Hiển thị các bài đăng có nhãn tn15. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn tn15. Hiển thị tất cả bài đăng

5 phút cho Chúa _ yêu Chúa trên tất cả


16/07/12 THỨ HAI TUẦN 15 TN
Đức Mẹ núi Camelô                                                       Mt 10,34-11,1
YÊU CHÚA TRÊN TẤT CẢ
“Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy... Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy.” (Mt 10,37-38)
Suy niệm: “Dù là vua chúa hay dân cày, kẻ nào tìm thấy sự an bình trong gia đình là người sung sướng nhất” (Goethe). Gia đình là một trong những viên ngọc quý giá trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Gia đình là nơi con người bắt đầu tập sống tình yêu thương cách quảng đại và vô vị lợi hơn cả. Tuy nhiên, tình yêu mến ấy có thể bị biến dạng, trở nên rào cản con người sống theo lương tâm và lý tưởng cao cả của người Kitô hữu. Chẳng hạn: đưa bà con họ hàng thiếu năng lực vào những chức vụ không thích hợp; cưng chiều, bênh vực con cháu quá đáng; từ chối dấn thân phục vụ và hy sinh vì quá quyến luyến gia đình... Đức Giêsu dạy ta đặt lòng mến Ngài lên trên tình cảm dành cho những người thân trong gia đình. Lòng mến Chúa ấy sẽ hướng dẫn các tình cảm gia đình một cách xứng hợp hơn.

5 phút cho Chúa _ chân dung Đức Giêsu


17/06/10 THỨ BẢY TUẦN 15 TN                              Mt 12,14-21
CHÂN DUNG ĐỨC GIÊSU
“Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gẫy; tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi.” (Mt 12,20)
Suy niệm: Cách đây vài thập niên, giới khoa học đã cố gắng rất nhiều trong việc phác họa khuôn mặt của Đức Giêsu dựa trên tấm khăn liệm thành Turinô, được coi là tấm khăn liệm của Đức Giêsu ngày xưa. Đi tìm một bức chân dung thật của Đức Giêsu có lẽ là mong ước của không ít người. Song, đứng trước những kết quả đạt được, thì vẫn còn tồn tại nhiều ý kiến trái ngược nhau. Khám phá được chân dung đích thực của Đức Giêsu thì thật là quý giá. Thế nhưng, vẫn có đó một bức chân dung rất thật của Đức Giêsu, một bức chân dung không kém phần giá trị, đó là bức chân dung được vẽ lên từ Lời Chúa. Quả thật, Lời Chúa hôm nay đã vẽ nên một bức chân dung tuyệt vời về Đức Giêsu, một Đức Giêsu thật nhân từ: “Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi.”

5 phút cho Chúa _ cần có một tấm lòng


16/07/10 THỨ SÁU TUẦN 15 TN
Đức Mẹ núi Các-men                                               Mt 12,1-8
CẦN CÓ MỘT TẤM LÒNG
“Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế.” (Mt 12,7)
Suy niệm: Tấm lòng chính là thứ “gia vị” ướp tư tưởng, lời nói và hành động trở thành xấu hay tốt. Cũng một hành vi đưa tay hái mấy bông lúa mà những người Pharisêu lấy làm hồ hởi dựa vào đó để bắt bẻ Chúa Giêsu vì đã “bắt được quả tang” các môn đệ của Ngài vi phạm luật giữ ngày Sabát!
Họ thiếu một tấm lòng hay nói cách khác tấm lòng của họ hẹp hòi đến độ trở thành độc địa chỉ nhằm dò xét để khép tội người khác và – một cánh gián tiếp – tự cho mình là người “công chính” hằng giữ luật một cách nghiêm túc.
Thế nhưng nhìn hành vi đó của các môn đệ, Chúa Giêsu lại cảm thương cho những con người đang đói. Với lòng nhân, Chúa nhìn thấy toàn thể con người của họ và thấu tận tấm lòng.

