Giáo lý Công giáo - Mười Điều Răn

Bài 22. SỐNG KHIẾT TỊNH
(ĐIỀU RĂN THỨ VI & IX)
169.           Các căn cớ gần của tội dâm ô là gì?
          Dục vọng cần được kiềm chế để nó khỏi làm hỗn loạn năng lực luân lý nơi con người. Có bốn thói quen xấu mở cửa cho dục vọng tung hoành. Đó là
          1. Thói lười biếng: Lười biếng là trường dạy nết xấu: “Biếng nhác dạy bao sự dữ” (Hc 33,28). Tâm trí của người ở nhưng lúc nào cũng sẵn sàng để được đổ đầy với những tư tưởng  và hình ảnh nhơ bẩn. Trái lại, ma quỉ khó mà chen được vào tâm trí một người suốt ngày bận bịu với việc bổn phận của mình.
          2. Đọc, xem sách báo hay phim ảnh xấu: Lấy cớ giết thời giờ, tiêu khiển, hay xem cho biết, đọc để được hướng dẫn... là những mánh khóe rất hiệu quả ma quỉ thường dùng khi muốn cám dỗ ai phạm tội, vì phim ảnh, sách báo xấu, là nguyên nhân chắc chắn cho sự đổ nát tâm hồn những ai muốn tìm thú tiêu khiển nơi chúng. Jean Jacques Rousseau, trong lời mở đầu cuốn “Julie”, đã khẳng định rằng ông coi những thanh niên đọc những thứ sách báo đó là loại bỏ đi.
          3. Ăn uống thái quá: Sự ăn uống thái quá là kẻ thù của đức khiết tịnh. Thánh Jérome nói rằng, ngài không thể tin được một người say sưa lại có thể là một người thanh khiết.
          4. Tiếp xúc thân mật với người khác phái: “Thường xuyên mặt giáp mặt, mà không phạm tội”, thánh Augustinô nói, “thì còn lạ hơn là làm cho người chết sống lại”. Ca dao Việt Nam có câu “Lửa gần rơm lâu ngày cũng cháy” để cảnh báo rằng, những quan hệ thân mật giữa nam và nữ với nhau vốn là căn cớ của những hậu quả tai hại khôn lường.
          Đừng tự bào chữa là mình phạm tội vì tính yếu đuối của con người, nếu không biết xa lánh những cuộc gặp gỡ thân mật với người khác phái, qua thư từ, tin nhắn, điện thoại, nhất là những cuộc gặp gỡ riêng tư ở nơi kín đáo, vì “ai ưa sự cheo leo sẽ chết trong sự cheo leo”. 
HOME