài ngay lập tức tất cả những tư tưởng xấu, những lời nói, hình ảnh tội lỗi, bằng một lời cầu nguyện, một công việc khác; cũng phải cương quyết như thế đối với bạn bè xấu.
          4. Nhớ đến Chúa, đến sự chết và hạnh phúc đời đờì cũng là một cách hiệu quả để ta được thêm sức mạnh chống trả chước cám dỗ, như ý tưởng đã thêm sức mạnh cho nàng Susanna: “Làm sao tôi dám phạm tội ghê gớm như thế trước mặt Đấng sẽ xử án tôi?”. (Đn 13,23)
HOME