5 phút cho Chúa _ khiêm tốn để nhận biết Chúa


14/07/10 THỨ TƯ TUẦN 15 TN
Th. Camilô Lenli                                                   Mt 11,25-27
KHIÊM TỐN ĐỂ NHẬN BIẾT CHÚA
“Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn.” (Mt 11,25)
Suy niệm: Các hình thức thi đua đang nở rộ nhằm kích thích tính sáng tạo của con người. Thế nhưng, mặt trái của chúng là làm cho người ta quá quan tâm đến việc phải hơn người khác, coi thường giá trị của sự nhường nhịn và khiêm tốn. Khiêm tốn là nhân đức cao quí nơi con người và cần thiết trong các mối tương quan. Rất tiếc tính hiếu thắng của tranh đua làm cho sự khiêm tốn bị lu mờ! Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta nhận thức lại giá trị của nhân đức hiền lành và khiêm tốn mà Chúa dạy ta phải học nơi Người (Mt 11,29). Sống khiêm tốn theo gương Chúa Giêsu chẳng những giúp ta trở nên người đức hạnh, nhưng còn giúp mình nhận biết Chúa là Cha, và nỗ lực để sống như người con ngoan của Ngài.

5 phút cho Chúa _ đặc ân với nghĩa vụ


13/07/10 THỨ BA TUẦN 15 TN
Th. Henricô                                                         Mt 11,20-24
ĐẶC ÂN ĐI VỚI NGHĨA VỤ
“Bấy giờ, Đức Giêsu quở trách các thành đã chứng kiến phần lớn các phép lạ Người làm mà không sám hối.” (Mt 11,20)
Suy niệm: Tại sao Chúa Giêsu khiển trách các thành Khôradin, Bétsaiđa và Caphácnaum? Vì các thành này chứng kiến rất nhiều phép lạ Chúa Giêsu làm, nhưng lòng dạ họ vẫn trơ như đá, không sám hối ăn năn. Tội lớn nhất của họ là tội thờ ơ, không quan tâm đến sự hiện diện của Chúa Giêsu giữa họ, cũng chẳng để tâm đến lời Chúa nói với họ, và những việc kỳ diệu Chúa làm cho họ. Nói cách khác, tội của dân cư những thành này là sự thụ động: không làm gì cả, tựa như người chôn nén bạc được giao phó cho mình. Họ đã lãnh nhận bao đặc ân từ nơi Đức Giêsu, nhưng họ quên chấp nhận những trách nhiệm và nghĩa vụ mà đặc ân ấy kèm theo.

5 phút cho Chúa _ tính triệt để của tin mừng


12/07/10 THỨ HAI TUẦN 15 TN                            Mt 10,34-11,1
TÍNH TRIỆT ĐỂ CỦA TIN MỪNG
“Ai yêu cha mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai, con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy.” (Mt 10,37)
Suy niệm: Người ta vẫn nói rằng một trong những thói xấu của người Việt Nam là sống theo kiểu tương đối: tà tà, thoải mái, sao cũng được… Tin Mừng Đức Giêsu, với tính đòi hỏi triệt để tận căn rễ, chắc hẳn sẽ là một thách đố cho lối sống cũng như quan niệm phổ biến này. Đọc bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy rằng việc theo Chúa không phải là đi theo cho vui, đi cho có tính phong trào… mà là một lời kêu gọi dứt khoát, triệt để, và vượt lên trên hết mọi quan hệ của cuộc sống như cha mẹ, anh em, họ hàng. Theo Chúa là nhìn nhận chỉ có Chúa là chủ tể, là cùng đích duy nhất của cuộc đời chúng ta mà thôi.

5 phút cho Chúa _ con muốn sống như Chúa


18/07/09                                                       THỨ BẢY TUẦN 15 TN
                                                                                Mt 12,14-21
CON MUỐN SỐNG NHƯ CHÚA
Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu bàn bạc để tìm cách giết Đức Giêsu. Biết vậy, Đức Giêsu lánh khỏi nơi đó. Dân chúng theo Người đông đảo và Người chữa lành hết. (Mt 12,14-15)
Suy niệm: Đầu tháng 6 vừa qua, các hoa hậu thế giới đến Quảng Nam và chia sẻ rằng, họ từng đi nhiều nước trên thế giới để làm việc từ thiện. Đối với họ, nét đẹp thể hình chỉ có ý nghĩa khi sóng đôi cùng nét đẹp tâm hồn. Bill Gates và các nhà tỉ phú bạn ông đã họp nhau bàn về việc làm từ thiện. Họ nói, việc từ thiện “mang lại hạnh phúc” cho họ. Hành động và ý hướng tốt lành của những người trên hướng về người nghèo được nhìn nhận như những “hạt giống Lời Chúa” mong được lớn lên trở thành phản ánh lòng yêu thương của Chúa Giêsu đối với người nghèo. Chúa Giêsu, dù đang bị người ta tìm giết, vẫn chữa lành cho những người bệnh tật đói nghèo. Vì sao? Không phải vì người nghèo tốt hơn người giàu và chẳng phải họ thánh thiện, còn người giàu thì không. Đơn giản, vì Chúa Giêsu yêu thương họ và sứ mạng của Ngài là đến loan báo tình yêu Thiên Chúa cho họ (Lc 4,18). Tất cả những ai muốn theo Chúa Giêsu đều được mời gọi sống như Ngài vậy.

5 phút cho Chúa _ lòng nhân


17/07/09                                                       THỨ SÁU TUẦN 15 TN
                                                                                   Mt 12,1-8
LÒNG NHÂN
“Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế.” (Mt 12,7)
Suy niệm: Nhạc sĩ Trịnh công Sơn có viết trong một bài hát của ông: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng.” Lòng ở đây là “lòng nhân,” ngụ ý đó là lòng của một con người đúng nghĩa là một con người, chứ không phải là “lòng chai dạ đá” hay tệ hơn nữa, “lòng lang dạ thú.” Làm người, cần có lòng nhân nghĩa, nhân từ, nhân hậu, nhân ái. Điều đó làm cho con người xứng đáng là “nhân linh ư vạn vật”, xứng danh là con cái Thiên Chúa. Tiếc thay, ta không nhận thấy “lòng nhân” đó nơi người Pharisêu trong bài Tin Mừng hôm nay, khi họ tìm cách bắt lỗi các môn đệ của Chúa về một việc nhỏ nhặt. Chúa Giêsu đã khéo léo sửa lỗi họ, đồng thời mời gọi họ hãy sống như Chúa là Đấng có lòng nhân ái bao la.

5 phút cho Chúa _ đạo nặng nề hay êm ái?


16/07/09                                                       THỨ NĂM TUẦN 15 TN
Đức Mẹ núi Carmel                                                       Mt 11,28-30
ĐẠO NẶNG NỀ HAY ÊM ÁI?
“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11,28)
Suy niệm: Nghe lời này của Chúa mà chỉ nhìn thấy, nói chung, Chúa có lòng tốt thôi thì chưa đủ. Và nếu “những ai vất vả mang gánh nặng nề” chỉ làm ta liên tưởng đến giới lao động nghèo thì e rằng vẫn còn thiếu sót và hời hợt lắm. Cần phải tự hỏi Đức Giêsu nhắm đến những ai khi Ngài nói “những ai vất vả mang gánh nặng nề,” thì ta mới mong rút ra được những ứng dụng thích đáng cho đời sống và sứ vụ của Giáo Hội. Căn cứ vào bối cảnh, các nhà chú giải đồng thanh giải thích rằng “gánh nặng nề” Chúa nói ở đây trước hết là gánh nặng tôn giáo, gánh nặng lề luật. Cũng vậy, khi Chúa nói “ách tôi êm ái, gánh tôi nhẹ nhàng,” thì Ngài muốn nói rằng luật của Ngài đưa ra là luật giải phóng chứ không đè bẹp người ta.

5 phút cho Chúa _ mạc khải cho người bé mọn


15/07/09                                                         THỨ TƯ TUẦN 15 TN
Th. Bonaventura, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh                   Mt 11,25-27
MẠC KHẢI CHO NGƯỜI BÉ MỌN
“… Vì Cha đã dấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn.” (Mt 11,25)
Suy niệm: Ai lại chẳng trải qua tuổi ấu thơ? Thế nhưng nơi trẻ nhỏ bạn thấy điều gì? Trước hết, các em bé bỏng, yếu ớt, đơn sơ, không tự vệ, không biết đi, không biết nói… bất lực. Chính vì biết mình bé nhỏ, yếu đuối, nghèo nàn, đơn sơ, mà các em biết sống tin tưởng, phó thác hoàn toàn trong vòng tay của cha mẹ. Chúa Giêsu dạy chúng ta phải có những đặc tính trẻ thơ đó trong mối tương quan với Thiên Chúa là Cha để trở nên người bé mọn ngõ hầu đón nhận mạc khải mầu nhiệm Nước Trời. Lòng tín cẩn đơn sơ, không tự phụ kiêu căng của những người bé mọn sẽ được Thiên Chúa yêu thương, chúc phúc và mạc khải cho biết về Thiên Chúa.

5 phút cho Chúa _ nguy cơ phá sản


14/07/09                                                         THỨ BA TUẦN 15 TN
Th. Camillô Lenli, linh mục                                              Mt 11,20-24
NGUY CƠ PHÁ SẢN
“Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din! Khốn cho ngươi, hỡi Bét-xai-đa! Vì nếu các phép lạ đã làm cho các ngươi mà được làm tại Tia và Si-đon, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro trên đầu tỏ lòng sám hối.” (Mt 11,21)
Suy niệm: Trong thời buổi kinh tế suy thoái toàn cầu, hàng loạt các công ty làm ăn lỗ lã, lâm cảnh nợ nần. Cả những “ông lớn” trong ngành sản xuất ô-tô của Mỹ như Chrysler, Delphi, GM cũng lần lượt tuyên bố phá sản. Về phương diện thiêng liêng, Chúa Giêsu cũng đã tuyên bố phá sản đối với Kho-ra-din, Bét-sai-đa và mấy thành phố nằm quanh bờ hồ. Quả thật, Chúa đã “đầu tư” vào những nơi đó thật nhiều lời giảng dạy và những phép lạ, nhưng kết quả là thua lỗ, bởi vì họ đã không đáp lại bằng việc tin và hoán cải cuộc sống.

5 phút cho Chúa _ cuộc chiến phải có


13/07/09                                                        THỨ HAI TUẦN 15 TN
Th. Henricô                                                              Mt 10,34-11,1
CUỘC CHIẾN PHẢI CÓ
“Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng đem gươm giáo.” (Mt 10,34)
Suy niệm: Chiến tranh theo nghĩa người với người dùng khí giới chém giết nhau là điều phi lý dã man, là thảm hoạ phải xa tránh. Nhưng cũng có những cuộc chiến bắt buộc để đem lại hạnh phúc tự do cho đồng loại. Quả thật những thứ như đói nghèo, dốt nát, đại dịch HIV/AIDS, lạm dụng tình dục trẻ em, bóc lột lao động, xúc phạm nhân quyền, làm ô nhiễm môi trường quả là những tên giặc mà nếu nó đến nhà “đàn bà cũng phải đánh.” Chúa Giêsu, vị sứ giả của hoà bình, mở ra mặt trận chống lại bất công, giả dối, coi khinh phẩm giá con người. Ngài không chấp nhận hoà bình giả tạo bằng cách nhượng bộ, thoả hiệp, im lặng trước cái ác, cái xấu đang lộng hành. Ngài công bố những đòi buộc triệt để của Nước Thiên Chúa bất chấp mọi chống đối. Với ý nghĩa này, Chúa Giêsu nói: Ta đến không để đem bình an, mà là đem gươm giáo.

5 phút cho Chúa _ yêu thương và tha thứ


THỨ BẢY TUẦN 15 TN                                                   MT 12,14-21
19/07/08
YÊU THƯƠNG VÀ THA THỨ
“Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi.” (Mt 12,20)
Suy niệm: Các bạn trẻ thời “a-còng” không lạ gì với từ “nickname” là tên gọi thường gắn cho một người dựa vào những đặc tính riêng của họ.”Nick” của Chúa Giêsu là Tình Yêu, như lời định nghĩa của thánh Gioan (1Ga 4,8) bởi vì trong suốt cuộc sống của Ngài, từ lúc hạ sinh cho đến cái chết tủi nhục trên thập giá, ở đâu, trong bất cứ hành động nào của Ngài cũng thấy thấm đẫm “Tình Yêu.” Trước khi tắt hơi thở cuối cùng, “Tình Yêu” vẫn tìm được lý do để yêu thương, để tha thứ cho những người làm hại mình: “Xin Cha tha cho chúng, vì chúng lầm chẳng biết việc chúng làm.” Cây lau bị giập, Ngài vẫn hy vọng sẽ có ngày hồi sinh; tim đèn leo lét, Ngài vẫn hy vọng sẽ có ngày bừng sáng.

5 phút cho Chúa _ có lòng nhân


THỨ SÁU TUẦN 15 TN                                                      MT 12,1-8
18/07/08
CÓ LÒNG NHÂN
“Nếu các ông hiểu được ý nghĩa câu này: ‘Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế,’ ắt các ông đã chẳng lên án người vô tội.” (Mt 12,7)
Suy niệm: Chà xát mấy hạt lúa con con trong tay thì bị người biệt phái kết án là phạm luật vì làm trong ngày Sabát. Còn Chúa Giêsu thì trưng dẫn việc các tư tế lấy bánh đã trưng hiến chỉ dành cho tư tế để đem cho những người phàm phu tục tử ăn. Điểm khác biệt trong hai cách ứng xử này chính là lòng nhân. Và đây mới thực sự là điều làm đẹp lòng Chúa. Người có lòng nhân không viện cớ giữ luật để mình được “vẹn toàn, vô phương trách cứ” mà làm ngơ trước sự khốn cùng, đau khổ của anh chị em. Người có lòng nhân không phán đoán hay lên án một cách cứng cỏi, nhẫn tâm, nhưng cư xử độ lượng khoan dung, và nhờ đó mở đường cho những người lầm lạc có thể hối cải, quay trở về đường ngay nẻo chính.

5 phút cho Chúa _ hiền từ và khiêm tốn


THỨ NĂM TUẦN 15 TN                                                  MT 11,28-30
17/07/08                                                                                   
HIỀN TỪ VÀ KHIÊM TỐN
“Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.” (Mt 11,29)
Suy niệm: Trong lãnh vực nhân bản, xã hội, tôn giáo, người hiền từ khiêm tốn luôn là mẫu người được kính nể. Tại Á Châu nói chung và ở Việt Nam nói riêng, hai đức tính hiền từ và khiêm tốn thường được kể như hương thơm đạo đức. Vì thế, truyền thống đạo đức ở nơi này luôn lưu tâm đến việc vun trồng chăm sóc những tấm lòng, những nhân cách, để họ có thể toát ra được thứ hương thơm đạo đức đặc biệt đó, hầu góp phần tạo nên một môi trường đằm thắm an vui cho gia đình và xã hội. Chúa Giêsu còn muốn chúng ta thấu rõ hơn nữa: hiền từ và khiêm tốn mang tính tu đức và truyền giáo cực kỳ quan trọng, nên Ngài muốn chúng ta hãy đến học với Ngài để trở thành người hiền từ khiêm tốn ở mức độ cao nhất.

5 phút cho Chúa _ bí mật nước trời


THỨ TƯ TUẦN 15 TN                                                    MT 11,25-27
16/07/08                                                         Đức Mẹ núi Cát Minh
BÍ MẬT NƯỚC TRỜI
“Vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này.” (Mt 11,25)
Suy niệm: Hai tiếng “bí mật” vừa thu hút vừa làm cho chúng ta sợ hãi. Thu hút, vì trí tò mò muốn được thỏa mãn; sợ hãi, vì có những chuyện tối ư quan trọng như xâm phạm “bí mật đời tư” là có nguy cơ ra toà, ngồi tù hay nếu lỡ dại làm tiết lộ “bí mật nhà nước” thì coi chừng mất mạng như chơi. Hôm nay, cách nào đó, chúng ta đang có chuyện với bí mật của Nước Trời, tức là còn quan trọng hơn… “bí mật quốc gia” nhiều. Nhưng cách hành xử của Thiên Chúa lại làm cho chúng ta thật ngạc nhiên. Hãy thử gợi lên những lý do Chúa Con ngợi khen Chúa Cha trong đoạn Tin Mừng. Thứ nhất, Chúa đã không cất giấu “bí mật đời tư” của Thiên Chúa cũng không giữ kín “bí mật Nước Trời” từ đời đời. Thứ hai, người biết bí mật chẳng những không phải đối mặt với nguy hiểm, nhưng lại được sống muôn đời. Thứ ba, ai biết bí mật đều được khuyến khích chia sẻ cho mọi người khác. Điều kiện duy nhất được đặt ra: ai muốn được tiết lộ, được vén màn bí mật -tức lãnh nhận mạc khải- cần phải trở nên bé mọn. Những ai tự cho mình là nhân vật quan trọng, thông thái… xin đứng ngoài.

5 phút cho Chúa _ mau mắn như dân Xiđôn xưa


THỨ BA TUẦN 15 TN                                                    MT 11,20-24
15/07/08                                     Th. Bonaventura, gm, ts Hội Thánh
MAU MẮN NHƯ DÂN XI-ĐÔN XƯA
“Khốn cho ngươi, hỡi Khô-ra-din! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đôn, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu mà tỏ lòng sám hối.” (Mt 11,21)
Suy niệm: Dù lạc quan đến mấy, khó có ai phủ nhận sự xuống cấp trong lãnh vực giáo dục nước nhà cùng với tệ trạng trong giới thanh thiếu niên trong những tháng gần đây: thiếu niên bỏ học, “ghiền game” (trò chơi vi tính), gây rối, và nhiều tệ nạn khác. Điều đáng quan ngại là ngay trong các xứ đạo, nơi không thiếu những điều kiện tốt để giáo hoá: thánh lễ và các bí tích, giáo lý và lời giảng dạy, những tệ nạn ấy cũng trở nên khá phổ biến. Phải chăng chúng mình cũng đang giống như dân Khô-ra-din và Bết-sai-đa xưa? Phải chăng hôm nay Chúa Giêsu cũng đang lặp lại cho chúng mình: Nếu là các ngươi hôm nay, dân Tia và Xi-đôn đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối đấy?

5 phút cho Chúa _ mất và được


THỨ HAI TUẦN 15 TN                                                 MT 10,34-11,1
14/07/08                                                          Th. Camilô Lenli, lm
MẤT VÀ ĐƯỢC
“Ai giữ mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.” (Mt 10,39)
Suy niệm: Một loạt “chỉ thị” (11,1) quyết liệt cho các môn đệ! Chúa không “nuông cưng” mà trái lại đòi hỏi họ khi bước theo Ngài phải từ bỏ bản thân, gia đình, vác thập giá mà đi, thậm chí dám hy sinh cả mạng sống vì Thầy. Trong viễn tượng đức tin, sự từ bỏ đó không phải là mất, mà là được. Nếu trong cuộc sống đời thường, người ta đã dám hy sinh cái lợi nhỏ trước mắt để được mối lợi lớn hơn và lâu dài, thì trong đời sống tôn giáo cũng vậy, như phát biểu của thánh Phaolô: “Tôi coi mọi sự là rác, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô và được thuộc về Người” (Pl 3,8). Từ bỏ trở thành qui luật tiên quyết và tối hậu trong Kitô giáo.

5 phút cho Chúa _ Người là ai?


Thứ Bảy 21/7/07
NGƯỜI LÀ AI?
“Đây là người Tôi Trung Ta tuyển chọn, đây là người Ta yêu dấu, Ta hài lòng về Người.” (Mt 12,14-21)
Suy niệm: Cha Bernard Haring, trong quyển Giáo Hội Cần Loại Linh Mục Nào? (Priesthood Imperiled…), đã trình bày rất hay về Phép Rửa của Đức Giêsu như một định hướng cho toàn bộ sứ vụ của Người. Bốn “Bài Ca Của Người Tôi Tớ” là chương trình sống và hoạt động của Đức Giêsu, Đấng trở thành “một người trong chúng ta.” Người xoá mình, chìm khuất giữa người ta, không ồn ào, không cố gây ấn tượng, nên người ta không dễ gì nhận ra Người. Chính nhờ xoá mình và nên “một trong chúng ta” như vậy, Người đã có thể đồng hành, đồng cảm, chia sẻ và cứu chữa chúng ta là những ‘cây lau bị giập’, những ‘tim đèn leo lét’. Chính trong cung cách sứ mạng đó, Đức Giêsu được thấy rõ là người Tôi Trung, người được Thiên Chúa yêu dấu.

5 phút cho Chúa _ thiên luật hay nhân luật


Thứ Sáu 20/7/07
T.Apôlinarê
THIÊN LUẬT HAY NHÂN LUẬT
“Vào ngày Sabat, Đức Giêsu đi băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ thấy đói và bắt đầu bứt lúa ăn. Những người Pharisiêu thấy vậy mới nói với Đức Giêsu: “Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm trong ngày sa-bát.”(Mt 12,1-8)
Suy niệm: Bỏ lễ Chúa Nhật vì bệnh, đọc kinh lỡ ngủ gật, dự lễ lỡ lo ra thì lại sợ tội; trong khi đó buôn gian bán lận, ích kỷ, tham lam, đố kỵ, nói hành nói xấu người khác thì vẫn cảm thấy … bình thường! Rồi những tội ác tày trời như phá thai, trợ tử... được nhiều quốc gia xem là việc làm hợp pháp! Thế mới thấy luật lệ của con người không phải luôn luôn phản ảnh ý muốn của Thiên Chúa. Người ta hay bị cám dỗ lấy cái chính làm phụ, lấy cái phụ làm chính, hoặc chỉ nhìn thấy điều ‘lợi’ cục bộ nhất thời, mà không lường trước những tai hại to lớn về dài về lâu, nhất là không thấy cái phi luân tự nền tảng. Ngày xưa, nguyên tổ đã muốn tự quyết định vận mệnh của mình mà không cần Thiên Chúa. Ngày nay, theo đà khoa học tiến bộ, tham vọng ấy vẫn được theo đuổi một cách điên rồ, ngay cả khi đã xảy ra những dấu hiệu ‘gậy ông đập lưng ông’. Người Kitô hữu hôm nay bị thách đố phải sống vai trò ngôn sứ một cách khẩn thiết và triệt để hơn bao giờ. Nhân đạo không ở ngoài thiên đạo, nhưng nhân luật không phải bao giờ cũng là thiên luật.